Blogroll

Tuesday, April 8, 2014

SƯU TẬP NHỮNG NỘI QUÁN VỀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ của Thân Loan Thánh Nhân (Phân 1)

SƯU TẬP NHỮNG NỘI QUÁN

VỀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

(Nguyên tác bằng chữ Hán: TỊNH ĐỘ VĂN LOẠI TỤ SAO)
Nguyên tác: Receuils sur Reflexions de la Terre Pure.
Trích trong cuốn sách: “Sur le vrai Bouddhisme de la Terre Pure”,
của Jean Eracle, Editions du Seuil, 1994. 
Nguyễn Xuân Chiến dịch từ bản Pháp ngữ 




MỞ ĐẦU

Đúng thật như thế! Anh sáng rực rỡ chói lọi không gì ngăn trở nổi, vượt lên trên mọi tư duy và mô tả, của đức Phật A Di Đà, đã dập tắt hết thảy khổ đau và bừng nở hạnh phúc.
Danh Hiệu tuyệt vời của A Di Đà đã thâu tóm trong Ngài đến những vô lượng vô số công phu tu tập. Chính danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật đã phá tan những khó khăn chướng ngại, và hủy diệt mọi nghi ngờ! 
 Dường như tất cả những bất hạnh và trắc trở đã quyết định số phận của chúng ta vào thời đại mạt pháp này - thời đại mà mọi thứ đều suy đồi toàn diện, không thể nào chạy chữa được. Con phải tự hiến mình cho giáo lý nhiệm mầu này, và công phu tu tập giản dị này. Chính giáo lý và công phu tu tập này sẽ phải là cặp mắt và đôi chân của con : con cần phải dâng hiến tất cả tấm lòng sùng kính và cả nhiệt huyết của mình.

Khi nhận lãnh và thực tập giáo lý đã được truyền ban bởi Đại Nguyện Siêu Việt của A Di Đà, con sẽ từ bỏ những thứ dơ bẩn và chỉ chấp nhận những gì trong sạch, thuần khiết. Nếu giờ đây, đã nhận lãnh và nắm giữ lời dạy của Phật, con xin cảm tạ lòng đại từ khoan dung của Ngài, và xin ca tụng phẩm chất cao thượng của Ngài.
Là gã trọc đầu ngốc nghếch, con hiện tạm trú tại xó xỉnh tận cùng hẻo lánh trong một tỉnh lẻ quê mùa trên đất nước Nhật-bản, chỉ biết một mực tin cậy hoàn toàn vào các bản sớ luận từ xứ Ấn-độ và Cachemire, gồm luôn cả những bản chú giải của các vị tổ sư Trung-hoa và Nhật-bản. Con xin đặt trọn niềm tin, dốc lòng phó thác cho Giáo lý, Thực hành, và Chứng ngộ của Đạo Phật Chân Chánh trong pháp môn Tịnh-độ.
Bởi lẽ, không thể nào quay lưng trước lòng đại từ khoan  dung  vô  tận  của Phật,  con  xin  công  bố  tác phẩm : “Sưu Tập Những Nội Quán về pháp môn Tịnh-độ” (tức TỊNH ĐỘ VĂN LOẠI TỤ SAO)

 

 

I.- GIÁO LÝ

 

 

Những lời thuyết giảng phát xuất từ bản kinh”Sức Sống Không Cùng Tận” (Vô Lượng Thọ Kinh), chính là giáo lý căn bản của đạo Phật chân chánh trong pháp môn Tịnh-độ.

Tư tưởng vĩ đại của bản kinh này là : Đức Phật A Di Đà trong khi phát khởi đại nguyện, đã rộng mở cho chúng ta một Kho Tàng Chánh Pháp. Vì thương xót những chúng sanh tầm thường và vô nghĩa như chúng ta, Ngài đã ban tặng những gì quý báu nhất trong vô lượng công đức do Ngài thành tựu.

Nói đúng hơn, bản kinh Sức Sống Không Cùng Tận đã chứa đựng tri kiến chân thật, chính vì mục đích mang tri kiến chân thật này đến cho tất cả chúng sanh, mà đức Thích Ca Mâu Ni đã xuất hiện ở thế gian. Bản kinh kỳ diệu này thật là phi thường và siêu việt làm sao ! Chính tri kiến cao thượng này đã hoàn thành đạo lý Nhất Thừa, và cũng chính tri kiến như thực này đã được tuyên bố bởi chư Phật khắp mười phương.

Lý do hiện hữu của bản kinh Sức Sống Không Cùng Tận (Vô Lượng Thọ Kinh) chính là trình bày Bản Nguyện Vĩ Đại của A Di Đà, thực chất của kinh này là tuyên dương danh hiệu của Ngài.

