Blogroll

Saturday, April 12, 2014

Những vị Bồ Tát khai sáng Tịnh Độ (Phần 4) - ĐẠO XƯỚC (Tây Hà Thiền sư)

ĐẠO XƯỚC
          * Còn gọi là Tây Hà Thiền sư.




Cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Đường, họ Vệ, quê ở Vấn Thủy tại Tinh Châu (huyện Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây), có thuyết cho là người ở Tấn Dương, Tinh Châu. Sư là Tổ thứ 2 của tông Tịnh Độ, và là vị tổ thứ tư trong 7 vị tổ sư của Chân Tông Nhật bản.
Ngài xuất gia hồi mười bốn tuổi, sau khi học giáo điển, lại theo Tảng thiền sư tập tham thiền. Thông suốt kinh luận, chuyên nghiên cứu kinh Niết-Bàn và từng giảng dạy kinh này tất cả 24 lần.
        Về sau, ngài trụ trì chùa Huyền Trung tại Thạch Bích, thuộc miền Văn Thủy. Chùa này do Đàm Loan Pháp-sư kiến lập từ trước. Nhân đọc văn bia của Hòa thượng Đàm Loan mà chuyển sang tín ngưỡng Tịnh Độ, lúc ấy Sư được 48 tuổi. Đạo Xước mến hạnh tu Tịnh-độ của ngài Đàm Loan, thường lặng  lòng quán tưởng, mỗi khi ngồi thường hướng về phương Tây, mỗi ngày sáu thời lễ kính không thiếu sót. Ngài định khóa mỗi buổi niệm Phật bảy muôn câu (70.000 câu Nam mô A Di Đà Phật).                   
        Sư giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ đến hơn 200 lần, chủ trương bất luận là người tại gia hay xuất gia đều nên lấy việc niệm Phật làm thiết yếu. Trong lúc niệm Phật, phải đếm những hạt đậu nhỏ, gọi là Tiểu đậu niệm Phật, đây là khởi đầu của việc lần chuỗi niệm Phật ở Trung Quốc.
        Có một vị Tăng, khi nhập chánh định, thần thức dạo đến cảnh trang nghiêm ở Tây phương, thấy Đạo Xước tay lần tràng hạt sắc sáng đỏ, số hạt chuỗi rất nhiều, cao như non thất bảo. Ngoài ra, còn các điềm thoại ứng khác của ngài không thể thuật hết. Thiền sư thường vì đại chúng giảng kinh Vô Lượng Thọ và Thập Lục Quán đến vài trăm lượt. Sau khi giảng xong, thính chúng mỗi vị đều lần chuỗi niệm Phật, tiếng vang như sóng biển dâng trào. Có lúc đại chúng lại tản mác xung quanh niệm Phật, âm hưởng vang động rừng núi .
        Thường ngày, ngài khuyến khích đại chúng chuyên tu pháp môn Tịnh-độ, ý vị sâu sắc, lời lẽ như suối tuôn. Thính chúng đều cảm động, nhiếp niệm quên duyên, một lòng niệm Phật. Đôi khi có kẻ tà kiến lặn lội lên non muốn kích bác, nhưng khi thấy dung mạo uy nghiêm của ngài, đều lặng lẽ ra về. Thiền sư có sáng tác hai quyển “An Lạc Tập”, bao gồm những điểm thiết yếu của các ngài : Long Thọ, Thiên Thân, Huệ Viễn, Đàm Loan, được các bậc trí giả đương thời trân trọng .            
        Năm 629, nhằm niên hiệu Trinh Quán thứ hai, vào ngày mồng tám tháng tư, ngài biết thọ số không còn bao lâu, cáo tri trước cho khắp hàng đạo tục xa gần. Hôm ấy, đại chúng đến chùa chật nức cả trong ngoài. Sau thời khuyến dụ, đại chúng đều thấy Đàm Loan Pháp sư ngồi trên thuyền thất bảo giửa hư không, bảo Đạo Xước rằng: ’’Cung điện và lầu  các ở cõi Tịnh độ của ông đã hiện thành, chỉ còn dư báo tại Ta bà chưa dứt đó thôi!”. Tất cả mọi người lại thấy vô số vị Hóa Phật trụ giữa hư không, thiên hoa từ trên thinh không lác đác rơi xuống. Các hàng thiện tín lấy vạt áo hứng được, thấy cánh hoa trơn đẹp đáng yêu, nhiều màu sắc lạ. Có kẻ thử cắm trên đất, đến bảy ngày vẫn chưa héo. Đại chúng đều vui mừng ngưỡng mộ, ngợi khen là điềm rất ly kỳ, hiếm có.
          Từ ngày ấy trở đi, báo thân của thiền sư thêm khỏe mạnh, dung sắc càng tươi tắn. Vua Thái Tông nhà Đường từng đến Thái Nguyên thăm Sư và cúng dường nhiều châu báu quý giá. Đến năm 80 tuổi, sức khỏe Sư vẫn dồi dào, thần khí rất sảng khoái, giảng thông suốt nghĩa lý pháp môn Tịnh Độ.
        Ít lâu sau, vào năm 645, ngài vãng sanh, thọ hơn tám mươi tư tuổi. Lúc ấy, nhằm vào năm thứ 10 niên hiệu Trinh Quán, đời vua Đường Thái Tôn. 
        Đệ tử của Ngài là : Thiện Đạo, Đạo Phủ, Tăng Diễn, Đạo Ngân...
        Tác phẩm: Luận Tịnh Độ 2 quyển, An Lạc Tập 2 quyển...
        Ngài  được Thân Loan thánh nhân truy tặng Tổ Sư Thứ Tư của “Đạo Phật Chân Chánh trong pháp môn Tịnh-độ” (Tịnh-độ Chân Tông)
        Bấy giờ có Thích Đạo Phủ cùng ngài Đạo Xước đồng chí hướng, mỗi khi gặp nhau đều lấy sự vãng sanh Tịnh độ làm ước hẹn. Sau khi thiền sư viên tịch ba hôm, Đạo Phủ nghe tin, than thở bảo:’’Ta thường hẹn sẽ vãng sanh trước ông, nay kết cuộc lại đi sau. Nhưng cũng chẳng ngại chi, chỉ cần gia công thêm một chút, tất sẽ theo kịp!’’.
        Nói xong tắm gội  sạch sẽ, đến trước bàn Phật lễ nguyện trì niệm một lúc lâu. Kế đó lui ra, ngồi kiết già nơi thiền tòa, chấp tay xưng niệm danh hiệu A Di Đà mà hóa.



