TÌM HIỂU GIÁO
NGHĨA CỦA TỊNH ĐỘ CHÂN TÔNG NHẬT BẢN
Cs. Định Huệ (dịch)
Hệ thống giáo nghĩa Chân
Tông được kiến lập qua tác phẩm chủ yếu của ngài Thân Loan (1173-1262) là Giáo
Hành Tín Chứng (Đại Chánh Tạng tập 83). Các trứ tác sau này của Ngài chỉ là bổ
sung và phát triển quan điểm này từ các phương diện khác. Sau đây chúng tôi xin
giới thiệu kết cấu toàn thể hệ thống giáo nghĩa Chân Tông và các đặc điểm của
nó.
A.
Kết cấu toàn thể của giáo nghĩa Chân Tông : Giáo, Hành, Tín, Chứng :
Tịnh
Độ Chân Tông vốn là Tịnh Độ giáo đối ứng với “Các giáo thuộc Thánh đạo”, thật
ra là chỉ cho Tịnh Độ Tông của ngài Nguyên Không (1133-1212). Về sau nó được
dùng chỉ riêng cho tông phái Tịnh Độ do ngài Thân Loan sáng lập. Tịnh Độ Chân
Tông Nhật Bản thường được gọi tắt là Chân Tông, nhân vì đề xướng “Chỉ nhất
hướng chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ”, trên lịch sử cũng đã từng được gọi là
Nhất Hướng Tông. Do vì ngài Thân Loan gọi tín đồ là “Ngự môn đồ chúng” nên cũng
gọi là Môn Đồ Tông. Đến thời cận đại (1872) mới chính thức gọi là Tịnh Độ Chân
Tông.
Trong
tác phẩm “Giáo Hành Tín Chứng”, ngài Thân Loan từ bốn phương diện Giáo, Hành,
Tín, Chứng đã kiến lập hệ thống giáo nghĩa của Tịnh Độ Chân Tông.
- Giáo tức là giáo pháp,
thực ra là chỉ kinh điển chủ yếu dùng để y cứ, cho rằng chỉ có Kinh Vô Lượng
Thọ (gọi tắt là Đại Kinh) mới là giáo chân thật của Phật, nghĩa là: “Đức Phật
Thích-ca xuất hiện ở thế gian tuyên dương giáo pháp cứu vớt quần sanh, là tông
thú của kinh, tức là lấy danh hiệu Phật làm tông chỉ của kinh” (quyển 1). “Bản
nguyện Như Lai” nói ở đây tức là nguyện thứ 18 trong 48 lời nguyện của Phật
A-di-đà trước khi thành Phật. Nguyện thứ 18: “Nếu tôi thành Phật, chúng sanh ở
khắp mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi, thậm chí mười niệm, nếu
chẳng được sanh thì tôi không thành Chánh giác”. Nguyện này được gọi tắt là
“Nguyện niệm Phật vãng sanh”. Trong tác phẩm TUYỂN TRẠCH BẢN NGUYỆN NIỆM PHẬT
TẬP, ngài Nguyên Không luận chứng nguyện này là “Vãng sanh bản nguyện”. Nói
“Niệm Phật” tức là niệm danh hiệu “Nam mô A-di-đà Phật”. Ngài Thân Loan cho đây
là tông chỉ của kinh này.
Ngài
Không Nguyên lấy “ba kinh, một luận”(1) làm
kinh điển y cứ chính. Ngài Thân Loan tuy kế thừa quan điểm “Niệm Phật vãng sanh
bản nguyện” của ngài Nguyên Không đối với Di-đà, nhưng chỉ lấy Kinh Vô Lượng
Thọ làm kinh điển y cứ chính, ở dưới tên kinh này đặc biệt ghi chú “Giáo pháp
chân thật, Tịnh Độ Chân Tông”.
- Hành
tức là tu hành, thực ra là chỉ cho nội dung tu hành, tức xưng niệm danh hiệu
“Nam mô A-di-đà Phật”. Ngài Thân Loan nói: “Xưng danh hiệu Vô Ngại Quang Như
Lai (tức A-di-đà Phật). Hạnh này nhiếp hết thảy các thiện pháp, đủ các cội gốc
công đức, rất mau viên mãn công đức nhất thật chân như quý báu mênh
mông như biển cả, nên gọi là đại hạnh” (quyển 2). Xưng danh niệm Phật là căn cứ
vào điều nguyện thứ 17 trong Kinh Vô Lượng Thọ: “Lúc tôi thành Phật, vô lượng
chư Phật ở thế giới khắp mười phương nếu chẳng ngợi khen danh hiệu của tôi thì
tôi không ở ngôi Chánh giác”. Ngài Thân Loan gọi nguyện này là “nguyện chư Phật
xưng dương”, “nguyện chư Phật ngợi khen”, “nguyện tuyển trạch xưng danh”.