Đó là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

         
                                               

II.- THỰC HÀNH


Sự Thực Hành, chính là Pháp Tu Vĩ Đại căn cứ vào việc Bản Nguyện Cứu Độ của A Di Đà đã được thành tựu. Điều này được dẫn khởi từ Đại nguyện thứ  17, xác quyết rằng chư Phật ở khắp mười phương đều đồng thanh ca ngợi A Di Đà. Còn được gọi là :”Đại Nguyện xác quyết rằng chư Phật đều xưng tán danh hiệu A Di Đà. Và Đại Nguyện cũng diễn tả hành vi chuẩn xác để tái sanh vào Cõi Sạch của Ngài.
Khi đức Phật A Di Đà chuyển hóa chúng ta bằng năng lực Bản nguyện Cứu Độ của Ngài, Ngài mang sẵn hai chủ ý: thứ nhất, là giúp đỡ chúng ta được tái sanh nơi Cõi Sạch, và chủ ý thứ hai là ; khiến chúng ta trở lại nơi thế gian này. Để thực hiện ý định đưa chúng ta về Cõi Sạch, Ngài phải thực hiện hai phần việc: Phần việc thứ nhất: ban cho chúng ta một phương pháp hành trì vĩ đại. Phần việc thứ hai: ban cho chúng ta một đức tin thuần khiết.
Phương pháp hành trì vĩ đại, ấy là đọc lớn danh hiệu Phật A Di Đà (réciter le nom du Bouddha Amida), Ngài là ánh sáng chói lọi không gì ngăn trở được.
Pháp hành trì này gom chứa tất cả các pháp tu khác, bao hàm vô số vô lượng công phu tu tập khác.
Sự tu trì này được gọi là “Đại Pháp”, nghĩa là “Phương Pháp Thực Hành Cao Sâu Rộng Lớn”, bởi vì pháp này dẫn dắt chúng ta đến Chứng Ngộ vô cùng nhanh chóng.
Đọc lớn tiếng danh hiệu A Di Đà, hoặc xướng danh hiệu A Di Đà, có năng lực phá vỡ tất cả vô minh của chúng sanh : xướng niệm danh hiệu A Di Đà cũng có khả năng làm cho mọi ước vọng của chúng sanh được tròn đầy. Đọc lớn danh hiệu A Di Đà hoặc xướng niệm danh hiệu A Di Đà,  ấy là   gắn chặt tư tưởng vào danh hiệu, ấy là tưởng niệm đến Phật, còn gọi là NIỆM PHẬT. Niệm Phật chính là: Nam mô A Di Đà Phật.                      
Trong những dòng trình bày về sự thực hiện Đại Nguyện thứ 17, kinh “Sức Sống Không Cùng Tận” đã ghi :
“Khắp mười phương thế giới, có nhiều đức Phật đông như cát sông Hằng, đều ca ngợi A Di Đà, đức Phật của Đời Sống Vô Biên Vô Tận, cùng những năng lực siêu nhiên và phẩm chất không thể nghĩ bàn của Ngài. Bất cứ chúng sanh nào thoáng nghe danh hiệu của Ngài mà phát khởi ý niệm vui mừng dù chỉ một lần thôi, đều được cải biến bởi Chân Tâm, mong ước được tái sanh vào cõi nước của Ngài, liền khi ấy đều được tái sanh và an trú trong cảnh giới giải thoát, chấm dứt sanh tử luân hồi.”
Kinh ấy cũng còn ghi rằng:
“Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn nói với Di Lặc Bồ-tát : Bất cứ người nào hội đủ cơ duyên, may mắn nghe được danh hiệu A Di Đà mà dấy khởi tâm lý vui mừng, hớn hở - dù chỉ một lần duy nhất - cũng thu hoạch được nhiều lợi ích lớn lao, thành tựu những công đức cao thượng.”
          Trong bộ luận thư nổi tiếng “Thập Trụ Tỳ-Bà-Sa”, ngài Long Thọ Bồ-tát tuyên bố:

 “Nếu người nào muốn mau chóng chứng đạt,
Cảnh giới của trạng thái chấm dứt sanh tử,
Thì người ấy phải dốc trọn lòng sùng kính
Mà quyết tâm xướng lớn danh hiệu A Di Đà

Nếu một ai gieo trồng các loại thiện căn
Mà vẫn còn nghi ngờ, thì hoa sen không nở
Nếu đức tin được hoàn toàn thuần khiết
Thì hoa sen tự bừng nở,
Và kẻ ấy liền được thấy Phật.”

