Blogroll

Sunday, April 13, 2014

ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ VÀ PHƯƠNG XÍCH LÔ - Năng Chi Cư Sỹ

ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ VÀ PHƯƠNG XÍCH LÔ



       Tiểu sử nhà thơ Phương Xích Lô:
Tên Phương Xích Lô do nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đặt, tên thật anh là Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1951, quê quán Thừa Thiên Huế.
Anh tự giới thiệu:
“Tôi tên là Nguyễn Văn Phương
Tám mươi kiệt một tại đường Chi Lăng
Vợ tôi Trần Thị Lệ Hằng
Đầu lòng sinh được hai nàng xinh xinh”.
 Năm 2002 trong dịp ra Quảng Trị chơi, anh xuống tắm ở đập thủy lợi Triệu Thành, và vĩnh viễn ra đi ở dòng kinh ấy.
Tác phẩm: tập thơ “Có những dòng sông” in chung bốn tác giả năm 1992 do nhà xuất bản Thuận Hoá cấp phép; “Chở gió” xuất bản năm 2002, giấy phép của Hội nhà văn; “Xích lô hành” năm 2007. Tất cả những tập thơ ra mắt với bạn đọc đều do tấm lòng của anh em và bạn bè thân thiết xa gần của ông góp sức.




I.- CHUYỆN TÌNH PHƯƠNG XÍCH LÔ
Mỗi khi nghe tiếng chó sủa dữ dội trước cổng nhà, thì tôi biết ngay Phương xích lô đến chơi.
Râu tóc bèo nhèo, áo quần rách toe, đôi khi đi chân trần, đọc thơ rổn rảng và ăn nói phóng túng - sự xuất hiện của Phương xích lô có thể khiến nhiều người khó chịu. Nhưng anh ta cóc cần và tôi cũng cóc cần, nhưng anh không thể tiếp tục phớt lờ như vậy mãi nếu bà vợ của tôi lên tiếng. (Anh ta biết tôi vốn sợ vợ, nên cũng phải kiêng nể bà chủ nhà kẻo tôi bị vạ lây).
Tôi và Phương xích lô quen nhau từ thuở trước 1975 tại Đà Lạt, do Trần Nhơn và Huy Lùn dẫn tới giới thiệu, khi đó tên tuổi của anh chưa hề gắn liền với hai chữ Xích Lô, Hồi đó, mọi người gọi là Phương Điên. Chẳng ai biết anh ta điên tới cỡ nào, nhưng do cái sự vụ trốn lính mà anh phải giả điên, lâu dần dường như trở thành biệt danh. Tuy thế, bạn bè chẳng có ai xem anh là đồ điên, hoặc có thể những người sống quanh anh đều là đồ điên thứ thiệt nên không có ai thắc mắc cái thằng đi bên cạnh mình là điên hay không.                  
