NGÀI THÂN LOAN VÀ CHÂN TÔNG TỊNH ÐỘ
(SHINRAN AND JODOSHINSHU)
Nguyên tác tiếng Anh của Tiến sĩ Hisao Inagaki (Ðạo
Viên Cửu Hùng), phát biểu tại trường đại học Leiden - Hà Lan, ngày 7.4.1992
Hoa dịch: Tan Peng Yau (Trần Bỉnh Nghiêu, Singapore)
Việt dịch: Tuệ Liên
1.Vào
những năm đầu Tây lịch, Phật giáo từ miền Ðông bắc Ấn Ðộ truyền vào Trung Quốc,
từ đó Phật giáo lại truyền vào bán đảo Hàn Quốc và Nhật Bổn. Ở những quốc gia
này, Phật giáo đại thừa được quảng đại quần chúng tin theo và thọ trì. Như các
tông phái Tịnh độ khác, Chân tông Tịnh độ cũng thuộc đại thừa Phật giáo. Giáo
lý căn bản của Chân tông Tịnh độ cùng tương đồng với các giáo phái đại thừa
khác như Thiền tông, Mật tông Tây Tạng là những tông phái được phổ biến thạnh
hành ở Tây phương.
“Chân
tông Tịnh độ” có nghĩa là “tinh túy của giáo lý Tịnh độ”. Ðây vốn không phải là
tên của một tông phái, vì nguyên ý của Ngài Shinran (Thân Loan) không phải muốn
sáng lập ra một tông phái mới. Mục đích của Ngài chỉ là muốn chỉ bày cho chúng
ta nội dung quan trọng chủ yếu của nền giáo lý Tịnh độ do 7 vị cao tăng Ấn Ðộ,
Trung Quốc và Nhật Bổn truyền bá và phát triển. Bảy vị Cao Tăng là 7 vị Tổ của
Tịnh độ tông Nhật Bổn: Tổ thứ nhất là Bồ tát Long Thọ (-250), Tổ thứ hai là Bồ
tát Thế Thân (-400), Tổ thứ ba là Ðại sư Ðàm Loan (476-542), Tổ thứ tư là Ðại
sư Ðạo Xước (562-645), Tổ thứ năm là Ðại sư Thiện Ðạo (613-681), Tổ thứ sáu là
Hòa thượng Nguyên Tín (942-1017), Tổ thứ bảy là Thánh nhân Nguyên Không (Pháp
Nhiên) (1133-1212)
Từ
những kinh điển Tịnh độ và các luận trước của 7 vị cao tăng, Shinran hình thành
một hệ thống giáo lý có thể giải cứu chúng sanh, đây là khởi duyên của Chân
tông Tịnh độ. Tịnh độ tông sau khi được nhà học giả Thiền học nổi tiếng D.T.
Suzuki gọi Chân tông Tịnh độ là Chân tông (Shin) thì ở Tây phương thường dùng
tên gọi này để nhận thức Chân tông Tịnh độ. Mặc dù Suzuki là một nhà thiền học
nổi tiếng, nhưng ông đã phiên dịch 4 chương đầu tác phẩm căn bản của Shinran
“Giáo hành tín chứng” (Kyogyoshinsho) ra tiếng Anh, và viết bài liên quan đến
Chân tông giới thiệu đến các nhân sĩ Tây phương. Từ đây chúng ta sẽ sử dụng
danh từ tắt “Chân tông” này cho “Chân tông Tịnh độ”.
2.Giáo
lý Phật giáo Tịnh độ thường lấy Ðức Phật A Di Ðà làm trung tâm, Ðức Phật A Di
Ðà thường trụ ở cõi Tịnh độ Tây phương Cực lạc (còn gọi là “An Lạc Quốc”, “An
Dưỡng Quốc”). A Di Ðà là âm dịch của Amita, Amita là tiếng cổ Ấn Ðộ (Phạn văn).
A Di Ðà cũng là cách viết tắt của Amitabha (Vô lượng quang) và Amitayus (Vô lượng
thọ). Vì thế nhân sĩ Tây phương rất quen thuộc với 2 danh từ tiếng Phạn
Amitabha và Amitayus.
Ðức
Phật A Di Ðà rất được tôn sùng tại Nhật Bổn. Người ta tôn sùng Ngài thậm chí
còn hơn cả Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Là một vị Phật siêu việt thời gian không
gian, Ðức Phật A Di Ðà cứu độ tất cả những ai có lòng tin chân thành xưng niệm
danh hiệu của Ngài. Ðức Phật A Di Ðà dùng vô lượng hào quang nhiếp thọ và gia hộ
những người có lòng tin chân thành đối với Ngài, và tiếp dẫn họ sanh về cõi Tịnh
độ Cực lạc của Ngài. Hạnh nguyện cứu độ chúng sanh của Ngài được 2 vị thượng thủ
Bồ tát là Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí Bồ tát phò trì. Tượng Ðức Phật A Di Ðà và
2 vị Bồ tát này (Tây phương Tam Thánh) vô cùng phổ biến tại Nhật Bổn và các nước
Á Châu thạnh hành tư tưởng Tịnh độ.
Những
kinh điển liên quan đến lịch sử của Ðức Phật A Di Ðà, công hạnh cứu độ chúng
sanh và Tịnh độ gồm có 3 quyển (gọi tắt là Tịnh độ tam kinh). Nội dung của các
bộ kinh này giải thích quá trình, phương pháp vãng sanh Tịnh độ và ở Tịnh độ tu
hành chứng đắc Phật quả.
3.Trước
khi giải thích nội dung của Tịnh độ tam kinh.
Đầu
tiên chúng ta nên tìm hiểu một vài khái niệm và giáo lý căn bản của Phật giáo,
đó là nhân quả và nghiệp lực. Thuyết nhân quả thông thường đều được Bà la môn
giáo ở Ấn Ðộ chấp nhận, nhưng chỉ có kiến giải của Ðức Phật mới là viên mãn.
