Blogroll

Sunday, April 13, 2014

THÂN LOAN và Tịnh Độ Chân tông

THÂN LOAN và Tịnh Độ Chân tông

TỔ KHAI SÁNG

          Ngài Thân Loan (Shinran: 1173-1262) là Tổ khai sáng Tịnh Độ Chân Tông, nhưng cách gọi như thế e không được đúng với bản nguyện của Ngài, vì chính Ngài không có ý định trở thành là Tổ khai sáng một tông phái. Đúng hơn, Ngài chỉ là người mở đường cho Chân Tông thì có lẽ thích hợp hơn. Điều này chính Ngài Thân Loan cũng có xác nhận là không thâu nhận đệ tử. Ngài căn cứ vào những lời dạy của đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni theo đúng truyền thống Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa cũng như Nhật Bản để làm sáng giá cho Phật giáo.
Ngài sanh trưởng trong một gia đình quyền thế thuộc dòng dõi Fujiwara (Đằng Nguyên), hệ phổ Hinokei (Nhựt Giả Da), Ngài xuất gia năm lên 9 tuổi và tu hành tại núi Tỷ Duệ. Nhưng tại đó Ngài vẫn cảm thấy còn nhiều nghi vấn chưa được giải đáp thỏa đáng. Năm lên 29 tuổi, Ngài tự ý rời khỏi núi Tỷ Duệ và trong khoảng thời gian đó được xem như một chuyển biến quan trọng nhất trong đời tu hành của Ngài. Trước khi rời khỏi núi, Ngài đến vùng Yoshimizu (Kiết Thủy) thuộc Kyoto thuyết giảng pháp môn niệm Phật và cũng chính tại đó, Ngài đã gặp được Ngài Pháp Nhiên. Từ đó trở đi sự hình thành của giáo đoàn niệm Phật bắt đầu, đã khiến cho nhiều người trong cựu giáo đoàn không mấy có cảm tình, đã tìm cách gây áp lực, ngăn cản người niệm Phật. Ngài Pháp Nhiên (Honen : 1133-1212) phải lánh sang vùng Dosaku (Thổ Tạ); còn Ngài Thân Loan thì bị lưu đày đến vùng Ichigo (Việt Hậu). Một thời gian sau, tình sư đệ vĩnh viễn cách ngăn. Ngài Thân Loan khi lưu lạc tại Ichigo đã thay đổi cách sinh hoạt một cách quan trọng đáng kể. Đó là việc Ngài kết hôn với ni cô Huệ Tin, tạo lập nếp sống gia đình và sinh con đẻ cái.
Chính trong giới Phật Giáo lúc bấy giờ cũng chưa hề nghĩ tới việc cải cách như vậy có thể thực hiện được, vì quá đột ngột, mới mẻ. Song Ngài Thân Loan vẫn bạo dạn vượt qua tất cả, đề xướng ra Phật giáo tại gia. Công việc được tiến hành trong thời gian 5 năm và cũng chính trong thời gian đó thầy bổn sư Pháp Nhiên tạ thế. Ngài suy tính muốn trở về lại Kyoto. Tuy nhiên, năm 42 tuổi, Ngài cùng với vợ con là Tín Liên di chuyển tới vùng Hitachi (Thường Lục).
          Lúc đó tại vùng Quảng Đông-Tokyo là thời kỳ thuộc chính quyền Kamakura mới vừa thành lập. Giai cấp võ sĩ có thế lực mạnh chi phối tất cả nên sinh hoạt của giới bình dân gặp rất nhiều khó khăn. Cũng chính tại đó, Ngài thực hiện được công cuộc truyền đạo một cách đáng kể. Lúc 52 tuổi, Ngài viết bộ "Giáo Hành Tín Chứng" (Kyogyo Shinsho) gồm 6 cuốn. Tín đồ Tịnh Độ Chân tông đều dựa vào bộ sách ấy để hành trì và tôn quý như kinh điển chính. Khi bộ sách hoàn thành được xem như ngày thành lập Chân Tông vậy.
          Gót chân hoằng hóa của Ngài tại vùng Quảng Đông ngót gần 25 năm, và rồi năm trên 60 tuổi, Ngài mới trở lại Kyoto.
Nhưng vào những năm cuối cùng của cuộc đời, Ngài không có được những chuỗi ngày thanh thản, bình an. Từ lúc 80 tuổi, Ngài còn phải lặn lội trải qua 5 năm tại vùng Quảng Đông, vì những người niệm Phật bị đàn áp, trong số có hai đệ tử là Tánh Tín Phòng và Chân Phát Phòng đều bị bắt đưa về vùng Kamakura. Việc này Ngài biết rõ, chính người con trai là Thiện Loan đã can dự vào, nên ngài không nhìn nhận là con nữa. Đối với những sự tranh chấp giữa những người niệm Phật như thế, thỉnh thoảng Ngài có viết thư khuyên giải họ. Việc làm này mãi đến nay còn lưu lại trên 40 bức thơ liên hệ do chính Ngài viết.         

