Blogroll

Tuesday, April 8, 2014

HỎI VÀ ĐÁP về Niệm Phật Tịnh Độ - THÂN LOAN thánh nhân

HỎI VÀ ĐÁP về Niệm Phật Tịnh Độ
Nguyễn Xuân Chiến dịch từ bản Pháp ngữ :“Sur le vrai Bouddhisme de la Terre Pure”,
của Jean Eracle, Editions du Seuil, 1994



I)-.PHẦN THỨ NHẤT
  
Bạn thường thắc mắc: “Đại Nguyện thứ 18 bảo đảm rằng: nếu kẻ nào luôn luôn nghĩ nhớ đến Phật, thì sẽ được tái sanh nơi Tịnh-độ”. Và trình bày rõ ràng về Ba Tâm. Tại sao tác giả Vãng Sanh Luận lại chỉ nói đến một Tâm Chuyên Nhất?
Tôi xin giải đáp như sau: Chỉ vì muốn mọi người dễ hiểu, nên tác giả bộ Vãng Sanh Luận đã tập hợp Ba Tâm thành một Tâm.
Ba Tâm ấy là :
1.- Tâm Chân Thành 
2.- Lòng Tin Thanh Tịnh (Tịnh Tín Tâm)
3.- Ước Muốn tái sanh nơi cõi nước A Di Đà (Phát Nguyện Tâm)
Nhờ khảo sát những văn bản Hán ngữ vốn được sử dụng từ trước, mà người ta thấy tại sao tác giả Vãng Sanh Luận đã gom Ba Tâm trở nên một Tâm.
a). Trước hết, chúng ta xét về Tâm Chân Thành : Từ ngữ “chân thành” tức là “chân thật”, “không tạp nhiễm”, hoặc “không pha trộn”. Và từ ngữ “Tâm” nghĩa là hạt giống, hoặc “cốt lõi” hoặc “nhân tô”.   
b). Tiếp theo, xem xét từ ngữ “Lòng Tin Thanh Tịnh”. Từ ngữ “tin” nghĩa là “chân thật”, “xác thật”, “chân thành”, “tròn đầy”, “vẹn toàn”, “hoàn tất”, và đồng nghĩa với “năng động” “nghiêm chỉnh”, “nghiêm túc”, cũng có nghĩa “phân biện”, “xác chứng” (minh chứng).
Từ ngữ “Thanh Tịnh” có thể diễn dịch là “ước muốn”, “mong ước”, “tối lạc”, “vui mừng”, “hạnh phúc”.
c). Sau hết, trong cụm từ “mong muốn tái sanh”, thì từ “mong muốn” đồng nghĩa với “mong ước”, “tự vui mừng” hoặc “tỉnh thức bởi một điềìu gì”, hoặc nghĩa là “thấy biết”(cảm biết).
Từ ngữ “tái sanh” còn gọi là vãng sanh, nghĩa là “thực chứng”, “chứng đắc” (thể hiện tâm linh) và “phát triển” (làm cho phát đạt, phong phú hơn).
Cũng vậy, Tâm Chân Thành là một tâm hồn có hạt giống chân thành và cốt lõi chân thật. Đó là lý do tại sao, Tâm Chân Thành là một tâm đã gột rửa mọi bóng đen nghi ngờ.                      
Lòng Tin Thanh Tịnh, đó là một Tâm hoàn toàn chắc thật và chân thành, một Tâm vẹn toàn và viên mãn, năng động và nghiêm túc, một Tâm minh chứng cho sự phân biện. Điều này cắt nghĩa tại sao Lòng Tin Thanh Tịnh là một tâm đã phá vỡ mạng lưới nghi ngờ.
Ước muốn tái sanh (hoặc ý nguyện vãng sanh) ấy là một Tâm mong cầu hạnh phúc, một Tâm muốn đánh thức Tri Kiến. Khi ngọn lửa Tri Kiến bừng dậy, sẽ đốt cháy tan tành mọi rác rơm nghi ngờ.
Nói thích đáng hơn, cả Ba Tâm đều chân thật như nhau và đều trừ khử mọi nghi ngờ. Bởi vì Ba Tâm đều rũ bỏ mọi yếu tố nghi ngờ, nên thật ra, chúng nó chỉ là MỘT TÂM DUY NHẤT. Như tôi vừa giải thích, ý nghĩa của những từ ngữ nêu trên đều chỉ có thế, mong các bạn hãy nên trầm tư về đề tài này một cách sâu lắng hơn nữa.


