Chứng ngộ và Vãng sanh Cực Lạc
Điểm đến của người tu học Phật thường là Chứng ngộ,
đắc đạo. Nhưng tại sao gần đây ta cũng hay nghe nói Vãng sanh Cực Lạc như một
kết quả cho việc hành trì. Vậy, Chứng ngộ
và Vãng sanh Cực Lạc khác nhau thế nào, và có gì chống trái giữa 2 từ ngữ ấy.
Chúng tôi không ngại sức học kém cỏi, xin trình bày kiến giải cạn cợt của mình,
mong các vị cao minh vui lòng chỉ giáo. Đa tạ.
LỜI THƯA:
Vãng sanh
là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi và thường xuyên, là mục tiêu chân chánh
và khẩn thiết nhất của những người hướng đến đạo giải thoát và là ước mong
nhiệt thành của hành giả Niệm Phật, sau những năm tháng tu tập.
Trong giáo
lý Nguyên thuỷ, để xiển dương năng lực thọ trì Bát quan trai, kinh điển Nikaya
ghi rằng: “ Một Phật tử nọ sau khi thọ trì Bát quan trai nửa ngày, đi ra khỏi
tịnh xá và bị xe bò húc chết. Đức Phật tuyên bố rằng, ông ta được thác sanh lên
cõi Trời, nhờ vào công đức thọ bát quan trai dù chỉ một buổi”. (Đức Phật và
Phật pháp, của Ngài Narada, Phạm Kim Khánh dịch)
Rải rác
trong kinh điển Nguyên Thuỷ, chúng ta thấy đức Phật thường nhắc đến Cõi Trời
như một phần thưởng cho các đệ tử tại gia. Trong buổi sơ khai của đạo Phật,
biết dân chúng vốn có thói quen của Bà la môn, (tập quán ưa thích sanh lên cõi
trời) nên đức Phật đã khuyến dụ họ bằng những kết quả thực hiện Bát quan trai
thì được sanh Thiên (sanh lên cõi trời). Thật ra, ngay khi rời Bồ-đề đạo tràng,
Ngài đã xác quyết mục tiêu là con đường diệt tận khổ đau, phiền não và giải
thoát chúng sanh khỏi luân hồi trong 3 cõi, cho nên giáo lý “sanh Thiên” chỉ là
giáo lý tạm thời.
Do đó,
nhiều Phật tử đã nhầm lẫn rằng, “Vãng sanh Cực Lạc” có ý nghĩa tương tự như
thác sanh lên cõi Trời (thiên đường), nhưng có thể là một thiên đường khác!
Nhiều người cho rằng, cõi Cực Lạc chính là phát triển từ cõi trời Ngũ Bất Hoàn
Thiên (là 5 loại cõi trời dành riêng cho A-Na-Hàm, người chứng quả Bất Lai sẽ
được tái sanh nơi đó và không bao giờ trở lại thế gian nữa).
Ngay cả một
số người theo pháp môn Tịnh độ cũng vậy, họ nhận thức cuộc đời khổ não, giả
tạm, chỉ đưa đến những kết quả ngoài ý muốn, nên họ phát tâm tịnh tu để lúc lâm
chung, được Phật rước về sống nơi an vui vĩnh hằng!
Thái độ này
vẫn còn nhiều sơ sót. Lý do: thứ nhất,vẫn tỏ ra mình chưa hiểu mấy về ý hướng
chân chánh của Phật khi ban tặng pháp môn Tịnh độ và danh hiệu A Di Đà cho tất
cả chúng ta! Thứ hai, trong khi thực hành niệm Phật, họ đã quên gắn bó Bồ Đề
tâm vào thái độ sống của mình. Mà kinh Hoa Nghiêm dạy: “Quên mất bồ đề tâm mà
tu hành các thiện pháp, thì đó là hành động theo ma vương”. Thứ ba, đạo Phật
không phải là một tôn giáo thần quyền luôn hứa hẹn một cõi thiên đường khoái
lạc sau khi chết để ru ngủ tín đồ, như lắm người lầm tưởng!
