IV.- CHỨNG NGỘ
Phật A Di Đà cưú độ chúng sanh
bằng cách đưa chúng sanh đến Chứng Ngộ, đó là kết quả vi diệu mà Bản Nguyện của
Ngài phải thực hiện cho kỳ được mới thôi.
Sự chứng ngộ này được khơi dậy
trong “Đại Nguyện khiến mọi người đạt
được sự giải thoát cần thiết” (Đại Nguyện thứ 11). Cũng gọi là: ”Đại Nguyện
làm cho tất cả chúng sanh thực hiện được Đại Niết Bàn”. Hay còn gọi là: ”Đại
Nguyện thọ ký quả vị giải thoát bao gồm việc được tái sanh nơi Tịnh-độ”.
Sự chứng ngộ này là Thuần Khiết, Chân
Thật, Cứu Cánh Tối Hậu, Toàn Giác, là Vô Sanh, và Niết Bàn Tối Thượng.
Trong một đoạn nói về sự thực hiện Bản
Nguyện, kinh Sức Sống Không Cùng Tận ghi:
“Tất cả chúng sanh được tái sanh nơi cõi nước Cực Lạc kia,
đều ở vào nhóm người tu học thiền định chân chính theo Phật-đạo (chánh định
tụ), chẳng thối đọa, chẳng dứt lìa các căn lành, dần dần sẽ được chứng ngộ. Vì sao?
Bởi vì ở cõi Phật kia, không có nhóm người tu học theo tà
giáo, dị đoan, tà kiến, phạm tội ngũ nghịch (tà tụ). Và cũng không có nhóm
người thiếu quyết định là chân chánh hay tà ngụy (bất định tụ).
Khi diễn tả về nếp sống và hình
thức sinh hoạt của các cư dân ở Tịnh-độ, bản kinh ấy ghi như sau :
“Đó là để phù hợp với cách thức
sinh hoạt của các thế giới ở cõi Ta-bà, mà đức Thích-Ca phải
diễn tả nhân dân ở Cực Lạc bằng các khái niệm thông thường như “Trời,
Người ở Tịnh-độ…“. Thật ra, mỗi cư dân ở cõi tịnh-độ đều có khuôn mặt cân đối,
tư cách đoan chánh, vượt trội hẳn thân thể loài Trời, loài Người nơi cõi này.
Cư dân ở Cực Lạc tịnh-độ đều có khả năng dị thường, không phải nhân loại mà
cũng không phải phi nhân. Tất cả đều có thân thể tự nhiên phi vật chất tựa như
hư không, và họ có thể sử dụng rất nhiều hình thái sinh hoạt (gần như vô giới
hạn)”
Khi mô tả tình trạng của những
người sắp sửa tái sinh nơi cõi Phật, kinh ghi rằng:
“Không thể chối caĩ rằng: vào lúc lâm chung, người ấy được
tái sanh vào Tịnh-độ, phải vượt qua năm cảnh giới xấu ác, và năm cảnh giới xấu
ác này tự nhiên khép cửa lại. Rồi y thẳng bước tiến lên, chẳng
còn bị bất cứ ai ngăn cản. và y được giải thoát,
không còn một điều gì có thể trói buộc nổi. Nơi cõi Phật kia, không có sự mâu
thuẩn, đối kháng, và ai nấy đều tự nhiên hòa hợp nhau”.
Qua những lời thuyết giảng của
Phật và chư vị tổ sư, chúng ta thấy rõ rằng, chúng ta là những hiện hữu tầm thường và tràn đầy tham dục,
đồng thời cũng là những đám đông sinh vật dơ bẩn do những hành vi bất
thiện, đời đời quay cuồng theo hiện tượng sống chết liên tục -
chúng ta phải đón nhận sự thực hành niệm Phật với đức tin, phù hợp ý
nguyện A Di Đà sẵn đủ năng lực dẫn dắt chúng ta trở về Cõi Sạch. Song song với
việc này, chúng ta sẽ được an lập trong nhóm người tu tập thiền định chân
chánh, tương tự như thành tựu địa vị Bồ-tát của Đại-thừa (Bất Thối Chuyển).
