LẠC ĐƯỜNG VÀO CỬA PHẬT
Năng Chi cư sỹ
Trong
một buổi tháp tùng quý thượng tọa và một số đạo hữu từ T.p. Hồ Chí Minh lên Đà
Lạt du khảo các thắng tích, chúng tôi vô cùng hứng thú khi được ghé thăm một
khu du lịch sinh thái độc đáo, đồ sộ, bao la, lạ mắt và hấp dẫn về nhiều mặt. Địa
điểm du lịch này nằm ngay gần thị trấn Bảo Lộc.
Đây
là một công viên phức hợp bao gồm một cánh rừng rộng hơn 150 hec-ta cùng những
kiến trúc mô phỏng thiên nhiên tương tự các vườn cảnh Nhật-Bản, do một nhà sư
Phật giáo đã hao tổn biết bao công sức và tâm huyết suốt 15 năm để xây dựng với
mục đích cống hiến cho tất cả mọi người thưởng thức.
Nhà
sư này đã bỏ công lặn lội tận Hà Nội và các tỉnh phía Bắc để lùng sục cho ra
những người thợ quý hiếm trong việc chế tạo chậu kiểng, hoa văn. Rồi bôn ba
khắp các vùng núi non sông nước suốt một dãy Trường Sơn trùng điệp để mang về
từng gốc cây, từng khóm lan, trăm ngàn kỳ hoa dị thảo để trang trí cho từng góc
xó của khu vườn cảnh bạt ngàn này.
Chưa
kể thao thức bao đêm trắng để sáng tác những bài thơ rồi khắc đẽo trên sườn
non, vách núi, tảng đá, trên thân cây, trên sườn đồi, trên những chiếc cầu
xi-măng giả gỗ. Những ngọn suối trong veo chảy dật dờ hai bên những ngọn giả
sơn to lớn bằng hòn núi thật. Những khu rừng tràm hoa vàng bạt ngàn được chăm
sóc tỉ mỉ và làm sạch cỏ rác hàng ngày để chống cháy.
Ai
nấy đều ngây ngất trước một kỳ quan vừa
thanh tú vừa diễm lệ này. Quả là một công trình tân kỳ, hi hữu, có tầm
vóc quốc gia, đã mang lại niềm an tịnh và thú vị mà con người đã đánh mất bởi
cuộc sống máy móc hiện đại ngày nay.
Mọi
du khách phương xa đều tỏ ra kinh dị khi biết tác giả công trình này là một nhà
sư Phật giáo! Phải là một nghệ sỹ có tâm hồn sáng tạo và đầu óc kiến trúc, tính
toán chi ly, mới có thể tạo lập một cảnh quan du lịch độc đáo, hi hữu, đặc sắc
như thế này!
Chúng
tôi vừa rong theo những con đường cỏ mọc và hoa nở hai bên, vừa nói chuyện bâng
quơ.
Anh
bạn thân nói:
-
Đây là một công trình mang lại lợi ích cho nhiều người. Rất đáng ca ngợi.
Nhưng
nếu tác giả là một nghệ sỹ thì... vô cùng tốt đẹp. Đáng được tặng thưởng huân
chương lao động vì sự nghiệp cống hiến cho đất nước một môi trường sinh thái kỳ
vỹ và thanh tú, diễm ảo. Còn nếu một tu sỹ Phật giáo mà... bỏ hết bao nhiêu tâm
huyết và sức lực để bày ra một cảnh quan như vậy, thì... xin thưa thật, tôi
thấy quá uổng phí cuộc đời xuất gia! (đáng tiếc cho bộ y Tỳ-kheo!)
Một
người bạn khác:
-
Theo niềm tin đơn bạc của tôi, thì một người đã được khoác chiếc áo Tỳ-kheo thì
chắc chắn người ấy đã từng gieo trồng vô lượng vô biên phước đức nhân duyên với
Tam Bảo. Thế thì bổn phận của một người khoác áo Tỳ-kheo là nên tiếp tục sự
nghiệp xuất gia của mình, quyết chí học tập kinh điển, giữ giới, thiền định và
hoằng pháp lợi sanh cho đến khi chứng ngộ - chứ không phải là bận bịu với những
công việc dấm dớ vô nghĩa này!
Cuộc đời thiếu những nhà sư tu tập thiền định
để chứng ngộ - chứ cuộc đời không thiếu những con người rành
kiến trúc và xây dựng! Cuộc đời thiếu ánh sáng giác ngộ để chúng sanh bớt mê
muội, thoát khỏi lầm than và hết quay cuồng khổ đau vì vô minh, ái dục,- chứ cuộc đời không bao giờ thiếu những công
trình mang lại thỏa mãn cảm giác và cảm hứng văn nghệ như thế này !