Chúng
sanh niệm danh hiệu Phật có thể đoạn trừ tất cả vô minh và sanh tử phiền não,
thỏa mãn tất cả nguyện vọng. “Xưng danh là chánh nghiệp tối thắng tối diệu.
Chánh nghiệp đó là niệm Phật”, “Một niệm tức là một tiếng, một tiếng tức là một
niệm, một niệm tức là một hạnh, một hạnh tức là chánh hạnh, chánh hạnh tức là
chánh nghiệp, chánh nghiệp tức là chánh niệm, chánh niệm tức là niệm Phật, là
Nam mô A-di-đà Phật” (quyển 2). Đây là lấy miệng xưng cùng
tâm niệm đồng thời khởi, dù chỉ trong tâm tưởng đến danh hiệu Di-đà cũng
kể là niệm Phật.
Trong
TỊNH ĐỘ VĂN LOẠI TỤ SAO giảng càng rõ hơn: “Một tiếng tức là xưng niệm, xưng
niệm tức là ức niệm, ức niệm tức là chánh niệm, chánh niệm tức là chánh
nghiệp”. Do Phật A-di-đà có bản nguyện nhiếp thủ tất cả chúng sanh niệm Phật
vãng sanh Tịnh độ Cực Lạc, cho nên “Thánh nhân lớn nhỏ, người ác nặng nhẹ” đều
có thể nhờ “sức bản nguyện” của Phật mà thông qua niệm Phật vãng sanh Tịnh độ,
“niệm Phật thành Phật”. Ngài nói: “Tha lực là nguyện lực của Như Lai” (quyển
2).
Tự
giải tự ngộ, tự tu công đức đều là “tự lực”, Ngài cho rằng thời đại mạt pháp
phải nhờ vào tha lực của Phật Di-đà mới có thể vãng sanh giải thoát. Điều này
tuy là chủ trương nhất quán của Tịnh Độ giáo, nhưng ngài Thân Loan càng nhấn
mạnh đến tín tâm tuyệt đối vào tha lực của bản nguyện A-di-đà. Trên cơ sở đầy
đủ tín tâm này lại tu chánh niệm, chánh hạnh niệm Phật thì nhất định được vãng
sanh, thành Phật, đó là “chóng đến cõi nước quang minh vô lượng, chứng đại bát
niết-bàn” (quyển 2).
- Tín là chỉ cho tín tâm
tuyệt đối với điều nguyện thứ 18 (Vãng sanh bản nguyện) của Phật A-di-đà trong
Kinh Vô Lượng Thọ. Điều nguyện này của Phật A-di-đà là “Tuyển trạch bản
nguyện”, cũng gọi là “nguyện chí tâm tín nhạo”, “nguyện vãng tướng tín tâm”,
đây là một điều nguyện quan trọng nhất trong 48 lời nguyện của Phật A-di-đà.
Tin Phật một cách chí thành vô hạn, vui mừng phát nguyện sanh về
Tịnh độ Cực Lạc ở Tây Phương, tín tâm này tương thông với bản nguyện của Phật
A-di-đà, nhờ đó có thể nhờ vào tha lực của Phật mà vãng sanh Tịnh độ, chứng đại
niết-bàn. Vì thế, gọi tín tâm này là “đại tín tâm”, là “phương thuốc trường
sinh bất lão”, là “nghệ thuật xảo diệu hân tịnh yếm uế”, là “trực tâm tuyển
trạch hồi hướng”, là “tín nhạo lợi tha sâu rộng”, là “chân tâm kim cương bất
hoại”, là “tịnh tín dễ vãng sanh mà không có người tu”…, là “con đường tắt thế
gian khó tin”, là “nhân chân chánh chứng đại bát niết-bàn” (quyển 3).
Về
quan hệ Tín và Hành, Ngài nói: “Tín tâm chân thật ắt có đủ danh hiệu, danh hiệu
chưa chắc có đủ tín tâm vào nguyện lực” (quyển 3), ý nói có tín tâm đối với
Tịnh độ và nguyện lực của Phật A-di-đà thì cũng là có đủ hạnh xưng niệm danh
hiệu A-di-đà. Nhưng chỉ niệm danh hiệu, không nhất định là có tín tâm này. Vả
lại, tu hạnh xưng danh niệm Phật chỉ là một cách sinh ra tín tâm, thông qua
xưng niệm danh hiệu có thể sanh ra tín tâm tuyệt đối đối với nguyện lực của
Phật A-di-đà.