Do những
khúc mắc như vậy, chúng tôi xin sưu tầm những kinh sách hiện có trong tay, để
tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ “vãng sanh Cực Lạc”, thì cũng không phải việc vô
ích. Và kính mong sự góp ý của chư vị thiện hữu tri thức.
“Vãng sanh
Cực Lạc” có nhiều ý nghĩa:
1.- Cực Lạc là cõi Tâm Linh, vãng sanh là đi về Cõi
Tâm Linh
Có thể nói
rằng, đạo Phật là đạo Tâm, cho nên cõi lý tưởng của nhà Phật tạm gọi là cõi
Tâm. Cõi Tâm không có địa chỉ, chỗ đến (không phương sở), không tên gọi, không
thể đo đạc, ước lượng được, chỉ cảm nhận mà thôi ...
Mà tâm rộng
lớn như hư không, bao trùm cả pháp giới và nói nhỏ thì nhỏ hơn hạt cải. Muôn sự
không ngoài tâm. Điều này dường như khó hiểu đối với những người duy lý, những
người tìm hiểu mọi sự qua suy luận, bằng cứ cụ thể, xác đáng. Đó gọi là “không
thể nghĩ và bàn”, nghĩa là vượt lên trên mọi suy tư và diễn tả. Hình như cái gì
gọi là Tâm Linh thì ta không thể sử dụng bất cứ phương tiện thế gian nào, ngoại
trừ cái trực cảm của mình và Cơ Duyên của mỗi người.
Thân Loan
(tổ sư Tịnh độ Chân tông Nhật Bản) cũng nói rằng: Cõi Cực Lạc của A Di Đà không phải là một thế giới vật chất được tìm
thấy giữa các thiên hà xa xôi, mà chỉ là một trạng thái thanh bình hạnh phúc
thực sự cuả Tâm Linh, vượt lên trên tất cả
tư duy và diễn tả cuả thế gian tầm thường. (Tìm hiểu về Tịnh độ Chân
tông, Jean Eracle, Editions de Seuil, 1994)
Như vậy,
vãng sanh Cực Lạc nghĩa là sanh về cõi của tâm linh tức thế giới của Phật,
Bồ-tát.
3.- Vãng sanh Cực Lạc là tên gọi khác của từ ngữ “đi
vào Niết-bàn”.
Theo lời dạy của đức Phật, Niết Bàn đâu phải là 1 chỗ dành cho các linh
hồn trú ẩn? Niết Bàn là trạng thái Giác Ngộ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đạt Niết
Bàn khi giác ngộ, tại ngay thế gian này. Sau đó nhiều đệ tử của Ngài (Xá
Lợi Phất, Tu Bồ Đề, Ma ha Ca Diếp, Mục Kiền Liên, A Nan ...) cũng đạt Niết Bàn,
đươc gọi là A la hán, ngay khi còn sống.
Tổ Huệ Năng (Lục Tổ Trung Hoa) xác định Niết Bàn nằm ngay trước mắt ta.
Người tu Thiền ở Nhật Bổn (Zen) đi từ trạng thái giác ngộ (satori) này đến giác
ngộ khác, khi còn sống. Mặt khác, đạo Phật cũng có một trú xứ gọi là Cực Lạc
của Phật A Di Đà, dành cho những tâm linh niệm Phật trước khi lâm chung, nhưng
không phải là thiên đàng như mọi người hiểu.
Người tu
Tịnh Độ chỉ hướng vào Cực Lạc cũng như đắc Niết Bàn. Thật ra, chỉ khác nhau tên
gọi chứ không khác nhau ở nội dung giải thoát. Vãng sanh Cực Lạc tức là cách
nói khác của “nhập Niết-bàn”.
Vấn đề là,
ở đây Niết-bàn cấp độ nào, trình độ nào … thì tuỳ thuộc việc tu chứng của từng
cá nhân, dịp khác sẽ trình bày sau.
4. – Vãng
sanh Cực Lạc theo tông Tịnh độ
Trong lời
tựa bản dịch cuốn “Hai thời công phu” ngài Trí Quang thượng nhân viết (khá cô
đọng!):
“Người tu pháp môn niệm Phật Tịnh độ thì hoặc sinh Cực
Lạc rồi trở lại hoá độ ta-bà trước hết, hoặc sinh Cực Lạc ngay nơi ta-bà mà hóa
độ trước, mặt nào cái nguyện sinh Cực Lạc cũng là vì thế giới ta-bà này, nên
tôn giả A-nan đã nói, “ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”.
