SỐNG TRONG BỔN NGUYỆN CỦA PHẬT A DI ĐÀ
Nguyễn Thế Đăng
Chúng ta thấy một con
người, bằng đức tin và niệm danh hiệu, đã gắn được cuộc đời mình với bổn nguyện
của A Di Đà, và như thế, dù thân còn ở đây chưa về đến Tịnh độ nhưng tâm đã có
phần dự vào trong Tịnh độ, trong Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Phật A Di
Đà để xóa tan khoảng cách giữa Ta bà và Tịnh độ, giữa sinh tử và Niết bàn.
Tất cả chúng ta đang sống trong
Ánh sáng Vô lượng (Vô lượng Quang) và Đời sống Vô lượng (Vô lượng Thọ), trong
bổn nguyện của Phật A Di Đà, điều đó được nói trong 48 lời nguyện của Tỳ kheo
Pháp Tạng (Dharmakara), tiền thân của Ngài.
Những ước vọng của kiếp nhân
sinh và những khổ đau – mặt trái của ước vọng không thành của con người – đều
được gói trọn trong bổn nguyện của A Di Đà. Bổn nguyện đó là Ánh sáng Vô ngại
(Vô Ngại Quang Như Lai) có thể soi thấu đến những chỗ tối tãm nhất trong lịng
người và xuyên qua những chất cứng nhất trong thế gian, cái bản ngã cứng đặc
kiên cường và đen tối, và như thế, năng lực chuyển hóa của bổn nguyện là vô hạn.
Bổn nguyện là tấm lưới của ánh sáng và đại bi trùm khắp chúng sinh ba cõi, chỉ
cần một niềm tin chân thành là tấm lưới ấy hoạt động để đưa chúng ta đến với
ánh sáng tỏa chiếu tình thương vô tận.
48 lời nguyện ấy đã thành tựu
từ rất lâu xa, khi Bồ tát Pháp Tạng thành Phật đến nay đã được mười kiếp (một
kiếp gồm 4.320.000.000 nãm, theo cách tính của Ấn Độ thời cổ, y cứ lời của Đức
Phật Thích Ca dạy trong kinh A Di Đà (Xá Lợi Phất! A Di Đà Phật thành Phật dĩ
lai ư kim thập kiếp). Vì lý do đó mà những lời nguyện trên được gọi là bổn
nguyện.
Chúng ta đang sống trong bổn
nguyện, trong ánh sáng vô lượng và đời sống vô lượng mà theo ý niệm nhị nguyên
của con người, chúng ta có thể hiểu rằng, ánh sáng vô lượng là trí tuệ và đời
sống vô lượng là tâm đại bi của A Di Đà.
Cái làm cho chúng sinh tiếp xúc
được với bổn nguyện của A Di Đà là đức tin. Trong 19 lời nguyện nhắm đến tất cả
chúng sinh trong vũ trụ ấy, đều mang nội dung của đức tin. Đức tin ấy có thể
hình dung qua những yếu tố sau đây:
Một ý thức sâu sắc về tính hữu
hạn, thất thường, bất định, mâu thuẫn và phải chết của con người. Nếu chỉ đích
danh hơn, những tính chất hữu hạn, mâu thuẫn nội tại ấy là đặc tính của cái ngã
và những hoạt động phiền não của nó. Và trong tình trạng hiện thời, toàn bộ đời
sống con người dựa vào cái ngã và những hoạt động tạo nghiệp của nó, hậu quả
tất yếu là những khuyết điểm, lầm lỗi và khổ đau mà chúng ta gọi là sanh tử.
Nhưng để thoát khỏi cái ngã đó, với phần đông con người là không thể, vì làm
bất cứ điều gì, dù tu hành để giải thoát hay làm tốt cho người khác thì vẫn nằm
trong sự giật dây của cái tự ngã, chỉ làm cho cái ngã, phụng sự cái tự ngã.