THỂ TÁNH CỦA BA TÂM


Vả lại, thể tánh của Ba Tâm được trình bày như sau:

Thứ nhất: TÂM CHÂN THÀNH

Tâm Chân Thành là tâm chân thật của Giác Ngộ Viên Mãn, nhờ sự thành tựu của công cuộc gieo trồng tất cả công đức mà người ta chứng đạt được Tâm Chân Thành.
Đức Phật A Di Đà đã ban cho chúng ta tất cả những công đức chân thật phát xuất từ thực hành xướng niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, mà sự thực hành này đã trở thành bản chất đồng nhất với Tâm Chân Thành (nghĩa là trong khi xướng niệm danh hiệu A Di Đà, người ta tức khắc đạt được Tâm Chân Thành).
Hẳn nhiên, tất cả chúng sanh khắp mười phương đều có một tâm hồn thối nát, dơ bẩn và hư hỏng, một tâm hồn lầm lạc bởi chứa đựng nhiều loại thuốc độc khác nhau, phát sinh từ ảo tưởng và dối lừa. Ấy là lý do tại sao trong thời gian tinh tiến thành lập Bản Nguyện, đấng Toàn Giác thực hành Bồ-tát-đaọ đã tu tập bằng cách rèn luyện Thân Khẩu Ý được thanh tịnh từng khoảnh khắc, và tâm của Ngài luôn luôn thuần khiết. Để rồi một điều hiển nhiên đã xảy ra: tâm thuần khiết và chân thật của đức Toàn Giác đã giao hòa cùng chúng ta, những sinh linh khốn khổ.
Bồ-tát Pháp Tạng, tiền thân của A Di Đà đã tu tập chứa nhóm công đức như thế nào để thành tựu Tâm Chân Thành?
Chúng ta hãy đọc lại một trích đoạn của bản kinh Sức Sống Không Cùng Tận như sau:
“Này A-nan! Tỳ kheo Pháp Tạng ở trước Phật,  trước chư Thiên, Ma vương, Phạm vương, long thần tám bộ loại, mà phát Lời Thệ Nguyện Vĩ Đại ấy. Lập nguyện xong, đem Tâm Chuyên Nhất mà tự trang nghiêm công cuộc tu hành, trong mục tiêu thiết lập cõi Tịnh-độ rộng lớn, vĩ đại, vượt hẳn các cõi khác.
Luôn luôn xây dựng, không bao giờ lui sụt, không thay đổi, trong số kiếp không thể nghĩ bàn, gieo trồng vô lượng đức hạnh của Bồ-tát.
Ngài không sanh khởi ý niệm tham dục, ý niệm sân hận, ý niệm độc hại. Không dấy lên tư tưởng tham dục, tư tưởng sân hận, tư tưởng độc hại. Không đắm nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
          Ngài có sức kham nhẫn bền bỉ, không bao giờ bị biến chất, chẳng có nỗi khổ đau nào làm cho Ngài lay chuyển. Ít muốn, biết đủ, không nhiễm ô bởi bất  mãn, sỉ nhục. Luôn luôn giữ vững chánh định, nên  lòng luôn khoan hòa và trí tuệ  không bị chướng ngại, không thốt ra lời nói phù phiếm và dối gạt. Sắc mặt dịu dàng vui vẻ, lời nói thân thiện dễ mến. Ai có thắc mắc điều chi, đều được Ngài đối đáp với thái độ khiêm cung. ( ... )        
…Nói năng như chánh pháp, dũng mãnh tinh tiến, không bao giờ mỏi nhọc nhàm chán trong việc  thực hiện chí nguyện cứu vớt chúng sanh. Luôn luôn mong cầu giáo pháp cao thượng và tinh sạch, ban bố ân huệ cho tất cả mọi loài chúng sanh, cung kính Ba Ngôi Tam Bảo, phụng thờ các bậc sư trưởng, thiện hữu tri thức. Tự trang nghiêm bản thân bằng vẻ đẹp rực rỡ của công phu tu tập phước tuệ, và ban tặng diệu lực chánh pháp cho mọi chúng sanh để mang lại giải thoát hoàn toàn”.
Qua lời dạy của Phật và Bồ-tát, giờ đây bạn đã thấy được rằng : Tâm Chân Thành chẳng khác gì với Tâm Bao La Chân Thành và Thuần Khiết của đấng Toàn Giác.
          Vâng, chính Tâm ấy được gọi là Tâm Chân Thật.
Tâm Chân Thành cũng chính là Tâm Đại Bi.
Bạn đã hiểu tại sao đó là một tâm đã gột sạch mọi nghi ngờ!

