Blogroll

Thursday, April 10, 2014

GIÁO HÀNH TÍN CHỨNG - THÂN LOAN thánh nhân (Phần 2)





 (8) NĂNG LỰC CỦA BI NGUYỆN

Thân Loan tôi xin nghiêng mình kính cẩn thưa cùng các bậc thiện hữu tri thức mong muốn tái sanh Tịnh-độ rằng:
Đại Dương Nhất Thừa của Bản Nguyện vĩ đại, rộng khắp và vô lượng quyền năng, là hoàn hảo tuyệt vời, không chướng ngại và vô giới hạn. Nó là rất khó diễn đạt bằng ngôn ngữ, nằm ngoài mọi lời nói và khái niệm, được trang nghiêm bằng công đức tối thắng, tối thượng. Và vì tại sao như vậy? Bởi vì tự thân Bản Nguyện vốn không thể tư duy và diễn tả, không thể cảm nhận bằng tri thức thế gian. Chỉ thực chứng bằng cách xướng đọc danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật trong mọi tình huống của đời thường.
Sau đây là những biểu tượng tương ứng với năng lực của Bi Nguyện:
1/. Bi Nguyện thì bao la vô tận như hư không vũ trụ, bởi vì những phẩm chất vi diệu của nó thì đồ sộ, lớn rộng và vô giới hạn.
2/. Bi Nguyện tựa như chiếc xe vĩ đại, vì nó có khả năng chuyển vận những bậc thánh cũng như những chúng sanh tầm thường đến khắp mọi nơi. 

3/. Bi Nguyện như đóa sen trắng, vì nó không bị nhiễm dơ bởi bất cứ sự vật nào của thế gian. 
4/. Bi Nguyện tựa như chúa tể của các vị thuốc, vì có thể chữa lành tất cả những người mắc bệnh tham dục.
5/. Bi Nguyện như lưỡi kiếm sắc bén, vì nó có thể đâm thủng tất cả áo giáp kiêu ngạo và lãnh đạm.
6/. Bi Nguyện tựa như lá cờ của vị đại tướng dũng cảm, vì có thể hành phục tất cả đạo quân của Ma-vương.
7/. Bi Nguyện tựa như lưỡi cưa sắc nhọn, vì nó có thể cưa đứt tất cả gốc cây ngu si.
8/. Bi Nguyện tựa như một lưỡi rìu vô cùng lợi hại, vì nó có thể chặt đứt tất cả cành nhánh khổ đau.
9/. Bi Nguyện tựa như một vị thiện tri thức, vì nó có thể giải thoát gông xiềng Sanh Tử.
10/. Bi Nguyện tựa như người dẫn đường, vì với thiện chí, nó có thể giúp chúng sanh biết rõ phương tiện chính yếu để thoát ra khỏi rừng tham dục.
11/. Bi Nguyện tựa như dòng suối sống động, vì nó làm tuôn rỉ ra những giọt nước Trí Tuệ không bao giờ cạn.
12/. Bi Nguyện tựa như bông sen trắng, vì không bị vấy bẩn bởi bùn dơ của tất cả hành vi xấu ác.
13/. Bi Nguyện tựa như làn gió bấc nhè nhẹ vì nó xua tan sương mù của mọi chướng ngại.   
14/. Bi Nguyện tựa như một bình rượu tiên ngọt dịu vì nó được rót đầy bởi tất cả vị ngon ngọt của công đức vô lậu.
15/. Bi Nguyện như con đường thẳng, vì nó khiến đám đông đi thẳng vào lâu đài trí tuệ.
16/. Bi Nguyện như một khối đá nam châm, vì nhờ phương tiện của Bản Nguyện A Di Đà mà chúng ta được sức hút của Phật lôi cuốn.
17/. Bi Nguyện như vàng ròng của dòng sông Jambu, vì vượt trội hơn tất cả báu vật thế gian tầm thường, tạm bợ.
18/. Bi Nguyện tựa như kho tàng bí mật, vì chứa đựng tri kiến giải thoát của chư Phật.
19/. Bi Nguyện tựa như chất liệu của đất, vì nó là lý do xuất hiện ở thế gian của chư Phật khắp mười phương ba đời.
20/. Bi Nguyện tựa như tua sáng rực rỡ của mặt trời vì nó hủy diệt bóng tối ngu si của tất cả chúng sanh tầm thường, và khai sinh trong tất cả chúng sanh ấy một Đức Tin Thanh Tịnh.            
Chính Bi Nguyện là tác nhân cho phép chúng ta thoát khỏi lâu đài nghiệp quả của ba cõi thế gian: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Chính Bi Nguyện là người ra lệnh đóng cánh cửa dẫn vào 25 chỗ tái sanh. Chính nó giúp chúng ta đạt đến Cõi Miền Chân Thật của Cực Lạc, cho phép cúng ta phân biệt đâu là con đường chân chánh, đâu là con đường tà ngụy, nó tháo cạn đại dương khổ não của tất cả chúng sanh, nó tích lũy tất cả châu báu công đức và tri kiến giải thoát, mở ra kho tàng của các phương tiện thiện xảo.
Để kết luận, chúng ta phải trân trọng giữ gìn Bi Nguyện và kính cẩn nâng niu nó ở ngay trước mặt mình.

