LONG THỌ
BỒ-TÁT
Những
con người vĩ đại thường xuất hiện với những kỳ tích phi thường, trong những
nhân cách siêu việt đến nỗi trở thành huyền thoại cho muôn ngàn đời sau. Họ đã
đến với trần gian này để chuyển hóa thế giới bằng một cuộc cách mạng tư tưởng
chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại, mà Phật giáo thời bấy giờ đang cần
một con người như vậy.
Vâng, thời đó chính là
khỏang 700 năm sau khi đức Thích Ca diệt độ, đạo Phật bị khủng hoảng giáo lý
trầm trọng cùng tệ nạn bè phái sư tăng tràn lan, cho nên các học thuyết tà kiến
của thế gian và ngoại đạo đã bành trướng len lỏi khắp mọi tầng lớp dân chúng
cũng như tín đồ nhà Phật. Xã hội Ấn-độ đang đợi chờ một nhân vật kiệt xuất,
hùng tài, để chấn chỉnh hiện trạng và cải cách hệ thống tư tưởng đang bị phân
hóa vì sự bế tắc của giáo nghĩa Tiểu-thừa cũng như sự sai lầm nghiêm trọng của
các học thuyết ngoại đạo.
Giữa
lúc ấy, ngài Long Thọ đã góp mặt cùng nhân gian như một Con Người, với sứ mạng
vô cùng quan trọng: đó là làm cho con người hoàn bị hơn về tư tưởng và tốt đẹp
hơn về nhân cách tâm linh.
Long Thọ đại sỹ, ngôn ngữ
Bắc Phạm đọc là Nagârjuna, hạ sanh tại miền Nam Ấn-độ sau khi đức Thích Ca nhập
diệt khoảng 700 năm. Tương truyền ngài sanh dưới gốc cây A Châu Đà Na, cây này
có năm trăm vị long thần cư trú, lại nhờ Long Vương Bồ-tát mà thành đạo, nên
ngài lấy hiệu là Long Thọ.
Long Thọ đại sỹ đã trải qua
một cuộc sống phong phú, dị thường và đầy biến động. Nguồn tư liệu duy nhất mà
chúng ta có thể tham khảo đó là một tác phẩm bằng Hán-văn: “Cuộc đời của Bồ-tát
Long Thọ” do ngài Cưu-ma-la-thập dịch từ
tiếng Sanckrit (Bắc Phạm). Tác phẩm này được tìm thấy trong tập thứ 15 của
“Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh”.
Theo
tác phẩm này, Long Thọ là con trai của một gia đình Bà-la-môn quý phái nổi
tiếng ở miền Nam
xứ Ấn-độ. Ngay từ lúc còn bé, ngài đã biểu lộ tài năng xuất chúng về đường học
vấn, từng thuộc làu 4 bộ Vệ-đà cũng như tinh thông giáo lý Bà-la-môn. Hơn thế
nữa, ngài còn thấu triệt các món thiên văn học, địa lý, sấm vĩ, bí tạng và các
đạo thuật khác như tàng hình, trường sanh, tiên tri, giải mộng...
Tương truyền rằng, thuở còn
trai trẻ, sau khi tinh thông các môn học và rèn luyện pháp thuật, một ngày nọ
Long Thọ cùng với ba người bạn cùng thảo luận xem phải làm gì trong lúc này để
thi thố những thứ mà mình đã hấp thu được từ trong sách vở. Họ quyết định dấn
thân vào con đường nhục cảm. Bằng cách thực hiện phép tàng hình, bốn người bọn
họ bắt đầu lén lút xâm nhập thâm cung của vị tiểu vương. Các người phi tần của nhà vua lần lượt bị cưỡng
hiếp, và sự việc này lan truyền ra khiến hoàng cung vô cùng phẫn nộ và kinh dị.
Nhất là một người ái thiếp của nhà vua đã bị mang thai. Và nhà vua vô cùng phẫn
nộ, nghĩ cách giăng bẫy để bắt thủ phạm ngay tại hiện trường.
Đêm nọ, nhà vua ra lệnh rải
cát xung quanh cửa ra vào chốn khuê cung, và cho một đạo quân rình đợi những kẻ
đột nhập phi pháp.
Mặc dù vận dụng pháp thuật
tàng hình khiến người khác không thể nhìn thấy hình dáng của mình, nhưng bốn kẻ
phi tặc này đã để lại dấu chân trên cát khi lẻn vào thâm cung. Binh lính phát
hiện dấu chân bèn đổ xô vào đâm chém kịch liệt.
Những tiếng gào thét rên la
thảm thiết vang lên, ba người bạn của Long Thọ bị giết chết, chỉ riêng Long Thọ
tránh được thương tổn nhờ nhanh trí bám chặt lấy nhà vua, và sau đó thoát khỏi
hoàng cung bình yên vô sự.
Tuy thoát được tai nạn kinh
khiếp ấy, nhưng ngài Long Thọ đã thức tỉnh nhận ra rằng: lòng tham nhục dục và
tình cảm thế gian chỉ là nguồn gốc của mọi khổ đau trong cuộc đời này. Do đó,
ngài quyết chí xuất gia, đến trước tháp Phật để thọ giới và trở thành vị
tỳ-kheo chân chính của đạo Phật.
