GIÁO HÀNH TÍN CHỨNG
(tức GIÁO LÝ, THỰC HÀNH, NIỀM TIN,
VÀ
CHỨNG NGỘ
trong
pháp môn Niệm Phật tịnh độ)
của
THÂN LOAN thánh nhân
Nguyễn Xuân Chiến dịch từ bản
Pháp ngữ :
Florilège sur l’enseignement, la pratique, la foi et la
réalisation selon l’école de la Terre Pure. Trích trong cuốn sách:
“Sur le vrai Bouddhisme de la Terre Pure”
Do Jean Eracle dịch từ tác phẩm Giáo Hành Tín
Chứng của Thân Loan.
(1)
LỜI TỰA
Theo ý kiến cạn cợt hèn mọn của tôi, con
người thật khó mà cảm nhận Bản Nguyện siêu việt, rộng khắp và vô lượng quyền
năng, vượt lên trên mọi suy tư và diễn tả của đức Phật A Di Đà. Đó là chiếc
thuyền vĩ đại đưa chúng ta qua khỏi đại dương sóng gió hiểm nghèo. Ánh Sáng
không bao giờ bị che khuất, chính là Mặt Trời Ân Huệ phá tan bóng đêm ngu si.
Tôi tin chắc rằng, danh hiệu “Nam mô A
Di Đà
Phật” ngợi ca Đạo Lý viên mãn, thường bảo bọc và che chở tất cả chúng sanh,
chính là trí tuệ chân thật để cải biến điều xấu ác một cách hiệu quả, mặc dù
niềm tin tràn trề hỷ lạc thì bền chắc như kim cương và khó thủ đắc. Chính lòng
tin này là yếu tố thật sự cần thiết để cắt lìa mọi nghi ngờ và đưa đến Chứng
Ngộ.
Đây chính là giáo lý chân thật mà các
chúng sanh thấp kém, tầm thường sẽ dễ dàng thực hiện. Đây là pháp tu ngắn gọn,
đơn giản mà những kẻ ngu si vô trí sẽ dễ dàng tu tập. Giữa hết thảy giáo lý của
đức Thích Ca, thì không có một giáo pháp nào có thể sánh kịp với đại dương công
đức của pháp Niệm Phật này .
(2)
Xướng đọc Danh Hiệu, đó là hành
vi tối thượng, và thật sự nhiệm mầu, để đưa chúng ta tham dự vào “nhóm người tu
tập thiền định chân chánh của đạo Phật” (thâm nhập Chánh Định Tụ). Hành vi
khiến chúng ta trở nên phần tử của nhóm người tu tập thiền định chân chánh, đó
là Niệm Phật.
Niệm
Phật, tức là xướng đọc “Nam-mô-A-Di-Đà-Phật” thường xuyên, liên tục.
Ngài
Thiện Đạo, tổ sư Tịnh-độ, đã luận giải :
Từ
ngữ “Nam
mô” nghĩa là “Tôi xin trở về nương tựa… “, nhưng cũng có thể diễn giải: ”Tôi
phát khởi ước mong…” hoặc: “Tôi tự hướng bản thân đến…”
“A Di Đà Phật” tức là đức
Phật A Di Đà, tự thâu tóm trong Ngài vô số vô lượng công đức tu tập của quả vị
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do việc xướng niệm danh hiệu Ngài, tất nhiên
chúng ta đạt được sự tái sanh nơi Cõi Miền Trong Sạch (Tịnh-độ).
Chú Thích:
A Di Đà
hoặc A Mi Đà bao gồm 2 từ ngữ Sanskrit:
Amitâbha và Amitâyus.
AMITÂBHA:
Vô Lượng Quang: ánh sáng không đo lường được và không giới hạn được. Dựa vào
một quan niệm phổ biến của Phật giáo cũ, cho rằng đức Phật có khả năng phóng ra
từ kim thân của Ngài những luồng ánh sáng tràn khắp vũ trụ. Nhưng thật ra, với
trí tuệ bất tư nghị, Ngài siêu việt trên tất cả mọi thứ ánh sáng vật chất và cả
ánh sáng tâm linh.