Theo lý nhân quả, tất cả sanh mệnh từ quá khứ vô thủy đến nay đều do nhân quả
và nghiệp lực sai sử, sự hiện hữu của sanh mệnh cũng sẽ từ hiện tại tương tục
cho đến vị lai. Do đó sanh mệnh không vì chết mà mất hẳn hoặc đình chỉ, mà sẽ
chuyển sang hình thức khác trong vòng luân hồi tương tục. Sự xấu tốt của kiếp sống
vị lai đều do nghiệp thiện ác ở quá khứ và hiện tại quyết định. Nói cách khác,
cuộc sống hiện tại của chúng ta là kết quả của nghiệp quá khứ, những gì mà hiện
nay chúng ta tạo tác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chúng ta. Do đây mà thấy,
Phật giáo không chấp nhận chủ trương có đấng chủ tể và vạn năng sáng thế. Nhân
quả của Phật giáo vì thế cũng không phải túc mệnh luận (Túc mệnh luận như người
ta thường nói “tất cả do trời định”, “thiên mệnh”...). Tất cả những việc làm của
chúng ta bao gồm ngôn ngữ và tư tưởng sẽ là “chủ nhân ông” tạo nên tình huống
hiện tại và vị lai của chúng ta.
Hai
là luân hồi, tức sự kéo dài của sanh mệnh, là sự khổ đau. Tuy chúng ta có thể
chuyển sanh lên thiên giới (thiên đường và Tịnh độ là 2 khái niệm hoàn toàn
khác nhau, không nên lẫn lộn 2 từ này), nhưng cảnh giới này không phải là cảnh
giới vĩnh hằng trường cửu. Một khi công đức thiện nghiệp hết, chúng ta sẽ đọa
vào trong các đường ác mà nhận lấy khổ đau. Phật giáo chính là dạy chúng ta làm
như thế nào để giải thoát luân hồi sanh tử. Cảnh giới giải thoát này chính là
thành Phật đạo, cũng tức là Niết bàn mà chúng ta thường nhắc đến.
Ba,
Phật giáo không chỉ dạy người làm việc thiện lành, mà còn dạy chúng ta ý thức
được sự tác tâm mới vô cùng quan trọng. Bất luận chúng ta nỗ lực như thế nào đi
nữa để làm việc thiện lành, nhưng nếu vì chấp trước danh lợi, vì mong muốn được
người ta khen thưởng mà làm viện thiện, thì lợi ích đạt được vô cùng ít ỏi,
không thể tích lũy công đức để giúp cho chúng ta chứng thành Phật quả. Việc làm
thiện chân chánh vì thế phải vượt ra ngoài sự chấp trước tự ngã danh lợi, nhưng
muốn hoàn toàn đạt được cảnh giới này, cần phải tĩnh tọa tham thiền tinh tấn mới
được.
Bốn,
duyên khởi và lý “không” là khái niệm quan trọng của Phật giáo đại thừa. Nói
đơn giản, tất cả vạn vật có sanh mệnh (chúng sanh) đều có mối liên hệ vô cùng mật
thiết, không thể đơn độc tồn tại (nương nhân duyên sở sanh). Do đó một cái
“ngã” dù không bị thời gian không gian, điều kiện và những chúng sanh khác ảnh
hưởng đến thì không thể tồn tại được. Vì thế hiểu rõ quan điểm ở trên, Bồ tát
(là người tinh tấn cầu Phật đạo, phát tâm từ cứu độ chúng sanh) làm tất cả việc
lành mà không chấp trước vào một vật nào cả.
Cuối
cùng là cần phải nhận thức công đức có được do các thiện nghiệp phát xuất từ
tâm đại từ bi có thể hiển hiện thành chư Phật và cõi Phật Tịnh độ của các Ngài.
Tất cả công đức này chư Phật đều ban phát cho chúng sanh. Phàm là những người
được công đức này đều có thể mau chóng đắc thành Phật đạo.
4.Tất
cả chúng sanh đều có thể thành Phật. Ðại thừa Phật giáo tin tưởng chúng sanh đều
có Phật tánh. Ai tin tưởng Phật tánh của chính mình, và làm cho Phật tánh nảy nở
phát triển, đó là một vị Bồ tát. Sự bắt đầu của Bồ tát đạo là vị hành giả lập lời
thệ nguyện, dõng mãnh mong cầu trí huệ vô thượng (Bồ đề) và làm cho tất cả
chúng sanh trong cảnh khổ đau đều được giải thoát. Phật giáo đại thừa tin rằng
trong vũ trụ này có vô số Bồ tát đang hành hoặc đã chứng đắc Bồ tát đạo.
Căn
cứ “Kinh Phật thuyết vô lượng thọ” (gọi tắt là Ðại Kinh), một bộ kinh đồ sộ và
vô cùng quan trọng trong Tịnh độ tam kinh, Ðức Phật A Di Ðà vốn là một vị quốc
vương. Sau khi gặp Ðức Phật, vua có ấn tượng vô cùng sâu sắc và xuất gia hành Bồ
tát đạo. Lúc đó pháp danh của Ngài là “Pháp Tạng”, cũng có nghĩa là “Bảo tạng của
Phật pháp”. Ngài dõng mãnh tìm cầu Phật đạo và lập lời thệ nguyện cứu độ tất cả
chúng sanh. Do Bảo Tạng yêu cầu, Ðức Phật Thế Tự Tại Vương hiển thị và giải
thích 210 ức cảnh giới Tịnh độ. Sau khi quan sát các cõi Phật, bèn thiền định
tư duy các đặc trưng kiến lập các cõi Tịnh độ này trong thời gian 5 kiếp (kiếp
là đơn vị hình dung thời gian dài không thể đo lường được). Sau 5 kiếp, Ngài đã
tìm ra cõi Tịnh độ mà mình muốn thành lập và con đường giải thoát khổ đau cho
chúng sanh, vì thế Ngài bèn phát 48 lời nguyện.