Ngài
Thân Loan dẫn Kinh Vô Lượng Thọ: “Các chúng sanh nghe danh hiệu Phật A-di-đà
tín tâm hoan hỷ”. Giải thích: “Chúng sanh nghe bản nguyện của Phật sanh khởi
lòng tin trước sau không nghi, ấy gọi là nghe. Tín tâm nghĩa là tín tâm hồi
hướng bản nguyện lực” (quyển 3). Đây là do nghe nói đến nguyên nhân Phật
A-di-đà phát nguyện thì sẽ tin sâu chẳng nghi đối với “bản nguyện lực” của Phật
A-di-đà, nhờ đó mà có đủ tín tâm đối với tha lực Di-đà. Ngài cho rằng cái nhân
vãng sanh Tịnh độ không phải là hạnh xưng niệm danh hiệu Phật mà chính là tín
tâm, là tín cho nên nói: “Tín tâm là không hai tâm, nên nói là nhất niệm, cũng
gọi là nhất tâm, nhất tâm là nhân chân thật của báo độ thanh tịnh”.
Một
niệm vãng sanh tức là chuyên tâm. Chuyên
tâm tức là thâm tâm. Thâm tâm tức là thâm tín. Thâm tín tức là kiên cố thâm
tín. Kiên cố thâm tín tức là quyết định tâm. Quyết định tâm tức là vô thượng
tâm. Vô thượng tâm tức là chân tâm. Chân tâm tức là tương tục tâm. Tương tục
tâm tức là thuần tâm. Thuần tâm tức là ức niệm. Ức niệm tức là chân thật nhất
tâm. Chân thật nhất tâm tức là đại khánh hỷ tâm. Đại khánh hỷ tâm tức là chân
thật tín tâm. Chân thật tín tâm tức là kim cương tâm. Kim cương tâm tức là tâm
nguyện làm Phật. Tâm nguyện làm Phật tức là tâm độ chúng sanh. Tâm độ chúng
sanh tức là tâm nhiếp thủ chúng sanh sanh về Tịnh độ An Lạc. Tâm này tức tâm
đại Bồ-đề. Tâm này là tâm đại từ bi. Tâm này do trí huệ quang minh vô lượng
sanh, cho nên nguyện hải bình đẳng. Nguyện hải bình đẳng nên phát tâm bình
đẳng. Phát tâm bình đẳng nên đạo bình đẳng. Đạo bình đẳng nên đại từ bi bình
đẳng. Đại từ bi bình đẳng là chánh nhân thành Phật” (quyển 3).
Một niệm muốn vãng sanh Tịnh độ Di-đà chính là “chân thật
tín tâm” của sự vãng sanh, chính là “tâm nguyện làm Phật”…, là “chánh nhân
thành Phật”. Một niệm có tính quyết định tức là “nhất niệm tịnh tín”, là nguyên
nhân căn bản của sự vãng sanh và thành Phật. Về sau, trong nội bộ Chân Tông gọi
đó là “tín tâm là gốc”.
Ngài Thân Loan còn chủ trương, sau khi một người đã xây
dựng được tín tâm đối với nguyện lực Di-đà vẫn phải xưng niệm danh hiệu Di-đà.
Sự xưng niệm này tuy chẳng phải là chánh nhân đưa đến vãng sanh Tịnh Độ, nhưng
là biểu thị sự báo đáp ân Phật, nên Ngài nói: “Cần phải thường xuyên
xưng niệm danh hiệu Như Lai để báo đáp ân từ bi hoằng thệ của Phật A-di-đà”
(quyển 2).
- Chứng tức là kết quả tu hành, là cảnh giới đạt đến.
Ngài nói, bất cứ người nào “không phân biệt sang hèn, tăng tục, nam nữ, già
trẻ, không luận tạo tội nhiều ít, tu hành bao lâu” (quyển 3), chỉ cần có đủ tín
tâm tuyệt đối với Tịnh độ và nguyện lực của Phật A-di-đà, sau khi
chết liền được “nhập vào hàng ngũ Đại thừa chánh định tụ (tức là đạt đến địa vị
Bất thoái chuyển của Bồ-tát). Vì trụ chánh định tụ ắt đến diệt độ. Ắt đến diệt
độ tức là thường lạc. Thường lạc tức là tất cánh tịch diệt. Tịch diệt tức vô
thượng niết-bàn. Vô thượng niết-bàn tức pháp thân vô vi (quyển 4).