AMITAYUS:
Vô Lượng Thọ: sức sống không cùng tận,
thọ mạng không cùng tận.
Thông thường, bất cứ một vị Phật
quá khứ nào cũng có tuổi thọ tương ứng với kiếp sống của nhân loại vào thời điểm
mà đức Phật ấy giáng sanh. Phạm vi rộng lớn của tia sáng và độ dài lâu của tuổi
thọ, cũng phải tương ứng với những khái niệm về không gian và thời gian, đều
được quy định bởi những Thệ Nguyện riêng biệt được phát ra khi Ngài còn tu tập
bồ-tát đạo.
Trong
trường hợp đức Phật A Di Đà, được trích dẫn từ kinh điển, Ngài vì lòng đại bi mà phát nguyện giải thoát
tất cả chúng sanh khắp không gian vô tận và
trong thời gian vô cùng, cho nên tia sáng của Ngài cũng có hiệu năng vô giới hạn và sức sống của Ngài
cũng dài lâu không thể hạn lượng được.
(3)
Tổ sư
Thiện Đạo còn dạy: “Điều kiện chính yếu để tái sanh nơi Cõi Miền Trong Sạch ấy là
điều kiện đã được xác định qua bản kinh Sức Sống Không Cùng Tận (Vô Lượng
Thọ Kinh), trong 48 lời nguyện của A Di Đà.
“Phật A Di Đà thề rằng: ”Nếu khi tôi thành
Phật, tất cả chúng sanh khắp mười phương nếu mong muốn tái sanh nơi cõi nước
tôi, thì hãy xướng đọc danh hiệu tôi cho được mười lần, sử dụng chiếc xe nguyện
lực, và nếu không được tái sanh thì tôi thề không đắc quả Toàn Giác”.
“Điều này nghĩa là, bất cứ ai
xưng niệm Phật với ước muốn tái sanh nơi Cõi Sạch thì được hộ trì bởi năng lực
Bản Nguyện, vào thời điểm kết thúc mạng sống sẽ tức khắc được tái sanh Cõi
Sạch. Đó là lý do tại sao ta bảo rằng Niệm Phật là điều kiện chính yếu để tái
sanh nơi Miền Đất Trong Sạch”.
(4)
Trong
tác phẩm“Tuyển tập đặc biệt về Niệm Phật
căn cứ vào Bản Nguyện”, ngài Pháp Nhiên viết:
Chính
ngay nơi tự thân danh hiệu Nam
mô A Di Đà Phật đã làm chúng ta được tái sanh nơi Tịnh-độ. Niệm Phật là căn bản
của sự Vãng Sanh.
Pháp
Nhiên cũng dạy:
“Nếu con muốn nhanh chóng vượt thoát khỏi gông
cùm Sanh Tử, thì con phải chọn lựa giữa hai giáo lý cao thượng : một là khuynh
hướng đi theo Con Đương Tu Tập của Thánh Nhân (Thánh Đạo Môn); hoặc chọn lựa
khuynh hướng thứ hai, đó là đi theo Con Đường Dễ Thực Hành của Tịnh-Độ (Tịnh-Độ
Môn), tức là chấp nhận tái sanh nơi Cõi Sạch.
Nếu con
quyết định vãng sanh nơi Tịnh-độ thì con cũng đứng trước hai loại phương thức
tu tập để mình phải lựa chọn : thứ nhất, là những pháp tu đúng đắn, chuyên nhất
- thứ hai, là những pháp tu tạp loạn. Và con hãy gạt bỏ những pháp tu tạp loạn,
lộn xộn, mà đặt trọn lòng tin vào những pháp tu chuyên nhất, đúng đắn.