“Ðại
kinh” nói rằng Ngài Bảo Tạng đã dùng vô số sanh mạng thực hành Bồ tát đạo trong
vô lượng kiếp. Chúng ta nên biết chỉ phát nguyện suông, không có nghĩa là nguyện
vọng sẽ biến thành hiện thực. Ðể cho nguyện vọng thành tựu, người phát nguyện cần
phải làm các việc thiện lành và tu chứng đắc trí huệ vô thượng. Khi trí huệ đạt
đến đỉnh cao, công đức và lòng từ phát triển đến mức hoàn thiện hoàn mỹ, Ngài Bảo
Tạng thành Phật, hiệu là A Di Ðà. Công đức vô thượng vô biên của Ngài là y theo
lời nguyện trước đã phát thệ mà hiển thị thành thân Phật quang minh vô lượng và
cõi Tịnh độ trang nghiêm. Trong 48 lời nguyện, lời nguyện 18 đối với Phật giáo
đồ Tịnh độ vô cùng quan trọng, vì có thể khiến cho người có lòng tin chân thành
xưng niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà được giải thoát. Bổn nguyện này là chiếc cầu
kiến lập giữa chúng sanh và Ðức Phật A Di Ðà. Người có lòng tin xưng niệm danh
hiệu Ðức Phật mà lãnh thọ công đức của Ðức Phật, có được công đức này, người
này có thể vãng sanh Tịnh độ.
Chư
Phật cùng với hạnh nguyện cảm hóa chúng sanh, không phải quan niệm và tư duy của
phàm phu chúng ta có thể đo lường được. Bộ kinh thứ 2 trong Tịnh độ tam kinh là
“Kinh Phật thuyết Quán vô lượng thọ” (gọi tắt là Quán Kinh). Bộ kinh này giới
thiệu phương pháp dùng pháp nhãn của tự thân quán tưởng Ðức Phật A Di Ðà và cảnh
giới Tịnh độ. Nói đơn giản, tất cả có 13 phép quán tưởng. Ðầu tiên, hành giả hướng
về Tây, tập trung vào ánh mặt trời sắp lặn và ghi nhớ hình tượng này vào trong
ý thức, bất luận mở mắt hay nhắm mắt không để cho hình tượng này tiêu mất. Sau
khi cảnh giới này thành tựu, hành giả quán tưởng đến nước, đầu tiên quán tưởng
khắp cõi Tây phương tràn ngập nước. Nước này đông lại và biến thành lưu ly. Do
vì cảnh Tịnh độ do lưu ly tạo thành nên sau khi quán thành cảnh giới lưu ly,
thì có thể tiếp theo quán tưởng các đặc trưng khác của Tịnh độ cùng với thân Phật
A Di Ðà. “Quán Kinh” nói, phàm những người thành công quán tưởng A Di Ðà và cõi
Tịnh độ Cực lạc, ác nghiệp sẽ được tiêu trừ và sau khi mạng chung nhất định sẽ
được vãng sanh vào cõi Cực lạc.
5.Trong
lịch sử Phật giáo Tịnh độ ở Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nhật Bổn, niệm Phật là công hạnh
quan trọng cầu vãng sanh Tịnh độ, chính là miệng niệm “Nam mô A Di Ðà Phật”.
Câu này có nghĩa là “quy mạng A Di Ðà Phật” hoặc “kính lễ A Di Ðà Phật”. Quán
kinh giới thiệu 13 phép quán tưởng xong bèn chia sự tu trì, thiện hạnh, công đức
và ác nghiệp đã tạo của người phát nguyện cầu sanh Tịnh độ làm 9 phẩm. Ðối với
những người hạ phẩm tạo các ác nghiệp, Ðức Phật Thích Ca dạy họ miệng niệm danh
hiệu Phật có thể tiêu trừ ác nghiệp của tự thân. Theo lý nhân quả, những người
này nhất định sẽ đọa vào địa ngục thọ khổ, nhưng nương nhờ công đức niệm Phật,
các tội của họ được tiêu trừ và khiến cho họ được vãng sanh Tịnh độ.
Kinh
ngắn nhất trong Tịnh độ tam kinh là “Phật thuyết A Di Ðà kinh” (gọi tắt là “Tiểu
kinh “ hoặc “A Di Ðà kinh”), cũng là bộ kinh chuyên dạy chúng sanh niệm Phật.
Tiểu kinh giải thích chỉ cần từ một đến 7 ngày nhất tâm xưng niệm danh hiệu Phật,
thì chúng sanh có thể vãng sanh Tịnh độ. Nhưng điều quan trọng vẫn là lời nguyện
thứ 18 của Ðức Phật, cũng chính là công hạnh do lòng tin niệm Phật khiến cho
chúng sanh được vãng sanh Tịnh độ, ly khổ đắc lạc.
So
sánh với pháp môn quán tưởng, pháp môn niệm Phật là phương pháp dễ hành trì nhất,
không bị bất cứ người nào, hoặc thời gian, địa điểm hạn chế. Phương pháp niệm
Phật tuy dễ hành, nhưng không có nghĩa là công đức và công hiệu niệm Phật sẽ nhỏ
đi. Tất cả Tổ sư Tịnh độ xưa kia, từ Bồ tát Long Thọ ở Ấn Ðộ là người đầu tiên
khởi xướng pháp môn niệm Phật, cho đến Ðại sư Thiện Ðạo ở Trung Quốc và Thượng
nhân Pháp Nhiên Nhật Bổn đều dị khẩu đồng thanh nhấn mạnh phương pháp miệng niệm
Phật này. Ngài Thiện Ðạo (613-681) đời Ðường - Trung Quốc là một trong những
người tiên phong chỉnh lý và phát dương giáo lý Tịnh độ. Sau khi thành tựu pháp
môn quán tưởng Ngài bèn trước tác bộ luận “Quán kinh tứ thiếp sớ” giải thích
“Quán kinh”, cùng với các trước tác giải thích phương pháp tu trì và nguồn gốc
của pháp môn quán tưởng. Tuy như thế, hệ thống tu trì của Ngài vẫn lấy phương
pháp niệm Phật làm công hạnh tu trì chủ yếu. Các công hạnh khác, bao gồm phép
quán tưởng Phật A Di Ðà, chỉ khởi tác dụng phụ giúp thêm. Sư phụ của Ngài Thiện
Ðạo là Ngài Ðạo Xước (562-645) mỗi ngày niệm danh hiệu Phật 70 ngàn biến, Ngài
Thiện Ðạo cũng tinh cần niệm danh hiệu Phật. Pháp môn niệm Phật của Ngài truyền
bá khắp mọi nơi và sau đó truyền đến Nhật Bổn. Thượng nhân Honen (Pháp Nhiên
1133-1212) đã kế thừa pháp môn niệm Phật của Ngài Thiện Ðạo. Thượng nhân Honen
thành lập Tịnh độ tông Nhật Bổn trên nền tảng giáo lý chuyên tâm xưng niệm danh
hiệu Phật có thể vãng sanh Tịnh độ. Ðệ tử của Ngài ngoài những lúc theo Ngài niệm
Phật, còn viết những tác phẩm xiển minh và làm sáng tỏ lời dạy của Ngài
Trước
khi Ngài Honen thành lập Tịnh độ, pháp môn niệm Phật đã phổ biến lưu hành trong
giới dân gian và quý tộc, đây này là công của Ðại sư Genshin (Nguyên Tín
942-1017) và các bậc Thánh khác của Tịnh độ tông như Thượng Nhân Koya (Không Dã
903-972). Ngài Genshin nổi tiếng bởi tác phẩm “Vãng sanh yếu tập” của Ngài.