ĐỨC PHẬT TÔN THỜ
          Chân Tông thờ hình Đức Phật A Di Đà (bức họa hay tôn tượng) là vị Phật chính. Ngài Thân Loan cũng thường hay viết danh hiệu ấy cho các đệ tử thọ trì. Danh hiệu đức Phật A Di Đà có ba hình thức khác nhau là: “Nam mô A Di Đà Phật” gồm trong 6 chữ. “Quy mạng tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” gồm 10 chữ và “Nam Mô Bất Khả Tư Nghì Quang Phật” 8 chữ. Nhưng danh hiệu 10 chữ và 8 chữ đã được bao hàm trong danh hiệu 6 chữ, chúng ta chỉ nương vào sự cứu độ của đức Phật A Di Đà để thọ trì danh hiệu 6 chữ cũng đầy đủ vậy.

GIÁO LÝ

          Phương pháp dạy đạo của Ngài Thân Loan có phần khác biệt với lề lối thông thường, vì Ngài nhắm thẳng vào giới Phật tử tại gia hơn. Trong thâm tâm Ngài tự cho rằng không có gì khác biệt giữa Tăng và Tục cả. Điều này có thể suy ra được từ chữ Toku (trong chữ Gotoku: ngu ngốc) có ngay nơi tự tánh. Sự thật, ngay khi rời khỏi núi Tỷ Duệ, Ngài đã nghĩ tới giữa Tăng và người thế tục không còn có sự khác biệt nhau nữa. Bỏ nhà cửa, bỏ cả sự ham muốn, vượt qua mọi chướng duyên để xuất gia vào trong núi sâu rừng thẳm chưa hẳn đã là Tăng.
Dù chủ trương như thế, Ngài vẫn không rời xa Phật pháp. Con người sống ở đời chỉ có hai điều ham muốn là danh dự và cái lợi chi phối, phải đắm chìm trong bi thương, oán hận. Trong sinh hoạt của nhân thế, không có sự thống khổ nào bằng, từ lúc mới sinh ra cho đến khi được bảo bọc lớn khôn, đầy đủ. Vì thế đức Phật dạy rằng con người phải tự tìm lấy một phương cách để sống trong sự chân thật.
          Ngài Thân Loan đã hình thành được nhiều nét thật đặc sắc trong việc giáo huấn. Sau đây là 5 điểm chính yếu:                 
1. PHẬT GIÁO TẠI GIA:
Trong trường kỳ lịch sử Phật giáo, Ngài Thân Loan chỉ mong làm sao để cụ thể hóa những công việc trọng đại này, một mình Ngài không thể nào làm nổi mà phải nhờ các nhà chuyên môn Phật học trợ lực, cũng như nhờ sự tiếp tay của Thanh Đức Thái Tử (Shotoku Taishi: 574-622) qua bộ sách "Tam Kinh nghĩa sớ" với một số ý niệm rõ ràng cho hàng Phật Tử hấp thụ được dễ dàng. Thánh Đức Thái Tử luận rằng, trong các sinh hoạt hàng ngày, đó chính là đạo Phật, và đó cũng là tinh thần nhập thể của Đại thừa Phật giáo. Nhờ tiệp dung được tư tưởng phóng khoáng này của Đại thừa nên con người hiện hữu của Ngài Thân Loan chính là con người thật như thế. Thường thường trong giới học Phật cứ nghĩ rằng, chỉ có người xuất gia mới là đệ tử chân chính của đức Phật, con người tín đồ tại gia thua kém xa về nhiều mặt. Nhưng Ngài Thân Loan lại cho rằng, xuất gia không những chỉ trên hình thức mà còn phải có tâm niệm xuất gia nữa mới là điều đáng quý. Ngài chủ trương con người chưa hẳn được cứu độ, vì bị phiền não che lấp bản tánh.              
Muốn được cứu độ phải thích ứng trong sự giáo huấn, và đó cũng chính là hạnh nguyện hay bổn nguyện của đức Phật A Di Đà. Như thế, ta không nên phân biệt giữa người xuất gia với người tại gia, cũng như người hiền và người ác, song chỉ có sự cứu độ bình đẳng nên Ngài Thân Loan không đưa ra lập trường của kẻ chỉ đạo mà chỉ đưa vào bổn nguyện của đức Phật A Di Đà. Hành giả không cần biết đến thân thế, sự nghiệp làm gì mà chỉ nên tiếp xử với bằng hữu, với người đồng hành hay với tất cả mọi người trong bình đẳng chân chính.
          Vượt ra ngoài phạm vi quốc gia, khu phố, thôn xóm, cần có sự hỗ trợ tương kính lẫn nhau trong tin yêu hòa hợp, nhất là làm thế nào cho tâm tư thể hiện được tinh thần hòa kính ấy.