Tịnh độ An Lạc là “Vô lượng quang minh độ”, “chân báo Phật độ” (quyển 5). Vãng
sanh Tịnh Độ tức là đạt đến triệt để giải thoát thành Phật. Ngài Thân Loan minh
xác chủ trương vãng sanh tức là thành Phật.
Ngài Thân Loan cho rằng Kinh Quán Vô Lượng Thọ (Quán
Kinh, Ngài gọi là “Yếu môn”) và Kinh A-di-đà (Tiểu Kinh, Ngài gọi là “Chân
môn”) đều là Tịnh Độ giáo thuộc “phương tiện”, “tự lực giả môn”. Chỉ có Kinh Vô
Lượng Thọ mới là giáo chân thật tuyên thuyết bản nguyện tha lực Di-đà. Nhưng
Ngài lại nói: “Ba kinh đều do Đức Phật Thích-ca tự thuyết”, “đều lấy kim cương
tâm, chân tâm làm trọng yếu. Chân tâm tức là đại tín tâm”, “đại cương của ba
kinh này tuy có nghĩa hiển bày và nghĩa ẩn mật, nhưng cũng đều nói tín tâm là
động cơ thể nhập” (quyển 6). Ba kinh đều nhất trí khuyên chúng sanh niệm Phật
và đều dạy dùng tín tâm để vãng sanh Tịnh độ. Vì thế dù đối với Quán Kinh hay
Tiểu Kinh cũng cần phải thấu qua văn tự mà nhận thức chân ý ẩn tàng trong đó để
kiến lập tín tâm tuyệt đối với nguyện lực Di-đà.
Năm 1255, ngài Thân Loan, sau khi trở về kinh đô, trứ tác
Ngu Ngốc Sao 2 quyển, Trong tác phẩm này, Ngài đề xuất lý luận phán giáo của
mình, tức là phân loại bình luận toàn bộ Phật pháp. Ngài đem Phật pháp chia
thành hai giáo: Đại thừa và Tiểu thừa. Lại chia Đại thừa làm Nan hành đạo (tức
là tự lực Thánh đạo môn) và Dị hành đạo (tức là tha lực Tịnh độ môn). Tự lực
Thánh đạo môn được chia làm Tiệm giáo và Đốn giáo, Ngài lại dùng các từ vựng
“Thụ”, “Hoành”, “Thụ xuất”, Thụ siêu”, “Hoành xuất”, “Hoành siêu” để tiến hành
bình luận về toàn bộ Phật pháp.
- Thụ là chỉ cho trình tự tu hành trước sau cạn sâu.
- Hoành là không có trình tự thứ lớp.
- Xuất là xuất ly tam giới đạt đến giải thoát.
- Siêu là đạt ngay đến cảnh giới giác ngộ tối cao.
Ngài Thân Loan dùng “Thụ” đại biểu cho Thánh đạo môn,
dùng “Hoành” đại biểu cho Tịnh Độ môn.
“Thụ xuất” là chỉ cho tiệm giáo trong Thánh đạo môn như
Pháp Tướng tông … chủ trương “quyền giáo” phải trải qua nhiều kiếp tu hành.
“Thụ siêu” là chỉ cho đốn giáo trong Thánh đạo môn như
Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Thiền tông … chủ trương “thật giáo” ngay nơi
thân này là Phật, ngay thân này thành Phật.
“Hoành xuất” là “tự lực phương tiện giả môn” trong tha
lực Tịnh Độ môn, chỉ cho giáo pháp nói phải tu thiện công đức và chín phẩm vãng
sanh trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ.
“Hoành siêu” là giáo pháp chân thật của “tuyển trạch bản
nguyện” trong tha lực Tịnh Độ môn, tức là giáo pháp nói về vãng sanh báo độ
trong Kinh Vô Lượng Thọ.
“Hoành xuất” là tiệm giáo trong Tịnh Độ môn. “Hoành siêu”
là đốn giáo trong Tịnh Độ môn. Sự phán giáo này đề cao địa vị Kinh Vô Lượng Thọ
và luận thuyết của Ngài Thân Loan về tín tâm tuyệt đối đối với tha lực Di-đà là
giáo thuyết căn bản của việc vãng sanh thành Phật.
B. Tín tâm là gốc và vãng sanh thành Phật siêu việt thiện
ác:
Lý luận thiện ác báo ứng rất phổ biến trong truyền thống
Phật giáo, cũng như giáo nghĩa có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian. Theo lý
luận này, người hành thiện tích đức đời sau sẽ được báo ứng tốt đẹp (sanh lên
trời hoặc sanh vào nhà giàu sang ở nhân gian), kẻ làm ác tạo tội bị báo ứng xấu
(sanh làm súc sanh hoặc đọa địa ngục…). Trong điều kiện lịch sử đương thời, lý
luận này kết hợp với luân lý của xã hội đưa đến tác dụng thưởng thiện phạt ác.
