Blogroll

Tuesday, April 8, 2014

THÂN LOAN THÁNH NHÂN cuộc đời và tác phẩm - Jean Eracle - Nguyễn Xuân Chiến dịch

THÂN LOAN THÁNH NHÂN cuộc đời và tác phẩm
(Chân tông Nhật bản và vị tổ sư khai sáng) 
                      Jean Eracle - Nguyễn Xuân Chiến dịch





Trong lịch sử Phật-giáo Nhật-bản, Thân Loan thánh nhân hiển nhiên là một nhân vật phi thường và được sùng kính nhất. Mặc dù Ngài thường tự gọi mình là “gã đầu trọc ngốc nghếch” với giọng điệu khiêm tốn pha lẫn chút ít hài hước.
Ngài hạ sinh tại Hino, gần thủ phủ Kyoto vào năm 1173. Xuất thân từ một gia đình danh giá thuộc giai cấp quý tộc vào thời ấy: dòng họ Fujiwara, ngài có thể trở thành một quan viên cao cấp trong triều đinh Nhật-bản. Ngay từ thuở ấu thơ, ngài đã biểu lộ một thiên hướng mạnh mẽ về những thực tại siêu việt, đồng thời cũng luôn luôn bày tỏ những cảm quan bén nhạy đối với bản chất vô thường tạm bợ của tất cả sự vật chung quanh. Năm lên chín tuổi, ngài trở thành đứa trẻ mồ côi cha lẫn mẹ, và được người thúc phụ đem về cưu mang.                  
Thúc phụ của ngài đã nhìn thấy những biểu hiện khác thường của cháu mình, nên  đã  quyết định cho phép ngài xuất gia dưới sự chăm sóc của thượng tọa Jien. (Từ Trấn). Pháp danh của ngài khi mới bước vào chùaHanen.                    
Suốt hai mươi năm tu học trên núi Tỷ-duệ (Hiéi), Thân Loan tiếp nhận một sự rèn luyện nghiêm ngặt về giáo thuyết lẫn thực hành, trong một không gian bao la của những văn bản Phật-giáo, những tác phẩm kinh viện, cũng như bước vào những cánh cửa bí mật của tông phái Thiên Thai đầy quyền lực. Tông phái này được đại sư Dengyô (Đạo Nguyên) truyền thừa từ Trung-hoa và phát triển tại Nhật-bản vào ba thế kỷ trước.
Ngài nỗ lực hướng dẫn bản thân theo phương thức tu tập Sáu Ba-la-mật của Bồ-tát đạo như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ, y như lề lối thông thường của các tu sỹ thời ấy. Ngài tự khép mình khổ hạnh, tích lũy công đức và tri thức, để một ngày nào đó sẽ thu đạt sự chứng ngộ tối thượng của chư Phật. Ngài tự thể nghiệm biết bao ngõ ngách u tối của vô minh, biết bao độc tố của tham dục và giận dữ thường tác động đến thân tâm ngài một cách liên tục.                 
Ngài cũng tự hiến mình cho vô số phương thức tu tập khác, nhưng vẫn không hề gặt hái chút ít thanh bình tâm linh. Vô vọng.
Năm hai mươi chín tuổi, ngài từ bỏ tu viện trên núi Tỷ-duệ, và du hành đến Yoshimitsu nơi mà Thượng nhân Genku đang hóa đạo dưới danh hiệu Pháp Nhiên (Honen Shônin).
Pháp Nhiên xuất hiện như là một con người khoan hòa nhân hậu, mặc dù ngài vốn là vị đạo sư vô cùng thông thái. Ngài bỏ công đến hơn năm lần để nghiền ngẫm kho tàng bao la của tam tạng kinh điển Phật học.
Được đào tạo từ nền triết học và kỹ thuật tâm linh của phái Thiên Thai, ngài đã khám phá và phát hiện ra một trong những phương thức tu tập của tông phái này, đó là Xưng Niệm Phật. Nghĩa là, chỉ cần xướng lên danh hiệu đức Phật A Di Đà với lòng tin trọn vẹn, cũng đủ đưa hết thảy chúng sanh giải thoát khổ đau. Và tất nhiên, trong lúc thực hành niệm Phật thì người ta phải kiên trì loại bỏ tất cả những đường lối thực hành khác, dù là của đạo Phật. Đối với những người niệm Phật, thì tất cả pháp môn khác đều trở nên vô dụng, không còn ích lợi thiết thực nữa.