(9) LÒNG TIN
          Lòng Tin Vĩ Đại, là :
- một sức mạnh siêu nhiên làm cuộc sống trở nên trường cửu và đưa con người vượt thoát cái chết.
- một kỹ năng mầu nhiệm, thu hút sự Thuần Khiết và kinh tởm những điều dơ bẩn.
          - một tâm linh giản dị được tuyển chọn đặc biệt để hồi hướng công đức đến Phật-quả.

- một niềm tin thanh tịnh mà sự nghiệp giải thoát chúng sanh phải nương nhờ niềm tin này để tiến hành với phương tiện rộng lớn và sâu thẳm. 
- một tinh túy của sự thật, mà tinh túy ấy luôn luôn bền chắc như kim cương.
- một đức tin trong sạch mà nếu thiếu đức tin này thì dẫu một thái độ phi nhân tính cũng khiến đọa lạc dễ dàng trong các cõi xấu ác.
- một tâm hồn chuyên nhất, mà nhờ nó, chúng ta được bảo bọc và che chở bởi ánh sáng giác ngộ tâm linh.
- một niềm tin hiếm có và vượt lên trên mọi  giá trị thế gian
- một sự ngắn gọn, cô đọng, giản đơn - mà thế gian không thể nào chấp nhận dễ dàng, thế nhưng nó đúng là nhân tố cốt tủy để thực chứng Đại Niết-Bàn
- một đường lối an toàn đưa đến giải thoát viên mãn vô cùng nhanh chóng.

- một niềm tin bao la như đại dương, phản ánh thể tánh trung thực của tri kiến nhất như và chân thật.

          Mà tâm này được phát khởi từ Thệ Nguyện tiếp độ tất cả vãng sanh Cõi Sạch bằng phương tiện Niệm Phật.                   


(10)
Ngài Thiện Đạo nói: Tâm Sâu Thẳm (Thâm Tâm) là tâm đã thành tựu một đức tin sâu thẳm, chính nó mang hai phong cách tư tưởng như sau :
MỘT: chúng ta thường nghe mọi người trong cơn khổ đau hoặc thất bại, đã bày tỏ sự nhận định thế này: cuộc sống này đây không chỉ là một dòng hiện sinh thầm thường, tẻ nhạt và xấu xa, miễn cưỡng vận hành theo vòng quay sống chết từ thuở xa xăm, từng bị chìm đắm giữa trục xoáy Luân Hồi chẳng bao giờ vượt ra khỏi. Quan điểm này có vẻ như đầy thuyết phục và mang tính cách kiên định, sâu sắc đấy chứ?
          HAI : Chúng ta thỉnh thoảng cũng đã từng nghe một quan điểm sâu sắc, kiên định và đầy sức thuyết phục khác: Đức Phật A Di Đà thường bảo bọc và che chở tất cả chúng sanh bằng phương tiện của Bốn Mươi Tám Lời Nguyện, và nói đúng hơn, người ta chắc chắn đạt được sự vãng sanh Tịnh-độ nếu sử dụng chiếc xe hoàn hảo và tiện lợi của năng lực thệ nguyện.
          Tất cả các bậc thiện tri thức ước mong vãng sanh Tịnh-độ đều cũng đã nói như vậy.