Tại nội bộ Phật giáo, lý luận thiện ác báo ứng là giáo nghĩa thuộc tầng bậc
thấp hướng đến số đông tín đồ bình dân. Ngoài ra, mỗi tông phái Tiểu thừa hoặc
Đại thừa còn có một hệ thống giáo nghĩa tu hành giải thoát mang tính triết học
tư biện ở tầng bậc sâu hơn. Tịnh Độ tông đem các giáo phái và giáo nghĩa của
Phật giáo trước đó gọi chung là Thánh đạo môn “tự lực”, “nan hành”, đề cao vai
trò của “chuyên tu niệm Phật” vãng sanh Tịnh độ (giải thoát). Điều này tuy phủ
định đối với các luận điểm sự tu hành giải thoát của Phật giáo trước kia và
thiện ác báo ứng, nhưng vẫn chủ trương niệm Phật tiêu tội như đã nói: “Xưng
niệm một tiếng Phật liền trừ năm trăm vạn kiếp tội”. Tịnh Độ Chân Tông lại tiến
thêm một bước cho rằng vãng sanh (tức thành Phật) không có quan hệ gì đến hành
vi thiện ác, mà do tín tâm đối với nguyện lực Di-đà quyết định, nên cho rằng
niệm Phật tiêu tội thuộc về “tự lực” và phủ định nó.
Tư tưởng của Thân Loan cho rằng tín tâm tuyệt đối đối với
bản nguyện Di-đà là “nội nhân”, là “chân nhân”, là “chánh nhân” vãng sanh thành
Phật. Vãng sanh thành Phật đã do tín tâm quyết định vậy thì không quan hệ gì
đến thiện ác của cá nhân.
Ngài Thân Loan nói: “Bản nguyện Di-đà không phân biệt
người già, trẻ, kẻ thiện, ác. Phải biết tín tâm là cội gốc. Mục đích của bản
nguyện Di-đà là cứu vớt chúng sanh tội ác sâu nặng, phiền não lẫy lừng. Nếu như
tin bản nguyện Phật thì không cần thiện hạnh khác. Không có thiện hạnh nào hơn
niệm Phật. Chẳng cần sợ ác hạnh, vì nó không ngăn ngại được bản nguyện Di-đà,
làm trở ngại chúng sanh ác hạnh vãng sanh” (THÁN DỊ SAO). “Người phát được nhất
niệm hỷ ái tâm (tức là tâm niệm nguyện vãng sanh Tịnh độ) chẳng đoạn phiền não mà đắc niết-bàn”. (GIÁO HÀNH TÍN
CHỨNG, quyển 2). “Bất
luận người chết dù thiện hay ác, hễ có tín tâm quyết định thì người ấy ắt trụ
chánh định tụ” (nghĩa là trụ Bất thoái chuyển, ngài Thân Loan giải là “tương
đương với Phật vị”) (MẠT ĐĂNG SAO).
Ngài Thân Loan chủ trương tín tâm vãng sanh, nói cho cùng
cũng là do Di-đà ban cho, vì tương thông với bản nguyện Di-đà nên có sức bất tư
nghì. Người có đủ tín tâm này, sau khi chết thần thức có thể “hoành siêu ngũ
thú, bát nạn”, “tức thì nhập vào hàng ngũ Đại thừa chánh định tụ”, tức là vãng
sanh thành Phật. Tín tâm này cũng một loại với bản nguyện Di-đà đã siêu việt
thiện ác, chính tà của xã hội thế gian. Niệm Phật được xây dựng trên cơ sở tín
tâm này là “phi thiện, phi ác, phi đốn, phi tiệm, phi định, phi tán, phi chánh
quán, phi tà quán, phi hữu niệm, phi vô niệm, phi bình thường, phi lâm chung,
phi đa niệm, phi nhất niệm, chỉ là niềm tin chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể
lường, chẳng thể nói”. (GIÁO HÀNH TÍN CHỨNG, quyển 3). “Niệm Phật lấy vô nghĩa
làm nghĩa, chẳng thể lường, chẳng thể nói, chẳng thể nghĩ bàn” (THÁN DỊ SAO).
