Blogroll

Wednesday, April 16, 2014

Chứng ngộ và Vãng sanh Cực Lạc

Chứng ngộ và Vãng sanh Cực Lạc   



Điểm đến của người tu học Phật thường là Chứng ngộ, đắc đạo. Nhưng tại sao gần đây ta cũng hay nghe nói Vãng sanh Cực Lạc như một kết quả cho việc hành trì. Vậy, Chứng ngộ và Vãng sanh Cực Lạc khác nhau thế nào, và có gì chống trái giữa 2 từ ngữ ấy. Chúng tôi không ngại sức học kém cỏi, xin trình bày kiến giải cạn cợt của mình, mong các vị cao minh vui lòng chỉ giáo. Đa tạ.

LỜI THƯA:
Vãng sanh là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi và thường xuyên, là mục tiêu chân chánh và khẩn thiết nhất của những người hướng đến đạo giải thoát và là ước mong nhiệt thành của hành giả Niệm Phật, sau những năm tháng tu tập.
Trong giáo lý Nguyên thuỷ, để xiển dương năng lực thọ trì Bát quan trai, kinh điển Nikaya ghi rằng: “ Một Phật tử nọ sau khi thọ trì Bát quan trai nửa ngày, đi ra khỏi tịnh xá và bị xe bò húc chết. Đức Phật tuyên bố rằng, ông ta được thác sanh lên cõi Trời, nhờ vào công đức thọ bát quan trai dù chỉ một buổi”. (Đức Phật và Phật pháp, của Ngài Narada, Phạm Kim Khánh dịch)
Rải rác trong kinh điển Nguyên Thuỷ, chúng ta thấy đức Phật thường nhắc đến Cõi Trời như một phần thưởng cho các đệ tử tại gia. Trong buổi sơ khai của đạo Phật, biết dân chúng vốn có thói quen của Bà la môn, (tập quán ưa thích sanh lên cõi trời) nên đức Phật đã khuyến dụ họ bằng những kết quả thực hiện Bát quan trai thì được sanh Thiên (sanh lên cõi trời). Thật ra, ngay khi rời Bồ-đề đạo tràng, Ngài đã xác quyết mục tiêu là con đường diệt tận khổ đau, phiền não và giải thoát chúng sanh khỏi luân hồi trong 3 cõi, cho nên giáo lý “sanh Thiên” chỉ là giáo lý tạm thời.
Do đó, nhiều Phật tử đã nhầm lẫn rằng, “Vãng sanh Cực Lạc” có ý nghĩa tương tự như thác sanh lên cõi Trời (thiên đường), nhưng có thể là một thiên đường khác! Nhiều người cho rằng, cõi Cực Lạc chính là phát triển từ cõi trời Ngũ Bất Hoàn Thiên (là 5 loại cõi trời dành riêng cho A-Na-Hàm, người chứng quả Bất Lai sẽ được tái sanh nơi đó và không bao giờ trở lại thế gian nữa).
Ngay cả một số người theo pháp môn Tịnh độ cũng vậy, họ nhận thức cuộc đời khổ não, giả tạm, chỉ đưa đến những kết quả ngoài ý muốn, nên họ phát tâm tịnh tu để lúc lâm chung, được Phật rước về sống nơi an vui vĩnh hằng!
Thái độ này vẫn còn nhiều sơ sót. Lý do: thứ nhất,vẫn tỏ ra mình chưa hiểu mấy về ý hướng chân chánh của Phật khi ban tặng pháp môn Tịnh độ và danh hiệu A Di Đà cho tất cả chúng ta! Thứ hai, trong khi thực hành niệm Phật, họ đã quên gắn bó Bồ Đề tâm vào thái độ sống của mình. Mà kinh Hoa Nghiêm dạy: “Quên mất bồ đề tâm mà tu hành các thiện pháp, thì đó là hành động theo ma vương”. Thứ ba, đạo Phật không phải là một tôn giáo thần quyền luôn hứa hẹn một cõi thiên đường khoái lạc sau khi chết để ru ngủ tín đồ, như lắm người lầm tưởng!
Do những khúc mắc như vậy, chúng tôi xin sưu tầm những kinh sách hiện có trong tay, để tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ “vãng sanh Cực Lạc”, thì cũng không phải việc vô ích. Và kính mong sự góp ý của chư vị thiện hữu tri thức.
“Vãng sanh Cực Lạc” có nhiều ý nghĩa:
1.- Cực Lạc là cõi Tâm Linh, vãng sanh là đi về Cõi Tâm Linh
Có thể nói rằng, đạo Phật là đạo Tâm, cho nên cõi lý tưởng của nhà Phật tạm gọi là cõi Tâm. Cõi Tâm không có địa chỉ, chỗ đến (không phương sở), không tên gọi, không thể đo đạc, ước lượng được, chỉ cảm nhận mà thôi ...
Mà tâm rộng lớn như hư không, bao trùm cả pháp giới và nói nhỏ thì nhỏ hơn hạt cải. Muôn sự không ngoài tâm. Điều này dường như khó hiểu đối với những người duy lý, những người tìm hiểu mọi sự qua suy luận, bằng cứ cụ thể, xác đáng. Đó gọi là “không thể nghĩ và bàn”, nghĩa là vượt lên trên mọi suy tư và diễn tả. Hình như cái gì gọi là Tâm Linh thì ta không thể sử dụng bất cứ phương tiện thế gian nào, ngoại trừ cái trực cảm của mình và Cơ Duyên của mỗi người.
Thân Loan (tổ sư Tịnh độ Chân tông Nhật Bản) cũng nói rằng: Cõi Cực Lạc của A Di Đà không phải là một thế giới vật chất được tìm thấy giữa các thiên hà xa xôi, mà chỉ là một trạng thái thanh bình hạnh phúc thực sự cuả Tâm Linh, vượt lên trên tất cả  tư duy và diễn tả cuả thế gian tầm thường. (Tìm hiểu về Tịnh độ Chân tông, Jean Eracle, Editions de Seuil, 1994)
Như vậy, vãng sanh Cực Lạc nghĩa là sanh về cõi của tâm linh tức thế giới của Phật, Bồ-tát.

3.- Vãng sanh Cực Lạc là tên gọi khác của từ ngữ “đi vào Niết-bàn”.
Theo lời dạy của đức Phật, Niết Bàn đâu phải là 1 chỗ dành cho các linh hồn trú ẩn? Niết Bàn là trạng thái Giác Ngộ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đạt Niết Bàn khi giác ngộ, tại ngay thế gian này. Sau đó nhiều đệ tử của Ngài (Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề, Ma ha Ca Diếp, Mục Kiền Liên, A Nan ...) cũng đạt Niết Bàn, đươc gọi là A la hán, ngay khi còn sống.
Tổ Huệ Năng (Lục Tổ Trung Hoa) xác định Niết Bàn nằm ngay trước mắt ta. Người tu Thiền ở Nhật Bổn (Zen) đi từ trạng thái giác ngộ (satori) này đến giác ngộ khác, khi còn sống. Mặt khác, đạo Phật cũng có một trú xứ gọi là Cực Lạc của Phật A Di Đà, dành cho những tâm linh niệm Phật trước khi lâm chung, nhưng không phải là thiên đàng như mọi người hiểu.
Người tu Tịnh Độ chỉ hướng vào Cực Lạc cũng như đắc Niết Bàn. Thật ra, chỉ khác nhau tên gọi chứ không khác nhau ở nội dung giải thoát. Vãng sanh Cực Lạc tức là cách nói khác của “nhập Niết-bàn”.
Vấn đề là, ở đây Niết-bàn cấp độ nào, trình độ nào … thì tuỳ thuộc việc tu chứng của từng cá nhân, dịp khác sẽ trình bày sau.
4. – Vãng sanh Cực Lạc theo tông Tịnh độ
Trong lời tựa bản dịch cuốn “Hai thời công phu” ngài Trí Quang thượng nhân viết (khá cô đọng!):
“Người tu pháp môn niệm Phật Tịnh độ thì hoặc sinh Cực Lạc rồi trở lại hoá độ ta-bà trước hết, hoặc sinh Cực Lạc ngay nơi ta-bà mà hóa độ trước, mặt nào cái nguyện sinh Cực Lạc cũng là vì thế giới ta-bà này, nên tôn giả A-nan đã nói, “ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”.
Như vậy, vãng sanh Cực Lạc luôn luôn có 2 ý nghĩa: chứng ngộ và giải thoát. Bởi vì đó là cốt lõi của đạo Phật, cho nên vãng sanh tức là: một, chứng ngộ và giải thoát ngay lúc lâm chung, gọi là lâm chung vãng sanh, hai, chứng ngộ và giải thoát ngay trong đời sống hiện tại, gọi là hiện tiền vãng sanh.
a).- Lâm chung vãng sanh: Chứng ngộ và giải thoát ngay khi lâm chung, nghĩa là:
Vãng sanh nghĩa là từ bỏ thân xác phàm phu nghiệp báo này, để tái sanh trong cảnh giới an lành của Cực lạc Tây phương. Mà Cực lạc Tây phương là nơi an trú của Phật, Bồ-tát, với những thuộc tính Đại Từ Bi, Đại Trí Tuệ, Đại Giải Thoát, Đại Nguyện Lực…
Cho nên cõi ấy không bao giờ là chốn yên nghỉ cho những tâm hồn sật sờ ngái ngủ, bệnh hoạn, mà ngược lại, đó là nơi tập kết của các tâm hồn thao thức, có chí rộng lớn, cường liệt, nhiệt thành, để cùng nhau tu tập dưới sự hướng dẫn và hộ trì của Phật, Bồ-tát.
Hơn nữa, Cực lạc Tây phương mãi mãi còn là một thao trường vĩ đại để chúng ta rèn luyện bồ-đề tâm, bồ-đề nguyện trước khi bước vào con đường độ sanh vô cùng dài xa và khó nhọc.
An Lạc Tập, quyển 1, ngài Đạo Xước ghi: “Hiện nay là đời có năm thứ trược ác, con đường tu tập của các bậc thông tuệ, giới đức (thánh đạo môn) thì nghĩa lý sâu xa, khó thực hành, không hợp thời cơ, chỉ có Tịnh Độ Môn (con đường tu tập bằng Đức Tin) là đạo lý quan trọng mà mọi người có thể cùng vào. Với lòng đại từ bi, đức Phật khuyên chúng sanh nên cầu sinh Tịnh Độ: dù cho một đời tạo ác, nhưng lúc lâm chung mà định ý, chuyên tâm, mười niệm liên tục tiếp nối nhau mà xưng danh hiệu Phật, thì tất cả chướng nạn được tiêu trừ, nhất định được vãng sanh. Đây thuộc về tha lực dị hành đạo”.
Ngài “Thật Hiền” Tỉnh Am đại sư, vị tổ sư 11 của Tịnh Độ Trung Hoa, dạy rằng: “Tu hành tại cõi thế gian này thì sự tiến đạo rất khó. Vì là khó, cho nên lắm kiếp chưa chắc đã hoàn thành. Vãng sanh cõi Cực Lạc thì sự thành Phật cũng dễ. Vì là dễ, cho nên một đời chắc chắn sẽ thực hiện được. Thánh giả ngày xưa, hiền nhân ngày trước, ai cũng quay đầu hướng về Tịnh Độ. Kinh cả ngàn, luận cả vạn, văn bản nào cũng chỉ lối cho chúng ta đến Tây phương".
Huống chi đối với hạng phàm phu chúng ta, thì vãng sanh Cực Lạc phải là con đường tất yếu vậy.
b) Hiện tiền vãng sanh:
Nghĩa là chứng ngộ và giải thoát ngay khi còn sinh hoạt với tư cách một người bình thường. Khi còn đang mang xác thân nghiệp báo của con người mà đã giải thoát và chứng ngộ rồi, mặc dù thân còn ở đây nhưng tâm đã ở Cực Lạc.
Theo giáo sư Suzuki, trong tác phẩm Thiền Luận, thì vãng sanh là cải biến tâm linh, chuyển hoá tâm thức. Trong thế gian hỗn loạn và dơ bẩn này, từ thân tâm cho đến môi trường sinh hoạt, không có cái gì là chẳng bị nhiễm ô. Mục tiêu chân chính của đạo Phật vẫn là giúp chúng ta cải biến tâm thức của mình, vì khi tâm thức được chuyển hoá thì mọi sự sẽ được chuyển hóa ngay lập tức, và hành giả sẽ đạt Tam-muội (Sâmadhi) ngay trong đời sống.
Đối với những người đầy đủ cơ duyên, thì họ có thể vãng sanh ngay trong đời sống hàng ngày, tuy báo thân vẫn còn quanh quẩn trong thế gian này nhưng tâm thức đã là người Tịnh độ.