Tôi
càng khen ngợi công trình này bao nhiêu thì lại càng tiếc cho Sư bấy nhiêu. Một
nhà sư lạc đường vào cửa Phật.
Cuối
cùng, đại sư T.T. nói:
-
Những vị Tỳ-kheo nếu cứ chạy theo hư danh thế gian, thì chính những cái “tiểu
thành” này đã chôn sống sự nghiệp xuất gia, cắt đứt con đường thực hiện Chân lý
của họ. Đây là căn bệnh trầm kha của một số tăng sỹ nhà Phật, chứ không riêng
gì vị sư này!
Chúng
tôi thắc mắc:
-
“Tiểu thành”? Từ ngữ ấy nghĩa là gì?
Đại
sư T. T. nói:
-
Quý vị có lẽ đã từng đọc Nam Hoa Kinh của Trang Tử chứ? Ngay nơi thiên Tề Vật
Luận, có một câu rất hay:
道 嗚 乎 隐 而 有 眞 僞?
言 嗚 乎 隐 而 有 是 非?
道 嗚 乎 往 而 不 可 存?
言 嗚 乎 存 而 不 可 亡?
Đạo
ô hồ ẩn ư nhi hữu chân nguỵ?
Ngôn
ô hồ ẩn ư nhi hữu thị phi?
Đạo
ô hồ vãng nhi bất khả tồn?
Ngôn
ô hồ tồn nhi bất khả vong?
Đạo
chính là Chân Lý Tuyệt Đối, là cõi Vô Hạn, là Cái Vô Cùng; vậy thì tại sao Đạo
lại gồm chứa cả Chân và Nguỵ, cả Tà và Chánh ?
Ngôn
ngữ chính là thể hiện của Đạo trong cuộc sống này, vậy thì tại sao Ngôn ngữ lại
hàm chứa cả Đúng Sai, Phải Quấy ?
Phải
chăng Đạo đi ngang qua cuộc đời mà không lưu lại dấu vết?
Phải
chăng Ngôn ngữ thì lưu lại dấu vết (tồn tại) mà lại không có khả năng diễn đạt?
Thật
vậy, Đạo bàng bạc khắp mọi nơi chốn, không có nới nào mà không thể phát hiện
dấu vết của Đạo và thật ra, Đạo còn trú ngụ ngay trong tâm mình, đâu có xa xôi
gì? đâu có cách sông trở núi gì? Thế nhưng tại sao con người mò mẫm kiếm tìm mãi
mà vẫn không nắm bắt được Đạo? Tại sao Đạo lại cứ bị lẩn quẩn nơi Chân Nguỵ, Tà
Chánh? Khiến cho con người mãi lúng túng, lộn tới lộn lui? Tu hoài sao chẳng
đắc? Tu mãi sao cứ lạc vào đường ma lối quỷ?
Còn
Ngôn ngữ là sản phẩm của con người, vốn dùng để chỉ bày mọi sự vật giữa cuộc
đời, dẫu là sự vật vô hình hay hữu hình, thế thì Ngôn ngữ làm gì có đúng sai
phải trái tốt xấu? Thế nhưng tại sao Ngôn ngữ lại tỏ ra bất lực? khiến chúng
sanh lầm lạc mãi không thôi? Càng nói, càng thuyết giảng thì càng đi xa Chân lý
và càng gây nên nhiều tà kiến, ngộ nhận và oán kết?
Cuối
cùng, Trang Tử nói:
道 隐 於 小 成, 言 隐 於 榮 華
“Đạo ẩn ư tiểu thành, Ngôn ẩn ư vinh hoa”.
Trang
Tử gợi ý : Đạo thường bị lẩn khuất nơi sự thành tựu nhỏ bé của con người. “Đạo
ẩn ư tiểu thành”.
Và
Ngôn ngữ thường bị ẩn giấu nơi chỗ bóng bẩy, lòe loẹt, phù phiếm. “Ngôn ẩn ư
vinh hoa”.
Một
con người bình thường nào đó, như mỗi người trong chúng ta vậy, vốn biết bản
thân có được chút tài năng thiên phú nào đó. Sau nhiều năm tháng tu học dưới
mái thiền môn, thấy đạo pháp dường như suy tàn, vận mệnh tâm linh của dân tộc
dường như không được sáng sủa, bèn có tham vọng thiết lập một giáo hội có tổ
chức và phát động một cuộc cách mạng Phật giáo. Rồi trải qua bao nhiêu cay đắng
thăng trầm, cuối cùng người ấy vượt thoát được những chướng ngại và thấy tiếng
nói của mình đã thu hút được nhiều người nghe theo, thấy tài năng của mình đã
chinh phục được nhiều người khác, văn chương thi phú của mình đã làm mê đắm
không biết bao người! Khi ấy, y vô cùng thỏa mãn, cho rằng mình đã mon men tới
ngưỡng cửa gọi là “thành công”, “đạt đạo”.