Trong tác phẩm này, Ngài diễn tả chi tiết cảnh giới khổ đau trong cõi ác và sự
an vui ở cõi Tịnh độ Cực lạc, để khích lệ đại chúng nguyện sanh Tịnh độ. Ðồng
thời Ngài còn thành lập Hội niệm Phật vào một ngày trong tháng cùng nhau niệm
Phật tu hành. Ðương thời có một quý tộc tên là Fujiwara Michinaga (Ðằng Nguyên
Ðạo Trưởng 966-1027), khi lâm chung tay ông nắm một sợi dây ngũ sắc mà đầu kia
cột vào tay của Ðức Phật A Di Ðà. Theo “Quán kinh” và “Vãng sanh yếu tập”, phàm
người lâm chung nếu có thể niệm Phật và tưởng nhớ Ðức Phật A Di Ðà thì sẽ được
Ðức Phật và chư Thánh tiếp dẫn lên cõi Tây phương Tịnh độ. Sợi dây ngũ sắc được
cho rằng có công năng được Ðức Phật thân lâm tiếp dẫn.
6.Khi
chúng ta nhắc đến danh từ Phật giáo Tịnh độ, chúng ta không những chỉ nhắc đến
Tịnh độ tông ở Nhật Bổn, mà ở Trung Quốc, Ðài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam các nước
Á Châu cùng với các khu Á kiều tụ tập ở Âu châu, Mỹ châu đều tồn tại các loại
hình tông phái Tịnh độ. Các đạo trường và tự viện của các tông phái Tịnh độ này
đều do Tăng sĩ hoặc Giảng sư ở địa phương đó trụ trì.
Ở
Nhật Bổn, Tịnh độ tông và Chân tông Tịnh độ đã trở thành tông phái Phật giáo được
quần chúng hoan nghênh nhất. Theo con số điều tra của chính phủ năm 1987, các tự
viện của Phật giáo Tịnh độ tổng cộng có 30368 ngôi, tín đồ của Tịnh độ có
20446912 người. Con số này khoảng 1 phần 4 tổng số Phật giáo đồ Nhật Bổn. Thiền
tông chỉ có 9481011 tín đồ. Chúng ta tuy không có cách nào biết được con số thực
tế tín đồ và tự viện của các tông phái trên, nhưng từ những con số thống kê này
chúng ta có thể biết được tư tưởng Tịnh độ ảnh hưởng sâu xa đối với Nhật Bổn.
Nếu
bạn có cơ hội đến Tokyo (Ðông Kinh) - Nhật Bổn du lịch, trên con đường từ Tokyo
đến Kyoto (Kinh Ðô) không nên bỏ qua Kamakura (Liêm Thương). Kamakura nổi tiếng
là trung tâm chính trị hơn 140 năm của chính phủ Tướng quân xưa kia. Phong cảnh
nổi tiếng nhất của vùng này là tượng Ðức Phật A Di Ðà ngồi, cao 15 mét, hai tay
kiết ấn Di Ðà, được thành lập vào năm 1250, đôi mắt từ bi của Ngài đã nhìn suốt
sự thay đổi biến thiên của thế gian. Ðối với các du khách từ các miền trên thế
giới, Ngài dường như nói “Hoan nghênh đến Nhật Bổn là cõi Tịnh độ của Ðức Phật
A Di Ðà”.
Khi
bạn xuống xe từ trạm Kyoto và đi lên phía bắc một đoạn đường, bạn sẽ thấy một
ngôi chùa Phật trang nghiêm. Ngôi chùa này là Tổ đình của phái Ðại Cốc, một
trong 2 tông phái lớn của Chân tông Tịnh độ, người ta thường gọi ngôi chùa này
là chùa Ðông Bổn Nguyện. Nếu bạn tiếp tục đi về phía tây khoảng 10 phút, bạn sẽ
nhìn thấy một ngôi chùa lớn như chùa Ðông Bổn Nguyện, đây là chùa Tây Bổn Nguyện,
theo số thống kê được điều tra năm 1990, các tự viện thuộc chùa Tây Bổn Nguyện
gồm có 10369 ngôi, Tăng chúng giảng sư gồm có 27238 vị. Ngoài ra các miền trên
toàn quốc có 9 Trường đại học và đại học ngắn hạn, bao gồm đại học Ryukoku, nơi
tôi đang dạy học đều trực thuộc chùa Tây Bổn Nguyện. Các trường cao đẳng và
trung đẳng thuộc chùa Tây Bổn Nguyện gồm có 35 trường. Ngoài ra chùa Tây Bổn
Nguyện ở nước Mỹ có 97 ngôi chùa, Nam Mỹ có 59 ngôi và Gia Nã Ðại có 18 ngôi
chùa, ở Âu châu có 3 ngôi và 1 số đạo trường niệm Phật.