5.- Theo ngài Suzuki:
“Chứng tam-muội và vãng sanh là một”.
Cuốn sách Thiền Luận nổi tiếng thế giới vì đã đem nhiều người Âu Mỹ đến ngưỡng cửa Thiền, tác giả Suzuki là một nhà nghiên cứu đồng thời cũng là người tu thiền, đã viết:
Thật ra, tam-muội và vãng sanh là một, nhưng được mô tả theo 2 cách khác nhau. Nhưng vì tam-muội có thể đạt được trong đời sống này, còn vãng sanh có thể đạt được sau khi lâm chung. Nên phải nói tam-muội đồng nghĩa với vãng sanh theo một chiều hướng hoàn toàn đặc biệt, tức là chúng ta không nên coi vãng sanh như một biến cố khách quan và tuỳ thời, mà là một thứ đoan quyết chủ quan của những gì chắc chắn phải diễn ra. Nếu vậy, vãng sanh chỉ cho sự tái tạo tâm linh, và theo đó, có thể cho là đồng nhất với tam-muội.
Lòng tin phải được thiết lập vững chãi bằng sự thể hiện tam-muội, tin tưởng vào bản nguyện của Phật A Di Đà, nhờ đó hành giả vững tin vào số phận tương lai của mình. Bởi vì tam muội được chứng đắc khi mà tâm hành giả hoàn toàn hợp nhất với tâm của Phật A Di Đà, ý thức nhị nguyên hoàn toàn bị xoá bỏ. Đây là một kết luận phải đến, không những chỉ ở luận lý, mà cả trên phương diện sự thực. Rồi ra, tất cả kiến trúc của triết lý đạo Phật được đặt trên nhất nguyện luân duy tâm; mà thực tại luận của Tịnh độ cũng không thể biệt lệ.
“Ta thấy rằng, niệm Phật hay danh hiệu hay nam mô A Di Đà Phật, là tâm điểm của đức tin. Khi thể nghiệm được điều này, kẻ sùng mộ đạt được “sự kiên cố của đức tin” ngay cả trước khi hắn thực sự được vãng sanh Tịnh độ. Vì vãng sanh Tịnh độ không còn là một biến cố sau khi chết, mà vãng sanh ở ngay trong cái “thế gian giới” này, các thế giới của những đặc thù này”. (Thiền Luận II)
           
            6.- VÃNG SANH HAY CHỨNG NGỘ ?
Theo đại sư Chang Chen Chi (tức Trương Thiền Trí) là một thiền sư, tác giả cuốn Thiền đạo tu tập, thì:
            “Đức bổn sư thường dạy chư vị tỳ kheo phải buộc tâm ý vào sáu chỗ buộc niệm, đó là Lục Niệm Xứ: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Từ chỗ buộc niệm này, người tu dần dần đi sâu vào chánh định Như Lai, tức là niệm Phật tam muội. Lúc ấy, chúng ta muốn gọi trạng thái giải thoát ấy là gì cũng được, quan trọng chi đâu? Có thể gọi là Đốn Ngộ, vãng sanh, giải thoát, chứng quả, thành đạo, … đều được cả.”
            Gần đây, nhiều người có đầu óc phân biệt môn phái, thường rạch ròi giữa Thiền và Tịnh độ. Thật ra, về bản chất và điểm đến, thì hai pháp môn này không có gì chống trái nhau, vì cùng phát xuất từ một gốc chứng ngộ và giải thoát như nhau, chỉ khác phương thức tu trì mà thôi.
Đại khái, Thiền chủ trương “Tức tâm tức Phật”, trong khi Tịnh Độ chủ trương “Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật”, như vàng ròng và vàng trang sức, tuy khác mà không khác, chỉ khác ở tên gọi và cách thể hiện bề ngoài. Còn nội dung đều là pháp tu chứng của nhà Phật cả, thì có gì đáng bàn đâu?
Hãy nghe lời dạy của Hư Vân hòa thượng khi ngài trả lời học giả John Blofeld.
Ông John Blofeld là một người Tây Âu đã lưu trú Trung hoa nhiều năm để tu học, quen thói phân biệt chia chẻ, cho nên ông ta đã cho rằng Tịnh độ và Thiền là hai pháp môn hoàn toàn khác nhau, mà cái gì khác nhau thì không thể dung nhiếp lẫn nhau và hỗ trợ nhau trong việc hành trì (!). Ông ta đã may mắn diện kiến Ngài Hư Vân và đã nghe Ngài giải thích cặn kẽ như sau:
"... khi những dân quê hiền lành chất phác đến nghe ta nói pháp, phải chăng ta sẽ giảng cho họ nghe về Thực Tại Vô Ngã? Về Tánh Không? hay con đường Bất Nhị? Những điều này có nghĩa gì đối với họ? Phải chăng đó chỉ là những danh từ trừu tượng, trống rỗng, không thể hiểu và chẳng có ích lợi gì.
“Nhưng nếu ta giảng cho họ về đức Phật A Di Đà, về bản nguyện tiếp dẫn của Ngài, về cõi Tây phương Cực lạc, thì họ sẽ hiểu, sẽ tin và phát tâm muốn được sinh về cõi đó. Nếu suốt ngày họ trì niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật này thì khi làm ruộng, khi nghỉ ngơi, khi gặt lúa, lúc lùa trâu về chuồng, họ trì niệm cho đến lúc Nhất Tâm Bất Loạn, thì cái ảo ảnh nhị nguyên của vô minh, cái tâm phân biệt có chúng sanh có chư Phật, sẽ chấm dứt và họ sẽ chứng ngộ thực tại mầu nhiệm ngay. Dù người ta gọi đó là Vãng sanh Cực Lạc, gọi là Chứng ngộ, “tha lực tiếp dẫn của đức A Di Đà”, gọi là Thiền, hoặc gọi là Nhất Tâm, thì điều này có gì khác biệt đâu?
Cái khả năng giải thoát mà người ta cho rằng vốn ở bên ngoài (tha lực), thật ra vẫn ở bên trong (tự lực), lúc nào cũng vẫn sẵn có kia mà!” Trích THE WHEEL OF LIFE của tác giả JOHN BLOFELD, Nguyên Phong dịch Ngọc sáng trong hoa sen)
           
7.- KẾT LUẬN        
Tóm lại, chúng ta tạm thời có thể nói: Thiền là pháp tu của những người sống bằng giới định. Còn Tịnh độ là pháp tu của những người sống bằng tín tâm. Cho nên từ ngữ vãng sanh của Tịnh độ có ý nghĩa tương tự như từ ngữ Chứng ngộ của Thiền tông, không hai không khác.
Từ lâu nay, Thiền tông và Tịnh độ tông dường như kết hợp với nhau rất nhuần nhuyễn trong hành trì, hình thức, nghi lễ … thể hiện Thiền Tịnh song tu suốt trên 1.000 năm nay tại Việt Nam, nghĩa là từ trước thời Lý Trần. Vả lại, điểm đặc sắc của người Việt Nam là không phân biệt môn tường, bè phái, cho nên khi một nhà sư thị tịch, ta có thể nói: Ngài đã chứng ngộ rốt ráo! Hoặc nói: Ngài đã vãng sanh Cực Lạc: đều thích hợp cả.