Với con người, không phải bao
giờ cũng có thể có vị tha thực sự, lợi mình lợi người thực sự, vì thông thường
có cái ta phản trắc luôn ở trung tâm của mọi hành động. Không giải quyết được
khổ đau của mình, đồng thời chúng ta cũng gieo rắc khổ đau cho người khác. Nói
theo hình ảnh của kinh Pháp Hoa, chúng ta là những đứa con khốn cùng, dù có may
mắn nghe được cha mình giàu có đến trùm khắp vô vàn thế giới đang ở nơi xa kia
chờ mình thì cũng không đủ sức trở về, dù có người dẫn dắt. Đôi chân con người
đã mỏi mệt vì khổ đau của sinh tử, trí óc đã quá nặng nề vì những màn ảo
hóa và chỉ khi thấy rõ sự hữu hạn, nhỏ bé và bất lực của mình, thấy sự mâu
thuẫn nằm trong chính nền tảng của bản thân, con người khổ đau đó mới mở mình
ra trước lời kêu gọi của đại nguyện của Phật A Di Đà.
·
Chúng ta không biết làm gì hơn là phó thác, hiến mình và tin cậy.
Khi tự lực trong mức độ chúng
sinh chỉ là thất thường, mâu thuẫn nội tại, chính lúc đó, bắt đầu sự lắng nghe
sâu xa tiếng kêu gọi của bổn nguyện, sự chấp nhận phó thác cho công việc đại bi
của Phật A Di Đà. Một chuyển hóa bắt đầu xảy ra, con người từ bỏ những bất
toàn, những xung đột mâu thuẫn nội tại của mình, để đi vào nguyện lực của Đức A
Di Đà. Do đó con người thấy ra tha lực.
·
Không chỉ để đối phó với khổ đau, đức tin cũng là một mong mỏi bất
tuyệt về một cõi không có ba đường ác (lời nguyện thứ nhất), thậm chí không có
cả một danh từ để chỉ một sự ác nào (lời nguyện thứ 16). Tích cực hơn, đức tin
cõi tịnh là một tình cảm nồng nhiệt đối với tất cả những gì đẹp đẽ, thanh tịnh
đối với cõi nước, con người lành thánh của Phật A Di Đà. Chính sự kính ngưỡng
đối với cõi Tịnh độ và Phật A Di Đà sẽ chuyển hóa những đam mê vào cõi dục của
chúng ta, nguyên nhân của những phiền não khổ đau.
·
Cuối cùng, đức tin đó khiến chúng ta mở tâm thức, mở tấm lòng để
đón nhận ánh sáng của lịng bi A Di Đà.
Trong các kinh Nikàya, có thuật
lại rằng khi Đức Thích Ca giác ngộ, Ngài nhìn lại thế gian, quan sát chúng sinh
như những hoa sen, có cái còn nằm trong bùn, có cái lên trong nước, có cái đã
ra khỏi nước và có cái bắt đầu nở hoa, thấy thế, Đức Phật đã quyết định chuyển
bánh xe pháp để đem lại lợi lạc cho chúng sinh. Với đức tin vào Phật A Di Đà và
năng lực đại bi tr?ắp của Ngài, đoá hoa sen tức Phật tánh của mỗi người sẽ vươn
lên và nở hoa trong ánh sánh vô lượng và đời sống vô lượng.
Đức tin là cái nối kết con
người với lời kêu gọi ngập đầy thương yêu và ân điển tức là 48 lời nguyện
của Đức A Di Đà với ánh sáng vô lượng và đời sống vô lượng tức là
bản tính của Đức A Di Đà. Nhưng sự kêu gọi và sự đáp trả còn thể hiện cụ thể,
đó là niệm danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật”, “Nam mô” là sự trở về trong tâm
linh của đưá con cơ nhỡ, lạc loài, vô phương tự thoát và “A Di Đà Phật” là quê
nhà của nó, sự sống và là ánh sáng của nó.
Niệm
Phật là thể hiện đức tin ấy.