Sau đó, Pháp Nhiên dứt khoát bước ra khỏi tu viện của phái Thiên Thai, lui về ẩn dật tại một căn lều cỏ nơi thôn dã hẻo lánh cạnh Kurodani, gần thành phố Yoshimitsu. Cuối cùng, ngài dành trọn vẹn cuộc đời mình cho pháp môn niệm Phật vô cùng giản dị này, rồi truyền dạy cho rất đông đệ tử đến gõ cửa hỏi đạo.
Chàng trai trẻ Thân Loan tức khắc trở thành người học trò khiêm cung và siêng năng của Thầy. Pháp Nhiên đặc biệt gởi gắm niềm tin nơi người học trò có khả năng tiếp nối sự nghiệp tâm linh của mình. Ngài cho phép  Thân Loan  được noi theo mẫu mực cùng nhân cách của mình, cũng như chỉ dạy Thân Loan nghiên cứu tác phẩm quan trọng và đắc ý nhất, đó là :”Tuyển tập đặc biệt về Niệm Phật, căn cứ vào Bản Nguyện A Di Đà” (Senjaku Hongan Nemboutsou Shu) do chính Pháp Nhiên sáng tác (Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập).
Giữa những người anh em cùng học, Thân Loan hiển nhiên là người thấu suốt lời dạy của Thầy nhất. Một hôm, Thân Loan nói với các vị huynh đệ đồng môn rằng:
 “Đức tin của tôi và đức tin của Thầy đều hoàn toàn giống y như nhau!”
Rất phẫn nộ vì một thái độ có vẻ tự phụ như vậy, các huynh đệ đem lời phát biểu ấy trình lên sư phụ Pháp Nhiên, để chờ xem ngài giải quyết thế nào?
Nhưng, Thượng nhân Pháp Nhiên trả lời giản dị như sau:
“Đức tin của ta là do A Di Đà ban cho, niềm tin của Thân Loan cũng do A Di Đà ban cho. Vậy, có gì khác nhau đâu?
Nếu chúng ta có được một đức tin do những nỗ lực cá nhân thì chúng ta đã thiết lập một niềm tin khác, tùy thuộc vào những công đức tu hành riêng tư của mình. Nhưng thật ra, đức tin của chúng ta được phát xuất từ tấm lòng Đại Bi của Phật, qua sự xác lập bởi Bản Nguyện A Di Đà, do đó đức tin ấy chắc chắn giống hệt như nhau...”
Vừa lúc ấy, sư phụ Pháp Nhiên cho phép Thân Loan lấy vợ. Chủ ý của ngài muốn chứng tỏ rằng, bất cứ kẻ nào có một đức tin bền chắc như kim cương, thì kẻ ấy không cần thiết phải thực hiện nếp sống từ bỏ gia đình, cũng chẳng cần giữ mình trinh bạch, khổ hạnh, mà vẫn được tái sanh nơi Cõi Sạch của đức Phật A Di Đà.
Sau đây là chủ trương của Ngài Pháp Nhiên:
“Một con người rất đỗi bình thường, dù đàn ông hay phụ nữ, trẻ hay già, thông thái hay ngu độn, đạo đức hay tội lỗi, nếu đem lòng tin chân thật mà xưng niệm danh hiệu A Di Đà thì thảy đều được cứu độ triệt để bởi năng lực vượt lên trên mọi tư duy và mô tả của Bản Nguyện. Song song với việc thực hành niệm Phật, người ta chỉ cần hướng dẫn cuộc sống thường ngày bằng cách tuân thủ lụat pháp xã hội hoặc lề thói của quốc gia mà mình đang sinh sống.
Nếu người ta kiên trì xưng niệm Phật để thành tựu lòng tin chuyên nhất  trong sự  tuyên dương Bản Nguyện A Di Đà, thì người ta chắc hẳn cảm nhận nội tâm được chuyển hóa, và cuộc sống được biến đổi - những khuynh hướng bi mẫn và giác ngộ, sẽ thay thế tất cả những thói hư tật xấu mà mình từng đeo đẳng trong nhiều kiếp quá khứ”.
Một quan niệm cách mạng như vậy được phổ biến rộng rãi, tất nhiên đã gây nên những làn sóng chống đối dữ dội. Do áp lực của những tu viện nổi tiếng cũng như giới tăng lữ uy tín, triều đình và Thiên-hoàng tỏ ra phẫn nộ và trách cứ. Họ buộc tội Pháp Nhiên và đệ tử đồng bọn đã phá hủy nền tảng đạo đức xã hội, làm tổn hại đến quyền lực triều đình.