Tuesday, April 15, 2014

NHÀ SƯ LÂY LẤT - Châu Thanh cư sỹ

NHÀ SƯ LÂY LẤT
Châu Thanh cư sỹ




Sư có pháp danh pháp hiệu đàng hoàng nhưng chả ai thèm nhớ, người ta chỉ gọi sư là Lây Lất. Đương nhiên, một sự việc chấn động võ lâm như vậy ắt phải phát sinh từ một huyền thoại lâm ly như trong tiểu thuyết. Và... chuyện về nhà sư Lây Lất như thế này:
Dường như thủa nhỏ, sư là một chàng trai nông dân trẻ tuổi, đang đứng lây lất bên cạnh chòi vịt thì thình lình gặp Cụ Cố đi ngang qua trên bước đường hoằng hóa cái đạo cúng kỵ. Chắc hẳn hạp nhãn hay hợp gu sao đó, cụ cố mới bốc ngay về, và cạo đầu cho làm thầy tu cái rụp. Từ đó, sư trở thành một vị tu sĩ chính cống và lại lây lất từ các nhóm tiểu thương ở chợ Đông Ba cho đến Tổ Đình, từ đàn chẩn tế này đến tang ma hiếu hỷ khác. Luôn luôn khẳng định bản chất lây lất của mình bằng nhiều hình thức khác nhau, bằng nhiều thái độ khác nhau. Dưới lốt vỏ nào, sư cũng phải phô trương cái tính cách lây lất siêu đẳng của bản thân.
Sau 1975, sư lại lây lất từ nhóm phản động này đến nhóm phản động khác và kết quả trông thấy trước là sư được Quý Tòa cho mười lăm tấm lịch để thong thả ngồi gỡ chơi!                    
Trong tù, sư lại lây lất từ trại giam này đến trung tâm cải huấn khác, từ viên quản giáo này đến viên quản giáo khác nhưng tính lêu bêu lây lất vẫn không bỏ.
Mãn hạn tù, sư về chùa, lại cạo đầu ra vẻ ăn năn hối cải được chừng dăm bữa, rồi chứng nào lại tật nấy, bản chất lât lất vẫn xứ đèo queo. Sư không hề tham dự một thời khóa công phu nào cả, mà tối ngày bước tới bước lui trong sân chùa, mồm lảm nhảm: ”What’s this? What’s that? I am a doctor. I am a teacher”. Hoặc: ”I am a stupid man”, vân vân...
Bây giờ sư thật sự lây lất giữa cuốn từ điển Anh-Việt và từ điển Việt-Anh, từ cuốn Streamline đến cuốn Headway, ngoài ra chẳng chịu làm việc gì khác. Các chú điệu bắt đầu ớn lạnh vị sư huynh cao tuổi này. Hễ gặp sư từ đằng xa, đã nghe loáng thoáng những tràng tiếng Anh bồi bếp, khiến mọi người đều méo mặt, chịu đời không thấu.
Đêm nọ, sau khi gãy xương sống bởi vì chong mắt theo dõi trận bóng đá trên ti vi, sư lăn ra giường chỏng gọng thở phì phò chẳng biết trời trăng là gì, bỗng thấy một vị tiên áo rộng thùng bay phấp phới, râu bạc dài thòng, khuôn mặt hiền từ và miệng nở nụ cười tươi tắn. Sư mừng rơn, lắp bắp hỏi:
- Có phải Bụt trong cổ tích hay chăng?
Dĩ nhiên là Bụt chứ còn ai nữa, đáp:
Phải, ta là Bụt đây con ạ!
- Con tưởng rằng Bụt chỉ là nhân vật cổ tích mà người lớn bịa ra để gạt bọn con nít khờ khạo, té ra Bụt có thiệt. Ha ha...
Bụt gật đầu, vẫn cười:
- Ta thường hiện hữu sống động như những thứ cụ thể quanh con, vì con bị nhặm mắt nên chẳng thấy đó thôi. Hôm nay ta đến với con để minh chứng cho những bài học Duy Thức vỡ lòng của con ngày xưa...
Sư bĩu môi:
- Con chẳng cần duy thức duy ngủ gì ráo, mà chỉ cần Bụt giúp con thực hiện một điều ước ...
Bụt huơ cây phất trần lên cao:
- Được, con muốn gì nào?
- Con muốn trở thành một người nói tiếng Anh như gió táp mưa sa, viết tiếng Anh nhanh như tàu suốt và đọc sách Anh ngữ mau lẹ như máy bay phản lực vậy. Không hiểu Bụt có khả năng giúp con hoàn mãn ý nguyện hay chăng?
Bụt phẩy cây phất trần nhè nhẹ:
- Ồ, dễ ợt. Con sẽ được như ý!

***
Đúng 3 giờ rưỡi sáng, khi tiếng đại hồng chung bắt đầu dóng dả thì sư cũng vừa choàng dậy. Lập tức, sư tuôn ra từng tràng tiếng Mỹ liên tục, khiến các chú điệu không khỏi sửng sốt.
Cả chùa bèn xúm xít vây quanh như người ta bu quanh một đoàn xiếc lưu động. Ai nấy lấy làm lạ lùng kinh dị hết sức, chẳng hiểu đây là điềm gì. Thừa thắng xông lên, sư tiếp tục xi lô xi la không ngớt.
Cuối cùng, sư trụ trì giá lâm. Nhìn người đệ tử yêu quý đang phát ngôn bừa bãi một thứ ngoại ngữ hiện đang ăn khách nhất thiên hạ, sư trụ trì lấy làm hài lòng, gật gù:
- Thằng này được đây. Có lẽ lâu ni học học và luyện tiếng Mỹ dày công, nay đã tới lúc thành tựu. Chiều ni có đoàn khách tham quan toàn là người Mỹ, đựoc dịp để nó trổ tài xem sao!
Từ đó, sư Lây Lất chính thức đảm nhiệm chức vụ phiên dịch của chùa, trở thành kẻ thông ngôn thứ thiệt cho thầy mình mỗi khi tiếp xúc với người ngoại quốc.
Tiếng lành đồn xa. Các chùa khác mỗi khi liên hệ với khách nước ngoài, đều đến nhờ cậy khả năng thông ngôn của sư. Gặp mùa du lịch rôm rả, công việc bộn bề tíu tít, khiến sư bận rộn đến nỗi quên ăn bỏ ngủ, và dĩ nhiên không bao giờ rớ tới hai thời công phu nữa.
Sở du lịch phát triển lớn mạnh đương nhiên cần thêm nhiều nhân viên tài năng, và sư được tuyển mộ làm nhân viên, lương tháng đàng hoàng, cấp xế nổ chạy phom phom. Hoàn cảnh bắt buộc sư phải ăn vận đồ Tây, giày da bóng loáng mỗi khi đi làm việc. Chỉ lúc về chùa mới khoác áo nhật bình.

Danh tiếng sư nổi như cồn. Khắp thành phố ai nấy đều biết đến nhà sư thông thạo tiếng Mẽo hơn tiếng mẹ đẻ và làm mọi công tác phiên dịch một cách rành rọt hơn cả những tay thông ngôn cừ khôi. Điều này khiến sư trụ trì nở mày nở mặt, cũng như nhà chùa không khỏi thơm lây.
Mặc dù được mọi người o bế ngày đêm, nhưng sư vẫn không hài lòng. Cứ mỗi lần đưa tay sờ chiếc đầu trọc lóc bình vôi của mình, sư lại thở dài. Phiền muộn. Tiếc hận.
Nỗi buồn bực của sư kéo dài như thế cho tới hôm nọ...
Một lần nữa, Bụt lại xuất hiện.
Trong mơ, sư mừng rú lên:
- Bụt đấy ư? Con đang chờ mong ngài thì ngài đến. Sung sướng quá đi thôi...
Bụt cười hiền:
- Ngươi lại đòi hởi gì nơi ta?
Sư ngước đôi mắt khát khao:
- Con muốn Bụt giúp con lần nữa...
- Con quá tham lam không nhỉ? Trước đây con mơ ước làm một gã thông ngôn, thì ta đã giúp con toại nguyện, như thế con chưa vừa lòng ư?
Sư thở dài sườn sượt:
- Kẹt một nỗi là tuy con viết và nói tiếng Anh nhanh như gió, nhưng vẫn bực bội vì con còn mang xác thân thấp lè tè, lỗ mũi xẹp lép của người Việt Nam. Đó là một thiệt thòi lớn cho con...
Bụt bỗng nhiên bật cười:
- Ha ha, ta hiểu rồi, ha ha... Con tuy mang tâm hồn của người Âu Tây, lại nói và viết thông thạo tiếng Mẽo, lẽ ra, con phải là người Mỹ mới đúng. Nhưng, con lại trót đeo cái thể xác An-nam-mít, đó cũng là điều nghịch lý, chướng ngại cho cái tiền đồ xán lạn của con. Được, thể theo nguyện vọng tha thiết của con, ta sẽ biến con thành A-me-ri-ken ngay lập tức. Úm ba la... biến!
Câu chuyện kết thúc ra sao, thì có lẽ các bạn đoán biết được dễ dàng.
Sau khi trở thành một người Mỹ chính cống thì sư được cấp chiếu khán để trở về Hoa Kỳ. Tại một xứ sở văn minh và thực dụng ấy, chắc hẳn sư sẽ phát huy toàn bộ khả năng lây lất của mình, dưới cái tên khác, lý lịch khác, lốt vỏ khác. Điều đáng mừng cho chúng ta là, từ nay chúng ta loại trừ được một phần tử cơ hội, một kẻ mất gốc, một gã bất tín, mù lòa.