An
trú trong nhóm người tu tập thiền định chân chánh, thì chắc chắn đạt đến giải
thoát. Chắc chắn đạt đến giải thoát ấy là
thường xuyên an trú trong hạnh phúc tâm linh. Thường xuyên an trú trong hạnh
phúc tâm linh, ấy là Đại Niết Bàn. Đại Niết Bàn chính là kết quả phát sanh
từ nguyện lực A Di Đà, bằng cách giáo hóa và cải biến tâm linh chúng sanh để
cứu độ tất cả.
Ngay
trong thân thể vật chất của chúng ta, chúng ta tự phát hiện một thân thể tâm
linh, gọi là Pháp-thân. Pháp-thân chẳng phải là một sản phẩm nhân tạo, mà là
bản chất cốt lõi của Thành Tựu Viên Mãn. Thành Tựu Viên Mãn chính là Diệt Tận.
Diệt Tận chính là chấp nhận thực tại. Chấp nhận thực tại, ấy là
thấu suốt được bản thể của mọi sự vật. Thấu suốt được bản thể của mọi sự
vật, ấy là an trú trong sự chân thật. An trú trong sự chân thật, ấy là: chỉ
hiện hữu trong tri kiến Như Thị.
Cũng
vậy, vấn đề là nguyên nhân hoặc vấn đề là kết quả - đều không đáng đặt ra. Vì không có một cái
gì hiện hữu ở trong chúng ta khi nó không được bắt nguồn từ Trái Tim Thuần
Khiết của A Di Đà đang thể hiện Bản Nguyện của Ngài. Chính vì nguyên nhân là
thuần khiết, tinh sạch, thì cũng như thế, kết quả sẽ được thuần khiết, tinh
sạch.
Chỉ
có vậy thôi!
* * *
(GHI
CHÚ
của
Jean Eracle trong bản tiếng Pháp :
Niết-bàn
thể hiện Đức Tin của Niệm Phật, là một trạng thái thuần khiết, bởi vì nó không
trộn lẫn với bất cứ mảy may nào của vết nhơ dục vọng. Nó là chân thật, bởi vì
nó chứa dựng tri kiến Như Thật về các hiện tượng thế gian.
Niết-bàn là cứu cánh tối hậu, bởi vì, từ bên trong nó có
thể tiến đến chỗ đồng nhất hóa với mọi sự vật, không còn mảy may phân biệt.
Nó là Toàn Giác, bởi vì thoát khỏi tất cả dây trói của luân
hồi, không những không còn tái sanh vào thế giới xấu xa mà ngay cả chẳng còn
tái sanh vào cõi Trời hoặc cõi Người, mà nó đã vĩnh viễn chấm dứt sanh tử luân
hồi.
Niết-bàn còn có nghĩa là Vô Sanh, bởi vì
nó không phải là kết quả của bất cứ phương pháp tu tập nào mang tính cách tự
lực.
Niết-bàn là tối thượng, vì nó không còn
mục tiêu nào để sanh khởi, và nó cũng biểu lộ tất cả chư Phật toàn giác, viên
mãn.)
V.- TRỞ LẠI THẾ
GIAN
Ý định thứ hai của đức Phật A Di Đà là khiến chúng ta trở
lại nơi thế gian này, nhằm mục đích làm cho chúng ta trở nên hữu ích bằng cách
giáo hóa chúng sanh và cải biến tâm linh của chúng sanh, trên nền tảng mang lại
sự giải thoát cho tất cả. Ý định này đã khơi dậy chúng ta nơi đại nguyện “khiến
chúng ta chắc chắn đạt đến trạng thái
quyết định của tâm thức”, (Đại Nguyện thứ 22), còn được gọi là “Đại Nguyện
khiến chúng ta đạt được cảnh giới bất sanh bất diệt hoàn toàn (như một vị
Phật). Hoặc còn gọi là: ”Đại Nguyện tỏ rõ
ý định khiến chúng ta trở lại thế gian này”.