Sau 1975, anh làm đủ thứ nghề lao động chân tay, trừ việc làm thơ mà anh chưa hề xem đó là nghề mưu sinh thực sự. Thời gian này, tôi bận bịu mua gian bán lậu bên hè phố hoặc đầu đường xó chợ, nên ít khi gặp anh. Thỉnh thoảng đụng độ anh ta tại một buổi đọc thơ bên mấy chai rượu đế, hồi đó làm gì có bia, chỉ rượu cũng đủ gây cảm hứng bất tận cho vô số anh hùng hào kiệt tập tễnh làm quen với Nàng Thơ để khuây khỏa mối sầu thiên cổ.
Năm 1983, tình cờ gặp anh ngất ngưỡng trên chiếc xích lô giữa phố Huế, tôi chận lại. Anh bảo: ”Mình vừa cưới vợ, và mới tậu được chiếc xe này kiếm ăn”. Tôi mừng cho anh, và hôm sau, tôi lần theo địa chỉ, tìm được nhà anh sau lưng chùa Từ Đàm.
Té ra vợ anh ta cũng là dân có máu văn nghệ văn gừng, họ gặp và yêu nhau qua lời thơ, giọng hát, tiếng đàn. Vợ Phương cũng là tay đàn tranh lừng danh trong giới nghiệp dư, bản thân tôi chưa hề thưởng thức cho nên không dám phẩm bình ẩu tả. Nhưng trọn đời Phương, có lẽ Nàng là tiên nữ cõi trời với tiếng đàn vi diệu đệ nhất. Trong truyện ngắn Quỷ Trong Trăng, nhà văn Trần Thùy Mai viết: “Nàng ta chính là Quán Âm Bồ tát của Phương”. Quả là một nhận xét không ngoa chút nào.
Cũng phải thôi. Nhờ tình yêu của Nàng, mà anh chàng lãng tử lười biếng mưu sinh, luôn luôn dơ dáy luộm thuộm… đã trở thành một người đàn ông khá tươm tất, đàng hoàng, đang nỗ lực đi vào nề nếp bình thường: lao động vất vả để nuôi con, chỉ biết tôn thờ cô vợ và lo toan gia đình mà thôi.
Khoảng một năm sau, vợ Phương sinh hạ được hai công chúa, sinh đôi. Nhà có thêm hai miệng ăn, nhưng nghề đạp xích lô của Phương thì chẳng “nâng cao nghiệp vụ” bao nhiêu, Phương lại không biết buôn bán chạy mánh gì thêm, nên gia cảnh khá túng thiếu.          
Đã thế, mỗi khi nghe có một bữa rượu ngâm thơ, thì anh vội vã gác xe sau hiên nhà, thay áo quần khá thẳng thớm đi ngay tới “tửu trường”. Hoặc đôi khi gấp rút quá, không kịp về nhà để “sửa soạn” thì anh bận nguyên bộ đồ phu xích lô khá bẩn, đến tức khắc cùng bè bạn, kẻo bỏ lỡ bữa tiệc.
Thời bao cấp, ai nấy đều bận tâm đến cuộc sống riêng, ai cũng ưu tư “sống qua ngày”. Năm ba năm đi qua rất nhanh, khi tôi gặp lại anh thì mới biết anh và Nàng đã chia tay. Việc đầu tiên mà chúng tôi phải chịu trận, là ngồi nghe anh đọc bài thơ mới nhất:

THƯA EM
Thưa em tôi đã khuyết rồi
đêm nao Thằng Cuội khoèo rơi trái Rằm
bao năm ngậm ngãi tìm trầm
tôi chừ là một dã nhân lạc loài

Thưa em
tôi đã cạn rồi
dòng sông khát vọng bốc hơi trăm chiều
chỉ còn lòng đá đìu hiu
mùa khô
tiết hạn
rong rêu cũng vàng

thưa em
tôi đã lụi tàn
không còn rung nổi điệu đàn năm xưa
chỉ còn chiếc bóng trong Thơ
về bên núi vắng
nằm chờ hoá thân…
         
Những lúc hội ngộ bên ly rượu, đàn ông với nhau, ai dám hỏi han chi tiết về “chuyện đời tư của chàng”, chỉ biết tủn mủn đôi điều khi lắng nghe anh kể trong lúc say sưa.
Té ra anh bị vợ bỏ đành đoạn để theo một người đàn ông khác. Chuyện thường ngày của cuộc sống, có chi lạ đâu. Trái tim của người phụ nữ cũng biết thay đổi chứ, nhất là “khi chẳng còn yêu nữa!”. Nhưng cũng khá lạ lùng, kỳ quặc, bởi vì tình địch của anh cũng chính là người bạn thân mến trong giới văn nghệ chân trần của anh. (chúng ta có thể quy nập ẩu như thế này: Té ra giới văn nghê chân trần cũng… khả nghi lắm, cần nên đề phòng chăng? Nhất là nếu chúng ta có một mụ vợ cũng văn nghệ văn gừng như ai?)
Lúc ly hôn, anh đọc thơ trước pháp đình:
Em đến với ta trong thời lãng đãng
Lúc quá mộng mơ em chẳng cần tiền
Qua tháng ngày cọ xát cùng cơm áo
Em nghĩ rằng ta chỉ là một thằng điên
Thế nên,
em lôi ta như lôi một con trâu ra Tòa ly dị
Tình yêu ta gặp phải thiên tai…
Cuối cùng Nàng bỏ Huế ra đi cùng người bạn tình, còn hai công chúa thì Nàng gởi vào tập tễnh tu hành (làm điệu) tại một ngôi chùa nhỏ ở Long Khánh. Phương chỉ còn lại chiếc xích lô chia xẻ nỗi cô độc của mình.
Em đi còn lại một mình
Ta như tượng đá lặng thinh giữa đời…
Tiếp tục đạp xích lô trong vài năm nữa, rồi anh cũng giao xe lại cho một người em, và trở thành người “tự nguyện thất nghiệp”, rong chơi khắp nơi, thỉnh thoảng làm thơ đăng báo và lấy đó làm niềm hứng khởi. Tiền nhuận bút cũng chuyển thành rượu cùng anh em uống cho vui. Nhưng làm gì đi nữa, Phương vẫn nhớ đến Nàng khôn nguôi.

CUỒNG CA
Ta mơ vào dưỡng trí viện
rồi hát ca không sợ ai kiện thưa
làm thơ chẳng quản nắng mưa
tặng chim buổi sáng qua mùa thu hoang

Ta mơ ở truồng đi chơi giữa phố
người gọi ta là Cổ Lổ Tiên sinh
tiên sinh bỗng hiện nguyên hình
là con khỉ đực tênh hênh mặc cùng

Ta mơ kiếp ăn chùa ngủ miễu
sống hồn nhiên không lo thiếu lo thừa
điên điên một kiếp cũng vừa
kiếp sau ta sợ, xin chừa… tái sinh!
Nói vậy, chứ Phương vẫn tiếp tục điên điên, vẫn mười phương tám hướng lãng đãng hội hè chè chén, khi Đông Hà, khi Đà Nẵng, Phú Yên, khi hồ Tịnh Tâm khi Cồn Hến sông Hương Vĩ Dạ, chẳng có ai biết anh điên thiệt hay điên giỡn chơi
Có những lúc uống rượu bên nhau tại nhà tôi, người em trai tôi là chú Bình cảm thán:
-Anh Phương này, tui thấy anh là người hạnh phúc nhất trên đời!
Phương tỏ ra vô cùng kinh ngạc:
- Hạnh phúc chỗ nào?
Bình chợt cười ha hả:
- Anh nghĩ xem: có mấy ai được như anh? Vợ thì được thằng bạn thân của mình “chăm sóc, che chở trọn cả 19 lô”. Hai đứa con thì được nhà chùa giáo dục, nuôi nấng an toàn và đầy đủ. Còn anh thì… được bạn bè lo cơm lo rượu khá tươm tất. Sướng như vậy còn kêu than nỗi gì?     
Dường như Phương chợt “ngộ” ra, cũng hứng chí cười một tràng dài.

ĐỘC TÚY HÀNH

Ta say hề, đêm nay ta xỉn
Ngất ngưởng đi về giữa khói sương
Gõ nhịp ta ngâm bài Tống biệt
Vỗ chai ta hát khúc Hồ trường
Ba ngàn thế giới trong cốc rượu
Bao dung ta ôm trọn vui buồn…

Ta say hề, đêm nay ta xỉn
Chân thấp chân cao lạc phố phường
Ai có tài đàn như Tư Mã
Còn ai thổi sáo tựa Trương Lương?
Hãy đàn hãy hát lời man dại
Hãy thổi ta nghe giọng dị thường
Một kiếp làm người đầy khổ lụy
Mượn đôi cánh rượu đến thiên đường