7.Tổ
sư của Chân tông Tịnh độ là Ngài Shinran, sanh năm 1173 tại Kyoto - Nhật Bổn,
vì cha mẹ mất sớm, nên 9 tuổi xuất gia. Vào thời đại của Ngài xã hội động loạn
không an, dân chúng không đường sinh sống. Lúc đó 2 bộ tộc Minamoto and Taira
vì tranh chấp quyền lợi mà gây ra nội chiến, cuối cùng bộ tộc Taira thắng trận,
và năm 1192 tại Kamakura, Minamoto Yoritomo xây dựng chính phủ tướng quân
Shinran
sau đó đến núi Hiei (Tỷ Duệ) Thiên Thai tông tu học. Ngài ở nơi đây 20 năm
chuyên cần tu học giáo lý Thiên Thai, nhưng cuối cùng phát hiện mình vẫn không
có cách nào khai ngộ và tiêu trừ phiền não trong tâm. Vì thế Ngài bèn xuống núi
đến Kyoto đi tìm con đường giải thoát thích hợp cho mình. Lúc đó Thượng nhân
Honen lớn hơn Shinran 40 tuổi đang tuyên dương pháp môn niệm Phật cho các tầng
lớp nam nữ trong xã hội. Shinran bèn xin làm môn hạ của Ngài và phát hiện pháp
môn niệm Phật có thể khiến cho chúng sanh được giải thoát.
Môn
phái cũ của Ngài vì lòng tật đố nên dâng sớ lên triều đình yêu cầu cấm chỉ giáo
pháp niệm Phật của Honen, Honen cùng với đại đệ tử bị bức hại. Shinran năm 1207
cũng vì đó mà bị đày lên miền bắc Nhật Bổn, và sau đó kết hôn lập gia đình tại
đây. Sau khi được xá tội, Ngài đi đến tỉnh Hitachi ở phía bắc Nhật Bổn, một mặt
tuyên dương pháp môn niệm Phật cho dân chúng tại địa phương này, một mặt viết bộ
luận đồ sộ của Chân tông “Giáo hành tín chứng”. 60 tuổi Shinran trở lại Kyoto,
cho đến năm 90 tuổi qua đời, trong thời gian này tất cả tinh lực của Shinran đều
dồn vào trong các trước tác của Chân tông.
Shinran
sống cuộc đời như những người bình thường khác. Ngài có vợ là Eshin Ni (Huệ Tín
Ni, là một thiếu nữ thuộc dòng dõi quý tộc tại Nhật Bổn) và sanh hạ 1 nam 5 nữ
(1 thuyết khác 2 nam 5 nữ). Theo giới luật Phật giáo, Tăng sĩ xuất gia không được
kết hôn sanh con. Do đó việc tu học Phật đạo và lập gia đình được xem như trái
ngược nhau. Khi Shinran bị đày, tăng tịch của Ngài đã bị hủy bỏ mà còn bị ghép
vào tội đằng tỉnh thiện tín (Theo pháp luật đương thời, tăng sĩ không bị pháp
luật quản chế, vì thế nếu muốn cáo tội một tăng sĩ thì đầu tiên phải hủy bỏ
tăng tịch của người đó, và ghép vào 1 tội danh.). Với tình thế như vậy, Ngài ý
thức rằng mình không phải là tăng cũng không phải là tục. Vì thế Ngài kết hôn với
1 cô gái thích hợp là một việc rất tự nhiên. Với hành động kết hôn này, Shinran
muốn chứng tỏ nam nữ bình thường cũng là đối tượng cứu độ của Ðức Phật A Di Ðà.
8.Sau
thời Honen, trong các tông phái Tịnh độ hưng khởi ở Nhật Bổn, tông phái phát
triển lớn mạnh nhất là Chân tông Tịnh độ, về mặt giáo nghĩa, Chân tông không
câu thúc vào hình thức khiến nó được đại chúng tiếp thu. Shinran vốn không có ý
định sáng lập tông phái mới, trong tác phẩm “Giáo hành tín chứng” cùng với các
tác phẩm khác của mình, Ngài thuyết minh rằng mình chỉ muốn y theo lời dạy của
Ðức Phật Thích Ca và 7 vị cao tăng, xiển dương phần tinh tủy chân chánh quan trọng
của các Ngài mà thôi. Kiến giải của Shinran đối với giáo lý Tịnh độ dường như
căn cứ theo phán đoán của Ngài mà hình thành. Nhưng những kiến thức thâu lượm
được từ kinh nghiệm cuộc sống và cảm xúc cá nhân của Ngài, trên thực tế đã làm
sáng tỏ nền giáo lý mà các bậc cao tăng Nhật Bổn xưa kia đã truyền trao.
Trong
việc phát triển bất cứ một nền tôn giáo hoặc triết học nào, việc canh tân lại
giáo lý là quá trình không thể thiếu được. Ðể cho giáo lý và sự tu trì được bảo
đảm tính chất sống, giáo lý và sự tu trì đó cần phải do sự thể nghiệm của tự
thân mà đưa ra quan điểm mới để nghiên cứu và xiển dương lại. Việc nghiên cứu lại
giáo lý như trên mặt đất khai thác một nguồn năng lượng mới. “Pháp” do Ðức Phật
tìm ra cách đây hơn 2500 năm về trước như mặt đất. Ban đầu Ngài truyền trao cho
chúng sanh phương pháp nguyên thủy trong việc khai thác và chế luyện để lấy được
năng lượng. Phạn ngữ “dharma”, tôi phiên dịch là “pháp”, từ này ở Ấn Ðộ cổ xưa
đã sử dụng rất phổ biến. Chân lý mà Ðức Phật tìm ra cùng với phương pháp tu học
để đạt được chân lý cũng sử dụng chữ “pháp” này, nhưng Ngài sử dụng chữ “pháp”
khác với Bà la môn giáo Ấn Ðộ. Ngài đã sử dụng chữ pháp với hàm nghĩa và quan
điểm mới, hàm nghĩa này vài thế kỷ sau đó, sau khi đại thừa Phật giáo tại Ấn Ðộ
hưng khởi mới hoàn toàn được hiển lộ. Theo quan điểm của đại thừa, Phật pháp do
lịch sử, địa lý và xã hội thay đổi mà dùng trí huệ tham thấu và quan sát để đổi
mới theo.