Đối
với kẻ hành trì thực sự theo đạo Phật thì thành công rốt ráo nghĩa là đạt tới
sự chứng ngộ hoàn toàn, giải thoát tuyệt đối. Còn ngoài ra, tất cả những gì mà
chúng ta kiếm chác được trong thế gian này chỉ là “những thành tựu nhỏ bé”
mà thôi (tiểu thành).
Như
tạo lập môt công trình kiến trúc nguy nga đồ sộ và vĩ đại để thu hút khách nhàn
du hoặc tham quan, như khoe văn múa bút, triển lãm thư pháp, thư họa rồi sản
xuất vài thi tập và phát hành trong giới văn nghệ để được tiếng là Nhà Thơ
Thiền Vĩ Đại, vân vân... Chính cái “thành tựu nhỏ bé” này sẽ chận đứng tất cả
mọi sinh hoạt phát triển tâm linh của người xuất gia.
Đã
là người xuất gia thì không nên thỏa mãn với những thứ “thành quả rong rêu”
hoặc những “thành công cát bụi” ấy. Khi có chút niềm tin thực sự vào giá trị
tâm linh thì Ngôi vua và cung điện mà cũng bị xem là rơm rác, huống hồ là những
thứ “bằng khen hư vọng” của thế gian?
Như
xây dựng được một vài ngôi đại tự, lôi kéo được vài ba ngàn đệ tử, đỗ đạt mấy
cấp bằng Tiến sỹ, nói thạo bảy tám thứ tiếng, phiên dịch được vài chục bộ kinh
điển, biên soạn được dăm ba cuốn sách... vân vân... Tất cả những cái đó - đều
là những cái thành tựu nhỏ bé, chứ không phải là thành tựu viên mãn.
Bởi
vì những cái thành tựu bé tí teo này chắc chắn sẽ ngăn trở con đường giải
thoát và chứng ngộ của mình!
Dường
như chư vị cổ đức đã dạy rằng:
Thuận
duyên đời: nghịch duyên đạo.
Thuận
duyên đạo: chướng duyên tu!
Chúng
ta đã tự chôn vùi “sự nghiệp chứng ngộ” của mình ngay nơi những cái thành tựu
nhỏ bé chính mình. Và chúng ta cũng tự
xóa sổ cuộc sống tu hành của mình ngay nơi cái “vinh hoa” của ngôn ngữ do mình
sáng tạo! Té ra, người xưa cũng khôn ngoan minh triết đến như vậy! Nhưng chúng
ta thử tìm hiểu tại sao chúng ta lại dễ dàng tự chôn lấp và xóa sổ chính bản
thân mình?
Ao
Thầy rách đã bao năm ... !
Câu
trả lời độc nhất mà ai cũng nhận thấy: nguyên do thất bại của chúng ta chính là
“cái ngã chấp quá lớn”.
Vâng,
cái ngã luôn luôn là kẻ tội đồ. “Kẻ thù ta đâu có phải người ngòai, nó nằm
đây nằm trong ở mỗi ai!” (Tâm Ca của Phạm Duy 1965)
Đạo
Phật quá cao siêu, thâm trầm, và... hấp dẫn những người trí thức, nhưng thực
hiện được những lời dạy chân chánh của đức Phật thì... quả là thiên nan vạn
nan. Dường như không thể. Tại sao như vậy?
Bởi
vì... chính cái “tự ngã” của mình đã ngăn trở con đường trở về của mình, chứ
không phải là một kẻ nào khác! Cái ngã đã đưa chúng ta đến với đạo Phật và cũng
chính cái ngã đã ngăn trở chúng ta tiếp cận Chân lý! Cái ngã càng trương phình,
thì trí tuệ vô lậu càng khó xuất hiện và tình thương yêu chân thật càng khó
phát triển!
Thật
là oái ăm gay cấn cho chúng ta, khi chúng ta chưa thể đạt tới trình độ “vô ngã”
mà bản thân cũng không chịu nằm lì trong trạng thái “hữu ngã”!
Một ý thức sâu sắc về tính hữu hạn, thất
thường, bất định, mâu thuẫn và phải chết của con người. Nếu chỉ đích danh hơn,
những tính chất hữu hạn, mâu thuẫn nội tại... ấy là đặc tính của cái ngã và
những hoạt động phiền não của nó.