Trong một đoạn thuyết giảng về sự thành tựu đại nguyện này,
kinh chép rằng :
“Đức Phật Thích Ca
Mâu Ni bảo :
Này A-nan! Tất cả các
vị Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc kia đều đã đạt đến trạng thái giác ngộ tâm linh bất
thối chuyển, chỉ còn tái sanh một lần nữa để thành tựu địa vị Phật-đà. Ngoại
trừ những vị Bồ-tát đã lập Bản Nguyện riêng, vì chúng sanh mà trở lại thế gian,
đem đại nguyện công đức rộng lớn để tự trang nghiêm, trong mục tiêu giải thoát
tất cả chúng sanh”.
Qua lời dạy của Phật và chư vị Tổ sư, chúng ta thấy rõ
rằng, chính vì lợi ích vô tận và bất tư nghị của Bản Nguyện phát xuất từ Đại Từ
Bi mà chúng ta phải quay trở lại trong cánh rừng dày dặc đầy tham dục của thế
gian, cuối cùng, phải mở đường vạch lối và dẫn dắt tất cả chúng sanh đến giải
thoát rốt ráo.
Rồi thì, chúng ta noi theo những hạnh nguyện toàn thiện
toàn hảo của Bồ-tát, rộng phát khởi lòng thương xót đến tất cả sanh linh.
Cũng vậy, dù chúng ta đi đến Cực Lạc để sinh sống, hoặc
chúng ta quay trở lại thế gian, đều không đáng đặt thành vấn đề. Vì chẳng còn
gì hiện hữu trong chúng ta nếu nó không được bắt nguồn từ Trái Tim Thuần Khiết
của Phật A Di Đà đang thể hiện Bản Nguyện của Ngài.
Chỉ có vậy
thôi!
VI.- KẾT LUẬN
Ngày
hôm ấy đã trở thành thời điểm chín muồi tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai
thị về Tịnh-độ. Đó là vụ Đề-bà-đạt-đa xúi giục vua A-xà-thế phạm vào tội ác đại
nghịch. Và tiếp theo, đức Phật Thích Ca khuyến cáo hoàng thái hậu Vi-đề-hy hãy
lựa chọn để chuẩn bị sanh vào một cõi nước Thanh Bình, bởi vì bà hoàng này đang
khắc khoải, tự tra vấn mình tại sao lại bị sanh ra trong một thế giới dơ bẩn
xấu ác như thế này.
Khi
Thân Loan tôi miệt mài trầm tư về sự kiện xa xưa ấy và tư duy bằng tất cả sự
sâu lắng của tâm hồn. Tôi thấy rằng, chính vì rủ lòng từ bi, xót thương đến
Đề-bà-đạt-đa và vua A-xà-thế, mà đức Thích Ca nhân cơ hội này đã khai thị cho
chúng ta về thể tánh thẳm sâu của Trái Tim Thuần Khiết A Di Đà.
Bởi cưu
mang những tư tưởng như vậy, mà tác giả của “Tịnh-độ
Vãng Sanh Luận”, ngài Thiên Thân Bồ-tát đã
bắt tay vào
công cuộc xiển dương Đức Tin Thuần Khiết rộng lớn và không bị ngăn ngại.
Ngài đã rao giảng khắp mọi nơi, rồi hoán cải vô số chúng sanh khổ đau vì nhiễm
ô đủ loại độc tố khác nhau.
Đàm
Loan, người đứng dầu các bậc Thầy của Tịnh-độ Trung Hoa, đã đưa ra ánh sáng một
vấn đề cốt tủy: tái sanh nơi Tịnh-độ và quay trở lại thế gian, đều bắt buộc
phải chuyển hóa chính mình bằng năng lực của Đại Bi.
Với sự thận trọng sẵn có, tổ sư Đàm
Loan đã tuyên bố khắp nơi về ý nghĩa sâu thẳm của từ ngữ “giải thoát bởi năng lực vô biên của A Di Đà” và
“hành động để cứu vớt người khác”.