Thứ hai: LÒNG TIN THANH TỊNH

Lòng Tin thanh Tịnh cũng còn gọi là Tâm Chân Thật, vì nó có cùng bản chất như nhau.          
Nói đúng hơn, tất cả chúng ta, những sinh vật hèn mọn bị trói buộc bởi tham dục, những hiện hữu tầm thường và ngu dốt, chúng ta không hề  có ý  niệm thanh khiết về lòng tin, chúng ta không hề có tư tưởng chân thật về lòng tin: do đó, chúng ta rất khó khăn trong việc gieo trồng những công đức chân thật. Tự thân chúng ta, chúng ta không thể gặt hái Lòng Tin thanh tịnh và thuần khiết.
Nói như sự nhận định của một luận sư Tịnh-độ, thì những tư tưởng đam mê tự trổi dậy liên miên trong chúng ta, và khiến những tư tưởng cao thượng trở nên dơ bẩn. Ngọn lửa hừng hực của giận dữ và thù hận, đã đốt cháy tan tành vô số tài sản tâm linh quý báu ở ngay trong chúng ta...           
Ngay cả khi chúng ta thực hiện những nỗ lực gắt gao về thân xác và cả tinh thần, suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày, để thúc đẩy bản thân tinh tiến hơn và can thiệp mạnh mẽ hơn, chẳng khác chi chúng ta đang đội những cục than rực lửa ở trên đỉnh đầu thì chúng ta không thể nào xuất sanh những thiện hạnh trộn lẫn với những thứ công phu tu tập tào lao phù phiếm và dối lừa giả giả thiệt thiệt: chúng ta không thể nào thành tựu những đức hạnh tuyệt đối chân thật. Vậy, nếu chúng ta đem những thiện hạnh trộn lẫn độc tố tham dục ấy để hồi hướng vào thành quả vãng sanh Tịnh-độ, thì rốt cuộc chúng ta cũng không thể đặt đôi chân lấm lem bụi bặm trần tục của mình lên miền đất chói lọi, rực rỡ ánh vàng của đức Phật A Di Đà.             Thành quả vãng sanh của chúng ta, chỉ có thể phát xuất từ công phu tu tập của đức A Di Đà, vì ngay tự bản thân Ngài, khi hiến mình tu tập Bồ-tát đạo, rèn luyện công hạnh từng giây từng phút không biếng trễ,  thành  tựu ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh do một tâm thức tuyệt đối chân thật, không trộn lẫn với bóng tối dày dặc của nghi ngờ. Mà quả thật, lòng tin thanh tịnh, thuần khiết và chân thật của A Di Đà đã lan truyền cảm ứng đến chúng ta, tất cả chúng ta, những sinh linh khổ đau.                     
Đoạn kinh nói về sự hoàn thành Bản Nguyện đã ghi:
“Tất cả chúng sanh nếu có ai chợt nghe danh hiệu A Di Đà thoáng qua thính giác, liền phát khởi một ý niệm tin cậy mà reo mừng, hớn hở…”
Qua lời dạy của Phật, bạn thấy rõ rằng, cái Tâm mà chúng ta đã nói ở phần 2, chỉ là Lòng Tin Thanh Tịnh, Thuần Khiết và Chân Thật, thành tựu do Bản Nguyện. Đúng hơn, cái mà người ta gọi là “Lòng Tin” chính là Đại Bi Tâm.
Khi lòng tin được đồng nhất ý nghĩa với Đại Bi Tâm, bạn đã hiểu lý do tại sao nó là một tâm đã thoát ra khỏi mạng lưới nghi ngờ!

