Blogroll

Friday, April 11, 2014

Những vị Bồ Tát khai sáng Tịnh Độ (Phần 2) - THIÊN THÂN BỒ-TÁT

THIÊN THÂN BỒ-TÁT


          Hạ sanh tại Ấn Độ sau khi đức Thích Ca niết bàn chín trăm năm, Thiên Thân Bồ-tát còn được gọi là Thế Thân (Phạm-ngữ: Vasubandhu), người ở thành Phú Lâu Sa Phú La, nước Kiện-đà-la thuộc Bắc Ấn-độ. Là con thứ hai của Quốc sư Bà-la-môn Kiều-thi-ca.
          Ban sơ, ngài cùng với người huynh trưởng là Vô Trước (Asanga) xuất gia theo phái Tát Bà Đa (Hữu Bộ) ở nước A Du Xà. Ngài Vô Trước học thẳng vào Đại-thừa, còn ngài Thiên Thân thì lại đi vào Kinh Lượng Bộ, lập chí cải thiện giáo nghĩa Hữu Bộ, nghiên cứu về Tiểu-thừa giáo. Thiên Thân đến nước Ca-thấp-di-la, nghiên cưú Luận Đại Tỳ-bà-sa trong vòng 4 năm. Sau đó, ngài trở về nước, giảng dạy Tỳ-bà-sa cho đại chúng đồng thời soạn bộ Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá. Trong thời gian này, ngài viết ra năm trăm bộ Luận thư, tuyên dương giáo lý tiểu thừa và kích bác đại thừa. 
          Sau đó, huynh trưởng của ngài là Luận sư Vô Trước, (tác giả bộ Thành Duy Thức Luận và là tổ sư khai sáng Duy Thức Tông) buộc phải ra tay dạy dỗ và cải hóa, ngài mới rung cảm đại thừa một cách sâu sắc, bèn lấy làm hối hận vô cùng về những lầm lỗi của mình, tỏ ý  muốn cắt lưỡi để tạ tội.  Vô Trước vội can ngăn:
          - ”Em đã đem cái lưỡi để hủy báng đại thừa, nay giác ngộ rồi, thì cũng nên dùng cái lưỡi ấy để tán dương và hoằng hóa đại thừa mới là điều phù hợp đạo lý.  Chứ nếu cắt lưỡi bỏ đi thì có ích lợi gì đâu?”
Nghe lời khuyên ấy, ngài nỗ lực nghiên cứu sâu rộng, rồi sáng tác 500 bộ luận tuyên dương giáo nghĩa cách mạng và cao siêu của Đại thừa.  Từ đó, ngài nổi danh về bậc trí tuệ bao la, biện thuyết uyên bác, và được người đương thời tôn xưng là Luận Sư Cuả Một Ngàn Bộ Luận (Thiên Bộ Luận Sư)
        Ngài viết cuốn Vô Lượng Thọ Kinh Luận, còn được gọi là Vãng Sanh Luận, đây là một trong những cuốn sách đã đặt nền móng cho pháp môn Niệm Phật Tịnh-độ. Hơn thế nữa, cuốn Vãng Sanh Luận đã khai thị và phát huy về sự lợi ích trang nghiêm ở cõi Tịnh-độ rất rõ ràng, dễ hiểu. Phần đầu, dùng lời kệ khen ngợi rằng:                         
Thế Tôn, con một lòng
Quy mạng mười phương Phật
Vô ngại quang Như Lai
Nguyện sanh về Cực Lạc
Xin nương theo nghĩa kinh
Tướng công đức chân thật
Nói kệ, nguyện tổng trì
Hợp với lời Phật dạy
Quán tướng thế giới kia
Siêu thắng hơn ba cõi
Cứu cánh như hư không
Rộng lớn không ngằn mé
Đạo chánh đại từ bi
Căn lành xuất thế sanh
Ánh tịnh quang đầy khắp
Sáng hơn gương nhật nguyệt
Đầy các tánh trân bảo
Đủ sự trang nghiêm mầu
Ảnh vô cấu rực rỡ
Sáng sạch soi thế gian
Cỏ công đức chất báu
Mềm dịu xoay bên hữu
Xúc chạm sanh vui đẹp
Hơn lông chiên-lân-đà          
Hoa báu ngàn muôn loại
Đầy khắp mặt suối ao
Gió nhẹ động cánh hoa
Ánh sáng giao xen lẫn
Các lâu đài cung điện
Hiện bóng cảnh mười phương
Cây tạp, ánh sắc lạ
Lan can báu vây quanh
Khắp hư không mành lưới
Vô lượng báu giao xen
Linh ngọc khua vang tiếng
Diễn nói pháp âm mầu
Mưa áo, hoa nghiêm đẹp
Tỏa vô lượng hương thơm
Phật huệ như nhật rạng
Trừ si ám thế gian
Phạm âm ngộ sâu xa
Nhiệm mầu vang khắp cõi
Đấng chánh giác Di Đà
Pháp vương theo trụ trì
Tịnh chúng như hoa sạch
Hóa sanh từ đại giác
Ưa thích pháp vị mầu
Thiền định làm thức ăn          
Lìa hẳn não thân tâm
An vui hằng tự tại
Cõi căn lành đại thừa
Không điều chi hiềm chê
Không có kẻ căn thiếu
Người nữ, giống nhị thừa
Chỗ chúng sanh ưa thích
Tất cả đều đầy đủ
Nên con nguyện vãng sanh
Về cõi Phật Di Đà
Đấng bảo vương vô lượng
Ngồi đài hoa sạch mầu
Tướng đẹp, ánh rực rỡ
Sắc tượng vượt muôn loài
Như Lai tiếng vi diệu
Phạm âm vang mười phương
Cùng tứ đại hư không
Hòa lẫn không phân biệt
Chúng trời người bất động
Từ biển tịnh trí sanh
Như núi chúa Tu-di
Tướng đẹp mầu tột bậc
Tịnh chúng đều cung kính
Vây quanh chiêm ngưỡng Phật
Sức bản nguyện Thế -tôn
Khiến quần sanh mau đầy
Biển công đức mau lớn
Cõi Cực Lạc thanh tịnh
Thường chuyển vô cấu luân
Chư hóa Phật, bồ-tát
Đầy, sáng như Tu-di
Mỗi thời đến mỗi niệm
Anh vô cấu trang nghiêm
Chiếu khắp các Phật hội
Làm lợi ích quần sanh
Mưa nhạc trời áo hoa
Cùng hương mầu cúng dường
Không còn tâm phân biệt
Thế giới nào không có
Báu công đức Phật pháp
Con nguyện đều vãng sanh
Tuyên dương pháp như Phật
Con viết luận nói kệ
Nguyện thấy A Di Đà
Nguyện cùng khắp chúng sanh
Đồng sanh về Cực Lạc.
                        (Bản dịch của đại sư Thích Thiền Tâm)
          Ở Trung Hoa, đến đời Nguyên Ngụy, pháp sư Đàm Loan có viết thêm phần chú thích và giảng giải, khiến tăng thêm phần đặc sắc.

          Tác phẩm quan trọng gồm hơn 40 loại : Luận Câu-xá 30 quyển, Nhiếp Đại-thừa Luận Thích 15 quyển, Thập Địa Kinh Luận 12 quyển, Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật Kinh Luận, Quảng Bách Luận, Luận Bồ-đề Tâm. Tam Thập Duy Thức Luận Tụng, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận, Vô Lượng Thọ Kinh Luận (Vãng Sanh Luận)... 

No comments:

Post a Comment