Ở
đây tôi muốn nhấn mạnh, quá trình nghiên cứu và đưa ra kiến giải mới, tĩnh tọa
tham thiền là một yếu tố vô cùng quan trọng. Chỉ nương vào lý luận trống rỗng của
phàm phu có thể nói là hư huyễn không thật tế. Từ khi lịch sử Phật giáo bắt đầu,
tư tưởng siêu thế giới quan của Phật giáo… đều đạt được từ trong thiền định, điều
này Phật giáo Tịnh độ tương đồng với Phật giáo đại thừa. Theo “Quán kinh”, nếu
chúng ta có thể thành công y theo phương pháp trong kinh để tu trì, chúng ta có
thể quán tưởng A Di Ðà Phật và cõi Cực lạc thế giới. Mỗi khi mê mờ phiền não,
chúng ta có thể dùng phương pháp tĩnh tọa tham thiền để đối trị. Nhưng trên thực
tế tĩnh tọa tham thiền không phải mỗi lần đều dễ dàng có hiệu quả. Hôm nay đã
cách Phật quá xa, các đạo sư tu thiền càng ngày càng ít. Dù cho bạn tìm được một
vị thầy, muốn lâu dài kiên trì tu tập theo pháp tu của vị này cũng rấtø khó
khăn. Phương thức tĩnh tọa của pháp môn quán tưởng Tịnh độ dễ dàng tu tập hơn
so với phương pháp thiền định tu trì của thiền tông. Ðó là vì hành giả có đối tượng
chú tâm vào (Ðức Phật và Tịnh độ) cùng với sự gia trì của thần lực Ðức Phật A
Di Ðà.
Honen
tu trì giáo pháp Thiên Thai tông nhiều năm ở núi Hiei mà bản thân vẫn không chứng
ngộ. Shinran cũng giống như thế, cũng ở núi này tu tập 20 năm mà cuối cùng phát
hiện mình không có cách nào thành tựu. Sau khi Honen đọc bộ luận của Ngài Thiện
Ðạo mà hoát nhiên đại ngộ, vì thế Ngài bỏ đi các phương pháp tu trì khác, nhất
tâm tín nguyện niệm Phật. Ðiều quan trọng của việc Honen chuyển lòng tin niệm
Phật là ở sự thực Ngài phát hiện tự thân không thể làm cho mình giải thoát.
Honen phát hiện ở sau danh hiệu Phật là thần lực vô lượng của Ðức Phật A Di Ðà.
Do phát hiện này, Honen đã đứng ở một góc độ mới xiển dương giải thích Phật
pháp và đặt pháp môn niệm Phật trên các pháp môn khác.
9.Các
nhà học giả phương Tây thường so sánh Shinran với Martin Luther (Mã Ðinh Lộ Ðức
1483-1546), vì những sự đổi mới Phật giáo của Shinran có nhiều điểm tương đồng
với kháng nghị của Martin Luther đối với Thiên chúa giáo. Nhưng Shinran không
công khai kháng nghị với các vị lãnh đạo Phật giáo và cũng không có ý định sáng
lập tông phái mới. Ðiều mà Shinran quan tâm cũng giống như Honen và 7 vị cao
tăng là nương vào Tịnh độ để được giải thoát. Ðiều này xem ra dường như có chút
tư tưởng riêng tư yếm thế, nhưng tâm hướng về Tịnh độ và bản thân của Ngài hoàn
toàn không có riêng tư và cũng không bi quan yếm thế. Vì sau khi Shinran lãnh
thọ được sức từ bi của Ðức Phật A Di Ðà, Ngài phát hiện bản thân và tất cả
chúng sanh kỳ thực như nước hòa với sữa không thể phân cách. Vì thế, sau khi
Shinran siêu thế gian, tức vãng sanh Tây phương, sẽ y theo bổn nguyện của mình
trở về thế gian này cứu độ chúng sanh.
Shinran
đã hiểu rõ sức cứu độ của Ðức Phật cùng với sự tư duy sâu sắc của mình đã thay
đổi tư tưởng Phật giáo và những lý giải thông thường. Trong bộ sách quan trọng
của Chân tông “Thán dị sao”, Shinran có câu danh ngôn như sau :
“Ngay
cả người thiện cũng đều được vãng sanh Tịnh độ, huống chi kẻ ác. Ðối với việc
này, người đời thường nói : ngay cả kẻ ác còn được vãng sanh Tịnh độ, huống chi
người thiện. Câu này dường như có lý, nhưng trên thực tế đã sai ngược với bổn
nguyện giáo lý tha lực vãng sanh”. (Chương thứ 3)
Y
theo lời dạy của Ðức Phật, nếu chúng ta có thể thông qua tham thiền tu tập trí
huệ và rộng tu các hạnh lành, thì đường tu tập của chúng ta càng thăng hoa. Nếu
chúng ta không có cách nào làm các việc lành, chúng ta nhất định sẽ đọa vào
trong các đường ác nhận chịu khổ đau để tiêu mòn ác nghiệp đã làm. Tuy Shinran
có năng lực làm việc thiện, nhưng khi Ngài dùng huệ nhãn phát giác ác nghiệp lớn
nhất trong nội tâm, và ý thức tất cả sở hành của mình không thể tách rời ác
nghiệp thao túng. Ðây có nghĩa là Shinran ý thức bản thân mình không có mảy may
thiện nghiệp và phước đức, càng không thể nói đến việc khiến cho bản thân mình
giải thoát.
Một
câu danh ngôn khác của Shinran trong “Thán Dị sao”:
“Tôi
đã không biết tu bất cứ công hạnh gì, và như thế tương lai chắc chắn sẽ đọa địa
ngục”.
Shinran
không phải lâm vào cảnh sơn cùng thủy tận, cũng không phải cảm thấy mình bị sức
cứu độ của Ðức Phật gạt bỏ bên ngoài. Sự chứng ngộ của Ngài đối với sự vô lực tự
cứu của bản thân, chính là chứng minh bản thân mình đã được Ðức Phật A Di Ðà
nhiếp thọ và cứu độ. Vì thế thông qua lòng tin chân thành đối với Ðức Phật, Shinran
có thể lãnh thọ công đức, trí huệ và sức mạnh vô lượng của Ðức Phật, và hoàn
toàn đặt căn bản của phàm phu tự ngã chấp trước vào trong lòng của Ðức Phật A
Di Ðà.