2.       NGUYỆN NHỜ THA LỰC
          Phải nương vào nguyên lực của Phật A Di Đà cầu được độ thoát với ý niệm hương thượng, không thể sai lầm được, ví như một vật từ dưới thấp được nâng lên cao. Đó không phải là con đường cao cả của sự cứu độ là gì? Tha lực ở đây xin đừng hiểu lầm là trông cậy hoàn toàn vào sự may rủi không đâu!
Theo Ngài Thân Loan, tha lực chính là hồi hướng nguyện lực như trong lời thề nguyền của đức Phật A Di Đà mà hàng ngày đã thể hiện nơi ta. Tha lực ấy cũng chính là trí tuệ Phật, là lòng từ bi vô lượng tỏa rạng nơi ta, cho nên trong số chúng ta đâu cần xác định rõ các chủ thể chân thật, sau mới không có sự giao động, nhờ đó sự tự giác sẽ phát sinh.

3... LÒNG TIN LÀ YẾU TỐ CHÍNH
          Như đã nói, muốn có được tự giác phải có lòng tin thật kiên cố như kim cương mới được. Muốn thành Phật chúng ta phải so sánh công đức không thể nghĩ bàn của đức Phật A Di Đà đối với chúng sanh. Từ đó, chúng ta mới tin theo lời nguyện ấy được. Lòng tin là chất liệu cần thiết làm hành trang để đạt đến giác ngộ tối thượng. Các tông phái Phật giáo đều chỉ dạy rằng, muốn thành tựu Phật quả, chúng ta không thể không lập hạnh nguyện sâu bền. Đối với nguyện lực này, Ngài Pháp Nhiên đưa ra việc niệm Phật cầu được vãng sanh, đưa vào những lời nguyện của đức Phật A Di Đà làm minh chứng. Niệm Phật là xưng niệm danh hiệu, niệm được nhiều chừng nào, kết quả sẽ tốt đẹp chừng ấy.              
Nhưng niệm Phật không phải chỉ có việc trì chú không thôi, cũng lại chưa hẳn miệng chỉ đếm niệm được một số danh hiệu Phật là đủ. Ngài Thân Loan phân tích rõ nội dung của việc niệm Phật như sau: niệm Phật là phải phát lòng tin và xưng danh hiệu cho thật rõ ràng mới được. Đức Phật A Di Đà phát nguyện cứu độ chúng sanh, nên chỉ có công đức niệm Phật mới hồi hướng được như trong lời nguyện của đức Phật mà tiêu biểu nhất là Nam mô A Di Đà Phật. Vì bị phiền não che lấp chân tâm, nên chúng ta không thể thấy rõ Phật tánh được. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy ta cách xưng danh hiệu đức Phật A Di Đà để làm hiển lộ Phật tánh nơi mỗi người. Nếu niệm với sự thành tâm, chắc chắn sẽ được vãng sanh. Cái công đức trì danh niệm Phật ấy là của chính chúng ta, chứ không phải hoàn toàn do quyền năng của Phật. Vì thế, Ngài Thân Loan chủ trương, niệm danh hiệu Phật A Di Đà là điều rất dễ hiểu.
Danh hiệu Phật A Di Đà có thể niệm ở bất cứ nơi đâu, cũng như trong khi làm bất cứ công việc gì, trong sinh hoạt hàng ngày cũng đều niệm được cả, quý hồ là phải ghi nhớ mà niệm luôn luôn để được gần gũi đức Phật.                  
Điều đó chứng tỏ rằng cái giá trị thực tiễn của người Phật tử tại gia lại càng cần thiết hơn nữa.
          Lòng tin tưởng niệm danh hiệu Phật để trí tuệ Phật hiển lộ, vì việc tu hành của chúng ta là làm sao cho cái giá trị Phật tánh ấy được phát triển mãi. Căn cứ vào đó, Ngài Thân Loan cho rằng, nếu tin tưởng, chắc chắn sẽ được thành Phật và ngoài ra không còn cần phải hướng tâm niệm cao thượng nào khác.