Nếu con muốn trau luyện những
công phu tu tập đúng đắn chuyên nhất, thì con cũng có hai loại để thực hiện tâm
linh: thứ nhất, là những công phu chân chánh, thứ hai, là những công phu phụ
trợ. Hãy vứt bỏ mọi công phu phụ trợ mà chỉ chọn lấy công phu phản ánh Trạng
Thái Bất Thối Chuyển, ấy là xướng đọc
Danh Hiệu của đức Phật A Di Đà. Trong khi xướng đọc Danh Hiệu, con chắc chắn
đạt được sự Vãng Sanh bởi vì con đang nương tựa vào Bản Nguyện của Phật.
Các bậc trí dũng của Tiểu-thừa
hoặc Đại-thừa, dù lỡ phạm vào giới cấm, hoặc là nặng hoặc là nhẹ, thảy đều bình đẳng như
nhau trong việc tin tưởng vào Bản Nguyện được tuyển chọn đặc biệt, vì đó là một
đại dương công đức giúp họ thành Phật bởi thực hành Niệm Phật.
Đó là
điều mà tổ sư Đàm Loan muốn diễn đạt trong tác phẩm đặc sắc của Ngài: “Chú giải
Vãng Sanh Luận”:
“Nơi
cõi nước thanh bình và hạnh phúc kia, tất cả mọi người đều hóa sanh từ đóa sen
thanh khiết của A Di Đà, đấng Giác Ngộ Viên Mãn: với chúng ta, đó chỉ nhờ vào
thực hành Niệm Phật, chứ không phải nương cậy một pháp nào khác.
CHÚ THÍCH CỦA JEAN ERACLE
Các
vị tổ sư Tịnh-độ chủ trương có hai loại giáo lý trong chánh pháp của đức Thích
Ca:
Thứ nhất: Thánh Đạo Môn, tức là Con Đường
Tu Tập Của Thánh Nhân, (bậc thông tuệ) đặt căn bản trên Giới Luật và Thiền
Định, bao gồm nhiều phương tiện có thể
thực hiện ngay trong kiếp sống này, nhưng không chắc chắn chứng ngộ hoàn toàn
và dứt điểm giải thóat, mà lại tồn tại nhiều chướng ngại dẫn đến sự lui sụt tâm
chí và đổ vỡ sự nghiệp tâm linh.
Thứ hai: Tịnh-độ môn, tức là Con Đường Dễ
Thực Hành của Tịnh-độ, đó là Niệm Phật
Vãng Sanh, nghĩa là người niệm Phật
chắc chắn được
an lạc, giải thoát phiền não ngay trong kiếp sống
này và thành Phật tại cõi Cực Lạc vào kiếp sắp tới.
Nếu quyết chọn Tịnh-độ môn, và còn bị chi
phối bởi hiệu lực của tương quan nghiệp quả, người ta phải đối mặt với rất
nhiều pháp tu khác nhau.
Kẻ nào nương vào nguyện lực của các vị
Phật khác và các Bồ-tát khác, rồi thực hành nhiều loại công phu của nhiều thứ
giáo lý khác nhau như: vừa trì chú kiết ấn, vừa thiền quán, kiêm thêm tụng kinh
và cả bố thí hành thiện, tích lũy công đức..v..v…thì hạng người này được Thân
Loan gọi là kẻ tu hành tạp loạn, vì tham lam và sợ hãi nên đã trộn lẫn đủ thứ
công phu và thiện hạnh nên tâm khó được chuyên nhất và thuần khiết.
Có nhiều kẻ chỉ tập trung hoàn toàn
vào Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc, chỉ một lòng niệm Phật mà không chen vào bất
cứ một pháp tu nào khác, thì Thân Loan gọi người này là kẻ tu hành đúng đắn với
công phu tu tập chân chánh.