Thật ra, các tu viện lớn hồi đó thường đóng vai trò chính trị trong các tổ chức triều đình, và đương nhiên trở nên giàu có, bỗng thấy rằng họ sẽ trở thành vô dụng nếu tông phái Niệm Phật phát triển to rộng, quyền lực của họ sẽ bị đổ vỡ và con đường danh lợi của họ sẽ bị tan hoang. Họ phản ứng mạnh mẽ. Lập tức, Pháp Nhiên và các đệ tử bị tước lột tăng tịch, rồi bị trục xuất khỏi thành phố, có thể bị kết án tử hình.
Thân Loan bị đày sang Kokobu thuộc huyện Echigo (ngày nay là tỉnh Niigata). Đó là năm 1207.
Pháp Nhiên và các đệ tử bị chính quyền triều đình phân tán thành những bộ phận rời rạc. Nhưng, tai họa này vô tình tạo ra những điều kiện tốt đẹp nhất cho việc quảng bá giáo lý Niệm Phật dễ dàng thành công, trong những miền đất lạc hậu, hoang sơ của đất nước Đại Hòa vào thời ấy.
Năm năm sau, năm 1211, triều đình ban hành sắc lệnh ân xá, cho phép Pháp Nhiên trở về Kyoto, nơi mà ngài sẽ từ bỏ thế gian vào năm 1212 với tuổi thọ bảy mươi chín tuổi.                 
Dẫu được ân xá, Thân Loan vẫn lưu trú tại Echigo cho đến vài năm sau để tiếp tục truyền bá giáo lý Niệm Phật, cũng như để củng cố những nhóm đệ tử do ngài sáng lập.                 
Về sau, ngài định cư lâu dài tại Inada, gần Hidachi, huyện Kasama (thuộc tỉnh Ibaraki).
Cuộc sống của ngài vẫn còn xa lánh thế nhân, nhưng nhiều nhân vật với những thân thế và địa vị cao thấp khác nhau đã đến ra mắt tỏ ý cầu học. Ngài đã ban cho họ nhiều lời giáo huấn thích hợp về pháp môn Niệm Phật.
Năm 1224, Thân Loan công bố tác phẩm kiệt xuất và quan trọng nhất của ngài: ”Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ trong pháp môn Tịnh-độ” (tiếng Nhật là: Ken Jôdo Shinjitsu Kyôgyôshô Monrui).
Tác phẩm này quan trọng đến nỗi các tín đồ Niệm Phật đã lấy ngày phát hành làm ngày khai sinh truyền thống và nền tảng của pháp môn “Đạo Phật Chân Chánh của Tịnh-độ” tức là Tịnh-độ Chân-tông, (tiếng Nhật là: Jodo-Shinshu).
Cuốn sách “Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ”, hiển nhiên là một tổng hợp thực sự các văn phẩm Phật giáo Tịnh-độ. Sách gồm sáu chương, khéo léo kết hợp và dung hóa nhuần nhuyễn những dẫn chứng từ các kinh luận cổ điển, những đề án luận giải, cùng những chiêm nghiệm nội quán của tác giả.             
Sau một bài đề tựa vô cùng hấp dẫn, Thân Loan giải thích tại sao mình phải căn cứ vào bản kinh Vô Lượng Thọ để làm nền tảng chính yếu trong việc sáng tác bộ luận thư này.
Đây là Chương I.
Tiếp theo, Thân Loan chứng minh pháp Niệm Phật đã đúc kết trong bản thân Ngài đến những vô lượng vô số phương thức tu tập.
Đây là Chương II.
Và lòng tin chắc thật, bền vững như kim cương không những chuyển hóa tâm hồn chúng ta, mà còn đánh động đến Trái Tim Thuần Khiết của A Di Đà (chân như tâm).
Đây là Chương III.
Kinh điển và sự luận giải của Đại-thừa Phật-giáo thường đề xướng một sự chứng ngộ cùng tột, viên mãn, - có nghĩa là đạt đến Niết-bàn tối thượng. Và hình thức chứng ngộ này còn hàm chứa ẩn nghĩa rằng: Dẫu chư vị Bồ-tát đã hoàn toàn thoát khỏi mạng lưói rối rắm của nghiệp lực, nhưng các Ngài vẫn tự nguyện tái sinh giữa lòng thế gian khốn khổ, để giải thoát tất cả chúng sanh bởi lòng thương yêu rộng lớn, cao thượng và không phân biệt sẵn có của mình.
Đây là Chương IV.                           
Trong hai chương cuối của “Hợp tuyển”, Thân Loan đã bác bỏ những quan điểm thiên lệch về A Di Đà và cõi Tịnh-độ của đức Phật này.