CHUYỆN THẬT NHƯ BỊA - Châu Thanh cư sỹ

CHUYỆN THẬT NHƯ BỊA
Châu Thanh cư sỹ





Bác Quẹo kể chuyện:
Lần nọ, tôi lén mở tủ định thuổng một ít tiền để gầy sòng, nhưng không trót lọt. Sau đó, mụ vợ chì chiết dữ dội chẳng khác chi chà bàn chải lên mặt. Không còn đường nào khác, tôi lẳng lặng vác khăn gói lên chùa. Ở lì cả nửa tháng.
Lần khác tôi cùng bốn thằng bạn thuộc dân bợm chính cống chơi tới tám lít đế. Say quắt cần câu và quậy suốt đêm. Hàng xóm bực mình, gọi cảnh sát. Cuối cùng tôi và các chiến hữu bị nhốt ba ngày, chỉ được tạm tha khi có chữ kí bảo lãnh của bà chằng. Tôi giở trò cũ, lên chùa nằm vạ.
Lần khác nữa, tôi léng phéng tỏ tình với cô láng giềng, hẹn hò rủ nhau tắm biển Lăng Cô, mụ vợ cùng bầy con gái bắt tại trận, hết lý do cãi chày cãi cối. Quá xấu hổ, tôi làm mặt giận, đạp xe lại lên chùa.
        Đối với tôi, chùa là nơi trú ẩn an toàn đệ nhất. Nơi mà ta có thể trốn tránh ba cái sự đời oái ăm tréo cẳng ngỗng, lâm li bi đát, khiến não lòng tím gan tím ruột. Chùa như vòng tay rộng lượng của bà mẹ luôn luôn dang ra để chào đón những đứa du tử trở về.         
Chùa nghĩa là nơi dung nạp tất cả mọi thành phần mà không tra xét lý lịch (Đây là nói chuyện ngày xưa!). Ôi, cái bóng từ bi của Đức Phật sao mà dễ chịu, bao dung đến thế. Về phần tôi, được thầy trụ trì cưng chìu, tôi trở nên phách lối. Ăn no rồi ngủ. Ngủ suốt ngày, đến bữa cơm có mấy chú gọi dậy. Rồi lại ngủ tiếp. Dường như ngủ là công việc đáng làm nhất cho một kiếp người quá ư lòng thòng và chộn rộn.
Nhưng, ngủ hoài hủy thì đâu có được? Bưa mắt thì thôi chứ.
Tôi đành thả rong một vòng quanh làng, xem thử gặp con bé nào khơ khớ mà nghễ cho đỡ rầu. Chậc, gái nhà quê chân đất dù đốt đuốc ban ngày kiếm cũng không ra. Chúng nó bận rộn việc lúa má, nấu cơm kho cá, chứ đâu có rảnh mà nhơn nhơn để ta nghía ngắm lai rai? Thất vọng, tôi định kiếm xó quán cóc nào tợp vài xị một mình mà cảm thán nỗi cô đơn vĩ đại đang bâu xé ruột gan thành những bài thơ bất hủ cho nền văn học nước nhà. Đang lúc loay hoay lựa chọn một quán rượu nào trữ tình để nhâm nhi mà sản xuất những tác phẩm lưu truyền hậu thế và ghi vào văn học sử, thì tôi chợ sờ túi quần té ra mình chẳng mang xu teng nào cả. Lạ nước lạ cái ai mà cho ký sổ. Thôi đành ca bài tẩu mã. Rút lui cố thủ tại... chùa, tức là ngủ nữa, hoặc đi ra đi vô, cố tránh đụng đầu mấy chú điệu. Ờ, lỡ va phải mấy chú điệu ắt là đau điếng vì mấy ổng đâu có tóc?
Để giết thì giờ thiệt mau lẹ, thần tốc, chớp nhoáng, tôi rủng rỉnh rảo một hai ba vòng quanh vườn chùa. Tôi bứt hoa bẻ lá, rồi hái mấy trái khế ngọt nhấm nháp cho đỡ ghiền. Chà, ổi xá lỵ nữa. Nào sa-pô-chê hườm hườm, tôi đều ngắt xuống nhai rau ráu, cả những trái bứa xanh chua lè chua lét. Khi mà trái cây trong vườn chùa bị vặt trụi lụi thì tôi thất nghiệp, chả biết kiếm việc gì để quậy cho qua những khoảng trống rỗng.
Cuối cùng, tôi phải kiếm dăm ba tạp chí tào lao đọc cho đỡ trống trải. Đại loại như Phổ thông, Thời nay, Văn, Tuổi xanh, Tuổi xồn xồn, Phụ nữ ngày mai... tôi đều vơ vội mà ngấu nghiến mặc dù chẳng biết đọc để làm chi. Bởi vì đọc quá lẹ nên những tòa báo xuất bản không kịp, tôi đành lân la sang tủ kinh sách của thầy trụ trì. Thật ra, chỉ toàn là kinh sách tặng biếu mà thầy dẫu có thiện tâm thiện chí cũng không bao giờ ghé mắt nhìn qua, vì những duyên sự cúng kỵ, tiếp khách, kinh doanh đã chiếm hết thời gian quá ư ít ỏi của thầy.
Như vậy, tôi đâm ra ghiền xem sách, đọc kinh hồi nào chẳng rõ. Điều khiến tôi kinh ngạc hết sức là: té ra đạo Phật huyền diệu, uyên áo biết bao! Hèn chi những người trẻ tuổi sẵn sàng vứt bỏ cả tương lai đầy hứa hẹn mà cạo đầu trọc lóc, vận nâu sồng, thoát ly gia đình, bồ bịch, bỏ cả tài sản, danh vọng để tìm cầu chân lý, thông qua những kinh điển còn tàng trữ trong Đại tạng.
Như cậu bé A-la-đin lạc vào một kho tàng chứa đầy châu báo óng ánh, rực rỡ, với vô số ngọc ngà, kim cương, hổ phách mã não, san hô, xà cừ... tôi vô cùng thích thú đến ngỡ ngàng khi bước vào thế giới kinh điển nhà Phật. Nào đại thưa, tiểu thừa. Nào ba thời tám giáo, tạng, thông, biệt, viên. Nào xe dê, xe hươu, xe trâu, xe trâu trắng. Nào bát-nhã, nào trung quán, duy thức, hội tam quy nhất. Thực sự tôi sửng sốt choáng ngợp trước gia tài đồ sộ, uẩn súc, phong phú, và dĩ nhiên vô cùng quý báu mà Phật tổ để lại cho chúng sanh.
Tôi ráo riết học chữ Nho một cách say sưa dường như không một sức mạnh nào cưỡng lại nổi. Từ đó, tôi vô cùng ân hận về sự hoang phí thời gian, sức lực, tuổi xuân của mình vào những chuyện tào lao dịch bọp trước đây. Sờ lên đầu, tóc lốm đốm ngả màu bông gòn, tôi lại càng dụng công gắt gao hơn nữa, lúc nào cũng thở than với chính mình là đã quá muộn, nhât là khi nhìn lên tủ kinh với hơn 100 cuốn Đại tạng như một mảnh đất màu mỡ mà mình chưa khai phá, như một khung trời rộng lớn mà mình chưa bay đến tận cùng, như một cánh rừng bạt ngàn mà mình chắc chắn phải lặn lội và dò dẫm một cách hạnh phúc.
Tôi thực sự ăn ngủ, hít thở, nô đùa và rong chơi cùng những thánh nhân, triết gia, hiền giả... ngày này qua ngày khác mà không bao giờ biết chán mệt. Lũ bạn bè nhậu nhẹt cờ bạc, gái ghiếc tự nhiên tránh xa dần. Những lạc thú trần lụy, nhầy nhụa tự nhiên chẳng còn hấp dẫn nữa. Đúng như đức Khổng tử khi nghiên cứu Kinh Dịch đến độ ba lần rách gáy sách thì ngài nếm mùi thịt cá cũng không còn cảm thấy ngon dở.
Như vậy, ngoài những thời khóa niệm Phật rục rã, niệm chết bỏ, niệm tha thiết khẩn trương như ngày mai mình lìa bỏ cõi đời lục cục này, tôi chỉ còn một việc duy nhất là: nghiên cứu Đại tạng và trầm tư về những đề tài tư tưởng mà mình theo đuổi. Bởi lẽ chưa hề có ai thâm nhập Đại tạng mà không niệm Phật cả.
Các người học Phật sẽ dễ dàng phát hiện một chân lý rất xưa cũ, và cũng rất vĩ đại, vĩnh cửu, đó là: mọi con đừờng Phật pháp đều đồng quy một điêm: Niệm Phật, Niệm công đức Phật, quán niệm tướng hảo của Phật, mà trong đó thì xưng niệm hồng danh Như Lai là thù thắng đệ nhất. Do vậy, từ một học giả đam mê nghiên cứu, tham bác Đại tạng, tôi đã trở thành hành giả  niệm Phật tự hồi nào chẳng hay.
Lớp bằng hữu chí cốt bỗng nhìn tôi như thằng hủi đóng trò. Mụ vợ thầm đánh giá tôi như thằng điên. Ai nấy đều dò xét tôi với anh mắt nghi ngờ pha lẫn chút ganh tỵ. Nhưng, cóc cần. Tôi chẳng ngán gì sất, vì thi sỹ Vi-Đề-Hy bảo: “Mặt đất ung thư, phố phường ung hủi, vườn ruộng ho lao, tâm thần lẫn Sida cả chùa chiền, học đường, cơ quan giáo xứ”.                        
Cho nên tôi phải tự cứu mình bằng những hớp cam lộ tự miền tịnh độ. Và càng ngày tôi càng cảm thấy Liên trì gần gũi, thân thương như những tờ kinh trinh nguyên thơm phức những hàng chữ thiêng liêng, thánh thiện.
Bây giờ, chùa không còn là lô-cốt an toàn để tôi trú ẩn nữa, mà dưới mắt tôi, chùa phải là một thao trường để huấn luyện những vị Phật tương lai, và nhà chùa là một Đại học đường khiêm tốn, âm thầm đào tạo những người học Phật chân chính, kiêm hành giả quyết tử cho pháp môn niệm Phật. Chấm Hết.