Thứ ba ; ƯỚC MUỐN VÃNG SANH
Cũng thế, lòng tin thuần khiết và chân thật ấy là bản chất của ước muốn vãng sanh.
Nói đúng ra, chúng ta, đám đông của những sinh linh khốn khổ, những hiện hữu tầm thường, dưới cơn lốc dữ dội của tham dục, quay cuồng, từ vô số tỷ tỷ năm xa xăm, trong bánh xe Sanh Tử, chúng ta không thể nào có được một tâm thức thuần khiết như vậy để hồi hướng công đức - chúng ta cũng không thể nào có được một tâm thức chân thật như thế để hồi hướng công đức.             
Chính vì lý do ấy, mà A Di Đà khi tinh tiến thiết lập Bản Nguyện, hiến mình cho việc thực hành Bồ-tát đạo, đã tu tập Thân Khẩu Ý thanh tịnh trong từng phút giây, chẳng lúc nào mà quên hồi hướng công đức với mục tiêu trước hết là chứng đạt Đại Bi Tâm tròn đầy. Mà thật sự cái tâm thuần khiết và chân thật của A Di Đà, hoàn toàn mong muốn đưa chúng ta tái sanh nơi cõi miền trong sạch, đã cảm ứng đến chúng ta, tất cả chúng ta, những chúng sanh đau khổ.
Xin trích dẫn đoạn kinh nói về sự hoàn thành Bản Nguyện:
“Nếu có những chúng sanh nhờ đem Tâm Chân Thành mà hồi hướng để mong ước vãng sanh, thì liền được vãng sanh và an trú trong trạng thái không còn bị lui sụt”(cảnh giới bất thối chuyển)
Qua lời dạy của Phật, bạn thấy rõ rằng, cái Tâm mà chúng ta bàn đến nơi phần 3, chỉ là sức mạnh phát sinh từ tiếng gọi giục giã của A Di Đà đang thống thiết cất lên để nhắn nhủ chúng ta bằng Đại Bi. Đúng hơn, đó là tâm tương tự như Đại Bi, thảy đều mong muốn chúng ta vãng sanh Cõi Sạch, được gọi là “Ba Tâm Hồi Hướng”.
Và bởi vì ba tâm đều hồi hướng từ Đại Bi, thảy đều chân thật, thuần khiết, không bị tạp nhiễm, không bị pha trộn bởi bóng đen nghi ngờ : ấy là lý do tại sao ba tâm ấy hợp thành Tâm Chuyên Nhất.
Bạn nên nương tựa vào thí dụ “Con Đường An Toàn” của tổ sư Thiện Đạo :
Về phía bờ Tây, có một người cất tiếng gọi và bảo rằng: hãy đến thẳng nơi đây với Tâm Chuyên Nhất và Tư Tưởng Chân Chánh, Ta sẽ che chở ngươi : đừng sợ hãi vì những hiểm nguy của nước và lửa!
Giữa nước và lửa, có một lối đi an toàn. Nghĩa là, chặng giữa những dục vọng của khát ái và hận thù, chúng ta có thể phát sinh Tâm Thuần Khiết mong ước vãng sanh Cõi Sạch.
Với sự ngưỡng mộ, khi nhận lãnh sự khích lệ của đức Phật Thích Ca và tiếng gọi thúc giục của A Di Đà, chúng ta chẳng còn quan tâm chi đến hai dòng sông lửa và nước, bởi chúng ta sử dụng lối đi an toàn này bằng sức mạnh Bản Nguyện.
Giờ đây, chúng ta biết rằng, nếu chúng ta có khả năng khai sinh ngay nơi bản thân một Tâm Thuần Khiết được biểu hiện bằng những Đại Nguyện, thì thành quả này không phải là do đức hạnh của chính chúng ta, hoặc do nương cậy vào Tự Lực (những khả năng tự phát) của chúng ta. Mà ấy là do công đức của Tâm được hồi hướng từ Đại Bi. Do đó, tôi bảo rằng: Tâm Thuần Khiết được biểu hiện bởi những Đại Nguyện.