4.  HIỆN TẠI KHÔNG LUI SỤT
          Trở lên bên trên là xác định lòng tin. Khi muốn đạt đến sự giác ngộ tối thượng, thì ngay trong đời này phải phát lòng tin mãnh liệt. Ngài Thân Loan căn cứ vào lòng tin, nêu ra những việc lợi ích thiết thực ngày trong đời này, nếu con người muốn vượt lên cao hơn.
          Tông Tịnh Độ chỉ dạy phương pháp cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc sau khi lâm chung. Hành giả phải nương vào mục đích tối thượng này, chắc không thể sai lầm vậy. Trong bộ "Giáo Hành Tín Chứng", Ngài Thân Loan nêu ra 10 điều lợi ích thiết thực ở ngay trong đời hiện tại. Chẳng hạn, muốn được sự cứu độ của Phật, chính ta phải phát lòng tin trong sáng để xác định là chủ thể đã có sự tự giác. Làm như vậy cũng chứng tỏ rằng có sự tiến triển được ghi nhận rất thực tiễn.

5.  BÀI TRỪ MÊ TÍN :
Như trên đã nói về sự lợi ích hiện tại có liên quan tới những điểm then chốt cần phải suy nghĩ. Vì thế Ngài Thân Loan luôn nhấn mạnh tới những sự lợi ích ở ngay trong đời này. Vấn đề vật chất hay phước báu không do sự mong cầu Phật Thánh mà được. Do đó, Ngài cương quyết bài trừ mê tín và nhấn mạnh, nếu muốn cầu cho tai họa tiêu, phước báu đều hoàn toàn có sự sai lầm. Thậm chí đến những sự tin nhảm thần núi, thần sông, thần cây cỏ, ngày tốt xấu, coi bói, xem tướng, nói về vận mạng v.v... Ngài đều phủ nhận tất cả.
Ở đời hễ khi nào điều bất hạnh xảy đến, con người lại tin vào Thần linh, bói toán. Nếu đạt được như nguyện, tức chuyển họa thành phước, sự mê tín lại càng trở nên mãnh liệt hơn. Nhưng ta quên rằng, điều đó đang phá hoại một phần lớn đời sống của ta thật tai hại vô cùng. Còn như đối với hạnh phúc, nếu cho rằng cầu nguyện Thần Thánh được sự ban phước, thì sự cố gắng của con người, cũng như vấn đề giáo dục trở thành không còn cần thiết nữa. Ngược lại nó càng làm cho con người trở nên đọa lạc trầm luân! Điều mà ai cũng nhận thấy rằng, sự mê tín làm cho con người không còn một lối thoát. Chính đó là lý do tại sao, Ngài Thân Loan cương quyết bài trừ mê tín vậy.
Phật giáo dựa theo lý nhân duyên, và chính ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi thiện ác của mình: cho dù có gặp khốn khổ cũng phải cố gắng vượt qua để chứng tỏ nỗ lực của mình. Chỉ có sự quyết tâm và nỗ lực ấy mới củng cố được niềm tin thêm vững vàng mà thôi.

          Khi nghe niệm Nam mô A Di Đà Phật, ta phát khởi lòng tin, bao nhiêu chướng nạn mê lầm đều tiêu tan để đạt đến mục đích tối thượng là con đường giải thoát. Ngài Thân Loan tin rằng, con người có thể sanh về cõi Tịnh Độ chắc chắn, nếu muốn báo ân Phật chỉ còn một cách hữu hiệu là niệm danh hiệu Phật cầu cho nhân loại hòa bình, cho những lời Phật dạy được truyền bá rộng rãi. Muốn được như vậy, cần đòi hỏi ở sự nỗ lực nơi mỗi chúng ta nhiều hơn.


Phật Pháp Căn Bản Trung Cấp 

No comments:

Post a Comment