* * *
Nhưng, (thật là đau khổ cùng tột khi phải viết ra những dòng này) niềm lạc quan sâu sắc và lớn lao của tôi đột nhiên bị vỡ tan như bọt xà bông Sài Gòn gặp phải ánh nắng mặt trời, lúc tôi bắt gặp một sự thật chua xót đến độ có thể lấy ngọn dao cau cắt phăng cần cổ: sự thực đó là, tất cả mọi ông thầy tu đều không bao giờ đọc kinh!
Từ một chú điệu tập tễnh tán tụng, đến một ông sa di vừa khoác y vàng hay một vị tỳ kheo lão làng nhiều vai vế, cả đời không bao giờ rớ tới cuốn kinh. Đối với họ, dường như kinh điển là kẻ thù nguy hiểm đối với cuộc sống. Và họ dị ứng kinh điển như kẻ trộm cướp dị ứng công an, cảnh sát. Ôi, tội tình làm sao cho đức bổn sư khi con cháu dòng Thích ngủ quên trên tri kiến Như Lai.
Bị hụt hẫng chẳng khác nào người lính chiến mải mê xung phong bỗng rơi sụp xuống hố thẳm toàn là mìn claymore dày đặc, tôi đau điếng người tưởng chừng như trên cõi đời này không còn thứ gì có thể đau đớn hơn.
Hơn cả bị thiến. Hơn cả bị vợ bỏ. Hơn người phạm nhân trước vành móng ngựa nghe “Quý Tòa” tuyên bố bản án tử hình. Tôi mất ăn bỏ ngủ suốt cả tháng ròng, ngày nào cũng ngồi thừ người nhìn sững vào bức tượng Bổn sư cùng tủ kinh Đại tạng mà tự hỏi phải chăng Ngài cùng lời dạy của Ngài đang trở nên vô tác dụng trong thế giới đảo điên, hoang vắng đến cùng cực này?
Tôi hóa ra kẻ lạc lõng ngay chính trong cái nôi của đạo Phật.
Tôi nói quá cường điệu chăng?
        Không! Bạn hãy nhìn vào chùa X hoặc chùa Y, chùa Z chẳng hạn. Ngoài những vị lớn tuổi thuộc cha chú quanh năm tíu tít với việc hành nghề tang mõ, sớ điệp, những vị tuổi trẻ thì đua đòi học Anh văn như là thứ thời trang bắt mắt nhất của người tu sĩ thời đại. Suốt mấy năm liền, cả ngày bận bịu với học toán, lý, hóa, sinh và học tiếng Anh. Có mấy khi cầm cuốn kinh đâu?
Đã thế, cả hai thời khóa công phu cũng bị phế bỏ luôn, vì lý do rất chi là chính đáng: bận học, bận thi, bận lấy chứng chỉ vân vân... Bằng cấp và năng lực Anh ngữ dường như là điều kiện tiến thân ngay cả trong giới xuất gia ư?     
Thành quả của cái học thế gian, là thước đo duy nhất cho sự thể hiện tâm linh chăng?
        Cùng chia xẻ những cảm thức nầy thì có chú Lý ở chùa W. Theo chú Lý, chúng ta rất hiếm khi bắt gặp một người xuất gia đang cầm cuốn kinh. Đó là một sự thật bi thảm đến độ ứa nước mắt.
Tôi dám đánh cuộc với chú rằng: rồi sẽ có một ngày đẹp trời nào đó, những người xuất gia chắc chắn phải có những sinh hoạt liên hệ tới kinh điển nhà Phật.
Chú Lý cười, nói chắc như đinh đóng cột:
-Không, anh đừng ảo tưởng mà lộn cổ xuống ao, họ không hề quan tâm gì tới cuốn kinh nào hết. Ho vô cùng đa năng đa hiệu, tháo vát và xông xáo trong mọi lĩnh vực, ngọai trừ... nghiên cứu và đọc tụng kinh điển!
        Tôi làm quen với thầy chùa W và để ý nếp sống hàng ngày của quý thầy.
Như thầy K chẳng hạn. Không bao giờ thức dậy sau bảy giờ sáng. Đi học Anh ngữ đến trưa. Chiều thì đi tới bước lui trong sân với cặp earphone cập kè bên hai lỗ tai. Thậm chí lúc ăn cơm, hoặc quở mắng mấy chú điệu, khi nào cũng lè kè... cái earphone! Khiến tôi tưởng tượng ra hình ảnh của tu sĩ tương lai là một rô-bốt trọc đầu, trên đỉnh đầu là cần ăng-ten, hai tai choàng cặp earphone, trước ngực là màn hình vi tính. Tu sĩ rô bốt này sinh hoạt theo những bộ óc diện tử được điều hành theo chương trình soạn thảo từ trước!         
***
***

Thế mà, buổi trưa nọ trời hanh hanh nắng, tôi bắt gặp thầy K ngủ trưa với một cuốn kinh dày cộm che trên mặt. Mừng quá. Tôi vội vàng kéo chú Lý đến, hí hửng:
- Chú thua cuộc rồi, chắc chắn, bữa nay tôi thấy thầy K đọc kinh!
Chú Lý trừng mắt nhìn tôi như nhìn quái vật từ ngoài vũ trụ xuất hiện:
- Láo! Không thể tin được!
Tôi nổi dóa, cãi:
- Chính mắt tôi nhìn thấy thầy K úp mặt bằng cuốn kinh dày, bìa cứng, gáy mạ vàng đàng hoàng. Chú không tin ư?
Vừa nói, tôi nắm lấy tay chú Lý kéo đến cạnh giường thầy K.
Ô kìa, thầy đang thở đều đặn trong tư thế thoải mái. Và điều quan trọng nhất đối với tôi là: cuốn kinh dày, bìa cứng, gáy mạ vàng đang úp trên khuôn mặt đờ đẫn của một thanh niên dư thừa sinh lực. Tôi sung sướng đến độ muốn hét vang, muốn la thật to với nỗi xúc động đang trào dâng cả buồng tim lá phổi.
Nhưng, chú Lý vẫn bình tĩnh, đeo cặp kính cận vào, ghé mắt nhìn.
Chú cười hì hì, rồi đưa tay nâng nhẹ “cuốn kinh” lên dí sát khuôn mặt nhơn nhơn của tôi.
Tôi bật ngửa. Tá hỏa tam tinh. Đọc nhanh: KỸ THUẬT TRỒNG CÂY LƯU NIÊN.
Bên dưới ghi hàng chữ nhỏ hơn: ít vốn, lãi nhiều.
***
Bác Quẹo vừa kể xong, tác giả (cuốn sách này) hét toáng:
- Láo toét, làm gì có một vị tỳ kheo như thế
Bác liền cười:
- Vâng, tôi chân thành ước mong rằng, câu chuyện vừa rồi chỉ là lời bịa đặt của một kẻ mộng du giữa ban ngày mà thôi. Khà khà...
Quý thầy vẫn xem kinh điển là lẽ sống đấy chứ?