Rõ ràng ngài Long Thọ là một
nhân vật có cá tính mạnh mẽ và phi thường. Điều này được minh họa rất rõ bởi
tính chất độc đáo của học thuyết Trung Quán Luận hay Trung Luận, môn triết học
mà ngài đưa ra như một hệ thống khái niệm “Không” được phát hiện đầy rẫy trong
vô số kinh điển Đại-thừa. Chính nhờ triết lý này mà ngài được thừa nhận như một
trong những nhân vật quan trọng nhất của lịch sử tư tưởng thế giới.
Bản dịch của ngài
Cưu-ma-la-thập kể rằng, “Sau khi học hết giáo lý Bà-la-môn, ngài Long Thọ trở
thành Tỳ-kheo và đã tham cứu toàn bộ các Kinh, Luật, Luận trong tam tạng giáo
điển chỉ trong chín mươi ngày! Nhưng điều này vẫn chưa làm cho Ngài thỏa chí,
và ngài đã bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc hơn, tường
tận hơn về chánh pháp.
Cuộc phiêu lưu này đã đưa
ngài đến tận những vùng xa xôi của phương Bắc Ấn-độ, nơi này, Ngài đã gặp một
bảo tháp thờ Phật, ở sâu trong lòng đất trên dãy Hi-mã-lạp sơn. Nơi đây, ngài
đã nhận được những bản chép tay của một số kinh điển Đại-thừa và ngài đã đọc
say sưa, tuy nhiên ngài vẫn cảm thấy còn một chân lý cao siêu hơn có thể phát
hiện đâu đó.
Để giải đáp điều này, ngài
tiếp tục đi khắp Ấn-độ tham gia tranh luận với các triết gia, luận sư khác
nhau, đồng thời tìm kiếm thêm những văn bản khác của kinh điển Đại-thừa. Với
việc đi lại khó khăn thời bấy giờ, thì một hành trình dài lâu như vậy chắc hẳn
gặp nhiều gian khổ, nhưng ngài vẫn không
bao giờ nản lòng, tự nguyện dâng hiến cuộc sống mình cho chân lý vi diệu của
Như Thật Đạo.
Cuối cùng, ý chí sắt đá và
quyết liệt đã chiến thắng cùng với sự đền đáp thỏa đáng: Ngài đã chứng đạt tới
đỉnh cao của giáo lý Đại-thừa chứa đựng trong kinh Pháp Hoa.
Con đường dẫn ngài Long Thọ
đến với kinh Pháp Hoa và các giáo lý Đại-thừa khác vô cùng quanh co, phức tạp -
nhưng có lẽ không còn đường lối nào khác hơn! Trong thế giới Phật-giáo bảy trăm
năm sau khi Phật niết-bàn, các tông phái Tiểu-thừa vẫn còn duy trì địa vị đáng
kể về quyền lực giáo hội, tiềm lực phát triển và tầm quan trọng trong sinh hoạt
tôn giáo.
Các kinh điển Đại-thừa đã
bắt đầu xuất hiện dường như để thách thức quan điểm và thực tiễn của phái
Tiểu-thừa, nhưng sự việc ngài Long Thọ du hành khắp nơi để nghiên cứu và cầu
học chân lý đã chứng tỏ các trung tâm của phong trào Đại-thừa hiện đang phân bố
rải rác khắp nơi. Hơn nữa, chưa có một luận sư hoặc lãnh tụ triết học nào xuất
hiện để phất cờ tấn công vào thành trì tư tưởng Tiểu-thừa. Trọng trách lớn lao
này có lẽ dành cho ngài Long Thọ đảm đương và hoàn thành. Với sự tinh thông
giáo nghĩa Bà-la-môn cùng thấu triệt tư tưởng Tiểu-thừa, kết hợp với lý tưởng
cách mạng và hoằng dương Phật-pháp, khiến cho hậu thế kính ngưỡng ngài như là
mẫu người lý tưởng để thực hiện công cuộc vĩ đại, có một không hai ấy.
Chúng ta không thể nào không
tự hỏi rằng, Phật giáo sẽ ra sao nếu không có ngài Long Thọ xuất hiện?
Long Thọ đã được Bồ-tát Đại-Long
đưa tới long cung, và tại đây ngài được trao truyền những sách vở và kinh điển
Đại-thừa của nhiều ngành khác nhau, những diệu pháp bí mật uyên áo còn đang
được giấu kín. Qua các bộ kinh ấy, ngài đã thấu triệt tất cả những chân lý sâu
xa, uyên áo của Đại-thừa.
Ngài đã chịu khó biên tập,
phân loại, hệ thống hóa và sáng tác một số luận thư có giá trị vĩnh cửu, cho
nên các nhà lập thuyết của nhiều tông phái về sau đã không ngần ngại suy tôn
Ngài là sơ tổ của môn phái mà họ lập nên.