Các kinh điển thông dụng thường hay đề
xướng 5 phương pháp tu tập như: đọc tụng
kinh điển, thiền định quán tưởng, lễ bái sám hối, bố thí cúng dường và
xướng đọc danh hiệu A Di Đà. Nhưng ngài Thân Loan cho rằng: chỉ có
việc xướng đọc danh hiệu A Di Đà là pháp tu đúng đắn, chân thật, bảo đảm chắc
chắn vãng sanh. Các pháp tu kia chỉ là phương tiện phụ trợ. Đây cũng là chủ
trương của chư vị tổ sư tiền bối như Thiện Đạo và Pháp Nhiên. Nhưng ngài Thân
Loan tuy sử dụng lại tư tưởng trên, đã sửa chữa cho phù hợp với chủ trương của
mình: Năm phương pháp tu tập nêu trên, nếu được thực hiện bởi những nỗ lực cá
nhân (tự lực), thì sẽ dẫn đến sự tái sanh nơi Cõi Chuyển Hóa (Lâu Đài Nghi Ngờ,
Cung Điện Thai Sen).
Nếu với
tư tưởng chuyên nhất và lòng tin thuần khiết, chỉ nương tựa vào Bản Nguyện, phó
thác hoàn toàn cho Phật-lực, mà xướng đọc danh hiệu A Di Đà, thì kết quả chắc chắn vãng sanh Cực Lạc, cõi
nước chân thật: sự xướng đọc Danh Hiệu chỉ còn là một ấn tượng hoan lạc và tri
ân của lòng tin.
Thân Loan cũng nhấn mạnh rằng, nếu niệm
Phật đặt cơ sở trên trình độ tâm linh
của cá nhân, thì không bằng việc niệm Phật hoàn toàn cơ giới - nghiã là Lý Niệm
Phật thì không bằng SỰ NIỆM PHẬT.
Thế nào
là Lý Niệm Phật?
Một người có căn cơ bén nhạy, trình độ
học hỏi khá cao, chịu khó nghiên cứu kinh luận, thông suốt Lý Vô Sanh, quan
niệm rằng niệm Phật tức là niệm tự tánh Di Đà, giữa Ta và A Di Đà chỉ là Một,
không hai, không khác. Với kiến giải như
thế, người ấy khởi tâm niệm Phật. Đây
gọi là LÝ NIỆM PHẬT.
Thế nào
là Sự Niệm Phật ?
Một người chăng hiểu biết gì nhiều về
những kiến giải cao cấp của đạo Phật, do duyên lành y được các vị thiện hữu dạy
rằng “Niệm Phật thì sẽ được Phật A Di Đà cứu độ ngay trong đời sống hàng ngày,
và lúc lâm chung sẽ được tiếp rước qua miền Cực Lạc”. Với niềm tin như thế, y
khởi tâm niệm Phật thường xuyên mà chẳng
bao giờ thắc mắc, do dự. Đây gọi là Sự Niệm Phật.
Trong hai quan niệm vừa nêu trên, Thân
Loan đánh giá cao hành động niệm Phật của người thứ hai. Vì phù hợp với Bản
Nguyện và lòng tin trong sạch, nhất là không bị vướng kẹt bởi các khái niệm, dù
là khái niệm về Chân Lý Tối Thượng.
(5)
Tận đáy
lòng thăm thẳm, tôi tin chắc rằng, nếu không có người cha yêu mến của Danh Hiệu
tràn đầy công đức, thì không có nhân tố chủ động để được vãng sanh. Và cũng
vậy, nếu không có người mẹ cưng chiều của Ánh Sáng Vô Cùng Tận, thì sẽ không có
điều kiện thụ động cần thiết để vãng sanh. Trong khi ấy, dẫu nhân tố kia và
điều kiện này được kết hợp nhau, nhưng nếu không có nhân duyên cảm ứng với lòng
tin chân thật, thì người ta cũng sẽ không đạt đến Cõi Miền Vô Lượng Quang.
Nhân
duyên cảm ứng với lòng tin chân thật được sử dụng như là nhân tố ở ngay bên
trong - mà cha mẹ là Danh Hiệu và Ánh Sáng được kết hợp như những điều kiện bên
ngoài. Nếu những nhân tố bên trong cùng điều kiện bên ngoài được giao hội với
nhau, thì người ta chứng đắc Pháp-Thân ngay tại Cõi Miền Cực Lạc.