Châu Thanh cư sỹ






CÁI PHƯỚC THẬT SỰ VÀ LỚN LAO NHẤT

CÁI PHƯỚC THẬT SỰ 
VÀ LỚN LAO NHẤT


Thế nào là Có Phước thật sự?
Tiền bạc nhiều? Làm quan to gươm dài súng ngắn? Danh vang bốn biển? Sắc đẹp được thiên hạ trầm trồ ngưỡng mộ?
Theo cái nhìn của Đức Phật thì: Tất cả những thứ kể trên đều là nguồn gốc của đau khổ. Là ảo ảnh nhất thời khiến chúng sanh mãi quờ quạng trên bờ mê chấp. 
Cho nên trong một bài giảng, Thầy Thích  Tánh Tuệ đã thấm nhuần lời dạy của đức Thê Tôn, bảo rằng:
“Quan niệm, nhận thức của con người về phước (phúc) và họa hay may và rủi, được và mất, lợi và hại rất chủ quan. Bản chất của phước, họa cũng như mọi điều khác trong thế giới sự vật, hiện tượng từ vật chất cho đến tinh thần đều là duyên sinh, không có thực thể, thực tướng|. 
Để kết luận, Thầy Thích  Tánh Tuệ định nghĩa về cái phước như sau:
Cái phước thật sự, là đủ nhân duyên để hành trì một pháp của Phật và sau đó làm chủ được tâm mình, không bị những thành bại, được mất, hơn thua làm cho bận lòng, làm cho phiền não. 
Robert Poduna Vac, một người đàn ông Mỹ đã gần 70 tuổi, chuyên viên phần mềm cao cấp của một công ty nổi tiếng, hôm nọ du lịch Việt Nam, tình cờ gặp một phụ nữ không còn trẻ nữa, gần 40 tuổi, nghèo khổ, quê mùa, qua một đời chồng với ba người con, hành nghề rửa chén bát trong một hiệu ăn nhỏ ở Saigon. Ông ta bỗng cảm thấy rung động, say mê không cưỡng lại được, đến nỗi theo người phụ nữ ấy về quê nàng sinh sống. Tự nguyện bỏ quốc tịch, tôn giáo và cả nếp sống cố hữu của mình để sống theo Nàng. Hy sinh tất cả vì Nàng. Khi Nàng hỏi tại sao anh lại làm thế, tại sao răng rứa ri tê nọ, thì ông ta chỉ nói đơn giản: “Tại vì Tôi yêu em”.
Không có câu nói nào đầy đủ ý nghĩa cho bằng câu nói ấy.
Và câu chuyện “Người Mỹ trầm lặng trên đồi Buông” trích sau đây, chính là câu trả lời đúng đắn cho chúng tôi khi đi tìm những người có phước lớn lao và có phước thật sự đang sống trên mặt đất gần gũi và không mấy tươi xanh này. Và đây, đối với chúng tôi, là văn bản đáng đọc nhất để biêt về một người có phước trên đời. Trong đó, hãy ghi nhớ câu này:
“Mỗi ngày hai thời, ông mặc áo lam, cầm xâu chuỗi đứng niệm Phật. “A di đà Phật”        
Thế là đủ. Nam mô A Di Đà Phật…                
Robert Poduna Vac là một người đàn ông đầy đủ phước báo. Có phước báo tâm linh thực sự. Ông ta đến Việt Nam chơi, tình cờ hay nhân duyên sắp đặt, ông đã gặp Tình Yêu và may mắn hơn nữa, hi hữu hơn nữa, ông ta đã gặp được Thiện tri thức chân chánh bày cho mình Pháp môn Niệm Phật
Mời các bạn đọc qua văn quý báu ấy:




Người Mỹ trầm lặng trên đồi Buông

Ông Robert đặc biệt thích cho gà, vịt ăn
Robert Poduna Vac hay ngồi bệt trước hiên nhà nhìn ra khu đồi trước mặt, nơi đó có vạt rừng keo và cau do chính ông tạo dựng nên. Dáng ngồi và khuôn mặt bình thản của Robert gợi cho người ta cảm giác ông đã thuộc về nơi này từ lâu lắm…
Lúc tôi đến, ông mặc một chiếc áo lam của người Phật tử, tay cầm tràng hạt, mắt chăm chú nhìn lên tượng Quan Âm toả hào quang điện chấp choá trên tường. Ông đang đắm chìm trong một cảnh giới không thể quấy rầy.
Vì tôi yêu em
Nhà ông ở trên đỉnh đồi Buông, thuộc một xã miền núi hẻo lánh của Quảng Nam, xã Tam Lãnh (Phú Ninh). Tại sao một chuyên gia phần mềm của một công ty lớn ở Washington, lại từ bỏ tất cả để đi làm nông dân ở chốn rừng núi này, thật khó giải thích. Mỗi người nói mỗi kiểu, riêng Nguyễn Bích Giang, cô gái đầu của người phụ nữ sắp là vợ Robert, giải thích hơi lạ: “Kiếp trước ổng nợ mẹ em nên kiếp này ổng phải trả”..
Giang nói: “Ổng từ bỏ quê hương, tiện nghi, tiền bạc, thậm chí bỏ cả đạo gốc (Robert đã cải đạo Thiên Chúa sang đạo Phật) để theo mẹ em, một phụ nữ đã có đời chồng, ba đứa con, nghèo xơ xác làm nghề rửa bát thuê. Ổng sống chung với mẹ ba năm rồi nhưng tối ai ngủ giường nấy, ổng ngủ một mình còn mẹ ngủ với em. Ông hy sinh tất cả vì mẹ mà không đòi hỏi điều gì cả”. Bà Lữ Hà Thy Nhơn (1969), vợ sắp cưới của Robert, cũng thú thật như vậy: “Robert bị tai nạn giao thông dẫn đến đau cột sống, không thể ân ái vợ chồng được…”                  
Bà Nhơn cũng tiết lộ, Robert coi điều đó là một thiệt thòi cho bà, thỉnh thoảng ông đưa bà cả chục ngàn USD và khuyên bà nên đi chơi đâu đó. Nhưng Bà không muốn phụ ông, một người bà coi như đấng cứu nạn của đời mình.   
Robert đã biến cô lọ lem Thy Nhơn nghèo xác xơ thành một “công chúa” ở đất Tam Lãnh này. Ngày trước bà Nhơn chỉ có một túp lều dưới chân đồi, trong đó ngoài cái giường tre không còn gì nữa cả. Robert đã sắm cho gia đình bà từ… cuộn giấy vệ sinh sắm lên. Ông bỏ tiền đổ đất nền lên cao và dựng lên đó một ngôi nhà khang trang thuộc loại nhất nhì của Tam Lãnh bây giờ. Ông chuộc lại toàn bộ đất đai (3ha) mà ngày trước vì túng thiếu mẹ bà đã bán, và dựng lên đó một trang trại với rừng keo, cau xanh ngát, với hàng trăm con gà, vịt, bồ câu… Ba đứa con bà được ông sắm sửa từ cái áo, cái quần, ông đi hỏi vợ cho cậu con trai giữa và chuẩn bị làm đám cưới cho cô con gái đầu của vợ, Nguyễn Bích Giang. Ông làm tất cả những điều đó, với số tiền chi ra bằng gia tài một người giàu có ở Quảng Nam để được gì? “Nhiều khi tôi cũng thắc mắc như vậy, nhưng ông chỉ nói đơn giản, vì tôi yêu em”, bà Nhơn kể.
Âm thanh của sự trầm lặng
Robert về quả đồi này được bốn năm. Cả xã hầu như không ai nói được tiếng Anh (trừ vợ ông), ông không biết tiếng Việt. Vì vậy Robert có lẽ là người ít nói nhất của Tam Lãnh. Mỗi khi khách đến nhà, vợ ông huyên thuyên, còn ông theo thói quen ra ngồi bệt trước hiên nhà, hút thuốc và nhìn ra rừng. Bà Nhơn nói, Robert không thích ồn ào, mỗi khi đi đâu, ông đều khuyên nên chọn chỗ yên tĩnh.
Robert ít nói nhưng không hề lãnh đạm với mọi người. Do nhà có chăn nuôi nên hay thuê phụ nữ chung quanh đến thái chuối cây để làm thức ăn cho chúng.      
. Những ngày đầu thấy bà con ngồi bệt xuống đất làm việc, ông lẳng lặng lấy xe máy chạy 30km đường núi xuống Tam Kỳ (tỉnh lỵ của Quảng Nam) mua một lô ghế nhựa nhỏ đem về cho bà con ngồi. Những nông dân đến làm thuê cho ông, ông không nói chuyện với ai nhưng không hề quên ai. Có lần một người đang làm bị ốm phải nghỉ. Thấy anh ta không đến, ông hỏi vợ rồi vào lấy mấy trăm ngàn đồng đưa vợ bảo đem đến cho anh ta uống thuốc.        
Qua trường mẫu giáo thôn thấy bàn ghế các em xập xệ, ông làm thinh về lấy mấy triệu đồng qua cho trường để sửa chữa. Một lần nghe bà con định tu sửa lại cái miếu thôn, ông đưa tiền cho bà con mua vật liệu và đích thân đi mua sơn về bỏ hai ngày lụi cụi sơn lại miếu. Các cụ bô lão trong thôn sững sờ.
Chốn về của kẻ độc hành
 “Chúng ta về quê em sinh sống đi”, ông đề nghị bà Nhơn khi hai người đang ở Sài Gòn.
“Thế còn công việc của anh, về đó chúng ta lấy gì mà sống?”
“Tôi xin nghỉ việc công ty. Em đừng lo, tôi có điều kiện để em sống một đời không lo lắng”.
“Nhưng anh thích điều gì ở đó?”
“Tôi thích sự tĩnh lặng của nó”.
Ông về hôm trước, hôm sau bà con đã thấy ông ra đồng. Nhà bà Nhơn có mấy sào lúa, từ cày cấy, đổ nước, gặt hái…ông tham gia hết. Với tiền bạc của mình ông dễ dàng trở thành một đại điền chủ của Quảng Nam. Nhưng không, ông chắt chiu từng hạt lúa trên đám ruộng của mình. Những trưa nắng như đổ lửa, bà con thấy ông đầu trần, vận mỗi cái quần đùi, lết bàn chân đi tới đi lui trên sân để đảo lúa cho khô. Ông phơi phóng, gìn giữ từng hạt lúa không phải cho mình vì ông chưa… ăn cơm được.               
Ngày ngày, khi gà trong thôn vừa gáy, ông đã dậy, vác cuốc ra đồi chăm lo rừng keo, rừng cau, dựng cây này lên, bón gốc cho cây kia. Đang làm, sực nhớ điều gì, ông tất tả chạy về. Ông lấy cái ô lúa mà vợ đong sẵn hú gi gà, vịt, bồ câu đến để cho ăn. Có lần chuyên gia phần mềm Robert cho gà, vịt ăn đến suýt chết vì quá nhiều, con nào con nấy diều phồng lên cứng ngắc, đi không nổi. Từ đó, bà Nhơn phải đong khẩu phần gà, vịt cho Robert…
Trang trại cho thu nhập bao nhiêu, Robert không cần biết. Điều Robert cần là được làm công việc của một nông dân. Robert ước ao được chết như một… nông dân, nghĩa là có cái mộ.
Bà Nhơn biết điều này qua một lần Robert tâm sự:
-“Ở bên Mỹ khi chết thiêu xác mang tro rải biển, thấy lạt lẽo cuộc đời quá. Tôi muốn được như người dân quê em, có một ngôi mộ, nhỏ cũng được, nhưng là cái còn lại của mình sau cuộc đời này”.
Một lần Robert về Mỹ, bà Nhơn im lặng kêu người xây một ngôi mộ cho ông bên cạnh cái trang trại với rừng cây, gà vịt mà ông tạo dựng nên. Khi trở lại biết chuyện này ông khóc nức nở vì cảm động: “Em đã toại nguyện một mong muốn lớn nhất của đời tôi. Cả đời này tôi mang ơn em”. Bên ngôi mộ mình, ông tâm sự đã từng có một người vợ, từng tha thiết mong những đứa con. Nhưng vợ ông ba lần mang thai ba lần hỏng vì cô nghiện rượu. Ông ly dị vợ và sau đó bị tai nạn giao thông, chuyện có con coi như khép lại vĩnh viễn. Vì công việc ông sống nhiều nước, nhưng đi đâu ông cũng cô đơn, cũng thấy thiếu vắng. Chỉ có ở đây, ở đồi Buông này, mà ông hiểu theo tinh thần đạo Phật là buông xả tất cả, ông mới thấy lòng mình yên tĩnh. Đêm đêm theo lời khuyên của bà Nhơn, Robert đem máy cassette ra một mình mở băng kinh Phật “cho ấm ngôi nhà mai sau”.            
Ông rất hay đi chùa. Đến đâu ông cũng cúi đầu lạy Phật thành kính. Mỗi ngày hai thời, ông mặc áo lam, cầm xâu chuỗi đứng niệm Phật. “A di đà Phật” là bốn tiếng Việt duy nhất mà ông thuộc và sử dụng hàng ngày.
Robert Poduna Vac vừa xin được Giấy chứng nhận độc thân từ đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Ông cần thủ tục này để làm hôn lễ với bà Nhơn. Một đám cưới có phần kỳ lạ, đám cưới mẹ lại diễn ra sau đám cưới con (Bích Giang), chú rể 73 tuổi, cô dâu 41 tuổi, đám cưới thì có, động phòng thì không.

