Blogroll

Saturday, April 12, 2014

Những vị Bồ Tát khai sáng Tịnh Độ (Phần 5) - THIỆN ĐẠO tổ sư

THIỆN ĐẠO tổ sư

       



          Cao tăng Trung quốc, Thiện Đạo đại sư, đời nhà Đường, người ở Lâm Truy, tỉnh Sơn Đông. (thuyết khác nói là huyện Hu Di tỉnh An Huy) hiệu Chung Nam đại sư, họ Châu. Sư là tổ thứ ba của tông Tịnh-độ, cũng tức là người tập đại thành phái Đàm Loan, phái Đạo Xước thuộc tông Tịnh-độ.
          Lúc ấu niên, sư xuất gia với pháp sư Minh Thắng ở Mật châu, tụng các kinh Pháp Hoa, Duy-ma. Về sau, nhân được đọc kinh Quán Vô Lượng thọ, vô cùng xúc cảm, buồn vui lẫn lộn, sư liền tu Thập Lục Quán. Năm 641 đời Đường sư đến chùa Huyền Trung ở Tây Hà, yết kiến ngài Đạo Xước, tu học Phương Đẳng Sám Pháp và nghe giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ. Vào những năm Trinh Quán, nhân đọc baì văn Tịnh-độ “Cửu Phẩm Đạo Tràng” của Đạo Xước thiền sư ở  Tây Hà, ngài rất mừng bảo: “Đây mới thật là cánh cửa mầu nhiệm để đi vào cảnh giới chư Phật. Nếu tu theo những hạnh nghiệp khác thì quá vời xa, quanh quất, mông lung,  khó thành tựu được gì, chỉ có pháp môn này mới thật là mau chóng thoát ly sanh tử!”
          Từ đó, ngài siêng năng khổ luyện sớm hôm bằng cách lễ bái tụng niệm. Không lâu sau, chứng được Niệm Phật Tam-muội, ở trong định thấy cảnh trang nghiêm của Tịnh độ. Sau sư đến chùa Quang Minh ở Trường an truyền bá pháp môn Tịnh Độ. Sư hành trì tinh nghiêm, hằng ngày thường chấp tay ngồi kiết-dà theo kiểu Ấn-độ, nhất tâm niệm Phật, đến khi kiệt sức mới thôi.
          Ngài lại đến kinh đô khuyến khích các vị tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, và nam nữ cư sỹ tại gia cùng nhau niệm Phật. Mỗi khi ngài nhập thất quỳ niệm Phật, nếu chưa đến lúc kiệt sức thì cương quyết không chịu lui nghỉ. Lúc chấm dứt kỳ kiết thất, ngài lại vì đại chúng mà diễn giảng pháp môn Tịnh-độ. Hơn ba mươi năm, không có chỗ ngủ nhất định nào khác, không nhìn ngó người nữ, cũng không nhận sa-di lễ bái, tránh xa danh lợi, không thọ nhận sự cúng dường, đại sư vừa hóa đạo vừa chuyên tu, chưa từng biếng trễ.
          Hằng ngày, thường nghiêm trì giới hạnh không bao giờ sai phạm mảy may. Khi được cúng dường thức ăn ngon quý, ngài đem dâng cho đại chúng, còn riêng phần mình chỉ dùng những vật phẩm bình thường mà thôi. Mọi của cải và tiền bạc mà tín đồ phật tử hiến cúng, đều được ngài dùng để viết chép kinh “Phật thuyết A Di Đà” và họa cảnh Tây Phương Tịnh-độ, rồi đem biếu tặng cho những người tu học niệm Phật. Nếu còn thừa, thì ngài dùng vào việc sửa sang chùa tháp, thắp đèn nối sáng, chứ không hề cất giấu hoặc để dành.
          Khi sư hóa đạo tại các châu ở Kinh Hoa, ngưỡng mộ đức hạnh của Sư, có người phát nguyện tụng kinh A Di Đà từ mười vạn đến ba mươi vạn biến, có người trong thời khóa hằng ngày xưng danh hiệu Phật từ một vạn đến mười vạn biến, có người chứng được Niệm Phật Tam-muội và vãng sanh Tịnh-Độ, có người ẩn thân vào núi cao, sống trong rừng sâu, xả mạng đốt thân. Thời vua Cao Tông, tại Long Mông ở Lạc Dương có tạo lập tượng Phật Lô-Xá-Na, sư đảm nhiệm chức vụ Kiểm Giảo.
          Tông Tịnh Độ do sư xiển dương và xác lập đặc biệt được gọi là Thiện Đạo Lưu, là một trong những điểm đặc sắc của Phật Giáo đời Đường.
          Năm 1909, các học giả người Nhật như Quốc Thụy Siêu tìm được những mảnh rời rạc của Vãng Sanh Lễ Tán Kệ và kinh A Di Đà ở gần Thổ Dụ Câu (Toyuk), là nền cũ của nước Cao Xương (thuộc phía đông Thổ Nhĩ Kỳ). Sau đó lại có thêm văn phát nguyện của sư. Có lẽ là một trong mười vạn quyển kinh A Di Đà do sư viết tay ngày xưa.
          Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ cũng gọi là Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, được truyền đến Nhật bản vào thế kỷ thứ VIII, lưu truyền rất rộng, vị tăng người Nhật là Pháp Nhiên (Nguyên Không) y cứ vào sách này mà sáng lập tông Tinh Độ Nhật bản, đồng thời tôn sư làm cao tổ.                   
          Sư thị tịch vào ngày 14 tháng 3 năm 681 (có thuyết nói ngày 27) thọ 69 tuổi. Đệ tử gồm có: Hoài Cảm, Hoài Uẩn, Tịnh Nghiệp...
          Tác phẩm: Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ 4 quyển, Tịnh Độ Pháp Sự Tán 2 quyển, Quán Niệm Pháp Môn 1 quyển, Vãng Sanh Lễ Tán Kệ 1 quyển, Bát-chu Tán 1 quyển, Ngũ Chủng Tăng Thượng Duyên Nghĩa 1 quyển.
          Bậc xuất gia cũng như người tại gia đều quy hướng theo đức độ hoằng hóa của ngài rất đông, và người phát tâm niệm Phật rất nhiều, kể đến số hằng vạn. Nhóm này thì tụng kinh A Di Đà từ mười vạn đến năm mươi vạn biến, nhóm kia thì mỗi ngày đêm niệm Phật từ mười ngàn đến một trăm ngàn câu Nam mô A Di Đà Phật. Trong số đó, không thể đếm xiết những người hiện tiền chứng Niệm Phật Tam Muội, lúc lâm chung được xuất hiện điềm lành, minh chứng cho việc vãng sanh thành tựu.
        Có người hỏi:
          - ”Niệm Phật quyết chắc được vãng sanh chăng?”.
          Ngài đáp:
          - ”Nếu như ông dốc trọn lòng tin và thực hành, chắc chắn sẽ được toại nguyện!”
          Nói xong, ngài tự niệm Nam mô A Di Đà Phật, liền có một tia sáng từ trong miệng phóng ra. Liên miên như vậy. Cứ mỗi lần ngài niệm Phật, đều có ánh quang minh dài rộng phóng ra nối nhau không dứt, sáng rực cả chùa. Sự thần dị này truyền đến đế kinh, vua Đường Cao Tôn nghe được bèn vô cùng xúc cảm, liền ban một tấm biển, sắc tặng hiệu chùa là Quang Minh Tự.
          Đại sư có bài kệ khuyên tu niệm Phật như sau:
          Da mồi tóc bạc lần lần
         Lụm cụm bước run mấy chốc
         Dù chất vàng ngọc đầy nhà
         Vẫn khổ suy già bịnh tật
         Dù hưởng khoái lạc ngàn muôn
         Đâu khỏi vô thường chết mất?
         Duy một đường tắt thóat ly
         Chỉ niệm
                   Nam mô A Di Đà Phật!
           Có người chất vấn :
           Sao hòa thượng không dạy quán tưởng kim thân và cảnh giới của Phật, mà lại dạy chấp trì danh hiệu A Di Đà ?
          Ngài đáp rằng:
          Chúng sanh thời nay, bên ngoài thì chướng duyên rất nặng, bên trong thì tâm trí thô tạp, thức thần dễ tán động, mà cảnh Tịnh độ thì vô cùng vi tế, thắng diệu, cho nên, nếu thực hành pháp Quán Tưởng thì khó thành tựu (không thể kham tu nổi!). Vì thế, đức Phật xót thương chúng sanh mà khuyên thẳng nên xưng niệm danh hiệu. Chính vì xưng danh là pháp dễ thực hành, nếu cứ giữ mỗi niệm nối nhau như thế mà hành trì suốt đời, thì mười kẻ xưng niệm chắc chắn mười kẻ được vãng sanh, trăm người xưng niệm hồng danh A Di Đà thì trăm người được về tịnh-độ.
          Tại vì sao thế ?
          Vì không duyên tạp bên ngoài, nên dễ được chánh niệm.  Vì cùng tương ưng với Bản Nguyện của A Di Đà. Vì không trái với kinh giáo. Vì thuận theo lời Phật và chư vị tổ sư chỉ dạy.
          Nếu bỏ việc chuyên nhất tâm ý xưng  niệm danh hiệu Phật, mà tu xen tạp những hạnh khác, thì trong trăm ngàn người chỉ hy vọng được ba bốn kẻ vãng sanh .
          Bởi tại sao?
          - Vì tạp hạnh nên phát sanh tạp duyên, khiến tâm trí dễ bị loạn động, đưa tới việc đánh mất chánh niệm.