Ta say hề, đêm nay ta xỉn
Đành mượn cỏ cây thay thế chiếu giường
Ngạo nghễ gối đầu lên đỉnh Ngự
Ngang tàng xuôi cẳng dọc sông Hương
Êm như cái nhịp không còn nhớ
Nhẹ tựa làn mây chẳng biết buồn
Ta say hề, bây giờ ta ngủ
Chiêm bao ta múa điệu Nghê thường…


CHẠNG VẠNG

Chạng vạng đất
chạng vạng trời
Tình tôi chạng vạng trong thời xa em
Mắt nhìn
chạng vạng hơi men
miệng đời chạng vạng chê khen tiếng lời
Tuổi tên
chạng vạng quên rồi
Đường đi chạng vạng biết nơi mô về?
Tháng ngày chạng vạng cơn mê
Oán ân chạng vạng bạn bè thờ ơ
Đôi khi chạng vạng vần thơ
Làm sao nối đến bến bờ một hai

Xin trăng sáng trọn đêm dài
Vén màn chạng vạng phủ đầy hồn tôi.

Có một điều mà những người bạn của Phương không phải ai cũng biết: Những lúc buồn hoặc sau cơn say bí tỉ, Phương thường ngồi dậy, chắp tay xướng lớn “Nam mô A Di Đà Phật” liên tục, cả trăm lần ngàn lần. Dường như niềm tin vào đức Phật A Di Đà là chiếc phao cuối cùng của anh, khi mà thơ và rượu không đủ làm cho bản thân anh cảm thấy ấm áp cho bằng “năng lực siêu nhiên của đấng giác ngộ”. Nhà thơ đôi khi cũng cần được cứu độ bởi sức mạnh vô hình chỉ được cảm ứng bằng Tâm, phải vậy chăng? Nhất là những người lạc lòai bên lề cuộc nhân sinh như Phương. Không bao giờ tìm được lối ra cuối cùng cho bản thân cùng cả một thế giới chữ nghĩa luôn luôn bế tắc.

Một hôm nào đó, ghé nhà giáo sư Tôn, nghe được một bài thơ của Phương đang được lưu truyền trong giới nhà chùa:

MỘT MÌNH

Một mình trên đỉnh non Thiền
Lặng nghe đức Phật nói riêng với mình:
Về đi thôi, kiếp phù sinh
Sao không dừng lại, còn lênh đênh hoài?

Phương đã dừng chưa?
Phương sắp dừng chưa?
Phải hỏi thi sỹ Vũ Hoàng Chương mới biết!


II. - CHUYỆN NIỆM PHẬT CỦA PHƯƠNG XÍCH LÔ

Tôi lớn hơn Phương Xích Lô khoảng 4 tuổi cho nên được hắn gọi là Anh. Hắn thường nói nghề nghiệp thật sự của mình là niệm Phật, còn làm thơ chẳng qua là cho vui, không lẽ cứ niệm Phật hoài thì không kham nổi. Hắn nói có đáng tin hay không thì có lẽ chỉ mình hắn mới biết.
Một lần hắn ghé nhà tôi thăm, trong lúc trà nước, tôi vui miệng hỏi:
- Tại sao ông theo pháp môn Tịnh độ? Nói thử nghe chơi cho bui, chứ không lẽ tụi tau lại “kiểm tra trình độ tu chứng” của ông đâu! Mà thật ra ở đây chẳng có đứa nào đủ trình độ để làm tôn sư của kẻ khác!
Phương vừa cười vừa nói:
-         Tui theo Tinh độ vì thấy pháp môn này rất khỏe.
-         Khỏe chỗ nào?
-         À, khỏe ở chỗ mình khỏi tu hành gì cả vì đã có đức A Di Đà tu giùm rồi! Mình tha hồ đi rong, muốn mần chi thì mần mới “đã” chứ!
Tôi nghe hắn nói có vẻ ngược ngạo quá, bèn hỏi vặn vẹo:
-         Ờ được đó. Nếu có đức A Di Đà tu giùm rồi, rứa thì ông niệm Phật để làm chi?
-         Ô, tui phải niệm Phật nhiều nhiều và liên tục nữa là đằng khác chứ! Vì sao ư? Đức A Di Đà rất mau quên, hở tí là quên liền, cho nên tui phải niệm danh hiệu ngài để ngài nhớ đến tui mà tu giùm cho tui nhờ đó chứ!
Tui gật đầu:
-         Nghĩa là ông niệm Nam mô A di đà Phật chỉ để nhắc nhở ngài tu giùm mà thôi. OK. Tau đây cũng vậy. Chỉ có cách ấy. Nhờ cậy đức Phật tu giùm là bảo đảm an toàn, tốt đẹp. Không gì hơn cả.