CHÚ THÍCH :
Đoạn
văn này chỉ dễ hiểu nếu được đặt vào ngữ
cảnh của giáo lý nhà Phật khi trình bày về những kiếp sống nối tiếp nhau. Theo
cách nhìn như vậy, để thụ thai, cần phải có sự đóng góp của tinh cha, huyết mẹ,
mà cũng phải có sự tham gia bởi cân tử nghiệp của thai nhi trong kiếp sống vừa
rồi - nghĩa là, động lực cần thiết của nghiệp và ý thức trong chập tư tưởng
cuối cùng trước khi lâm chung của đương sự ngay khi thay đổi kiếp sống.
Thân
Loan thừa nhận ba yếu tố để đánh thức lòng tin:
-
phó thác cho Bản Nguyện, ấy là ánh sáng,
được ví dụ như Người Mẹ.
-
khát khao xướng đọc Danh Hiệu: được ví
dụ như Người Cha.
-
cuối cùng, phải có nhân duyên cảm ứng
giữa người niệm Phật với lòng tin vào Bản Nguyện.
(6)
Khi
bước lên chiếc thuyền Bi Nguyện, người ta lèo lái trên đại dương mênh mông của
ánh sáng, trời mây trong xanh, không gian yên lành, dưới làn gió nhè nhẹ của
công đức cao cả - thì mọi cơn sóng dữ dằn xấu ác sẽ bị lật nhào, bặt mất tăm
hơi. Cho đến khi đêm tối ngu si tan dần, người ta nhanh chóng bước lên bến bờ
của Cõi Miền Vô Lượng Quang, chứng ngộ Đại Niết Bàn, và hòa nhập vào hạnh
nguyện công đức của Phổ Hiền. [ . . .]
Khi
nói đến đại dương, tôi muốn nói rằng: nước của dòng sông được hòa trộn giữa
những công phu tu tập cùng những thiện hạnh, được gột rửa bởi thánh giả và
những kẻ tầm thường từ quá khứ vô tận - và nước biển của vô số lầm lạc tựa như
cát sông Hằng bởi những kẻ phạm ngũ nghịch hoặc phỉ báng chánh pháp, hoặc phá
hủy gốc rễ hiền thiện: tất cả nước sông nước biển kia thảy đều dần dần được
chuyển hóa trong nước mặn của đại dương tràn đầy trân bảo của vô lượng vô số
công đức chân thật nhiều hơn số cát sông Hằng, của Trí Tuệ và Đại Từ Bi đã được
thực hiện bởi Bản Nguyện A Di Đà.
(7)
NIỆM PHẬT
VÀ
CÁC PHÁP KHÁC
Niệm
Phật là vua của các pháp, và danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật là cứu cánh tối
thượng, siêu việt, bất khả tư nghị, thì cũng không cần phải so sánh với những
pháp khác làm gì, tựa như đã là vua thì làm sao có thể đem phân bì cao thấp với
thường dân ?
Nhưng,
đứng trên quan điểm của phương tiện, trong thế giới nhị nguyên vẫn tồn tại những
hiện hữu đối lập nhau như: niềm tin và nghi ngờ, điều thiện và điều ác, cái
đúng và cái sai, xác định và phủ định, thực và giả, chân thật và ảo tưởng,
thuần khiết và pha tạp, sắc bén và cùn nhụt, thú vị và khó chịu, cao thượng và
phàm tục, ánh sáng và bóng tối. Do đó, xét về quan điểm giáo nghĩa, nếu so sánh
Niệm Phật và các pháp khác đang thịnh hành, thì tôi thấy có những tương phản,
khác biệt:
1/.Niệm
Phật thì dễ dàng. Các pháp khác thì khó khăn.
2/.Niệm
Phật thì thành tựu tức khắc. Các pháp khác thì tuần tự từng bước.
3.- Niệm
Phật thì đi băng ngang. Các pháp khác thì đi vòng vèo.