Kiến
giải đối với Phật giáo của Shinran phát xuất từ kinh nghiệm tín thọ và lãnh thọ
Phật lực (tha lực). Ngài chia Phật giáo thành hai hệ thống, là tự lực giáo và
tha lực giáo. Chân tông thì hoàn toàn là tha lực giáo, các tông phái Phật giáo
khác thuộc về tự lực giáo. Shinran thậm chí không khuyến khích niệm Phật. Ðối với
Thiện Ðạo và Honen, tín đồ Tịnh độ toàn tâm toàn lực xưng niệm danh hiệu Phật,
còn đối với Shinran, việc cần thiết là chỉ chân thành lãnh thọ sức cứu độ vô điều
kiện của Ðức Phật dành cho chúng sanh.
10.Chân
tông từ xưa đến nay xuất hiện nhiều nhân vật được gọi là “người Tuyệt vời”. Những
người tuyệt vời này là những người nam nữ bình thường, phần đông tuy không biết
chữ nhiều nhưng sâu sắc hiểu rõ tha lực giáo.
Họ
hoàn toàn không phải chỉ là những người niệm Phật đơn giản kiền thành. Những
người này đã phát hiện tha lực và bản thân mình cùng với Ðức Phật hòa hợp thành
một thể, hoàn toàn lãnh thọ lòng từ bi của Ðức Phật đối với chúng sanh. Tuy những
người tuyệt vời này hiểu rõ bản thân không thể do tự lực giải thoát, nhưng họ lại
thường ôm lòng tri ân vô hạn đối với ân đức sâu dày của Ðức Phật, và cuộc sống
hàng ngày của họ tràn ngập pháp hỷ mang tánh tự phát và tình thương vô ngã đối
với thế gian.
Asahara
Saichi (Thiển Nguyên Tài Thị 1851 - 1933) khi còn thiếu niên đã hướng về Phật
giáo. Sau 5 hay 6 năm, ông ta đã nghe rất nhiều buổi thuyết giảng về Phật pháp,
nhưng sau khi suy nghĩ sâu sắc về khả năng giải thoát của bản thân, ông quyết định
từ bỏ Phật giáo. 10 năm sau, sự khát vọng của ông đối với Phật giáo lại lần nữa
xuất hiện, lúc đó ông đang làm thợ mộc trong ngành đóng thuyền. Saichi sau những
giờ làm việc rảnh rỗi, không bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nghe thuyết pháp. Ðể
hoàn toàn hiểu rõ tha lực giáo, ông đã nỗ lực tìm kiếm và đến năm 50 tuổi, lòng
tin đã thức tỉnh trong ông. Ông đã đổi nghề làm người thợ giày.
Sự
hoan hỷ của Saichi đối với Ðức Phật lúc nào cũng từ trong tâm tuôn chảy ra. Ông
đã dùng thi ca để biểu đạt pháp hỷ của mình. Saichi tuy không biết tiếng Hoa,
nhưng ông dùng tiếng Nhật viết những bài thơ trên những miếng gỗ bỏ và ban đêm
viết vào vở. Trong rất nhiều bài thơ của ông, dưới đây dẫn chứng vài bài để cho
chúng ta hiểu rõ cảm xúc của ông đối với lòng tin.
Nam
mô A Di Ðà Phật và Nam mô A Di Ðà Phật,
Là một chứ không phải là hai.
Nam mô A Di Ðà Phật là chính ta,
Và A Di Ðà Phật là cha mẹ tôi.
Ðó chính là nhất thể hóa mà Ðức Phật A Di Ðà thể hiện,
Ðối với sự đãi ngộ này, tôi vô cùng hạnh phúc,
Nam
mô A Di Ðà Phật.
A
! Saichi, Tịnh độ Cực lạc của bạn ở đâu?
Tịnh
độ của tôi chính là ở đây.
Thanh
âm của bạn chính là Nam mô A Di Ðà Phật,
Tôi
vô cùng cảm kích,
Tôi,
Saichi đã được danh hiệu của Ngài cứu độ
Bạn
và tôi là một thể với Nam mô A Di Ðà Phật
Danh
hiệu Phật trong miệng tôi lúc nào cũng có thể tìm được,
Ðây
quả thật là một vị Phật tuyệt vời
Ðây là cha mẹ tôi A Di Ðà kêu gọi tôi
Tôi, Saichi đã được trói buộc vào trong đó.
Lòng tin này thật là lòng tin kỳ diệu
Phật đã nghe được âm thanh của Phật
Ở đây không có chỗ cho Saichi tôi nhúng tay vào
Tôi vô vàn cảm kích ân huệ Ðức Phật đối với tôi
Nam
mô A Di Ðà Phật, Nam mô A Di Ðà Phật.
Ðối
với Saichi và những người có lòng tin chân thành, niệm Phật và lòng tin đã hòa
nhập thành một thể. Niệm Phật không phải nỗ lực tu trì, mà là pháp hỷ tự nhiên
tuôn trào từ lòng tin chân thành. Vì thế, Nam mô A Di Ðà Phật có nghĩa là cảnh
giới Ðức Phật A Di Ðà và tín giả hòa nhập thành một thể, vì “Nam mô” là lòng
tin của tín đồ, mà “A Di Ðà Phật” là sức cứu độ tuyệt đối vô ngại của Ðức Phật.
Ashikaga
Genza (Nguyên Tả 1842-1930) là một vị tuyệt vời khác. Lòng từ bi vô lượng của Ðức
Phật cũng là từ trong tâm ông hiển thị tình thương bao la không một chút riêng
tư. Một ngày kia, ông ta nhìn thấy các cây hồng trong vườn buộc đầy các cành
gai. Ông hỏi:
-
Ai làm gì đây?
Con
ông trả lời:
-
Con thấy mấy đứa con nít thường hái trộm hồng nên làm như thế để ngăn chặn nó.
Genza
nói:
-
Nếu có người vì đó mà bị thương thì làm sao đây?
Ông
bèn dẹp đi các nhánh cây gai, và để một cây thang gần cây hồng. Con ông bèn hỏi:
-
Làm như thế, không phải để cho người ta dễ trộm hồng của mình sao?
Genza
trả lời:
-
Ðể cho họ lấy đi những trái hồng mà họ muốn ăn, dù sao chúng ta cũng còn đủ hồng
để ăn mà.
Một
lần khác có một chàng thanh niên vào trong vườn của ông lấy một ít đậu cho ngựa
ăn. Genza thấy vậy bèn kêu rằng:
-
Chàng thanh niên kia! Ðậu ở đó không ngon, hãy đi vào trong sẽ tìm được đậu
ngon cho ngựa!