Ngài Thân Loan có lúc gọi pháp Niệm Phật vãng sanh tin
tuyệt đối vào tha lực này là “tự nhiên pháp nhĩ” (MẠT ĐĂNG SAO). Mục đích của
giáo thuyết này là để củng cố vững vàng lòng tin của chúng ta đối với Phật
A-di-đà cùng bản nguyện Tịnh độ của Ngài, mà không cần phải lo nghĩ đến dĩ vãng
của mình và các hành vi thiện ác từ nay về sau. Ngài Thân Loan thậm chí còn
nói: “Hành giả có đủ tín tâm thì thiên thần địa kỳ kính phục, ma giới ngoại đạo
chẳng thể chướng ngại, tuy có tội ác cũng chẳng thể thọ nghiệp báo”, “dẫu giết
vạn người cũng có thể vãng sanh” (THÁN DỊ SAO). Cho rằng hành vi thiện ác là do
nghiệp đời trước quyết định, làm thiện không trợ giúp cho việc vãng sanh, làm
ác cũng không chướng ngại vãng sanh. Theo các tài liệu để lại([1]) có
một số tín đồ căn cứ vào lời nói này rồi “chuyên ỷ lại bản nguyện”, tuyên
truyền “tạo ác vô ngại”. Ngài Thân Loan phản đối bọn người này, và Ngài nói,
làm ác sẽ làm chướng ngại người khác niệm Phật, sẽ bị luật pháp của Nhà Nước
trừng trị và người đời phản đối, còn đối với Chân Tông thì “như trùng trên thân
sư tử trở lại ăn thịt sư tử”.
Ngài Thân Loan chú trọng vào tín ngưỡng tuyệt đối với tha
lực bản nguyện Di-đà, nên xếp pháp tu “niệm Phật tiêu tội” vào loại tu hành “tự
lực”, cũng là biểu thị sự phản đối của Thân Loan đối với quan điểm “niệm một
tiếng Phật tiêu tán mười ức kiếp tội nặng”. Ngài cho rằng quan điểm này không
làm cho chúng ta kiến lập được tín tâm vãng sanh, nên vẫn thuộc về tin “tâm của
tự lực”, chứ “chẳng phải tín tâm của tha lực”. Ngài nói nếu như tin ở bản
nguyện “nhiếp thủ chẳng bỏ” của Di-đà, thì dù cho “phạm nhiều tội nghiệp lúc
lâm chung không niệm Phật cũng có thể cấp tốc vãng sanh”. Ngài còn
nói, người đã có tín tâm đối với bản nguyện Di-đà “một đời niệm Phật chỉ vì báo
ân Như Lai, cảm tạ ân đức Như Lai”. Từ quan điểm này, chúng ta có thể thấy sự
khác biệt của Chân Tông và Tịnh Độ Tông của ngài Nguyên Không chủ trương “niệm
Phật càng nhiều càng tốt”.
C. Kẻ ác là đối tượng chánh của pháp môn này:
Không
luận là Tịnh Độ tông Trung Quốc hay Nhật Bản đều nhấn mạnh “kẻ ác” có thể thông
qua niệm Phật mà sau khi chết vãng sanh Tịnh độ. Trong giáo thuyết của Phật
giáo có thập thiện tương đương với các nguyên tắc luân lý thế gian, đó là
“chẳng sát sanh, chẳng tà dâm, chẳng trộm cắp, chẳng nói dối, chẳng nói lời
chia rẽ, chẳng nói lời thô ác chửi rủa, chẳng nói lời ngọt ngào dụ dỗ người
khác, chẳng tham dục, chẳng giận hờn, chẳng tà kiến” (không tin nhân quả và các
lời Phật dạy khác), trái ngược với mười điều vừa kể trên là thập ác. Người nào
làm thập thiện được gọi là “người thiện”, kẻ nào vi phạm bị gọi là “kẻ ác”. Mức
độ vi phạm thập thiện bất đồng nên mức độ làm ác của kẻ ác cũng khác, tội ác
nặng nhất là kẻ ác phạm tội “ngũ nghịch”, tức là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán,
hại Phật, phá hoại Tăng đoàn. Kẻ mà Tịnh Độ tông gọi là “phàm phu tội ác sinh
tử”, “nhất thiết phàm phu tạo tội” là chỉ chung cho kẻ phạm tội thập ác, ngũ
nghịch, cũng gọi là “kẻ ác”. Cũng có lúc gọi riêng kẻ phạm tội ngũ nghịch là
“người mang tội nặng ngũ nghịch”, “kẻ cực ác thấp hèn nhất”.
Tịnh
Độ tông chủ trương tất cả kẻ ác phạm tội nặng nhẹ đều có thể thông qua niệm
Phật mà diệt tội vãng sanh Tịnh độ (Xem TUYỂN TRẠCH BẢN NGUYỆN NIỆM PHẬT TẬP).