Trong bộ luận đặt nền móng cho pháp môn Niệm Phật (Vãng Sanh Luận), Thiên Thân Bồ-tát tuyên bố:
Kính lạy đức Thế Tôn
Với tấm lòng chuyên nhất
Con xin được trở về
Nương tựa nơi đức Phật
Có ánh sáng chói lọi rực rỡ
Chiếu soi khắp cả mười phương
Và con ước mong được tái sanh
Nơi cõi nước Thanh Bình Và Hạnh Phúc.

Con xin căn cứ vào kinh điển
Vào tướng hảo và công đức chân thật
Rồi tập hợp tất cả vào các thi kệ
Ca tụng  Bản Nguyện Siêu Việt của Ngài
Đã được thực hiện đầy đủ, rộng khắp
Phù hợp với lời dạy của chư Phật
Cho con được thấy năng lực Bản Nguyện
Gặp được Ngài thì vô cùng lợi ích
Có khả năng chứng đắc nhanh chóng
Biển cả châu báu của công đức Ngài . . .

Qua những lời thuyết giảng của Phật, Bồ-tát và những lời dạy của các vị luận sư, bạn phải biết rằng,  trong các công phu tu tập khác mà những chúng sanh bình thường từng thực hiện, thì bắt buộc phải hồi hướng công đức về vô thượng chánh giác, do đó sự tu tập ấy mới có hiệu quả thiết thực. Nhưng, sự thực hành niệm Phật là công phu tu tập phát khởi từ lòng Đại Bi của Đức Phật - Ngài sẽ chuyển hóa chúng ta bằng vô lượng công đức huyền diệu chẳng thể nghĩ bàn của Ngài .
Do vậy, Thân Loan tôi bảo rằng, trong pháp Niệm Phật, sự hồi hướng công đức là không cần thiết.
Sự hành trì này là do đức Phật A Di Đà tuyển chọn và thâu tóm trong Bản Nguyện, trong lời thệ ước tối thắng, không thể vượt trội, và ở ngoài mọi tri kiến thế gian. Công trình tu tập này đã kết tinh được cả phương tiện tối thắng, xác thực và huyền nhiệm của đạo lý Nhất Thừa: ấy là sự hành trì cao thượng, tối ưu, cô đọng cả thảy vô số vô lượng đức hạnh siêu việt của đức Phật A Di Đà.
Bản kinh Sức Sống Không Cùng Tận đưa ra từ ngữ: “dù chỉ một lần duy nhất “, đã xác định một sự đầy đủ tối thiểu, và từ ngữ “một lần duy nhất” cũng có nghĩa là “một ý tưởng duy nhất” hoặc  “hợp nhất tư tưởng”, “chuyên nhất tư tưởng”.
Ý tưởng duy nhất này, chính là “một tiếng gọi duy nhất”. Và “một tiếng gọi duy nhất“ ấy là đọc tụng danh hiệu A Di Đà.
Đọc tụng danh hiệu A Di Đà, ấy là một tư tưởng chăm chú chuyên nhất. Một tư tưởng chăm chú chuyên nhất, ấy là một tư tưởng chân chánh. Cuối cùng, tư tưởng chân chánh sẽ dẫn đến hành động chân chánh khiến được tái sanh nơi Cõi Sạch (Tịnh-độ).
Trong một khía cạnh khác, từ ngữ “chỉ một lần duy nhất” ở đây không xác định việc tập trung tư tưởng đạt được bằng cách thiền quán về tướng hảo của Phật, hoặc lập đi lập lại danh hiệu A Di Đà rất nhiều lần.
Nói một cách thích đáng hơn, từ ngữ  “chỉ một lần duy nhất” có nghĩa là, tư tưởng và sự tu tập mà nhờ đó, người ta sẽ đạt được sự tái sanh nơi Cõi Sạch trong một khoảnh khắc duy nhất và lưu trú nơi đó với một hạn kỳ lâu dài.    
Nam mô A Di Đà Phật