Trong
19 lời nguyện nhắm đến các chúng sinh ở ngoài cõi Tịnh độ, có đến 14 lời nguyện
nói đến “niệm danh hiệu” và “nghe danh hiệu”. Như thế, danh hiệu A Di Đà chính
là Phật A Di Đà. Niệm danh hiệu là phương pháp được nói đến nhiều nhất trong
những phương pháp để tiếp thông với Đức Phật. Niệm danh hiệu chính là đi về
Tịnh độ và đi vào bản tính của Phật, đồng thời làm hiện thân Tịnh độ và bản
thân Phật A Di Đà giữa thế gian.
Như
trên đã nói, niệm danh hiệu được nhắc đến nhiều nhất trong các đường lối để
tiếp cận với Phật A Di Đà và Tịnh độ. Niệm Phật là để sinh về Tịnh độ, nơi
không có những tranh chấp mâu thuẫn giữa ta với người, ta với thế
giới, và ta với chính ta, những mâu thuẫn muôn đời không thể nào giải quyết ở
đời sống vận hành theo chiều hướng tư duy hữu ngã này.
Niệm Phật A Di Đà là niệm ánh
sáng vô lượng, do đó thải trừ bóng tối vô minh nơi mình. Niệm Phật A Di Đà là
niệm đời sống vô lượng, do đó thải trừ sinh tử nơi mình.
Như vậy, niệm danh hiệu đúng
nghĩa chính là đang thực hiện sự tịnh hoá. Nó không chỉ là loại bỏ sự sợ hãi
trước bóng tối và cái chết, mà còn đưa con người đến với ánh sáng vô lượng và
đời sống vô lượng, nghĩa là khai mở Phật tánh trong mỗi người, như Tỳ kheo Pháp
Tạng đã thành tựu và ứng dụng để tạo thành Tịnh độ trước đây mười a tăng kỳ
kiếp.Bắt đầu niệm Phật là bắt đầu sự chuyển hoá. Mỗi câu niệm Phật là một lần
chuyển hóa.
Sự chuyển hoá này xảy ra tại đây
và bây giờ, thải trừ năm độc tham, sân, si, kiêu mạn và đố kỵ trong thân tâm
mỗi người. Như thế, con đường đi về Tịnh độ bắt đầu ngay lúc này và tại đây,
bằng danh hiệu Phật.
Lấy một hình ảnh thí dụ của Đại
thừa, Phật A Di Đà ví như một mặt trăng giữa trời, mà mỗi câu niệm Phật như một
chậu nước, mỗi chậu nước có một mặt trăng trong đó. Niệm Phật đến mức mặt trăng
in hẳn vào dòng hiện sinh của hành giả, không còn tách lìa, dù ở đâu và lúc
nào. Khi đã thật sự có mặt trăng Phật thường trực trong lòng, sự tái sinh về
Tịnh độ khi chết ắt là một tiến trình tất yếu.
Theo Kim Cương thừa, Phật A Di
Đà ở về phương Tây trong Ngũ Trí Như Lai, là chủ của Liên Hoa bộ. Thành tố của
bộ này là lửa và màu là màu đỏ. Phật A Di Đà ngồi trên một tòa sen do một con
công đội. Con công ăn thức ăn độc và chuyển hóa thành màu lông rực rỡ của mình,
càng độc lông càng đẹp. Bộ Liên Hoa chuyển hóa tham dục của cõi này thành trí
tuệ, biến ái dục của cõi dục này thành từ bi.
Bởi thế, khi nào tham dục – một
trong năm độc – khởi lên chúng ta hãy niệm danh hiệu. Khi nào sắp nổi giận,
chúng ta hãy niệm Phật, khi nào muốn cầu nguyện cho ai chúng ta hãy niệm Phật.