Như vậy,
vãng sanh Cực Lạc luôn luôn có 2 ý nghĩa: chứng ngộ và giải thoát. Bởi vì đó là
cốt lõi của đạo Phật, cho nên vãng sanh tức là: một, chứng ngộ và giải thoát ngay lúc lâm chung, gọi là lâm chung
vãng sanh, hai, chứng ngộ và giải
thoát ngay trong đời sống hiện tại, gọi là hiện tiền vãng sanh.
a).- Lâm chung vãng sanh: Chứng ngộ và giải
thoát ngay khi lâm chung, nghĩa là:
Vãng sanh
nghĩa là từ bỏ thân xác phàm phu nghiệp báo này, để tái sanh trong cảnh giới an
lành của Cực lạc Tây phương. Mà Cực lạc Tây phương là nơi an trú của Phật,
Bồ-tát, với những thuộc tính Đại Từ Bi, Đại Trí Tuệ, Đại Giải Thoát, Đại Nguyện
Lực…
Cho nên cõi
ấy không bao giờ là chốn yên nghỉ cho những tâm hồn sật sờ ngái ngủ, bệnh hoạn,
mà ngược lại, đó là nơi tập kết của các tâm hồn thao thức, có chí rộng lớn,
cường liệt, nhiệt thành, để cùng nhau tu tập dưới sự hướng dẫn và hộ trì của
Phật, Bồ-tát.
Hơn nữa,
Cực lạc Tây phương mãi mãi còn là một thao trường vĩ đại để chúng ta rèn luyện
bồ-đề tâm, bồ-đề nguyện trước khi bước vào con đường độ sanh vô cùng dài xa và
khó nhọc.
An Lạc Tập,
quyển 1, ngài Đạo Xước ghi: “Hiện nay là đời có năm thứ trược ác, con đường tu
tập của các bậc thông tuệ, giới đức (thánh đạo môn) thì nghĩa lý sâu xa, khó
thực hành, không hợp thời cơ, chỉ có Tịnh Độ Môn (con đường tu tập bằng Đức
Tin) là đạo lý quan trọng mà mọi người có thể cùng vào. Với lòng đại từ bi, đức
Phật khuyên chúng sanh nên cầu sinh Tịnh Độ: dù cho một đời tạo ác, nhưng lúc
lâm chung mà định ý, chuyên tâm, mười niệm liên tục tiếp nối nhau mà xưng danh
hiệu Phật, thì tất cả chướng nạn được tiêu trừ, nhất định được vãng sanh. Đây
thuộc về tha lực dị hành đạo”.
Ngài “Thật
Hiền” Tỉnh Am đại sư, vị tổ sư 11 của Tịnh Độ Trung Hoa, dạy rằng: “Tu hành tại
cõi thế gian này thì sự tiến đạo rất khó. Vì là khó, cho nên lắm kiếp chưa chắc
đã hoàn thành. Vãng sanh cõi Cực Lạc thì sự thành Phật cũng dễ. Vì là dễ, cho
nên một đời chắc chắn sẽ thực hiện được. Thánh giả ngày xưa, hiền nhân ngày
trước, ai cũng quay đầu hướng về Tịnh Độ. Kinh cả ngàn, luận cả vạn, văn bản
nào cũng chỉ lối cho chúng ta đến Tây phương".
Huống chi
đối với hạng phàm phu chúng ta, thì vãng sanh Cực Lạc phải là con đường tất yếu
vậy.
b) Hiện tiền vãng sanh:
Nghĩa là
chứng ngộ và giải thoát ngay khi còn sinh hoạt với tư cách một người bình
thường. Khi còn đang mang xác thân nghiệp báo của con người mà đã giải thoát và
chứng ngộ rồi, mặc dù thân còn ở đây nhưng tâm đã ở Cực Lạc.