Đóng góp vĩ đại nhất mà ngài
Long Thọ đã cống hiến cho nhân loại nói chung và Phật giáo nói riêng, đó là
Ngài đã xác định cái cốt lõi của Đại-thừa Phật giáo bằng cách tuyên dương triết
học Tánh Không, song song với việc truyền bá rộng rãi một sự minh giải chân
chánh về giáo nghĩa Đại-thừa. Ngoài ra, ngài Long Thọ từng viết một
trăm ngàn câu thi kệ về luận Ưu-ba-đề-xá (Duyên Khởi Luận),
năm ngàn câu thơ về Phật-Địa Luận, năm ngàn câu thơ về Đại Thừa Phương Tiện
Luận, Phật Đạo Trang Nghiêm Luận, năm ngàn câu thơ về Trung Luận, một trăm ngàn
câu thơ về Vô Úy Luận.
Lúc bấy giờ, hoàng đế Nam Thiên-trúc
tin thờ Bà-la-môn giáo và công kích Phật giáo, Ngài Long Thọ đến đó giáo hóa,
khiến Vua bỏ tín ngưỡng Bà-la-môn giáo mà quy y Phật giáo. Từ đó về sau, Ngài
nỗ lực hoằng pháp, viết nhiều sách chú thích kinh điển Đại-thừa, thiết lập thể
chế cho giáo học Đại-thừa, khiến cho học thuyết “Bát-nhã Tánh Không” được
truyền bá rộng rãi khắp Ấn-độ.
Long Thọ không những chỉ đạp
đổ những sai lầm lý luận trong Phật giáo, mà còn chĩa mũi nhọn vào các lý
thuyết triết học ngoại đạo, vận dụng hết khả năng trí tuệ để bài bác những diễn
giải của những trường phái hư vô luận. Dưới uy lực vô song của nền triết học
Tánh Không, các môn phái Tiểu-thừa đã bị nhận diện như là một thứ tà kiến nằm
giữa lòng đạo Phật, mà chúng ta nhất quyết phải tận diệt nếu muốn khai thông con
đường trở về tâm linh tối thượng.
Long Thọ Bồ-tát đã đặt nền móng thiết lập pháp môn Tịnh-độ, xiển dương
Đại-thừa, hàng phục ngoại đạo. Tác phẩm quan trọng của Ngài được biết đến nhiều
gồm có: Đại Trí Độ luận, Thập Trụ Tỳ-bà-sa luận, Trung quán luận, Thập nhị môn
luận...
Trong bộ luận Tỳ Bà Sa, ngài khen ngợi pháp môn Tịnh-độ như sau:
Nếu người muốn thành Phật
Xưng niệm A Di Đà
Ưng thời vì hiện thân
Nên nay con quy mạng
Do sức nguyện Phật kia
Mười phương chư Bồ-tát
Đến nghe pháp cúng dường
Nên con cúi đầu lễ
Các Bồ-tát cõi ấy
Đầy đủ những tướng hảo
Thân đẹp tự trang nghiêm
Nên con lạy quy y
Mỗi ngày trong ba thời
Cúng dường Phật mười phương
Nên con cúi đầu lạy
Nếu người trồng căn lành
Nghi thì hoa không nở
Kẻ lòng tin thanh tịnh
Hoa nở được thấy Phật
Hiện tại mười phương Phật
Dùng các thứ nhân duyên
Khen công đức Di Đà
Nên con quy mạng lễ
Cõi Cực Lạc nghiêm đẹp
Mầu nhiệm hơn thiên cung
Công đức rất sâu dày
Nên con lễ chân Phật…
Ngài lại sáng tác bộ luận
Đại Trí Độ, trong ấy có đoạn văn khai thị về pháp môn Tịnh-độ như sau:
Niệm Phật tam-muội có thể trừ các thứ phiền
não và những tội chướng đời trước. Các pháp tam-muội khác, có môn trừ được
nghiệp tham dâm, nhưng lại không thể trừ được tập khí giận dữ. Có môn trừ được
nghiệp ngu si nhưng lại không thể trừ được nghiệp sân hận và dâm dục. Có môn
trừ được tam độc tham sân si nhưng không thể trừ được tội chướng nhiều đời
trước.
Tóm lại, môn tam-muội nào cũng chỉ có năng
lực hạn chế và riêng biệt, riêng môn
Niệm Phật tam-muội thì phát huy năng lực vô giới hạn, vì có sự gia trì của diệu
lực chư Phật không thể nghĩ bàn. Cho
nên, Niệm Phật tam-muội có thể diệt trừ các thứ phiền não và các thứ tội
chướng, lại nuôi lớn những phước đức lớn lao, sẵn đủ năng lực cứu độ chúng
sanh. Chư vị bồ-tát muốn mau diệt tội chướng,
được nhiều phước đức, sớm độ chúng sanh,
thì không chi hơn tu môn Niệm Phật tam-muội.
Về sau, ngài Long Thọ giao
phó chánh pháp lại cho tôn giả Ca Na Đề Bà, rồi nhập thiền định mà từ bỏ xác
thân phàm tục, để lại một sự nghiệp tâm linh siêu việt không thể nghĩ bàn: tư
tưởng Đại thừa.
No comments:
Post a Comment