Thân Loan cũng chứng minh rằng: Bằng đức tin rực rỡ như ánh sáng vô hạn lượng và vĩnh cửu như sức sống không cùng tận, chư Phật vì mục đích cứu vớt chúng sanh, đã biểu lộ sự viên mãn cao độ của Phật-tánh rốt ráo. Thân Loan còn xác định rằng: Cõi Đất Trong Sạch của A Di Đà không phải là một thế giới vật chất được tìm thấy giữa các thiên hà xa xôi, mà chỉ là một trạng thái thanh bình hạnh phúc thực sự của Tâm Linh, vượt lên trên tất cả tư duy và diễn tả của thế gian tầm thường.
Không thể nào cảm nhận những ẩn nghĩa trong giáo huấn của Thân Loan, nếu chúng ta không thấu suốt những bí mật sâu thẳm trong ba bộ kinh đại-thừa: Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, và A Di Đà.
Trong ba bộ kinh nêu trên, qua sự khảo cứu dày công của Thân Loan, thì bộ kinh Vô Lượng Thọ chứa đựng những giáo lý cốt tủy, trọng yếu, và chính xác. Còn hai bộ kinh Quán Vô Lượng Thọ và A Di Đà thì đóng vai trò bổ túc ý nghiã cho bộ kinh Vô Lượng Thọ mà thôi.
Để biện minh cho sự lựa chọn này, Thân Loan dẫn chứng phần mở đầu của bản kinh Vô Lượng Thọ. Qua đoạn kinh này, người ta thấy đức Thích Ca   hiển thị thần thông vĩ đại trước mắt thị giả A-nan. Như là: các căn vui vẻ, sắc mặt thanh tịnh sáng rỡ vòi vọi, thân tướng oai nghiêm khả kính, cao diệu vô lượng, không thể diễn tả hết được. Điều này khiến A-nan kinh ngạc vô cùng, bèn thốt lời ca ngợi với trạng thái ngất ngây hớn hở:
“Hôm nay, Đấng Đại Tịch Tịnh đang an trụ trong Diệu Pháp Duy Nhất và Huyền Nhiệm. Hôm nay, Đấng Kiệt Xuất Của Thế Gian đang an trụ trong cảnh giới thiền định của chư Phật. Hôm nay, Đấng Mắt Sáng Của Thế Gian đang an trụ trong Đại Nguyện Cưú Độ Chúng Sanh. Hôm nay, Đấng Diệu Hoa Của Thế Gian đang an trụ trong Đạo Lý Tối Thượng Siêu Việt. Hôm nay, Đấng Chúa Tể Chư Thiên xuất hiện để truyền đạt mọi thể tánh bình đẳng của Chư Phật một cách viên mãn.”
            A-nan vừa dứt lời, thì đức Thích Ca đáp:
“Sự hiển thị thần biến ấy chính là phương tiện khéo léo của đại bi tâm không giới hạn, mà Đấng Toàn Giác vì thương xót chúng sanh trong ba cõi, đã xuất hiện nơi thế gian, đem những giáo nghĩa về chân lý đưa ra ánh sáng công khai để dạy dỗ tất cả, trong ý nguyện cứu độ chúng sanh bằng những diệu dụng của Như Thật Đạo.”
Phần tiếp theo của bản kinh Vô Lượng Thọ là giáo lý về đức Phật A Di Đà cùng cõi tịnh-độ thanh bình và an lạc của Ngài.                                      
Nội dung thuyết giảng của bản kinh Vô Lượng Thọ gồm hai phần:
Phần thứ nhất: Đức Thích Ca thuật lại câu chuyện thuở xa xưa từ vô lượng vô biên kiếp sống đã qua. Thời ấy, có một vị Phật quá khứ danh hiệu là Thế Tự Tại Vương, dưới pháp tòa của Ngài có một vị đệ tử xuất sắc đứng đầu tăng chúng gọi là Bồ-tát Pháp Tạng.
Bồ-tát Pháp Tạng thỉnh cầu đức Phật trình bày về vô số cõi Phật đầy rẫy trong khoảng bao la của vũ trụ, và mong mỏi đức Phật chỉ dạy cho mình cách thức tu tập để cấu tạo và trang hoàng một cõi Phật tuyệt đối trong sạch, thuần khiết và rực rỡ.
Nhận lãnh những lời huấn thị từ kim khẩu đức Phật Thế Tự Tại Vương, tức khắc Pháp Tạng nhập vào thiền định một thời gian vô cùng dài lâu, khoảng năm tỷ năm (tức là năm đại kiếp).