Danh hiệu Phật có tính cách của
một thần chú (mantra), một tổng trì (dharani) thỏa mãn cho những nguyện vọng
xuất thế gian (“nghe danh hiệu tôi, được Vô sanh pháp nhẫn và các môn tổng trì
sâu xa” lời nguyện thứ 34) và những nguyện vọng thế gian (“nghe danh hiệu tôi,
sau khi mạng chung, sanh ra vào những gia đình tôn qúy” lời nguyện thứ 43),
(“nghe danh hiệu tôi, tất cả các căn không xấu xí, kém khuyết” lời nguyện thứ
41). Sở dĩ như vậy vì trong danh hiệu có đủ cả Pháp thân (Tâm giác ngộ, tâm
Phật), Báo thân (Ánh sáng vô lượng, Thọ mạng vô lượng) và Hóa thân (sắc thân
Phật và cõi Tịnh độ) của Phật A Di Đà. Bởi thế khi nào trong lòng chúng ta từ
bi hỷ xả không sinh khởi, hãy niệm danh hiệu vì danh hiệu là sự tập trung thuần
khiết nhất của từ bi hỷ xả. Sáu Ba la mật, năm căn, năm lực, bảy Bồ đề phần,
tám Thánh đạo phần (kinh A Di Đà), cho đến đắc Vô sanh pháp nhẫn, tức con đường
Đại thừa chung cho mọi tông đều có đủ trong danh hiệu Phật. Chúng ta cần nhớ
rằng trong danh hiệu có Chánh báo và Y báo, nghĩa là có cả bản tánh trí tuệ và
đại bi của Đức A Di Đà, đồng thời có Tịnh độ của Ngài.
Niệm Phật là thả mình vào công
cuộc chuyển hóa của bổn nguyện, trút những xác chết của khổ đau phiền não không
thể nguôi ngoai vào đại dương của bổn nguyện và để cho đại dương đó chuyển hóa
cho. Như Phật Thích Ca đã nói “trong đại dương (Niết bàn) không dung chứa xác
chết”, đại dương ánh sáng và đại bi của Phật A Di Đà cũng không chứa những
phiền não khổ đau của chúng sinh mà sẽ chuyển hóa chúng thành những phẩm tính
của Tịnh độ. Một bài kệ của Thân Loan (1173-1263), vị Tổ thứ hai Tịnh Độ tông
Nhật Bản, đã viết:
Khi nhiều dòng sông phiền não
chảy vào
Đại dương của lời nguyện đại bi
Của ánh sáng vô ngại, soi sáng
mười phương
Chúng trở thành một vị với nước
của trí tuệ.
Và như thế, không chỉ khổ đau
phiền não của chúng sinh mà toàn bộ hiện sinh của con người được đặt trên nền
tảng ban sơ và tối hậu của sự chuyển hóa: cuộc đời bấp bênh dễ vỡ như bọt biển
(“bọt trong biển cả uổng chìm nổi” Tuệ Trung Thượng Sĩ) được an trú vào đại
dương bổn nguyện của A Di Đà; tâm thức chúng ta tiếp thông với ánh sáng vô
lượng, cuộc đời hữu hạn nhỏ nhoi của chúng ta tìm ra nền tảng của chính nó là
đời sống vô lượng, sức sống của chúng ta cắm rễ vào lòng Bi không cùng.
Lúc ấy, thế giới này không còn
là khổ đau sanh tử mà tất cả đều được chuyển hóa để trở thành sự biểu hiện của
Phật A Di Đà như cõi Tịnh độ (giai thị A Di Đà Phật dục linh tuyên lưu biến hóa
sở tác với kinh A Di Đà). Lúc đó là sự hợp nhất bất khả phân, ánh sáng hòa
trong ánh sáng, hương thơm hòa trong hương thơm, như Saichi (1850-1933) nói :
Lòng tôi là lòng Ngài
Lòng Ngài là lòng tôi
Chính lòng Ngài trở thành tôi;
Không phải tôi trở thành A Di Đà
Mà A Di Đà trở thành tôi
Nam
mô A Di Đà Phật.