Nghe
lời này, cậu thanh niên lập tức trèo lên ngựa chạy mất.
Shoma
(Trang Tùng 1799-1871) là một người dân nghèo không biết chữ. Tuy kiếm sống bằng
nghề đan dép, bện thừng, làm thuê làm mướn, nhưng ông có kiến giải sâu sắc đối
với lòng từ bi của Ðức Phật A Di Ðà. Có người hỏi ông:
-
Ðặt lòng tin tuyệt đối vào Ðức Phật, có ích lợi gì?
Nghe
câu hỏi này Shoma bèn thảnh thơi nằm trước bàn Phật thờ trong nhà.
Khi
ông cùng với người bạn đi đến chùa, ông nằm nghiêng trong chánh điện. Người bạn
trách ông:
-
Bạn quá vô lễ, trang nghiêm lên một chút!
Shoma
trả lời:
-
Ðây là nhà của cha mẹ tôi, không cần phải khách sáo, chẳng lẽ bạn là chàng rể
sao?
Lần
khác ông cùng với bạn bè ngồi thuyền đi Kyoto lễ bái chùa Bổn Nguyện. Trên đường
trở về, thuyền gặp phải sóng to gió lớn. Lúc đó tất cả hành khách đều sợ xanh mặt,
chỉ có một mình Shoma vẫn nằm ngủ ngon lành như không có chuyện gì xảy ra. Lúc
bạn kêu dậy, ông hỏi:
-
Chúng ta vẫn chưa đến Tịnh độ sao?
Người
tuyệt vời như thế, đã cho thấy những tín đồ Chân tông đạt được lòng tin chân
thành tuyệt đối vào tha lực thì cũng không khác gì những người tu thiền ngộ đạo.
Tất cả các việc làm của họ không những không bị bất cứ thứ gì ràng buộc, mà đồng
thời còn sung mãn tình thương đối với chúng sanh và sự giác ngộ triệt để đối với
vạn sự vạn vật. Những người này thậm chí sẽ siêu việt thiện và ác, thế gian và
Tịnh độ. Người tuyệt vời đối với mọi người chung quanh không cống cao cũng
không ngạo mạn, ngược lại sẽ dùng tâm thông cảm hoan hỷ để giúp đỡ mọi người
cùng đi trên con đường Tịnh độ như mình.
11.Từ
những ví dụ ở trên, Chân tông bao gồm nhiều tầng lớp người thế gian và xuất thế
gian. Tóm lại, trước bất cứ việc gì, tín đồ Chân tông nương theo sức bổn nguyện
của Ðức Phật mà được giải thoát. Từ “giải thoát” theo Chân tông có 3 tầng bậc.
Thứ nhất, những người phàm phu như chúng ta có thể cùng với Ðức Phật A Di Ðà là
bậc đã siêu vượt thế gian dung hợp thành một thể, khiến cho tự thân thoát ly lục
đạo luân hồi, vì chúng ta lãnh thọ lòng tin từ nơi Ðức Phật, cho nên chúng ta
luôn luôn tưởng niệm đến ân sâu vô lượng của Ðức Phật đối với chúng ta. Thứ
hai, sau khi chúng ta qua đời, nhất định sẽ vĩnh viễn giải thoát cõi ta bà, lục
đạo này, và vãng sanh cõi Tây phương Cực lạc. Vãng sanh Tịnh độ, trên cơ bản
không khác gì Niết bàn thành Phật đạo. Tịnh độ là đại bảo tàng công đức vô lượng,
vì thế người được sanh vào cõi Tịnh độ không những thọ nhận pháp hỷ vô tận, mà
còn có thể dùng thân Bồ tát rộng độ tất cả chúng sanh, cuối cùng, chúng ta sẽ
chứng đắc Phật đạo Vô thượng.
Ba
tầng bậc này có thể phân chia theo thời gian từ quá khứ đến vị lai. Nhưng quan
trọng nhất là cần phải hiểu rõ việc thành Phật không phải vị lai hoặc quá khứ,
mà là chứng nghiệm chân lý ngay trong “hiện tại”. Saichi trong một bài thơ viết
rằng:
Ôi
! Saichi, ai là Phật?
Ngài
không phải là ai khác mà chính là tôi,
Ai
là người sáng lập ra Chân tông Tịnh độ?
Ngài
không phải là ai khác mà chính là tôi.
Gì
là kinh điển và luận trước?
Ðó
cũng không phải là ai khác mà chính là tôi.
Ðối
với Shinran, lòng tin không những là “món quà miễn phí” của Ðức Phật A Di Ðà
ban cho mọi người, cũng chính là tự thân của Ðức Phật A Di Ðà. Shinran trong một
bài tán viết rằng:
Người
hoan hỷ tín tâm vô ngại, là Phật pháp,
Phật
pháp cũng là đức Như Lai,
Ðại
tín tâm tức là Phật tánh,
Phật tánh tức là Như Lai. (Bài tán 94)
Ðây có nghĩa là lòng tin bao gồm tất cả. Sau khi chúng ta
lãnh thọ lòng tin, việc chúng ta thành Phật đã được khẳng định. Ðây không chỉ
là quan điểm mới của giáo lý Tịnh độ mà Shinran viết trên giấy tờ mà thôi,
thông qua lòng tin, Shinran và Ðức Phật A Di Ðà đã dung hợp thành một thể. Các
giáo đồ Chân tông khác cũng giống như Shinran vậy. Nên nói, lòng tin là tâm
hoan hỷ vui mừng, vì lòng tin chính là hoan hỷ tiếp nhận, lãnh thọ sức cứu độ của
Ðức Phật A Di Ðà. Ðức Phật A Di Ðà dùng hình thức “Nam mô A Di Ðà Phật” để gần
gũi thân cận chúng ta. Một khi chúng ta lãnh thọ 6 chữ danh hiệu này, 6 chữ sẽ
biến thành lòng tin. Nói cách khác, 6 chữ Thánh hiệu là tất cả công đức của Ðức
Phật A Di Ðà , lòng tin cũng chính là Ðức Phật A Di Ðà.
No comments:
Post a Comment