TÂM CHUYÊN NHẤT

VÀ TƯ TƯỞNG CHÂN CHÁNH

Thật vậy, có Tâm Chuyên Nhất và có Tư tưởng Chân Chánh.
Tư Tưởng Chân Chánh, ấy là xướng đọc Danh Hiệu, và xướng đọc Danh Hiệu ấy là Niệm Phật.
(La Pensée Correct, c’est la récitation du Nom; et la récitation du Nom, c’est le Nemboutsou). 
Tâm Chuyên Nhất ấy là Tâm Thẳm Sâu (Thâm Tâm). Tâm Thẳm Sâu chính là Lòng Tin Sâu Thẳm và Không Thối Chuyển.
Lòng Tin Sâu Thẳm và Không Thối Chuyển, ấy là Tâm Chân Thật.
Tâm Chân Thật là Tâm bền chắc như kim cương.
Tâm bền chắc như kim cương là Tâm Tối Thắng, không còn gì có thể vượt trội lên trên được.
Tâm Tối Thắng là Tâm Giản Dị. Tâm Giản Dị bao giờ cũng chỉ có một mặt biểu hiện.
Tâm Giản Dị chỉ có một mặt biểu hiện, ấy là Tâm Hoàn Toàn Hoan Lạc, Tâm được trang nghiêm bởi Niềm Vui Lớn. Tâm như vậy, có thể nào lại khác biệt với Ba Tâm ?
Tâm như vậy là luôn luôn phù hợp với ba tâm. Tâm như vậy, đó là ước vọng lớn lao hướng đến giác ngộ. Và ước vọng lớn lao hướng tới giác ngộ, đó là Lòng Tin Chân Thật.

Lòng Tin Chân Thật, ấy là thệ nguyện thành Phật. Thệ nguyện thành Phật là thệ nguyện cứu độ chúng sanh. Thệ nguyện cứu độ chúng sanh, ấy là tư tưởng che chở, và đùm bọc tất cả chúng sanh với mục tiêu làm cho chúng sanh được tái sanh nơi cõi nước  Thanh bình và Hạnh Phúc. Một tâm như vậy, đó là một tâm hoàn toàn bình đẳng.  Một Tâm như vậy,  đó là tâm đồng nhất với Đại Bi. Ấy là tâm thành Phật, ấy là tâm làm Phật. (thị tâm thành Phật, thị tâm tác Phật). Đó là cái mà người ta gọi sự thực hành bằng cách hòa điệu cùng Chân Lý. Rốt cuộc, nó tương ưng với Tâm của chính đức Phật.

Lời giải đáp xin chấm dứt ở chỗ ba tâm được kết hợp thành Tâm Chuyên Nhất, kết quả của việc xướng đọc danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật thường xuyên, liên tục.              



II. - PHẦN THỨ HAI
  
Bạn cũng thắc mắc rằng: Có một sự khác biệt giữa ba Tâm được xác định bởi kinh Sức Sống Không Cùng Tận (kinh Vô Lượng Thọ) như là: Tâm Chân Thành, Lòng Tin Thanh tịnh, và Ước Muốn Tái Sanh -  và ba Tâm được nêu lên bởi kinh “Quán Tưởng Đức Phật Có Đời Sống Không Cùng Tận và Cảnh Giới Kỳ Diệu của Ngài” (kinh Quán Vô Lượng Thọ) như là : Tâm Chân Thành và Xác Thật, Tâm Sâu Thẳm, và Tâm Hồi Hướng Ước Nguyện Tái Sanh.
Thân Loan tôi xin giải đáp như sau:
“Từ những góc cạnh khác nhau, mà ba Tâm được trích dẫn từ hai bộ kinh nêu trên, thật ra chỉ có Một, hợp thành Một. Tại sao nói như vậy? Ta phải căn cứ vào luận giải của Ngài tổ sư Thiện Đạo:
Về thể tánh của Tâm Chân Thành và Xác Thật, ngài Thiện Đạo nói:
Từ ngữ “chân thành” tức là “thật sự” -   từ ngữ “xác thật” có nghĩa là “có thật” “thật tế”.
Về thể tánh của lòng tin đặt nền tảng trên lời xác chứng của Phật, và trên công phu Niệm Phật, Thiện Đạo nói: “Thường xuyên nghĩ nhớ đến danh hiệu A Di Đà với Tâm Chuyên Nhất, điều ấy được gọi là “Hành động đúng đắn để trở thành thành phần trong nhóm người tu tập thiền định chân chánh của đạo Phật” (chánh định tụ).
Về thể tánh của Tâm Sâu Thẳm, ngài nói :
 “Lòng Tin Sâu Thẳm ấy là niềm tin chân thật”.
Về thể tánh của Tâm Hồi Hướng Ước Nguyện Vãng Sanh”, ngài nói:
“Do tác dụng của Lòng Tin Sâu Thẳm, mà Tâm Hồi Hướng Vãng Sanh sẽ được bền chắc như kim cương”.
Giờ đây, chúng ta thấy rõ rằng: Tâm Chuyên Nhất ấy là Lòng Tin, và Tư Tưởng Kiên Định ấy là Pháp Thực Hành Đúng Đắn.
Như thế, trong Tâm Chuyên Nhất đồng thời bao gồm luôn cả Tâm Chân Thành và Tâm Hồi Hướng Công Đức.
Kết thúc giải đáp của câu hỏi thứ hai.