Sau khi ra khỏi thiền định, bồ-tát Pháp Tạng đối diện đức Phật Thế Tự Tại Vương xin được tuyên đọc Bốn Mươi Tám Lời Thệ Nguyện Vĩ Đại, gọi là Bản Nguyện. Trong các lời nguyện này, Pháp Tạng đã xác định những phẩm chất tốt đẹp của cõi nước thanh tịnh mà mình kiến tạo, những ai hội đủ điều kiện để tái sinh nơi cõi nước ấy thì sẽ hưởng dụng những tiện ích ưu thắng nào, và cuối cùng là những điều kiện để đi sang cõi nước ấy mà sinh sống.
Như vậy, Bản Nguyện đã được thành lập trước sự chứng nhận của đức Phật. Pháp Tạng ghi nhận lời huyền ký về quả vị Phật của mình ở tương lai. Và trên nền tảng thể hiện Bản Nguyện, Pháp Tạng đã dấn thân hiến mình cho vô lượng vô số phương thức tu tập Bồ-tát đạo, trải qua vô số thân mạng và kiếp sống.
Phần thứ hai của bản kinh Vô Lượng Thọ : khởi đầu từ việc đức Thích Ca công bố rằng: vị Bồ-tát Pháp Tạng đã thành tựu quả vị Phật-đà, danh hiệu là A DI ĐÀ từ mười đại kiếp lâu xa cho tới nay, tại thế giới trong sạch của Thanh Bình Và Hạnh Phúc.
          Tất cả sự kiện vừa kể, đã chứng tỏ Bản Nguyện của Bồ-tát Pháp Tạng đã được thực hiện đầy đủ như thế nào.
Trong tác phẩm “Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ” được sáng tác bằng Hán-ngữ, thánh nhân Thân Loan đã lựa chọn SÁU trong số Bốn Mươi Tám Lời Nguyện Vĩ Đại của Bồ-tát Pháp tạng như là phần thiết lập nòng cốt của bản kinh Vô Lượng Thọ.
          Lời Nguyện thứ 12 và 13 phù hợp với thể tánh của đức Phật A Di Đà bằng cái nhìn thuộc về không gian như là “ánh sáng không thể đo lường được” - và bằng cái nhìn thuộc về thời gian như là “sự sống không cùng tận, không giới hạn”.
Khái niệm “ánh sáng không thể đo lường được” đồng nghĩa với tia sáng chói lọi rực rỡ không thể nào bị ngăn che nổi - mặt khác, còn có ý nghĩa: ”trí tuệ không hạn định nổi”.
          Khái niệm “sức sống không cùng tận” phù hợp với một đời sống vĩnh cửu không thể nào hạn định được, và giải nghĩa rằng đức Phật A Di Đà tự kéo dài tuổi thọ của mình để dẫn dắt chúng sanh: điều này cho biết tại sao đời sống vô hạn thì đồng nghĩa với Đại Bi vô hạn.
          Chính vì sự thành tựu của hai lời thệ nguyện vĩ đại này, bồ-tát Pháp Tạng đã thành tựu địa vị Phật-đà với danh xưng “Ánh Sáng Vô Lượng” tức AMITÂBHA - và “Thọ Mạng Vô Lượng” tức AMITÂYUS. Cả hai danh xưng này được chứa đựng trong danh hiệu A Di Đà, nghĩa là VÔ LƯỢNG.
          Thân Loan đã đặt HAI lời nguyện này vào Chương Thứ Năm của tác phẩm “Hợp Tuyển”, và nỗ lực tuyên dương A Di Đà như là “vị Phật chân thật”, đức Phật của Chân Lý Tuyệt Đối. (thuật ngữ Phật-học gọi là Pháp Thân Phật).
           Đây là Hai Lời Nguyện ấy :
          LỜI NGUYỆN THỨ 12 : Lúc tôi thành Phật, nếu ánh sáng còn bị giới hạn, ít nhất là không soi chiếu thấu trăm triệu tỷ cõi Phật, thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác.
LỜI NGUYỆN THỨ 13 : Nếu lúc tôi thành Phật, thọ mạng của tôi còn bị hạn chế, ít nhất không kéo dài đến trăm ngàn tỷ tỷ tỷ năm, thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác.
          Chương Thứ Ba của “Hợp Tuyển” được đặt nền tảng trên Lời Nguyện Thứ 17, Thân Loan xác định phương pháp thực hành mầu nhiệm trong việc chứng minh danh hiệu A Di Đà chứa đựng tinh túy và phẩm cách của tất cả chư Phật.
LỜI NGUYỆN THỨ 17:
Khi tôi thành Phật, vô số chư Phật khắp mười phương trong vũ trụ thảy đều tuyên dương và xưng tán danh hiệu tôi, nếu không phải vậy thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác.