(11)
THÍ DỤ VỀ CON ĐƯỜNG AN TOÀN

Bây giờ, tôi xin kể một thí dụ nói về mục tiêu của những người niệm Phật trong dụng ý bảo vệ tâm hồn tràn đầy niềm tin của họ, chẳng khác chi là tự nguyện làm một bờ đê an toàn để ngăn chống mọi gươm đao tấn công của những kẻ tà kiến mang những quan niệm lầm lẫn và khác biệt.
          Thí dụ ấy như thế nào?
          Có một người muốn đi xa trăm ngàn dặm vềì hướng Tây. Thình lình, trong khi rảo chân tiến bước, y thấy hai dòng sông: một là dòng sông rực lửa xuất hiện ở phương Nam, kia là dòng sông ngập nước đang phơi trải nơi phía Bắc.
          Hai dòng sông ấy đều rộng khoảng trăm bước chiều ngang và bề sâu thăm thẳm dường như không thấy đáy. Về phía Nam và phía Bắc, hai dòng sông trôi xuôi vô tận đến cuối chân trời. Ngay vào khoảng trung tâm giữa nước và lửa duy nhất chỉ có một lối di an toàn, bề rộng khoảng bốn năm tấc. Lối đi này cách bờ Tây và bờ Đông một khoảng cách chừng một trăm bước.
Những đợt sóng cuộn tròn trên mặt nước, tràn lấp sát mé lối đi, và những ngọn lửa bùng lên lấn áp lề đường. Nước và lửa lần lượt va chạm lẫn nhau, liên tục như vậy và không hề sút giảm.
          Người kia chợt dừng lại, nhìn qua một thảo nguyên khô cằn, thấy một miền đất hoang vu không một bóng người. Lúc bấy giờ trong tầm nhìn của gã đàn ông đơn độc này, xuất hiện vô số kẻ cướp và bầy thú hung tợn ồ ạt xông vào với bộ dạng đằng đằng sát khí. Vì quá sợ chết, y đã tháo chạy về hướng Tây.
          Chốc lát, y nhận ra hai dòng sông lửa và nước ấy, bèn tự nhủ:
- Ta không biết hai con sông này bắt nguồn từ phương Bắc hay phương Nam, nhưng ở giữa chỉ có độc nhất một lối đi an toàn vô cùng chật hẹp, dường như hai bờ sông rất gần kề nhau. Tuy nhiên, chiều rộng của chúng kể từ bờ này đến bờ kia đều có khoảng cách không thể vượt qua được. Chắc chắn hôm nay chính là thời điểm kết thúc mạng sống của mình.
“Nếu ta lùi lại đằng sau thì bọn lâu la thảo khấu và bầy thú dữ càng lúc càng bao vây rất gấp. Nếu ta quay sang phía Bắc hoặc phía Nam thì bầy thú dữ cùng lũ độc xà sẽ lao vào cắn xé ta thành trăm nghìn mảnh. Nếu ta muốn sử dụng con đường về phương Tây thì thật đáng ngán, nếu bị rơi tõm xuống hai con sông đầy lửa và nước kia. Mình cảm thấy một mối khiếp sợ không thể nào diễn tả được.
Rồi y trầm tư:
“Với ta, nếu giơ ìnay mà thụt lùi lại tức là chết tức khắc. Đứng yên tại chỗ: cũng đụng phải cái chết thê thảm. Tiến lên phía trước cũng không tránh khỏi cái chết. Ví dầu ta có thể tìm ra một phương kế nào đó   để  vuột khỏi  lưỡi hái tử thần, thì cũng chẳng có mưu chước nào hơn là sử dụng con đường trước mặt. Bởi vì dù muốn hay không, nhất định phải nương vào con đường ấy mới mong vượt qua mọi hiểm nguy trong đường tơ kẽ tóc”.
Nghĩ ngợi vừa xong, y chợt thoáng nghe một tiếng gọi cường liệt, dũng cảm của một người đang cố sức khích lệ từ phía Đông:
Này, hỡi người kia! Ngươi chỉ còn một giải pháp là tiến lên con đường này, bởi vì mọi lối đi khác đều nguy hiểm chết người, mà đứng yên tại chỗ cũng sẽ phải chết!
Lát sau, trên bờ Tây, xuất hiện một người buông tiếng gọi:                                
-Hỡi bạn! Chỉ với tâm chuyên nhất và tư tưởng chân chánh, ngươi hãy bước thẳng tới! Ta có thể bảo vệ ngươi, đừng sợ bị rơi vào lửa hoặc té xuống nước!
          Đến khi người ấy nghe được từ bên này là tiếng nói cường liệt đầy khích lệ, từ bên kia là tiếng gọi giục giã bức bách - y lấy lại bình tĩnh cho thể xác và tinh thần, quyết định chọn giải pháp chắc chắn, đó là  bước thẳng lên  con đường trước mặt, lòng chẳng còn dấy lên một chút do dự hoặc sợ hãi.
          Nhưng khi mới tiến tới vài ba bước, thì bên bờ Đông, bọn lâu la thảo khấu lên tiếng sống sượng:
- Này ông bạn kia ơi, hãy lùi gót! Con đường ấy thật lắm hiểm nghèo, bạn không thể bước qua phía khác được: chớ nghi ngờ mà chi! Bạn chắc chắn sẽ phải tàn úa đời thanh xuân! Về phần bọn tớ, bọn tớ quyết không để cho bất cứ ai rơi vào lầm lẫn cả!
Mặc dù nghe được lời réo gọi ấy, gã đàn ông đáng thương của chúng ta cũng chẳng thèm nhìn ngoái lại. Với tâm chuyên nhất, y chỉ nghĩ đến việc đi thẳng tới và tiến bước trên con đường đã định. Trong khoảnh khắc, y đặt chân lên bờ Tây, nơi không còn một chút hiểm nguy nào nữa cả. Y liền nhận ra người thiện hữu tuyệt vời và cảm nhận lòng mình ngập tràn hạnh phúc bất tuyệt.                                 