III.- PHẦN THỨ BA

Câu hỏi cuối cùng của bạn :
Hai bộ kinh kia đều nói đến Ba Tâm, thế thì tại sao kinh A Di Đà lại khẳng định: ”chỉ cần nắm giữ vững chắc Danh Hiệu”? (chấp trì danh hiệu). Có sự khác biệt nào chăng?
Giải đáp :
Kinh A Di Đà khẳng định rằng:”phải nắm giữ vững chắc Danh Hiệu A Di Đà”, thì chữ “vững chắc” xác quyết rằng tư tưởng phải được ổn định và không suy nghĩ vớ vẩn,xao động. Về phần động-từ “nắm giữ” nghĩa là: không được buông thả Danh Hiệu mà cũng không được để Danh Hiệu chạy vuột khỏi tâm ý.
Vì lý do ấy, mà kinh nói thêm rằng: ”không xao động” (bất loạn). Khi kinh nói “nắm giữ vững chắc” tức Chấp Trì, thì cũng đã xác nhận :”với Tâm Chuyên Nhất” tức Nhất Tâm. Mà Tâm Chuyên Nhất chính là Lòng Tin.

Vậy, cụm từ “nắm giữ vững chắc Danh Hiệu” và đoạn văn trung thực “với Tâm Chuyên Nhất và không xao động”(mà bản chữ Hán chép là: Chấp Trì Danh Hiệu và Nhất Tâm Bất Loạn) - dĩ nhiên  chúng ta phải tin như thế nhưng cũng phải trầm tư quán sát sâu xa các ý nghĩa của chúng với tấm lòng trân trọng.
Trong thế gian ô nhiễm này, chúng sanh đều có khuynh hướng lầm lạc và ảo tưởng, do đó ngài Thiên Thân bồ-tát (người đã viết Vãng Sanh Luận) và chư vị tổ sư Tịnh-độ, tất cả đều minh chứng con đường giải thoát thực sự, trong việc trình bày đạo Phật chân chánh của pháp môn Tịnh-độ.
Tư tưởng vĩ đại của ba bản kinh Tịnh-độ đều vừa ẩn mật vừa rõ ràng, đã tuyên bố dứt khoát: chỉ có Tâm Chuyên Nhất mới đủ khả năng đưa chúng ta bước vào Cõi Miền Trong Sạch.
Các bản kinh thường bắt đầu bằng cụm từ: “Tôi nghe như vầy…”, và tác giả Vãng Sanh Luận cũng khởi sự viết bộ luận thư với lời tuyên bố:”Tôi, với Tâm Chuyên Nhất…” Phát biểu như thế ngài Thiên Thân quyết chứng minh rằng lời tuyên bố của mình có giá trị tương tự như “Tôi nghe như vầy…”