Lòng Ngài là lòng tôi
Chính lòng Ngài trở thành tôi;
Không phải tôi trở thành A Di Đà
Mà A Di Đà trở thành tôi
Trong ánh sáng vô lượng có sự
chuyển hóa hoàn toàn, tất cả đều trở thành ánh sáng, vẫn Saichi nói:
84.000 phiền não
84.000 ánh sáng
84.000 niềm vui tràn ngập
84.000 ánh sáng
84.000 niềm vui tràn ngập
Ở trên là một vài trích dẫn lời
phát biểu từ các thành tựu của hành giả niệm Phật, đó cũng chính là những tấm
gương cho chúng ta, những lời ấy cho thấy chính đức tin chân thành sâu sắc rằng
tất cả chúng ta đang sống trong bổn nguyện, ánh sáng vô lượng và thọ mạng
vô lượng của Phật A Di Đà. Sống trong đức tin như vậy tạo thành Giới Định Tuệ
cho một cuộc đời của một Phật tử Tịnh độ. Chỉ nói một mặt và sơ lược về một vài
điều giới của một Phật tử Tịnh độ, đó là không tranh chấp, không oán thù, từ bi
hỷ xả, không gieo thêm khổ đau cho mình và cho người khác, “không có ba đường
ác, thậm chí không có cả danh từ đường ác” (kinh A Di Đà).
Một khi tâm không có xấu ác như
vậy, thì nhờ đó mà cảm nghiệm được sự thanh tịnh đẹp đẽ của cịnh độ; tâm đó
tịnh nghiệp của cõi Tịnh độ cho nên nó đã có phần tiếp thông với Tịnh độ. Như
thế, cuộc đời đó được thãng hoa, gần với sự an ổn của bổn nguyện, gần với ánh
sáng vô lượng và đời sống vô lượng hơn.
Trong thời đại hiện nay, tính
chất tâm linh nơi con người đã yếu nhạt nhiều, hoàn cảnh bên ngoài dễ dàng cho
con người sa vào tội ác. Nhưng cũng chính trong một thời khó khăn cho tâm linh
như vậy, bổn nguyện của Phật A Di Đà lại càng có ý nghĩa hơn, khi bổn nguyện đó
đã có trước cả sự sinh thành của thế giới chúng sinh và sẽ còn mãi với đức Vô
lượng thọ.
Có lẽ rằng trong thời yếu kém
tâm linh này, con người không có cách gì tiếp cận và vượt lên một đời sống cao
thượng hơn, sáng sủa hơn, đầy tin yêu hơn, hòa hợp hơn và với phương tiện nào
dễ dàng hơn pháp môn niệm Phật.
Những lời nguyện của Đức A Di
Đà nhằm vào tất cả chúng sinh trong mọi mặt của cuộc đời với bao nhiêu giới
hạn, tội lỗi, lỡ lầm. Như ngài Thân Loan đã nói:
“Khi tôi suy nghĩ về lời nguyện từ bi của A Di Đà, được thiết lập
qua năm a tăng kỳ kiếp tâm niệm sâu xa, lời nguyện đó là dành cho chính tôi,
Thân Loan, cho chính một mình tôi”.
Khi đức tin đã phát khởi, chúng
ta có sự tương thông với Phật A Di Đà và sự tượng thông đó trở nên liên tục,
tương tục và luôn luôn mở rộng cả bề sâu lẫn bề rộng bằng niệm danh hiệu Phật.
Sự chuyển hóa liên tục xảy ra từ mối nối kết này, biến đổi con người tội lỗi,
bất toàn, tự mâu thuẫn xung đột và phải chết của chúng ta thành một con người
của Tịnh độ. Sự chuyển hóa này ngày xưa các tổ Tịnh độ ví như “gạch ngói vụn
được biến thành vàng ròng” vì “trong Tịnh độ tất cả trời người sắc tướng đều
một màu vàng ròng” (lời nguyện thứ 3).