          Chương Thứ Ba của “Hợp Tuyển” còn xác định lòng tin đặt nền tảng trên Lời Nguyện Thứ 18, mà chúng ta suy diễn bằng cách nắm giữ những dòng giải thích của Thân Loan :
          LỜI NGUYỆN THỨ 18:
Khi tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới hết lòng tin mộ muốn tái sanh trong cõi nước tôi, bằng cách xưng niệm danh hiệu tôi ít lắm là mười lần - nếu không được tái sanh thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác. Ngoại trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch và hủy báng chánh pháp.
Nơi chương thứ tư của “Hợp tuyển”, Thân Loan đã xác định khái niệm về chứng ngộ. Giai đoạn sơ chứng dành cho các bậc bồ-tát sơ địa được dựa vào Lời Nguyện Thứ 11. Giai đoạn quả chứng dành cho bậc bồ-tát đại địa được dựa vào Lời Nguyện Thứ 22. Và sau đây là Hai Lời Nguyện ấy :
LỜI NGUYỆN THỨ 11:
Khi tôi thành Phật, nếu hàng Trời Người trong cõi nước tôi không an trụ nơi Chánh Định hoặc giải thoát hoàn toàn, thì tôi thề sẽ không chấp nhận địa vị Toàn Giác.
LỜI NGUYỆN THỨ 22:
Khi tôi thành Phật, các Bồ-tát từ cõi khác đã được sanh về tịnh-độ của tôi, rốt ráo đều đắc quả Nhất Sanh Bổ Xứ (chỉ  còn tái sanh để tu một kiếp nữa thì thành Phật). Trừ những người có bản nguyện riêng, tự tại hóa hiện, vì chúng sanh mà phát thệ nguyện rộng lớn, thực hành các công đức, độ thoát mọi loài, du hành khắp các thế giới thể hiện công hạnh Bồ-tát, cúng dường chư Phật ở khắp mười phương, khai hóa vô lượng chúng sanh, làm cho tất cả đều trụ vững nơi đạo tràng vô thượng chánh giác, vượt trội công hạnh của các bậc thông thường, hiện tiền tu tập tánh đức của Bồ-tát Phổ Hiền - nếu không được như vậy thì tôi thề sẽ không chấp nhận địa vị Toàn Giác.
Thân Loan không những chỉ khởi xướng một sự diễn dịch được đặt nền tảng trên kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà, mà còn căn cứ vào những văn bản quan trọng khác của truyền thống Đại-thừa.
Trong những dòng chữ đầu tiên của cuốn luận thư: ”Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ”, Thân Loan hết lòng tri ân và ghi nhận những kinh luận cũng như diễn giải của 7 vị tổ sư tiền bối, như:
Hai vị tổ sư phát xuất từ Ấn-độ:
Long Thọ Bồ-tát (thế kỷ I, II)
Thiên Thân Bồ-tát (thế kỷ IV)
Ba vị tổ sư Trung-hoa là :
Đàm Loan Tổ-sư (476 - 542)
Đạo Xước Tổ-sư (562 - 645)
Thiện Đạo Tổ-sư (613 - 681)
Cuối cùng là hai vị tổ sư Nhật-bản :
Nguyên Tín (942 - 1017) tức Genshin Shônin
Pháp Nhiên (1133 - 1212) tức Hônen Shônin.

Thân Loan cũng quả quyết xác nhận rằng, sự diễn giải của ngài tùy thuộc vào một kinh nghiệm tâm linh vô cùng sâu thẳm, và điều này là một thành tố quan trọng, đã cho phép Thân Loan được phóng khoáng trong  sự lựa chọn những nghĩa lý phù hợp với các văn bản mà ngài đòi hỏi khả năng lập thuyết của văn bản ấy. Và kinh nghiệm tâm linh này được kiểm chứng bởi nhiều văn bản vốn lưu truyền tự xa xưa, hoặc là Kinh hoặc là Luận, mà những nhà học giả chống đối có thể thẩm tra tính cách chính xác của kinh nghiệm tâm linh ấy, kể từ thế kỷ 13 cho đến ngày nay. Tác phẩm “Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ” đã được Thân Loan rút gọn thành cuốn“Sưu tập những Nội Quán về pháp môn Tịnh-độ”, cũng được viết bằng Hán-ngữ. Cuốn Sưu Tập nhỏ bé này gồm ba phần:
Phần thứ nhầt: tóm lược gọn ghẽ những gìv đã viết trong “Hợp Tuyển”, hoặc nói chính xác hơn, là tóm lược 4 chương đầu tiên. Do vậy, ngài vẫn còn  sử dụng nguyên văn vài trích đoạn của tác phẩm cốt tủy ấy, tập hợp vài dẫn chứng kinh điển hay những luận giải được soạn thảo bởi các vị tổ sư khai sáng pháp môn Tịnh-độ thuở trước.