Là người rất lười đọc sách, nhưng đối với các sách giáo lý Tịnh Độ thì Phương rất siêng. Nhiều lần đến nhà tôi ở lại vài ba bữa – có lẽ không có ai chứa chấp nên mới mò đến tui? – Phương tình cờ vớ được mấy cuốn sách Tịnh Độ mà y cho là “coi được lắm”, hắn bèn ôm sách nằm đọc và quên cả… rượu!
Tôi ướm thử:
-         Tao có ít tiền, chiều ni kiếm chỗ nào nhậu chơi?
Hắn đôi mắt không rời trang giấy, càu nhàu:
-         Thôi! Bữa khác đi! Sách hay quá!
Một ngày mùa hè, tình cờ tôi gặp Phương tại đạo tràng niệm Phật ở Bao Vinh.
Thật ra, khi tôi đang thực hiện thời khóa niệm Phật, mới phát hiện ra mọt người rất quen đang ngồi phía bên trái đạo tràng. Khuôn mặt trang nghiêm đang chắp tay thành kính xưng niệm danh hiệu Nam mô A di đà Phật. Như một đạo hữu chuyên tu lâu năm. Tôi hơi ngạc nhiên, đi lần qua. Đúng thằng Phương rồi! Tôi hất hàm hỏi:
-         Đi đâu đó?
-         Ủa, cái anh này. Tui đi niệm Phật không được hay sao? Chỉ có anh mới niệm Phật thôi à?
Tôi cười giả lả:
-         Thôi, xin lỗi ông! Đùa tí mà! Sao bữa ni rãnh quá vậy?
-         Anh không biết đó thôi. Cần chi bận rãnh, thỉnh thoảng tui cũng tham gia các đạo tràng niệm Phật để củng cố đức tin – cũng như các anh vậy mà!

Thế là chúng tôi ngồi xuống chiếu dùng trà và bánh ngọt do gia chủ chiêu đãi. Chuyện trò xoay quanh giáo lý niệm Phật Tịnh độ. Rồi chúng tôi chia tay vui vẻ, hẹn mai mốt gặp lại cũng ở đạo tràng này.
Sáng hôm sau, Phương mò ra Quảng Trị chơi. Phương tắm sông và không ngờ theo dòng đi luôn. Cuộc hẹn vẫn còn sôi nổi. Bạn bè vẫn còn đó. Và người yêu cũ vẫn còn đó.
Nhưng,
Thành phố Huế bỗng dưng trống trải. Té ra, giờ này mới biết, mi đi rồi thành phỗ trở nên vắng vẻ lạ thường. Người và ngợm vẫn còn đó, nhưng tìm đâu ra chàng thi sỹ năm xưa?
Đức A Di Đà vẫn còn neo đợi chúng ta ở một bến rất gần, ở đâu đó trong lòng ta. Câu Nam mô A di đà Phật đang lửng lơ trên niềm tin dường như không bao giờ lịm tắt của chúng ta - vâng, của chúng ta chắc chắn vậy!
Phương ơi, bây giờ mi ở đâu?













No comments:

Post a Comment