***

Sunday, April 13, 2014

THÂN LOAN và Tịnh Độ Chân tông

THÂN LOAN và Tịnh Độ Chân tông

TỔ KHAI SÁNG

          Ngài Thân Loan (Shinran: 1173-1262) là Tổ khai sáng Tịnh Độ Chân Tông, nhưng cách gọi như thế e không được đúng với bản nguyện của Ngài, vì chính Ngài không có ý định trở thành là Tổ khai sáng một tông phái. Đúng hơn, Ngài chỉ là người mở đường cho Chân Tông thì có lẽ thích hợp hơn. Điều này chính Ngài Thân Loan cũng có xác nhận là không thâu nhận đệ tử. Ngài căn cứ vào những lời dạy của đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni theo đúng truyền thống Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa cũng như Nhật Bản để làm sáng giá cho Phật giáo.
Ngài sanh trưởng trong một gia đình quyền thế thuộc dòng dõi Fujiwara (Đằng Nguyên), hệ phổ Hinokei (Nhựt Giả Da), Ngài xuất gia năm lên 9 tuổi và tu hành tại núi Tỷ Duệ. Nhưng tại đó Ngài vẫn cảm thấy còn nhiều nghi vấn chưa được giải đáp thỏa đáng. Năm lên 29 tuổi, Ngài tự ý rời khỏi núi Tỷ Duệ và trong khoảng thời gian đó được xem như một chuyển biến quan trọng nhất trong đời tu hành của Ngài. Trước khi rời khỏi núi, Ngài đến vùng Yoshimizu (Kiết Thủy) thuộc Kyoto thuyết giảng pháp môn niệm Phật và cũng chính tại đó, Ngài đã gặp được Ngài Pháp Nhiên. Từ đó trở đi sự hình thành của giáo đoàn niệm Phật bắt đầu, đã khiến cho nhiều người trong cựu giáo đoàn không mấy có cảm tình, đã tìm cách gây áp lực, ngăn cản người niệm Phật. Ngài Pháp Nhiên (Honen : 1133-1212) phải lánh sang vùng Dosaku (Thổ Tạ); còn Ngài Thân Loan thì bị lưu đày đến vùng Ichigo (Việt Hậu). Một thời gian sau, tình sư đệ vĩnh viễn cách ngăn. Ngài Thân Loan khi lưu lạc tại Ichigo đã thay đổi cách sinh hoạt một cách quan trọng đáng kể. Đó là việc Ngài kết hôn với ni cô Huệ Tin, tạo lập nếp sống gia đình và sinh con đẻ cái.
Chính trong giới Phật Giáo lúc bấy giờ cũng chưa hề nghĩ tới việc cải cách như vậy có thể thực hiện được, vì quá đột ngột, mới mẻ. Song Ngài Thân Loan vẫn bạo dạn vượt qua tất cả, đề xướng ra Phật giáo tại gia. Công việc được tiến hành trong thời gian 5 năm và cũng chính trong thời gian đó thầy bổn sư Pháp Nhiên tạ thế. Ngài suy tính muốn trở về lại Kyoto. Tuy nhiên, năm 42 tuổi, Ngài cùng với vợ con là Tín Liên di chuyển tới vùng Hitachi (Thường Lục).
          Lúc đó tại vùng Quảng Đông-Tokyo là thời kỳ thuộc chính quyền Kamakura mới vừa thành lập. Giai cấp võ sĩ có thế lực mạnh chi phối tất cả nên sinh hoạt của giới bình dân gặp rất nhiều khó khăn. Cũng chính tại đó, Ngài thực hiện được công cuộc truyền đạo một cách đáng kể. Lúc 52 tuổi, Ngài viết bộ "Giáo Hành Tín Chứng" (Kyogyo Shinsho) gồm 6 cuốn. Tín đồ Tịnh Độ Chân tông đều dựa vào bộ sách ấy để hành trì và tôn quý như kinh điển chính. Khi bộ sách hoàn thành được xem như ngày thành lập Chân Tông vậy.
          Gót chân hoằng hóa của Ngài tại vùng Quảng Đông ngót gần 25 năm, và rồi năm trên 60 tuổi, Ngài mới trở lại Kyoto.
Nhưng vào những năm cuối cùng của cuộc đời, Ngài không có được những chuỗi ngày thanh thản, bình an. Từ lúc 80 tuổi, Ngài còn phải lặn lội trải qua 5 năm tại vùng Quảng Đông, vì những người niệm Phật bị đàn áp, trong số có hai đệ tử là Tánh Tín Phòng và Chân Phát Phòng đều bị bắt đưa về vùng Kamakura. Việc này Ngài biết rõ, chính người con trai là Thiện Loan đã can dự vào, nên ngài không nhìn nhận là con nữa. Đối với những sự tranh chấp giữa những người niệm Phật như thế, thỉnh thoảng Ngài có viết thư khuyên giải họ. Việc làm này mãi đến nay còn lưu lại trên 40 bức thơ liên hệ do chính Ngài viết.         

ĐỨC PHẬT TÔN THỜ
          Chân Tông thờ hình Đức Phật A Di Đà (bức họa hay tôn tượng) là vị Phật chính. Ngài Thân Loan cũng thường hay viết danh hiệu ấy cho các đệ tử thọ trì. Danh hiệu đức Phật A Di Đà có ba hình thức khác nhau là: “Nam mô A Di Đà Phật” gồm trong 6 chữ. “Quy mạng tận thập phương Vô Ngại Quang Như Lai” gồm 10 chữ và “Nam Mô Bất Khả Tư Nghì Quang Phật” 8 chữ. Nhưng danh hiệu 10 chữ và 8 chữ đã được bao hàm trong danh hiệu 6 chữ, chúng ta chỉ nương vào sự cứu độ của đức Phật A Di Đà để thọ trì danh hiệu 6 chữ cũng đầy đủ vậy.