(12) Ý NGHIÃ CỦA THÍ DỤ

Câu chuyện kể trên, là Thí Dụ của chúng ta. Bây giờ, tôi muốn bàn về ý nghĩa của thí dụ ấy.
Bờ phía Đông: chính là nơi chìm đắm trong ngọn lửa ngùn ngụt của thế giới Ta-bà.
Bờ phía Tây: ấy là xứ sở quý giá tuyệt vời của Hạnh Phúc Tối Thượng.            
Những bọn lâu la thảo khấu và các bầy thú dữ, tương quan mật thiết với mưu ma chước quỷ, đó là:
·        sáu căn: nhãn căn nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn.
·        sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
·        sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức. tỷ thức. thiệt thức. thân thức, ý thức.
·        ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
·        tứ đại: đất, nước, gió, lửa.
Người đàn ông du hành qua thảo nguyên khô cằn không một bóng người: chính là nhân loại có khuynh hướng đi theo những bạn bè xấu ác không bao giờ gặp được một người bằng hữu chân thật và trí dũng.                
Dòng sông ngập nước: tượng trưng cho tình yêu chấp ngã (ái dục) của tất cả chúng sanh. Và dòng sông ngùn ngụt lửa đỏ: thì tượng trưng cho sự giận dữ và hận thù.
Lối đi an toàn rộng bốn năm tấc: ấy là Tâm của tất cả chúng sanh dù ở giữa cơn lốc tham dục, khát ái và hận thù, vẫn có thể phát khởi ước muốn trong sạch được vãng sanh Tịnh-độ. Khát khao và hận thù được tượng trưng bởi nước và lửa, vì sức mạnh ghê hồn của chúng, trong khi tâm hồn tuyệt diệu được tượng trưng bởi con đường an toàn do tính chất thanh cao, vi tế của nó.
Hơn nữa, những ngọn sóng ồ ạt tràn ngập con đường tượng trưng cho những tư tưỏng tham dục liên miên trổi dậy và có thể nhận chìm tâm hồn tuyệt vời.  Còn  những ngọn lửa ngùn ngụt bốc liếm liên tục thì tượng trưng cho những tư tưởng thù hận và lỗi lầm, có thể đốt cháy châu báu công đức được lưu xuất từ Chánh Pháp.
Người lữ hành đang tiến bước trên con đường hướng về phương Tây: chính là kẻ hiến mình cho tất cả hành vi và công phu tu tập đưa đến việc vãng sanh nơi Tịnh-độ Tây-phương.