III.- ĐỨC TIN
THUẦN KHIẾT

Đức Tin thuần khiết, đó là một niềm tin sâu thẳm và rộng lớn, do năng lực Bản Nguyện của A Di Đà mang lại cho chúng ta trong khi Ngài cứu độ tất cả chúng sanh. Đức Tin này được khơi dậy trong “Đại Nguyện xác quyết rằng, nếu có người nào thường xuyên nghĩ nhớ đến Phật, thì chắc chắn được tái sanh nơi cõi Tịnh-độ” (Đại Nguyện thứ 18),  cũng được gọi là: ”Đại Nguyện đoan quyết Tấm Lòng Chân Thành và Đức Tin Trong Sáng”. Hay còn gọi là: ”Đại Nguyện khơi dậy lòng tin với ý nguyện thực hiện tái sanh nơi Cõi Sạch”.
Đối với chúng ta, những chúng sanh tầm thường và căn cơ thấp kém, quả thật là vô cùng khó khăn để đạt đến Lòng Tin thuần khiết, lại càng khó khăn hơn nữa để thực hiện cứu cánh tối hậu. Tại sao như thế?
Bởi vì chính chúng ta không biết chuyển hóa công đức tu tập vào chiều hướng tái sanh nơi Tịnh-độ, do đó chúng ta vẫn còn bị rối rắm trong mạng lưới nghi ngờ. Chắc hẳn vì điều này mà đức Phật phải giúp đỡ chúng ta bằng diệu lực cao thượng của Ngài.
Với chủ ý tạo ra một nhân tố ban đầu, đức Phật đã dang rộng đôi tay để cứu vớt chúng ta bằng năng lực Đại Từ Đại Bi và Trí Tuệ Vô Hạn, khiến chúng ta gặt hái được Lòng Tin thuần khiết và chân thật. Người nào có được Lòng Tin như vậy thì thật là kiên cố, không gì lay chuyển nổi. Lòng Tin như thế, khiến sự nghiệp hành trì sẽ không biến thành hư ngụy, giả dối.
Hãy nhận thức đúng đắn về điều này: nhờ vào một Đức Tin như thế, thì mục tiêu tối thượng và vi diệu sẽ dễ dàng đạt được - nhưng, làm thế nào để sở hữu một đức tin chân thật và thuần khiết mà ngay tự thân chúng ta thật khó thủ đắc nổi?

(GHI CHÚ từ bản Pháp-ngữ của dịch giả JEAN ERACLE :
Thật vô cùng khó khăn cho nhân loại trong việc từ bỏ năng lực bản thân để phó thác hoàn toàn vào diệu lực được xác định bởi Bản Nguyện A Di Đà, với lòng tin cậy tuyệt đối.
Nhân loại cũng khó khăn trong việc từ bỏ thành kiến sai lầm, ấy là đòi hỏi những nỗ lực gắt gao, những công phu tu tập lâu dài và phải tích lũy công đức dồi dào, rồi mới đạt được Chứng Ngộ Tối Thượng. Thật ra, sự chứng ngộ tối thượng chỉ là sự vận hành tức thời của Tâm - Rất giản dị : không cần tìm kiếm giờ Ngọ vào lúc 14 giờ.
Điều ấy xảy ra rất đơn giản, thậm chí quá  mức  đơn  giản, vì là con người - ai cũng thường nghĩ rằng mình đủ khả năng thực hiện quá nhiều việc, dễ dàng bắt nắm mục đích, rồi thì, khi đụng độ sự việc trước mắt: tất cả đều bị đảo ngược lại!
          Chính vì ham hố tom góp những kết quả cụ thể trên ván bài thế tục, mà những nỗ lực hoặc đôi khi là những kỷ luật nghiêm ngặt có vẻ như là cần thiết - nhưng sự Chứng Ngộ Tối Thượng được tượng trưng bởi cõi Tịnh-độ, thì hoàn toàn vượt lên trên mọi tầm nhìn cạn cợt của thế gian. Đức Tin của Niệm Phật sẽ khiến chúng ta đạt được Chứng Ngộ Tối Thượng một cách trực tiếp, thẳng tắt.)
Kẻ nào nhận lãnh Đức Tin chân thật và thuần khiết, sẽ cảm nghiệm một rung động cao độ của sự hoan lạc, và điều này đã được trình bày trong bản kinh Sức Sống Không Cùng Tận như sau:
          Bất cứ người nào có được Tấm Lòng Chân Thành và Ước Vọng tái sanh nơi Xứ Sở cuả Thanh Bình và Hạnh Phúc, thì có khả năng giác ngộ bởi trí tuệ và đạt được Thành Tựu Tối Thượng - và Như Lai nói người ấy được trang bị một tri kiến bao la và thắng diệu.
          Như vậy, chúng ta hẳn nhiên sẵn có một phương tiện siêu thắng để bước ra khỏi nghi ngờ và đón nhận Đạo Lý, một phương thức chuẩn xác để thu hoạch nhanh chóng sự hòa điệu hoàn toàn, một tinh túy của vĩnh cửu, và cả sự bất diệt: ấy là Đức Tin  thuần khiết, bao la, và tràn đầy phẩm chất cao thượng.
Chắc chắn rằng, phải tham dự vào sự thực hành, hoặc hòa nhập vào Đức Tin thuần khiết - chẳng còn lại gì trong chúng ta, nếu chúng ta không phát khởi từ Bản Thể Thuần Khiết của Phật A Di Đà, được thể hiện qua đại nguyện của Ngài.

          Không có gì gọi là ngẫu nhiên, hoặc là do một nguyên cớ khác, mà ta có thể sở hữu một Đức Tin như vậy. Chỉ có vậy thôi!    

No comments:

Post a Comment