Tịnh Độ tông nói “kẻ ác”, “phàm phu tội ác” thực tế là chỉ cho những hạng người
trong các tầng lớp xã hội như nông dân, ngư dân, thợ săn, võ sĩ cho đến cả giai
cấp thống trị. Những hạng người này là đối tượng của Tịnh Độ tông.
So
với Tịnh Độ tông, Tịnh Độ Chân Tông càng xem trọng truyền giáo trong quảng đại
quần chúng ở hạ tầng, lấy tất cả “phàm phu”, “kẻ ác” làm đối tượng tranh thủ.
Về phương diện này, thuyết “ác nhân chánh cơ” của Thân Loan rất đặc sắc. Trong
THÁN DỊ SAO, ngài Thân Loan nói: “Người thiện còn có thể vãng sanh hà huống kẻ
ác!” Nhưng người đời thường nói: Kẻ ác còn có thể vãng sanh hà huống người
thiện. Lời nói này tuy thấy dường như hữu lý, nhưng ý thì trái với tha lực bản
nguyện. Bởi vì người tự lực làm thiện, không có tâm nương nhờ vào tha lực,
chẳng phải được nguyện lực Di-đà nhiếp thủ, nhưng nếu như đột nhiên người ấy
hiểu ra và bỏ tâm tự lực mà nương nhờ vào tha lực bản nguyện Di-đà thì chắc
chắn vãng sanh về báo độ chân thật. Chúng ta có đủ thứ phiền não, tu hành cỡ
nào cũng đều chẳng thể thoát ly sanh tử. Di-đà xót thương, bản ý phát nguyện
rộng lớn của Ngài chính vì khiến kẻ ác thành Phật. Như vậy, kẻ ác tin tưởng dựa
vào tha lực vốn là chánh nhân vãng sanh, cho nên nói “người thiện còn có thể
vãng sanh hà huống kẻ ác”.
Trong
KHẨU TRUYỀN SAO quyển hạ của Giáo Như (1270-1351) có dẫn lời của Như Tín
(1239-1300) giải thích câu: “người thiện còn có thể vãng sanh hà huống kẻ ác”
như sau:
“Phàm
phu ác là chánh, phàm phu thiện là phụ. Phàm phu thiện thuộc đối tượng phụ còn
có thể vãng sanh thì phàm phu ác thuộc đối tượng chánh há chẳng thể vãng sanh
ư? Cho nên nói: Người thiện còn có thể vãng sanh hà huống kẻ ác”.
Những
điều trích dẫn trên có mấy tầng ý nghĩa như sau:
1. Chân
Tông chủ trương “tín tâm là gốc”, hễ có tín tâm đối với tha lực bản nguyện
Di-đà tất nhiên có thể vãng sanh thành Phật, bất luận là người có tín tâm ấy là
người thiện hay kẻ ác.
2. Người
thiện do vì tự ỷ lại hành thiện, chứa nhóm công đức, cho rằng có thể dựa vào
chính mình tu hành đạt đến giải thoát mà chẳng tin vào bản nguyện tha lực Di-đà
(không có tâm nương nhờ tha lực), nên chẳng phải là đối tượng của Phật Di-đà
phát nguyện cứu độ. Nếu như người ấy thay đổi, trở lại tin tha lực bản nguyện
Di-đà thì cũng có thể vãng sanh thành Phật.
3. Kẻ
ác không thể dựa vào tự lực tu hành đạt đến giải thoát, duy có lòng tin chân thật
và nương nhờ vào tha lực bản nguyện Di-đà, kẻ ấy mới có thể giải thoát, vì thế
nên kẻ ác mới là đối tượng mà Phật Di-đà phát nguyện cần phải cứu độ.
4. Do
vì kẻ ác là đối tượng chính của việc vãng sanh, còn người thiện là đối tượng
phụ, vì là người phụ thuộc, nên người thiện nếu có thể vãng sanh thì kẻ ác càng
có thể vãng sanh.