Năng
lực cải biến và cứu vớt của Thánh Hiền là hướng đến việc giải thoát tất cả
chúng sanh tầm thường và ngu độn như chúng ta. Và tâm hồn rộng lớn cũng như sự
tu tập chỉ có lý do tồn tại trong mục tiêu dẫn dắt những kẻ phạm trọng tội vốn
bị cắt đứt gốc rễ hiền thiện.
Bây giờ, với tất cả mọi người, dù
tu sỹ hoặc là thế tục, Lời Thệ Nguyện bắt nguồn từ Đại Bi chính là chiếc thuyền
vững chắc, đồng thời, Lòng Tin thuần khiết là làn gió thuận lợi, và trong đêm
tối vô minh, thì viên ngọc quý báu của công đức A Di Đà sẽ là ngọn đuốc sáng.
Nếu tâm hồn bạn bị vẩn đục, rối loạn đến nỗi bạn không thể hiểu được những gì
tôi đang nói, thì hãy cùng tôi hiến mình lập tức cho đạo lý Niệm Phật này với
chút tâm tư sùng kính.
Còn
như nếu hành vi hỗn loạn của bạn dường như ra vẻ nặng nề, và bạn chỉ thấy trước
mắt mình đầy rẫy phiền não chướng ngại, thì một đức tin Niệm Phật như thế này
sẽ hủy diệt tất cả những u mê ám chướng đến tận gốc rễ.
Trải
qua vô lượng kiếp sống, than ôi, thật khó khăn làm sao khi phải nỗ lực buộc
chặt mối liên hệ gần gũi với Bản Nguyện A Di Đà. Con người liều lĩnh bạt mạng
đến nỗi dám chối từ Đức Tin thuần khiết và chân thật suốt cả trăm ngàn tỷ năm.
Nếu giờ đây, bạn bỗng móng khởi một ý niệm tin cậy vào Bản Nguyện A Di Đà mà
reo mừng hớn hở, thì phải biết rằng, bạn đã từng gieo trồng nhiều nhân duyên
tuyệt diệu từ một quá khứ xa xăm.
Nếu đức
tin của bạn đang ở trong tình trạng bị che lấp bởi mạng lưới nghi ngờ, thì bạn
sẽ phải chịu trách nhiệm về sự nghiệp tâm linh của bản thân, trong vô lượng
kiếp sống kéo dài suốt vô số tỷ tỷ năm.
“Tất cả những người niệm Phật thì
thường xuyên được bảo bọc và che chở bởi chư Phật và họ không bao giờ bị bỏ rơi
cả”: đây là một nguyên lý chân thật và đúng
đắn biết dường nào, và nguyên lý này hiển nhiên gây nên nhiều ấn tượng mãnh
liệt, chẳng khác chi đức Thích Ca đã từng khẳng định:
“Chỉ cần một
bước nhảy thần tốc, thì người ta đã tức khắc đi thẳng vào Miền Đất Trong Sạch
bằng danh hiệu Nam
mô A Di Đà Phật”.
Hạnh
phúc thay cho con, khi con trầm tư sâu sắc về bản thân, gã trọc đầu ngốc nghếch!
Con đã từng gieo trồng những hạt giống Đức Tin trên cánh đồng ngút ngàn của đức
Phật, nhờ nương vào Bản Nguyện siêu việt, rộng khắp và vô lượng quyền năng! Bởi
vì dòng nước tham dục của con đã tự tan biến trong biển cả Chánh Pháp vượt trên
mọi tư duy và mô tả. Con xin ngợi ca giáo lý
mà con đã được nghe, và xin reo
mừng phấn chấn về những phước lạc mà con đã nhận lãnh được.
Con xin tập hợp những lời dạy xác thực
của Phật, và công bố những chú giải của
các vị tổ sư, chỉ để tỏ lòng kính ngưỡng Đấng Thế Tôn Tối Thắng, và để cảm mộ
ơn đức cao sâu phát khởi từ lòng thương yêu rộng lớn, cao thượng và không phân
biệt của Ngài.
No comments:
Post a Comment