TRÍCH “AN LẠC TẬP”
Của Ngài Đạo Xước



Nếu giáo pháp tương xứng với thời và căn cơ thì dễ tu, dễ ngộ. Nếu căn cơ, giáo pháp lẫn thời điểm không tương hợp thì khó tu, khó nhập.
Thế nên, kinh Chánh Pháp Niệm dạy:
“Lúc hành giả nhất tâm cầu đạo thường phải nên quán sát thời và phương tiện. Nếu chẳng được thời và không phương tiện thì gọi là thất, chẳng gọi là lợi. Vì sao? Như dùi cây ướt để có lửa thì chẳng được lửa vì chẳng đúng thời vậy. Nếu chặt củi khô để kiếm nước thì chẳng kiếm được nước vì vô trí vậy”. Bởi thế, kinh Ðại Tập Nguyệt Tạng chép: “Năm trăm năm sau khi Phật diệt độ, các đệ tử của ta học Huệ được kiên cố. Một ngàn năm sau, học Ðịnh được kiên cố. Một ngàn năm trăm năm sau, học Ða Văn đọc tụng được kiên cố. Hai ngàn năm trăm sau, tạo lập chùa tháp, tu phước sám hối được kiên cố. Hai ngàn năm trăm năm sau, bạch pháp ẩn trệ, lắm điều tranh cãi, chỉ có chút ít pháp lành được kiên cố”.
Kinh ấy cũng lại dạy: Chư Phật xuất thế có bốn pháp để độ chúng sanh. Những gì là bốn?
Một là miệng nói ra mười hai bộ kinh, [đấy] chính là pháp thí độ chúng sanh.
Hai là chư Phật Như Lai có vô lượng quang minh, tướng hảo, hết thảy chúng sanh chỉ cần chuyên tâm quán sát thì không ai chẳng được lợi ích; đấy chính là thân nghiệp độ chúng sanh.
Ba là có vô lượng đức dụng, thần thông, đạo lực, các thứ biến hóa; đấy chính là thần thông lực độ chúng sanh.
Bốn là chư Phật Như Lai có vô lượng danh hiệu hoặc là [danh hiệu] chung hoặc là [danh hiệu] riêng. Nếu có chúng sanh nào chuyên tâm xưng niệm thì không ai là chẳng trừ được chướng, được lợi lạc và được sanh ở trước đức Phật. Ðó chính là danh hiệu độ chúng sanh”

Xét về chúng sanh hiện thời thì Phật diệt độ đã hai ngàn năm, chính là lúc [phải nên] sám hối, tu phước, xưng danh hiệu Phật vậy. Nếu xưng niệm A Di Ðà Phật trong một niệm thì sẽ trừ được tội trong cả tám mươi ức kiếp sanh tử. Một niệm đã như vậy, huống hồ là thường tu niệm! Ðấy chính là người thường luôn sám hối vậy.
Lại nữa, nếu như khi Phật diệt độ chưa lâu thì những việc trước như tu Ðịnh, tu Huệ là chánh học, còn những việc sau (sám hối, tu phước) chỉ là kiêm hạnh. Nếu như Phật diệt độ đã lâu thì Xưng Danh là chánh học, còn những việc trước chỉ là kiêm hạnh.
Tại sao vậy? Ðấy thật sự là vì chúng sanh xa cách Phật đã lâu, căn cơ, kiến giải hời hợt, cạn cợt, ám độn. Bởi thế, đại sĩ Vy Ðề Hy tự vì mình và cũng vì xót thương chúng sanh trong đời ngũ trược mai sau luân hồi nhiều kiếp, chịu đựng nỗi đớn đau, thiêu đốt; nhân gặp duyên khổ, ngài bèn thỉnh cầu đức Phật mở ra con đường xuất thế thênh thang. Ðức Ðại Thánh rủ lòng từ, khuyên quy Cực Lạc. Nếu muốn trong cõi này tấn tu để đạt được quả thù thắng khó đạt thì chỉ có mỗi một môn Tịnh Ðộ là có thể [giúp hành nhân] thỏa lòng mong mỏi .
Nếu như tìm xem trong các kinh thì những đoạn khuyên tu Tịnh Ðộ rất nhiều, [nên tôi] bèn sưu tập những lời chơn thật ấy để giúp cho người tu được lợi ích.
Lợi ích gì? Muốn do người vãng sanh trước dẫn dắt người hậu học, người được vãng sanh sau lại noi gương người trước, liên tục vô cùng, nguyện chẳng ngưng nghỉ để cạn sạch biển sanh tử vô biên vậy.

No comments:

Post a Comment