4.-
Niệm Phật như một bước nhảy vĩ đại. Các pháp khác thì như đi bộ thủng thẳng.
5.-
Niệm Phật thì thích thú dễ chịu. Các pháp khác thì nặng nhọc lao khổ.
6.-
Niệm Phật thì vĩ đại, vì phát huy Phật tánh một cách cùng cực và toàn vẹn. Các
pháp khác thì nhỏ bé vì chỉ phát huy phật tánh từng phần.
7.-
Niệm Phật thì cao cả, siêu việt, tuyệt vời. Các pháp khác thì cần phải xét lại.
8.-
Niệm Phật có những hiệu quả mau lẹ. Các pháp khác thì rất lâu mới có hiệu quả.
9.-
Niệm Phật tạo ra những giá trị tiên khởi. Các pháp khác tạo ra những phó sản
tâm linh.
10.-
Niệm Phật là thuần khiết, chuyên nhất. Các pháp khác thì bị pha trộn, tạp loạn.
11.-
Niệm Phật được trình bày bằng trực giác tâm linh. Các pháp khác được minh chứng
bằng tương quan nhân quả.
12.-Niệm
Phật thì cảm ứng với Danh Hiệu Phật. Các pháp khác là những công phu thiền định
hoặc phi thiền định.
13.-
Niệm Phật là pháp tối thắng, không có gì có thể vượt qua. Các pháp khác thì dễ
bị vượt qua, vì ở trong vòng tương đối.
14.- Niệm Phật là pháp siêu việt tư duy và diễn
tả. Các pháp khác vẫn còn sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh để suy tư và diễn tả.
15.- Niệm Phật mang lại những thành phẩm tâm linh
cao cấp. Các pháp khác tác động như một nguyên nhân sơ khởi.
16.-
Niệm Phật được truyền dạy bởi A Di Đà. Các pháp khác chỉ được rao giảng bởi các
vị thánh nhân khác.
17.-
Niệm Phật được chư Phật đề cao, khen ngợi. Các pháp khác không được như thế.
18.- Niệm Phật không cần phải hồi hướng công đức,
vì danh hiệu A Di Đà chính là cứu cánh tối thượng. Các pháp khác thì buộc phải
hồi hướng công đức, vì còn nằm trong phương tiện.
19.-
Niệm Phật thì thường xuyên được che chở bởi chư Phật (chư Phật hộ niệm). Các
pháp khác không phải là đối tượng được che chở bảo bọc.
20.-
Niệm Phật được bảo chứng bởi chư Phật. Các pháp khác không phải là đối tượng
được bảo chứng.
21.- Niệm Phật được dễ dàng truyền thừa. Các pháp
khác đòi hỏi nhiều điều kiện khó khăn mới được truyền thừa.
22.-
Niệm Phật được truyền bá rõ ràng, dễ dàng cảm nhận. Các pháp khác thì khúc mắc,
dài dòng trong việc phổ biến giáo lý.
23.-
Niệm Phật thì thực hành giản dị, dễ dàng. Các pháp khác thì phức tạp, rắc rối
trong việc tu tập.
24.-
Niệm Phật là pháp tu được đức Thích Ca đặc biệt trao truyền trước khi niết-bàn.
Các
pháp khác được đức Thích Ca rao giảng bằng những phương thức thông thường.
25.-
Niệm Phật vẫn mang lại hiệu quả cho tất cả chúng sanh, dù ở vào thời đại sau
khi chánh pháp bị diệt tận. Các pháp khác chỉ mang lại hiệu quả vào thời đại
hưng thịnh của chánh pháp.
26.-
Niệm Phật là tùy thuận Bản Nguyện của Phật. Các pháp khác thì cách trở với Bản
Nguyện vì chối bỏ năng lực cứu độ của Phật.
27.- Niệm Phật là pháp môn đưa hành giả tham dự
vào nhóm người tu tập thiền định chân chánh của đạo Phật (tham dự Chánh Định
Tụ).
Các pháp khác thì không xác định rõ là đi về đâu.
No comments:
Post a Comment