Tiếng nói vang vọng từ bờ Đông của người khích lệ hãy dấn bước mạnh mẽ trên con đường về Tây, đó chính là tiếng nói của đức Phật Thích Ca Mâu Ni - mà sau khi Ngài diệt độ, chúng ta không còn thấy được kim thân và tướng hảo của Ngài bằng đôi mắt thịt của kẻ phàm tục nữa, chỉ có Chánh Pháp là tồn tại để khai thị cho chúng sanh.
Những bầy thú dữ kêu gào réo gọi kẻ lữ hành, khiến y có thể dở chứng tần ngần buông lỏng vài ba bước chân, tượng trưng cho đám đông nhân lọai thường đa mang đủ thứ tri thức lệch lạc, những công phu tu tập khác biệt bằng cái nhìn lầm lẫn, bằng những lời nói dối trá thô bỉ, gạt gẫm kẻ lữ hành thay đổi quan điểm nhận thức đến nỗi có thể chối bỏ con đường phải đi.
Tiếng gọi giục giã của ông lão phát ra từ bờ Tây, đó là Ý Chí được biểu lộ qua Bản Nguyện A Di Đà.
Trong khoảnh khắc, người lữ hành đặt đôi chân lên bờ Tây, thấy người thiện hữu tuyệt vời và y bày tỏ nỗi vui mừng vô hạn: chính là tất cả chúng sanh từng bị chìm đắm dài lâu trong dòng sống chết và quay cuồng lăn lộn trong nẻo luân hồi từ thuở vô lượng kiếp xa xưa, tự trói buộc chính mình và không có năng lực giải thoát bản thân, hoàn toàn sống trong ảo tưởng ê chề, đã đón nhận lời khích lệ  đi về hưóng Tây do đức Thích Ca thốt ra - lại nữa, còn có tiếng gọi giục giã xuất phát từ lòng đại từ đại bi của A Di Đà, nên những chúng sanh ấy đã tin cậy và vâng theo lời dạy của hai đức Như Lai - không bao lâu, tất cả chúng sanh chẳng còn lo sợ mọi hiểm nguy của hai dòng sông lửa và nước, liền phó thác sự vận hành bản thân cho con đường của năng lực Bản Nguyện, sau khi lâm chung được vãng sanh Tịnh-độ, gặp được Phật và cảm nhận niềm hoan lạc không bao giờ úa tàn.


(13)  MƯỜI THỨ LỢI ÍCH

Bất cứ người nào niệm Phật và chứng được Tâm Chân Thật bền chắc như kim cương, thì tạo một bước nhảy vượt lên trên năm nẻo luân hồi và tám tai nạn ngăn trở việc phát triển Tâm Linh (17), trong đời sống như vậy, người ấy được trang nghiêm tự thân bằng mười thứ lợi ích:
1/. Được hưởng sự che chở bí mật của chư Thiên, các vị thiện thần, của rất đông chúng sanh khuất mặt từ các cảnh giới siêu hình.
2/. Được trang nghiêm bằng Công Đức Tối Thượng.
3/. Được thấy rõ sự cải biến tâm linh ngay nơi tự thân: chuyển hóa điều tà ác trở thành chân thiện.
4/. Được che chở bởi chư Phật.
5/. Được tán thán bởi tất cả chư Phật.
6/. Được bao trùm liên tục bởi ánh sáng tâm linh của A Di Đà.
7/. Được hiển thị vô số niềm vui nội tâm.
8/. Được cảm nhận lòng tri ân bởi sự hộ trì tưởng nhớ do lòng đại từ của chư Phật.
9/. Được thường xuyên tiến bước trong Đại Bi.
10/. Được trở thành phần tử của nhóm người tu tập thiền định chân chánh trong đạo Phật (được tham dự  vào hàng ngũ Chánh Định Tụ).


(14)

Khi tôi miệt mài trầm tư về Đức Phật Chân Thật và Cõi Nước Chân Thật của Ngài,  tôi mới rõ ra rằng: Đức Phật Chân Thật chính là Đấng Toàn Giác của ánh sáng siêu việt tư duy và mô tả - và Cõi Nước Chân Thật chính là Cõi Miền của ánh sáng không cùng tận. Chắc hẳn vì những thứ ánh sáng ấy được lưu xuất từ Thệ Nguyện Đại Bi, nên chúng được gọi là “Đức Phật Chân Thật” và “Cõi Miền Chân Thật của Cực Lạc”. Lời nguyện tương quan với sự việc này, trước hết là lời nguyện xác quyết hiệu năng của ánh sáng, tiếp theo là lời nguyện xác quyết sức sống không cùng tận. Như bản kinh Vô Lượng Thọ đã ghi:
“Khi tôi thành Phật, nếu hiệu năng của ánh sáng còn bị hạn chế, ít nhất không chiếu soi thấu trăm nghìn triệu tỷ thế giới hệ, thì tôi không chấp nhận địa vị Toàn Giác”. -  Và:

“Khi tôi thành Phật, nếu thọ mạng của tôi còn bị hạn chế, ít nhất không tới trăm nghìn tỷ tỷ tỷ năm, thì tôi không chấp nhận địa vị Toàn Giác”.

No comments:

Post a Comment