Và trong tình trạng hiện thời, toàn bộ đời
sống con người dựa vào cái ngã và những hoạt động tạo nghiệp của nó, hậu quả
tất yếu là những khuyết điểm, lầm lỗi và khổ đau mà chúng ta gọi là sanh tử.
Nhưng để thoát khỏi cái ngã đó, với phần đông
con người là không thể, vì làm bất cứ điều gì, dù tu hành để giải thoát hay làm
tốt cho người khác thì vẫn nằm trong sự giật dây của cái tự ngã, chỉ làm cho
cái tự ngã, phụng sự cái tự ngã.
Với con người, không phải bao giờ cũng có thể
có vị tha thực sự, lợi mình lợi người thực sự, vì thông thường có cái ta phản
trắc luôn ở trung tâm của mọi hành động. Không giải quyết được khổ đau của mình
đồng thời chúng ta cũng gieo rắc khổ đau cho người khác ... Những mâu thuẫn
muôn đời không thể nào giải quyết ở đời sống vận hành theo chiều hướng tư duy hữu ngã này.
(Nguyễn
Thế Đăng.
Nguyệt San Giác ngộ, Số
66,tháng 9/2001 tại TpHồ Chí Minh)
Nói
gì thì nói, tất cả việc làm của chúng ta nữa, kể cả công phu tu tập vô cùng
nhiệt thành, tâm huyết, đều được phát triển theo “chiều hướng tư duy hữu ngã”,
trong khi yêu cầu của đạo Phật là phải đạt tới vô ngã mới có trí tuệ thực sự và
từ bi vô biên.
Bao
giờ chúng ta còn mang vác cái ách “Hữu ngã” thì chớ trông mong vịn vào bờ mé
của cảnh giới niết bàn, mục tiêu tối hậu - Chính cái ách Hữu Ngã đã và sẽ ngăn
chận chúng ta thực hành Bồ-tát đạo trong chí nguyện phục vụ chúng sanh một cách
hiệu quả nhất.
Chẳng
lẽ chúng ta bất lực hay sao? Những người thực hành theo Pháp môn Niệm Phật, Nam
mô A Di Đà Phật, thì đã có sẵn đáp án dứt khoát tự ngàn xưa, nhưng vẫn còn luôn
luôn mới mẻ:
Giải
quyết công việc hành trì của mình bằng LÒNG TIN vào năng lực siêu việt tư duy
và mô tả của chư Phật.
Nói
theo hình ảnh của kinh Pháp Hoa, chúng ta là những đứa con khốn cùng, dù có may
mắn nghe được cha mình giàu có đến trùm khắp vô vàn thế giới đang ở nơi xa kia
chờ mình thì cũng không đủ sức trở về, dù có người dẫn dắt. Đôi chân con người
đã mỏi mệt vì khổ đau của sinh tử, trí óc đã quá nặng nề vì
những màn ảo hóa . . . và chỉ khi thấy rõ sự
hữu hạn, nhỏ bé và bất lực của mình, thấy sự mâu thuẫn nằm trong chính
nền tảng của bản thân, con người khổ đau đó mới mở mình ra trước lời kêu gọi
của đại nguyện của Phật A Di Đà. Chúng ta không biết làm gì hơn là phó thác,
hiến mình và tin cậy.
Khi tự lực trong mức độ chúng sinh chỉ là
thất thường, mâu thuẫn nội tại, chính lúc đó, bắt đầu sự lắng nghe sâu xa tiếng
kêu gọi của bổn nguyện, sự chấp nhận phó thác cho công việc đại bi của Phật A
Di Đà. Một chuyển hóa bắt đầu xảy ra, con người từ bỏ những bất toàn, những
xung đột mâu thuẫn nội tại của mình, để đi vào nguyện lực của đức A Di Đà. Do
đó con người thấy ra tha lực.
Không chỉ để đối phó với khổ đau, đức tin còn
là một mong mỏi bất tuyệt về một cõi không có ba đường ác (lời nguyện thứ
nhất), thậm chí không có cả một danh từ để chỉ một sự ác nào (lời nguyện thứ
16).
Tích cực hơn, đức tin còn là một tình cảm
nồng nhiệt đối với tất cả những gì đẹp đẽ, thanh tịnh đối với cõi nước, con
người lành thánh ... của Phật A Di Đà. Chính sự kính ngưỡng đối với cõi Tịnh độ
và Phật A Di Đà sẽ chuyển hóa những ham mê vào cõi dục của chúng ta, nguyên
nhân của những phiền não khổ đau.
Cuối
cùng, đức tin đó khiến chúng ta mở tâm thức, mở tấm lòng để đón nhận ánh sáng
của lòng bi A Di Đà.
(Nguyễn Thế Đăng, Nguyệt
San Giác Ngộ, Số 66)
No comments:
Post a Comment