          - Vì không phù hợp với Bản nguyện tiếp dẫn của Phật A Di Đà - Vì trái với kinh giáo và lời dạy của Phật, Thánh - Vì sự buộc niệm không nối tiếp nhau. - Vì tâm không thường nghĩ nhớ tới ơn đức bao la của chư Phật.- Vì tuy hành đạo mà thường tương ưng với danh lợi - Vì lòng thường chao đảo, sôi nổi mà hùa theo tạp duyên bên ngoài, làm ngăn trở chánh hạnh vãng sanh của mình và người chung quanh.
               Gần đây, hàng xuất gia cũng như tại gia đã chấp nê những hiểu biết không đồng đều, kẻ thì chuyên nhất tâm ý mà xưng niệm danh hiệu A Di Đà, người thì ưa tu hành tạp nhạp đủ thứ công hạnh khác nhau. Xin khuyên nhắc: Nếu chuyên niệm Phật, tất mười người đều được vãng sanh cả mười. Nếu như tạp tu mà không chí tâm, thì trong ngàn người khó mong được một. Nguyện tất cả quý vị đều nên chín chắn tự suy xét kỹ!
               Lại người niệm Phật đi đứng nằm ngồi, phải cố gắng nhiếp tâm ngày đêm chớ rời danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, thề quyết giữ đến hơi thở cuối cùng. Như thế  tới  lúc mãn phần, niệm trước vừa thọ chung, niệm sau liền sanh Cực lạc. Từ đây vĩnh viễn hưởng niềm vui pháp lạc vô vi cho đến khi thành Phật, há chẳng đáng mừng ư?
               Đại sư cũng từng dạy phương pháp giữ vững chánh niệm trong lúc lâm chung như sau:
               Người niệm Phật khi sắp mãn phần, muốn được sanh về tịnh độ, thì điểm cần yếu là đừng nên sợ chết. Phải thường nghĩ thân này nhơ nhớp, biết bao đều khôí lụy trói vây! Nếu bỏ được thân huyễn hôi nhơ, sanh về Cực lạc thọ thân kim cương thanh tịnh, sẽ thoát khỏi luân hồi khổ thú, hưởng vô lượng sự an vui. Ví như bỏ chiếc áo cũ rách đổi lấy đồ trang phục quý báu nhất trên đời, còn điều chi đáng thích ý bằng! Nghĩ như thế, buông hẳn thân tâm, không còn lo buồn tham luyến. Lúc vừa có bịnh, liền tưởng đến sự vô thường, một lòng niệm Phât chờ chết. Nên dặn thân thuộc chớ lộ vẻ bi thương, chớ nên cùng bàn việc hay dở trong nhà. Nếu có ai đến thăm, chỉ khuyên nên vì mình mà xưng niệm danh hiệu Phật, tuyệt đối đừng hỏi thăm những chuyện chi khác. Cũng không nên dùng lời dịu dàng an ủi, chúc cho sớm lành mạnh vì đó chỉ là chuyện bông lông vô ích, vô nghĩa. Phải báo trước cho quyến thuộc biết, lúc mình bịnh ngặt sắp chết, đừng rơi lệ thương khóc, hoặc phát tiếng than thở âu sầu, làm kẻ lâm chung rối lọan tâm thần, lạc mất chánh niệm.
               Nói tóm lại, tất cả chỉ giữ một việc xưng danh trợ niệm cho đến khi tắt hơi. Nếu lại được bậc thiện tri thức hiểu rành pháp môn Tịnh-độ, thường đến nhắc nhở, khuyên bảo, thì thật là phước đức biết bao! Nếu giờ phút lâm chung mà biết áp dụng phương pháp này, tất sẽ được vãng sanh không còn nghi ngờ chi nữa.
               Việc vượt qua cửa ải sống chết là điều rất quan hệ, một sự kiện vô cùng lớn lao của kẻ hành trì, phải tự mình gắng sức mới được. Nếu một niệm sai lầm, e nhiều kiếp sẽ chịu khổ lụy, đâu có ai thay thế cho mình được ư? Phải chú ý nghĩ suy và ghi nhớ kỹ!
               Một hôm, đại sư bỗng bảo các đệ tử rằng: “Thân này đáng chán, ta sắp về Tây-phương tịnh độ!”.
               Nói xong, ngài tự leo lên cây liễu trước chùa, chắp tay hướng về Tây mà chúc nguyện rằng: ”Xin Phật và Bồ-tát tiếp dẫn con, khiến cho con không mất chánh niệm. Được sanh về Cực Lạc!”. Nguyện xong, ngài gieo mình xuống nhẹ nhàng như chiếc lá rơi, ngồi kiết-dà ngay thẳng trên mặt đất.

        Đại chúng vội chạy đến xem, thì ngài vừa tắt hơi viên tịch.

No comments:

Post a Comment