Chúng ta cần nhắc lại một lần
nữa, sự chuyển hóa không chỉ xảy ra ở nơi cõi Tịnh độ mà đã và đang xảy ra ngay
tại đây và lúc này. Sự chuyển hóa “gạch ngói vụn thành vàng ròng”, “sắc tướng
con người đồng thành một màu vàng ròng” phải được thiết lập ở đây và lúc này,
nghĩa là kinh nghiệm về Tịnh độ và Phật A Di Đà phải được cảm nhận nơi mình ở
đây và lúc này.
Để minh họa cho đời sống của
đức tin hiện sinh này, chúng ta đọc một vài mẩu chuyện của Shoma (1799-1871)
trích từ The Essence of Buddhism của D.T. Suzuki :
Có lần Shoma viếng một ngôi
chùa quê. Vừa vào chánh điện, anh thõng chân nằm dài trước tượng A Di Đà. Một
người trách anh vô lễ, thất kính, anh trả lời:
“Tôi vào đây là trở về nhà cha
mẹ tôi, còn anh bắt bẻ tôi như vậy chẳng qua anh chỉ là người ngoài gia đình
này thôi”.
Có lẽ sống trong lòng đại bi
bổn nguyện của Phật A Di Đà là như vậy.
Có lần Shoma cùng các bạn đi
trên một chiếc thuyền buồm, gặp lúc gió lớn sóng to như muốn nhận chìm thuyền.
Mọi người quên hết việc niệm Phật mà chỉ biết van vái lung tung. Trong khi ấy,
Shoma nằm ngủ cho đến lúc người ta đập anh dậy, anh dụi mắt hỏi:
“Tôi có còn trong thế giới Ta bà không?”
Có lần anh làm việc ngoài đồng,
mệt bèn về nhà nghỉ. Gió mát khiến anh nhớ đến Phật A Di Đà. Anh liền mang
tượng ra đặt bên cạnh nói: “Ngài ngồi đây hóng mát nhé!”.
Một hôm giữa đường mắc bệnh,
bạn bè mướn người võng anh về nhà, rồi dặn dò:
“Nay anh đã về quê rồi, hãy
nghỉ yên và tạ ơn A Di Đà“, Shoma đáp: ”Cám ơn, nhưng tôi bệnh ở đâu thì chỗ đó
là Tịnh độ của tôi, sát ngay bên cạnh tôi”.
Có lần nghe người nói về hoạt
động truyền giáo của một tôn giáo khác, Shoma nói:
“Không gì tốt hơn là phàm phu thành Phật”.
Khi có người hỏi làm sao giữ
tròn được cuộc sống sau khi chết, Shoma đáp:
“Việc ấy để A Di Đà lo liệu, đó không phải là chuyện của tôi”.
Chúng ta thấy một con người,
bằng đức tin và niệm danh hiệu, đã gắn được cuộc đời mình với bổn nguyện của A
Di Đà, và như thế, dù thân còn ở đây chưa về đến Tịnh độ nhưng tâm đã có phần
dự vào trong Tịnh độ, trong Pháp thân, Báo thân và Hóa thân của Phật A Di Đà để
xóa tan khoảng cách giữa Ta bà và Tịnh độ, giữa sinh tử và Niết bàn.
Có thể tóm lại, sống trong bổn
nguyện là giao phó, đưa hết thẩy thân tâm tùy thuận với công việc đại bi bao la
vô tận của Phật A Di Đà, một thân tâm quy y vào Phật A Di Đà như vậy thì thanh
tịnh để có thể phát khởi đức tin trông cậy vào A Di Đà và công việc của Ngài.
Thân tâm hữu hạn và khuyết điểm đó chìm ngập trong thực tại của A Di Đà là Trí
tuệ và Đại bi phổ trong 48 lời nguyện, đây là tiền đề để sinh về Tịnh độ. Nhưng
trước khi thân tâm đi về trung tâm điểm đích đến của nó là Tịnh độ, thì ngay ở
đây và lúc này, nơi thế giới này, chúng ta đã hưởng được những phần công đức
của Tịnh độ.
Nguyễn Thế Đăng
No comments:
Post a Comment