Phần thứ hai: Thân Loan giới thiệu một bản dịch khác của  một loạt thi kệ  xuất hiện cuối chương II của “Hợp Tuyển”: Ngài lược ghi tất cả lời giáo huấn của mình cũng như của 7 vị tổ sư tiền bối.
          Phần cuối cùng: giải đáp tất cả những vấn đề tự nhiên phát sinh khi người ta so sánh những quan điểím khác biệt nhau về Lòng Tin và Niệm Phật, trong ba bộ kinh căn bản của pháp môn Tịnh-độ.
          Cuốn “Sưu Tập những Nội Quán” hay là cuốn Những Trích Đoạn từ các văn bản Tịnh-độ sẽ được trình bày nơi mục đầu tiên trong cuốn sách này (lời của dịch giả bản Pháp-ngữ Jean Eracle).
          Bản dịch Pháp-ngữ này là một tác phẩm chưa công bố của chúng tôi, được thực hiện từ nguyên bản chữ Hán cổ, do Rennyo Shônin (Liên Như) sao chép và truyền lại từ thế kỷ 15. Rennyo Shônin vốn là đệ tử kế thừa của Thân Loan thánh nhân cũng như của 8 vị tổ sư Tịnh-độ. Nguyên bản của tác phẩm “Sưu Tập” cũng được công bố trong bộ Đại Tạng Kinh, cuốn 83, số 2647, tờ 644a thực hiện vào thời Đại Chính (Taishô) còn gọi là Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, (Taishô Shinshu Daizôkyô) bởi sự đóng góp công sức của J.Takakusu và K. Wanatabé, Tokyo, Nhật-bản.
Tác phẩm “Sưu Tập Những Nội Quán về pháp môn Tịnh-độ” là một công trình mang tính chất đặc thù, quý hiếm của văn học Phật-giáo Nhật-bản vào thời đại Kiếm Thương (Kamakura). Trong công việc dịch thuật, chúng tôi cố gắng dịch sát nghĩa theo nguyên bản Hán văn, cốt sao cho gần gũi với thứ ngôn ngữ cô đọng và thường là bóng bẩy của Thân Loan, vượt lên trên mọi qui ước ngữ pháp sẵn có vào thời ấy.                  
Chúng tôi đã mang lại cho bản dịch Pháp-ngữ một sự sáng sủa vô cùng rõ nét, đồng thời cũng làm cho bản dịch càng giản dị hơn nữa. Mặt khác, chúng tôi cố gìn giữ một giọng văn nồng ấm, dễ chịu, để người đọc có thể cảm nhận như được chiêm nghiệm chính nội tâm mình, hay là đang đối thoại với một người bạn, hoặc trò chuyện cùng người cha thân ái.
Chúng tôi vẫn ghi nhận rằng, bản văn “Sưu Tập” được cấu thành từ những nội quán, trầm tư sâu sắc của tác giả Thân Loan và những trích dẫn cốt lõi từ “Hợp Tuyển”, thỉnh thoảng cũng có vài đoạn được sửa  đổi  một cách nhẹ nhàng, gọn ghẽ. Chúng tôi không e dè trong việc tách biệt những phân đoạn ra thành từng phần khác nhau, thỉnh thoảng cũng cô lập từng câu văn riêng lẻ - vì điều này đã mang lại cho nội dung tác phẩm những ấn tượng lạ lẫm, rất riêng.
Để nhận thức tác phẩm “Sưu Tập những  Nội Quán về Tịnh-độ” một cách sâu lắng, chúng ta phải nói rằng tác phẩm này đã mang lại ít nhiều thú vị, khi Thân Loan đính kèm nhiều trang sách đầy nghĩa lý tuyệt vời của bộ “Hợp Tuyển”, cũng do chính ngài viết ra. Đây cũng là lý do khiến chúng tôi bắt đầu cảm thấy dễ dàng cho công việc dịch thuật vốn đòi hỏi một thái độ nghiêm túc nhất định.             
Thật vậy, ẩn dụ về “Con Đường An Toàn” ám chỉ cho “Sưu Tập Những Nội Quán” xứng đáng là bản mô phỏng toàn diện của “Hợp Tuyển”. Ở phương diện khác, bản “Sưu Tập” cũng có thể hoàn thành trước kết cấu của Chương V và Chương VI của bản “Hợp Tuyển”, vì chúng ta hoàn toàn bất ngờ về nội dung và cảm nhận nhiều thú vị với những điều cốt lõi được trình bày trong đó.