Theo giáo
sư Suzuki, trong tác phẩm Thiền Luận, thì
vãng sanh là cải biến tâm linh, chuyển hoá tâm thức. Trong thế gian hỗn
loạn và dơ bẩn này, từ thân tâm cho đến môi trường sinh hoạt, không có cái gì
là chẳng bị nhiễm ô. Mục tiêu chân chính của đạo Phật vẫn là giúp chúng ta cải
biến tâm thức của mình, vì khi tâm thức được chuyển hoá thì mọi sự sẽ được
chuyển hóa ngay lập tức, và hành giả sẽ đạt Tam-muội (Sâmadhi) ngay trong đời
sống.
Đối với
những người đầy đủ cơ duyên, thì họ có thể vãng sanh ngay trong đời sống hàng
ngày, tuy báo thân vẫn còn quanh quẩn trong thế gian này nhưng tâm thức đã là
người Tịnh độ.
5.- Theo ngài Suzuki:
“Chứng tam-muội và vãng sanh là một”.
Cuốn sách
Thiền Luận nổi tiếng thế giới vì đã đem nhiều người Âu Mỹ đến ngưỡng cửa Thiền,
tác giả Suzuki là một nhà nghiên cứu đồng thời cũng là người tu thiền, đã viết:
Thật ra,
tam-muội và vãng sanh là một, nhưng được mô tả theo 2 cách khác nhau. Nhưng vì
tam-muội có thể đạt được trong đời sống này, còn vãng sanh có thể đạt được sau
khi lâm chung. Nên phải nói tam-muội đồng nghĩa với vãng sanh theo một chiều
hướng hoàn toàn đặc biệt, tức là chúng ta không nên coi vãng sanh như một biến
cố khách quan và tuỳ thời, mà là một thứ đoan quyết chủ quan của những gì chắc
chắn phải diễn ra. Nếu vậy, vãng sanh chỉ cho sự tái tạo tâm linh, và theo đó,
có thể cho là đồng nhất với tam-muội.
Lòng tin
phải được thiết lập vững chãi bằng sự thể hiện tam-muội, tin tưởng vào bản
nguyện của Phật A Di Đà, nhờ đó hành giả vững tin vào số phận tương lai của
mình. Bởi vì tam muội được chứng đắc khi mà tâm hành giả hoàn toàn hợp nhất với
tâm của Phật A Di Đà, ý thức nhị nguyên hoàn toàn bị xoá bỏ. Đây là một kết
luận phải đến, không những chỉ ở luận lý, mà cả trên phương diện sự thực. Rồi
ra, tất cả kiến trúc của triết lý đạo Phật được đặt trên nhất nguyện luân duy
tâm; mà thực tại luận của Tịnh độ cũng không thể biệt lệ.
“Ta thấy
rằng, niệm Phật hay danh hiệu hay nam mô A Di Đà Phật, là tâm điểm của đức tin.
Khi thể nghiệm được điều này, kẻ sùng mộ đạt được “sự kiên cố của đức tin” ngay
cả trước khi hắn thực sự được vãng sanh Tịnh độ. Vì vãng sanh Tịnh độ không còn
là một biến cố sau khi chết, mà vãng sanh ở ngay trong cái “thế gian giới” này,
các thế giới của những đặc thù này”. (Thiền Luận II)
6.-
VÃNG SANH HAY CHỨNG NGỘ ?
Theo đại sư
Chang Chen Chi (tức Trương Thiền Trí) là một thiền sư, tác giả cuốn Thiền đạo
tu tập, thì:
“Đức bổn sư thường dạy chư vị tỳ
kheo phải buộc tâm ý vào sáu chỗ buộc niệm, đó là Lục Niệm Xứ: Niệm Phật, niệm
Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Từ chỗ buộc niệm này, người
tu dần dần đi sâu vào chánh định Như Lai, tức là niệm Phật tam muội. Lúc ấy,
chúng ta muốn gọi trạng thái giải thoát ấy là gì cũng được, quan trọng chi đâu?
Có thể gọi là Đốn Ngộ, vãng sanh, giải thoát, chứng quả, thành đạo, … đều được
cả.”
Gần đây, nhiều người có đầu óc phân
biệt môn phái, thường rạch ròi giữa Thiền và Tịnh độ. Thật ra, về bản chất và
điểm đến, thì hai pháp môn này không có gì chống trái nhau, vì cùng phát xuất
từ một gốc chứng ngộ và giải thoát như nhau, chỉ khác phương thức tu trì mà
thôi.