Ý
nghĩa của quan điểm lấy kẻ ác làm đối tượng chính vãng sanh là: Tịnh Độ Chân
Tông lấy quần chúng bình dân trong xã hội bao quát nông dân, ngư dân, thợ săn,
cho đến lái buôn, võ sĩ làm đối tượng, những người này trong hoạt động sản xuất
nuôi, trồng, săn bắn, không thể không làm tổn thương hoặc giết hại sinh linh,
vả lại đại đa số những người nghèo khổ, không có văn hóa, không có điều kiện bố
thí tiền của, cất chùa, dựng tháp …, hoặc không có năng lực, không có thời gian
hành thiện tu hành, theo quan điểm của truyền thống Phật giáo thì phần đông họ
là “kẻ ác”. Ngài Thân Loan đặt mình vào hàng ngũ “kẻ ác”, Ngài thường tự xưng
“ngu ngốc”, “cấu chướng phàm ngu”, “người mang đủ thứ phiền não”, “tội nhân” …
Đây là cách Ngài tiếp cận dân chúng, cũng làm cho giáo thuyết của Ngài dễ dàng
được dân chúng tiếp nhận. Ngài cũng đã từng nói với các đệ tử: Các nghề nghiệp
người đời làm “ở sông biển thì giăng lưới thả câu, ở núi rừng thì săn bắn chim
thú để tự nuôi sống hoặc buôn bán, làm ruộng để sinh nhai” đều là do nghiệp
nhân đời trước quyết định. Các hành vi thiện ác của chúng ta đều do túc nghiệp
(nghiệp nhân đời trước) quyết định, nhưng vãng sanh Tịnh độ thành Phật là do
tín tâm đối với nguyện lực Di-đà quyết định. Có tín tâm này thì có thể “Chẳng
đoạn phiền não mà thành Phật”.
Ngài
phê bình người truyền pháp chủ trương chỉ có người thiện mới có thể niệm Phật
vãng sanh, ở tại đạo tràng dán thông cáo không cho một số người làm nghề nghiệp
nào đó được vào, Ngài cho đây là “ngoài hiện tướng tinh tấn hiền thiện mà bên
trong giả dối” (THÁN DỊ SAO). Giáo thuyết của ngài Thân Loan đem lại hy vọng
vãng sanh và thành Phật cho số đông dân chúng ở tầng lớp thấp kém trong xã hội.
Phương pháp tu hành lại giản đơn dễ thực hành, cho nên mau chóng có được rất
đông tín đồ trong dân chúng tầng lớp dưới như nông dân, ngư dân … quy y. Tịnh
Độ tông Trung Quốc và Nhật Bản trước kia, tuy cũng có nói đến kẻ ác có thể vãng
sanh giải thoát, nhưng do chịu sự chế ước của nguyên văn kinh điển Tịnh Độ tông
và quan niệm luân lý truyền thống của xã hội, ảnh hưởng của giáo nghĩa Phật
giáo vốn sẵn có, nên vẫn cho rằng người thiện vãng sanh là đối tượng chánh.
Trong QUÁN NIỆM PHÁP MÔN, ngài Thiện Đạo (613-681) nói: “Tất cả phàm phu tội ác
còn nhờ tội diệt mà được vãng sanh, hà huống Thánh nhân (chỉ cho người tu hành
đắc đạo hoặc người thiện) nguyện sanh mà không được vãng sanh ư?”
Ngài
Nguyên Không (1133-1212) cũng nói tương tự như thế, HẮC CỐC THƯỢNG NHÂN NGŨ
ĐĂNG LỤC quyển 14 ghi: “Kẻ phạm tội thập ác ngũ nghịch có tín tâm còn được vãng
sanh, thì người phạm tội nhẹ do đây suy ra mà biết. Kẻ tội ác còn có thể vãng
sanh hà huống người thiện!”
Các
Ngài lấy “Thánh nhân”, “người thiện” là đối tượng chánh,
làm chủ thể việc vãng sanh, kẻ ác là đối tượng phụ, là phụ thuộc. Do vì trọng
điểm truyền giáo của ngài Thân Loan là quảng đại quần chúng ở hạ tầng xã hội,
nên Ngài cải biến quan điểm của các ngài Thiện Đạo, Nguyên Không, đề xuất
thuyết “Kẻ ác là đối tượng chính của việc vãng sanh”. Ngoài ra, dùng giáo nghĩa
này để truyền giáo cũng tự nhiên có tác dụng hấp dẫn giai cấp võ sĩ lấy chinh
chiến sát phạt làm sự nghiệp.
Tịnh
Độ Chân Tông sau khi sáng lập liền phát triển nhanh chóng, từ thế kỷ 15 về sau
trở thành một tông phái lớn mạnh có nhiều tín đồ nông dân. Do đó, trong các
sách viết về lịch sử Phật giáo đều xem Tịnh Độ Chân Tông là một tông phái Phật
giáo độc lập.
(Trích
dịch từ NHẬT BẢN PHẬT GIÁO SỬ của Dương Tăng Văn)
* Một
luận: Vãng Sanh Luận của ngài Thế Thân.
No comments:
Post a Comment