Tất cả những bản văn của “Hợp Tuyển” đã được tập hợp đầy đủ trong phần thứ nhì của cuốn sách này (lời của dịch giả Jean Eracle), và các bạn có thể tìm thấy nguyên văn chữ Hán trong ấn bản Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, cuốn 83, tờ 589a đến 643a.               Xin được nhắc nhở rằng, trong phần thứ ba cuốn sách này, các bạn có thể tìm thấy 48 bài thi kệ bằng Nhật-ngữ do ngài Thân Loan chú giải và phiên dịch từ bản trường ca của ngài Đàm Loan, tổ sư Tịnh-độ Trung-hoa: “Thánh Thi Tán Thán A Di Đà” (Nhật-ngữ: San Mida Ge Wasan) của Thân Loan, được in trong Đại Tạng Kinh cuốn 83, tờ 655c đến tờ 657b.
Rốt cuộc, mặc dù bận rộn với vô số họat động truyền bá giáo lý Niệm Phật, và bắt buộc phải sống rày đây mai đó, nhưng Thân Loan cũng đã hoàn tất lắm công trình đáng kể: nhiều tác phẩm bằng Hán-ngữ và Nhật-ngữ, nhiều khảo luận súc tích, nhiều bản ký sự, sưu tập thi kệ và cả vô số thư từ cho những đệ tử ở nơi xa.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, cuốn “Hợp tuyển về Giáo lý, Thực hành, Lòng tin và Chứng ngộ” và cuốn “Sưu tập những Nội quán về pháp môn Tịnh-độ” mới đúng là phần cốt tủy đích thật của giáo lý Thân Loan.
Trong giai đoạn cuối cùng của kiếp sống, Thân Loan thánh nhân trở về Kyoto,nơi mà ngài đã từng thay đổi chỗ ở rất nhiều lần - và ngài hân hoan mở rộng vòng tay đón nhận những người đến gõ cửa, rồi giáo dục họ bằng pháp môn Niệm Phật.
Năm 1263, tại thủ phủ Kyoto, ngài thản nhiên day mặt về hướng Tây, nằm nghiêng trong tư thế “sư tử ngủ” như phong cách chư Phật nhập Đại Niết Bàn, rồi từ giã thế gian mà trở về Cõi Sạch A Di Đà, để lại vô vàn kính ngưỡng cho rất nhiều đệ tử.
Hình ảnh cao đẹp của ngài vẫn còn sống động trong lòng nhân dân Nhật-bản cho đến thời đại ngày nay.



Vài hàng sơ lược về Jean Eracle


Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản Seuil, Paris, thì Jean Eracle nguyên là Quản Đốc Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học Á Châu, đặt trụ sở tại Geneve, Thụy-sỹ. Do một nhân duyên vô cùng kỳ lạ, ông được sang Nhật-bản lưu trú suốt mấy mươi năm để học hỏi cùng thực hành Niệm Phật theo giáo pháp của “”Đạo Phật Chân Chánh trong Pháp môn Tịnh-độ” tức Tịnh-độ Chân-tông do ngài Thân Loan Thánh Nhân khai sáng cách đây gần 8 thế kỷ.
 Rất thông tạo tiếng Nhật-bản và tiếng Hán cổ, ông Jean Eracle đã nỗ lực phiên dịch các tác phẩm của tổ sư Thân Loan sang tiếng Pháp, với ước mong giới thiệu và cống hiến cho nước Pháp và cả thế giới biết đến một phương thữc vô cùng đơn giản, dễ dàng đạt được hạnh phúc và mau chóng chứng ngộ ngay giữa kiếp sống này: đó là pháp Niệm Phật, xướng danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật.
Ngoài ra, Jean Eracle còn chấp bút và cho ấn hành những công trình sau:
- lời dạy của đức Phật
- một đạo Phật dành cho tất ca ímọi người: Niệm Phật Tịnh-độ.
- Giáo nghĩa Niệm Phật: giới thiệu Đại Kinh, Quán Kinh, và Tiểu Kinh.
- Cẩm nang đạo Phật của nước Trung-hoa ngày xưa : Kinh Bốn Mươi Hai Chương.(Tứ Thập Nhị Chương Kinh)
- Kinh Phật Thuyết A Di Đà, theo bản dịch của Pháp-sư Cưu-Ma-la-Thập.
-         Nguồn cội Đại Thừa Phật Giáo : Tịnh-độ Tam Kinh và Vãng Sanh Luận.
-         Văn minh Võ Sỹ Đạo.

-         . . . v . . . v . . .  

No comments:

Post a Comment