Đại khái,
Thiền chủ trương “Tức tâm tức Phật”, trong khi Tịnh Độ chủ trương “Thị tâm tác
Phật, thị tâm thị Phật”, như vàng ròng và vàng trang sức, tuy khác mà không
khác, chỉ khác ở tên gọi và cách thể hiện bề ngoài. Còn nội dung đều là pháp tu
chứng của nhà Phật cả, thì có gì đáng bàn đâu?
Hãy nghe
lời dạy của Hư Vân hòa thượng khi ngài trả lời học giả John Blofeld.
Ông John
Blofeld là một người Tây Âu đã lưu trú Trung hoa nhiều năm để tu học, quen thói
phân biệt chia chẻ, cho nên ông ta đã cho rằng Tịnh độ và Thiền là hai pháp môn
hoàn toàn khác nhau, mà cái gì khác nhau thì không thể dung nhiếp lẫn nhau và
hỗ trợ nhau trong việc hành trì (!). Ông ta đã may mắn diện kiến Ngài Hư Vân và
đã nghe Ngài giải thích cặn kẽ như sau:
"...
khi những dân quê hiền lành chất phác đến nghe ta nói pháp, phải chăng ta sẽ
giảng cho họ nghe về Thực Tại Vô Ngã? Về Tánh Không? hay con đường Bất Nhị?
Những điều này có nghĩa gì đối với họ? Phải chăng đó chỉ là những danh từ trừu
tượng, trống rỗng, không thể hiểu và chẳng có ích lợi gì.
“Nhưng nếu
ta giảng cho họ về đức Phật A Di Đà, về bản nguyện tiếp dẫn của Ngài, về cõi
Tây phương Cực lạc, thì họ sẽ hiểu, sẽ tin và phát tâm muốn được sinh về cõi
đó. Nếu suốt ngày họ trì niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật này thì khi làm
ruộng, khi nghỉ ngơi, khi gặt lúa, lúc lùa trâu về chuồng, họ trì niệm cho đến
lúc Nhất Tâm Bất Loạn, thì cái ảo ảnh nhị nguyên của vô minh, cái tâm phân biệt
có chúng sanh có chư Phật, sẽ chấm dứt và họ sẽ chứng ngộ thực tại mầu nhiệm
ngay. Dù người ta gọi đó là Vãng sanh Cực Lạc, gọi là Chứng ngộ, “tha lực tiếp
dẫn của đức A Di Đà”, gọi là Thiền, hoặc gọi là Nhất Tâm, thì điều này có gì
khác biệt đâu?
Cái khả
năng giải thoát mà người ta cho rằng vốn ở bên ngoài (tha lực), thật ra vẫn ở
bên trong (tự lực), lúc nào cũng vẫn sẵn có kia mà!” Trích THE
WHEEL OF LIFE của tác giả JOHN BLOFELD, Nguyên Phong dịch Ngọc sáng trong hoa sen)
7.- KẾT LUẬN
Tóm lại,
chúng ta tạm thời có thể nói: Thiền là pháp tu của những người sống bằng giới
định. Còn Tịnh độ là pháp tu của những người sống bằng tín tâm. Cho nên từ ngữ vãng sanh của Tịnh độ có ý nghĩa tương
tự như từ ngữ Chứng ngộ của Thiền tông, không hai không khác.
Từ lâu nay,
Thiền tông và Tịnh độ tông dường như kết hợp với nhau rất nhuần nhuyễn trong
hành trì, hình thức, nghi lễ … thể hiện Thiền Tịnh song tu suốt trên 1.000 năm
nay tại Việt Nam, nghĩa là từ trước thời Lý Trần. Vả lại, điểm đặc sắc của
người Việt Nam là không phân biệt môn tường, bè phái, cho nên khi một nhà sư
thị tịch, ta có thể nói: Ngài đã chứng ngộ rốt ráo! Hoặc nói: Ngài đã vãng sanh
Cực Lạc: đều thích hợp cả.
No comments:
Post a Comment