Vả lại, giờ đây hãy đưa ra ánh sáng vấn đề mà các tổ sư Tịnh-độ cũng muốn chúng ta được thông suốt rốt ráo. Ngài nói:
“Từ ngữ “tùy theo ước muốn” được sử dụng bởi các bản kinh Tịnh-độ đã khoác hai ý nghĩa:
- Nếu từ ngữ ấy muốn nói: “tùy theo ước muốn của chúng sanh” thì điều ấy có nghĩa rằng: tất cả chúng sanh đều sẽ được cứu độ đúng y như những tư tưởng mong cầu của họ phát xuất từ tâm niệm.
Nếu từ ngữ ấy muốn nói:”tùy thuộc vào ý nguyện của A Di Đà” thì điều ấy có nghĩa là “với tri kiến nhiều đến vô số vô lượng vô biên, đức A Đi Đà hoàn toàn hiểu rõ tất cả chúng sanh: bằng phương tiện của sáu thứ thần thông và quyền lực siêu nhiên của đấng Pháp Vương, Ngài sẽ đột ngột xuất hiện trước họ đúng vào thời điểm khát khao của họ, với thân thể bằng xương bằng thịt và với tinh thần có thể cảm nhận được,  trong diệu dụng của Thân, Khẩu, Ý, Ngài sẽ mở cho họ những cánh cửa tri kiến giải thoát.
Rất tiếc là hai cách diễn dịch trên, đều không mang lại một kết quả khả quan nào cả.
Ngài Thiện Đạo còn nói:
“Hỡi các bậc thiện hữu muốn vãng sanh nơi cõi Tịnh-độ, ta kính cẩn thưa cùng chư vị rằng: Hãy chấp nhận ý tưởng này: tất cả các ngươi đều hoàn toàn bất lực trước ngưỡng cửa giải thoát, nhưng đức Phật Thích Ca Mâu Ni tựa như một người cha thương mến thật sự, hoặc như một người mẹ dịu dàng trìu mến, Ngài có thể đánh thức trong các ngươi một Lòng Tin Tối Thắng bằng nhiều phương thức khác nhau.”
Thân Loan tôi thấy rõ rằng, nhờ Đại Bi của hai đức Như Lai (A Di Đà và Thích Ca Mâu Ni) mà tôi đã nhận được Tâm Chuyên Nhất, đồng thời đó cũng là nhân tố cốt tủy của Phật-tánh. Những ai có được Tâm Chuyên Nhất như vậy, quả là những chúng sanh hiếm có làm sao, phi thường biết bao!

Đúng ra, đối với chúng ta, những con người si  mê ám chướng đang bị cuốn phăng theo dòng tham dục và đối với tất cả sinh linh đang trôi lăn vô vọng dưới bánh xe Sống Chết, thì dường như không bao giờ tự đánh thức mình bằng Lòng Tin. Đây là lý do tại sao Phật dạy rõ trong kinh: 

***
 “Có người nào nghe kinh này mà chấp nhận với lòng tin thanh tịnh, đó là đã thực hiện một việc khó nhất trong tất cả mọi điều khó khăn ở trên thế gian: chẳng còn gì có thể sánh kịp với sự việc khó khăn này.
Phật cũng nói: “Đối với tất cả chúng sanh, giáo lý này quả thật là khó chấp nhận, khó tin tưởng đến tột độ.”
Thật vậy, giờ đây tôi biết rằng, đức Như Lai xuất hiện nơi thế gian chỉ với mục tiêu tối thượng, đó là mở bày những ân huệ vĩ đại được lưu bố từ Thệ Nguyện Đại Bi. Đây mới thực sự là giáo lý trung thực của đấng Toàn Giác, tôi biết như vậy.
Nếu mãi kiếm tìm ý nghĩa đích thực trong lời dạy của tất cả chư Phật, tôi thấy rằng: chư Phật   thị hiện nơi thế gian từ  quá khứ, hiện tại, vị lai - đều chỉ với mục tiêu xác đáng ban đầu là giáo hóa chúng sanh bằng Bản Nguyện Siêu Việt Tư Duy và Mô Tả của A Di Đà, cuối cùng, những chúng sanh tầm thường luôn bị đắm nhiễm bởi tham dục, nhờ hồi hướng công đức vào năng lực Bản Nguyện, nghe được những phẩm chất siêu việt tư duy và mô tả của A Di Đà, cảm nhận được Lòng Tin Tối Thắng và tất nhiên, đắc Đại  Hoan Lạc, đạt được trạng thái bất thối chuyển của Tâm, và chẳng cần phải diệt trừ tham dục mà vẫn nhanh chóng chứng ngộ Đại Niết Bàn. (sans détruire les passions, réaliser promptement le Grand Nirvana).

SƯU TẬP NHỮNG NỘI QUÁN

VỀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ


Bản thảo do Shaku Rennyo (Liên Như) sao chép lại, xin được chấm dứt ở nơi đây.
Ký tên : Shaku Rennyo
ngày thứ 12, tháng thứ 5, năm thứ 6

kỷ nguyên Eikyo, 1445 (năm Con Cọp)./.

No comments:

Post a Comment