GIÁO LÝ

          Phương pháp dạy đạo của Ngài Thân Loan có phần khác biệt với lề lối thông thường, vì Ngài nhắm thẳng vào giới Phật tử tại gia hơn. Trong thâm tâm Ngài tự cho rằng không có gì khác biệt giữa Tăng và Tục cả. Điều này có thể suy ra được từ chữ Toku (trong chữ Gotoku: ngu ngốc) có ngay nơi tự tánh. Sự thật, ngay khi rời khỏi núi Tỷ Duệ, Ngài đã nghĩ tới giữa Tăng và người thế tục không còn có sự khác biệt nhau nữa. Bỏ nhà cửa, bỏ cả sự ham muốn, vượt qua mọi chướng duyên để xuất gia vào trong núi sâu rừng thẳm chưa hẳn đã là Tăng.
Dù chủ trương như thế, Ngài vẫn không rời xa Phật pháp. Con người sống ở đời chỉ có hai điều ham muốn là danh dự và cái lợi chi phối, phải đắm chìm trong bi thương, oán hận. Trong sinh hoạt của nhân thế, không có sự thống khổ nào bằng, từ lúc mới sinh ra cho đến khi được bảo bọc lớn khôn, đầy đủ. Vì thế đức Phật dạy rằng con người phải tự tìm lấy một phương cách để sống trong sự chân thật.
          Ngài Thân Loan đã hình thành được nhiều nét thật đặc sắc trong việc giáo huấn. Sau đây là 5 điểm chính yếu:                 
1. PHẬT GIÁO TẠI GIA:
Trong trường kỳ lịch sử Phật giáo, Ngài Thân Loan chỉ mong làm sao để cụ thể hóa những công việc trọng đại này, một mình Ngài không thể nào làm nổi mà phải nhờ các nhà chuyên môn Phật học trợ lực, cũng như nhờ sự tiếp tay của Thanh Đức Thái Tử (Shotoku Taishi: 574-622) qua bộ sách "Tam Kinh nghĩa sớ" với một số ý niệm rõ ràng cho hàng Phật Tử hấp thụ được dễ dàng. Thánh Đức Thái Tử luận rằng, trong các sinh hoạt hàng ngày, đó chính là đạo Phật, và đó cũng là tinh thần nhập thể của Đại thừa Phật giáo. Nhờ tiệp dung được tư tưởng phóng khoáng này của Đại thừa nên con người hiện hữu của Ngài Thân Loan chính là con người thật như thế. Thường thường trong giới học Phật cứ nghĩ rằng, chỉ có người xuất gia mới là đệ tử chân chính của đức Phật, con người tín đồ tại gia thua kém xa về nhiều mặt. Nhưng Ngài Thân Loan lại cho rằng, xuất gia không những chỉ trên hình thức mà còn phải có tâm niệm xuất gia nữa mới là điều đáng quý. Ngài chủ trương con người chưa hẳn được cứu độ, vì bị phiền não che lấp bản tánh.              
Muốn được cứu độ phải thích ứng trong sự giáo huấn, và đó cũng chính là hạnh nguyện hay bổn nguyện của đức Phật A Di Đà. Như thế, ta không nên phân biệt giữa người xuất gia với người tại gia, cũng như người hiền và người ác, song chỉ có sự cứu độ bình đẳng nên Ngài Thân Loan không đưa ra lập trường của kẻ chỉ đạo mà chỉ đưa vào bổn nguyện của đức Phật A Di Đà. Hành giả không cần biết đến thân thế, sự nghiệp làm gì mà chỉ nên tiếp xử với bằng hữu, với người đồng hành hay với tất cả mọi người trong bình đẳng chân chính.
          Vượt ra ngoài phạm vi quốc gia, khu phố, thôn xóm, cần có sự hỗ trợ tương kính lẫn nhau trong tin yêu hòa hợp, nhất là làm thế nào cho tâm tư thể hiện được tinh thần hòa kính ấy.

2.       NGUYỆN NHỜ THA LỰC
          Phải nương vào nguyên lực của Phật A Di Đà cầu được độ thoát với ý niệm hương thượng, không thể sai lầm được, ví như một vật từ dưới thấp được nâng lên cao. Đó không phải là con đường cao cả của sự cứu độ là gì? Tha lực ở đây xin đừng hiểu lầm là trông cậy hoàn toàn vào sự may rủi không đâu!
Theo Ngài Thân Loan, tha lực chính là hồi hướng nguyện lực như trong lời thề nguyền của đức Phật A Di Đà mà hàng ngày đã thể hiện nơi ta. Tha lực ấy cũng chính là trí tuệ Phật, là lòng từ bi vô lượng tỏa rạng nơi ta, cho nên trong số chúng ta đâu cần xác định rõ các chủ thể chân thật, sau mới không có sự giao động, nhờ đó sự tự giác sẽ phát sinh.

3... LÒNG TIN LÀ YẾU TỐ CHÍNH
          Như đã nói, muốn có được tự giác phải có lòng tin thật kiên cố như kim cương mới được. Muốn thành Phật chúng ta phải so sánh công đức không thể nghĩ bàn của đức Phật A Di Đà đối với chúng sanh. Từ đó, chúng ta mới tin theo lời nguyện ấy được. Lòng tin là chất liệu cần thiết làm hành trang để đạt đến giác ngộ tối thượng. Các tông phái Phật giáo đều chỉ dạy rằng, muốn thành tựu Phật quả, chúng ta không thể không lập hạnh nguyện sâu bền. Đối với nguyện lực này, Ngài Pháp Nhiên đưa ra việc niệm Phật cầu được vãng sanh, đưa vào những lời nguyện của đức Phật A Di Đà làm minh chứng. Niệm Phật là xưng niệm danh hiệu, niệm được nhiều chừng nào, kết quả sẽ tốt đẹp chừng ấy.              
Nhưng niệm Phật không phải chỉ có việc trì chú không thôi, cũng lại chưa hẳn miệng chỉ đếm niệm được một số danh hiệu Phật là đủ. Ngài Thân Loan phân tích rõ nội dung của việc niệm Phật như sau: niệm Phật là phải phát lòng tin và xưng danh hiệu cho thật rõ ràng mới được. Đức Phật A Di Đà phát nguyện cứu độ chúng sanh, nên chỉ có công đức niệm Phật mới hồi hướng được như trong lời nguyện của đức Phật mà tiêu biểu nhất là Nam mô A Di Đà Phật. Vì bị phiền não che lấp chân tâm, nên chúng ta không thể thấy rõ Phật tánh được. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy ta cách xưng danh hiệu đức Phật A Di Đà để làm hiển lộ Phật tánh nơi mỗi người. Nếu niệm với sự thành tâm, chắc chắn sẽ được vãng sanh. Cái công đức trì danh niệm Phật ấy là của chính chúng ta, chứ không phải hoàn toàn do quyền năng của Phật. Vì thế, Ngài Thân Loan chủ trương, niệm danh hiệu Phật A Di Đà là điều rất dễ hiểu.
Danh hiệu Phật A Di Đà có thể niệm ở bất cứ nơi đâu, cũng như trong khi làm bất cứ công việc gì, trong sinh hoạt hàng ngày cũng đều niệm được cả, quý hồ là phải ghi nhớ mà niệm luôn luôn để được gần gũi đức Phật.                  
Điều đó chứng tỏ rằng cái giá trị thực tiễn của người Phật tử tại gia lại càng cần thiết hơn nữa.
          Lòng tin tưởng niệm danh hiệu Phật để trí tuệ Phật hiển lộ, vì việc tu hành của chúng ta là làm sao cho cái giá trị Phật tánh ấy được phát triển mãi. Căn cứ vào đó, Ngài Thân Loan cho rằng, nếu tin tưởng, chắc chắn sẽ được thành Phật và ngoài ra không còn cần phải hướng tâm niệm cao thượng nào khác.

4.  HIỆN TẠI KHÔNG LUI SỤT
          Trở lên bên trên là xác định lòng tin. Khi muốn đạt đến sự giác ngộ tối thượng, thì ngay trong đời này phải phát lòng tin mãnh liệt. Ngài Thân Loan căn cứ vào lòng tin, nêu ra những việc lợi ích thiết thực ngày trong đời này, nếu con người muốn vượt lên cao hơn.
          Tông Tịnh Độ chỉ dạy phương pháp cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc sau khi lâm chung. Hành giả phải nương vào mục đích tối thượng này, chắc không thể sai lầm vậy. Trong bộ "Giáo Hành Tín Chứng", Ngài Thân Loan nêu ra 10 điều lợi ích thiết thực ở ngay trong đời hiện tại. Chẳng hạn, muốn được sự cứu độ của Phật, chính ta phải phát lòng tin trong sáng để xác định là chủ thể đã có sự tự giác. Làm như vậy cũng chứng tỏ rằng có sự tiến triển được ghi nhận rất thực tiễn.

5.  BÀI TRỪ MÊ TÍN :
Như trên đã nói về sự lợi ích hiện tại có liên quan tới những điểm then chốt cần phải suy nghĩ. Vì thế Ngài Thân Loan luôn nhấn mạnh tới những sự lợi ích ở ngay trong đời này. Vấn đề vật chất hay phước báu không do sự mong cầu Phật Thánh mà được. Do đó, Ngài cương quyết bài trừ mê tín và nhấn mạnh, nếu muốn cầu cho tai họa tiêu, phước báu đều hoàn toàn có sự sai lầm. Thậm chí đến những sự tin nhảm thần núi, thần sông, thần cây cỏ, ngày tốt xấu, coi bói, xem tướng, nói về vận mạng v.v... Ngài đều phủ nhận tất cả.
Ở đời hễ khi nào điều bất hạnh xảy đến, con người lại tin vào Thần linh, bói toán. Nếu đạt được như nguyện, tức chuyển họa thành phước, sự mê tín lại càng trở nên mãnh liệt hơn. Nhưng ta quên rằng, điều đó đang phá hoại một phần lớn đời sống của ta thật tai hại vô cùng. Còn như đối với hạnh phúc, nếu cho rằng cầu nguyện Thần Thánh được sự ban phước, thì sự cố gắng của con người, cũng như vấn đề giáo dục trở thành không còn cần thiết nữa. Ngược lại nó càng làm cho con người trở nên đọa lạc trầm luân! Điều mà ai cũng nhận thấy rằng, sự mê tín làm cho con người không còn một lối thoát. Chính đó là lý do tại sao, Ngài Thân Loan cương quyết bài trừ mê tín vậy.
Phật giáo dựa theo lý nhân duyên, và chính ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi thiện ác của mình: cho dù có gặp khốn khổ cũng phải cố gắng vượt qua để chứng tỏ nỗ lực của mình. Chỉ có sự quyết tâm và nỗ lực ấy mới củng cố được niềm tin thêm vững vàng mà thôi.

          Khi nghe niệm Nam mô A Di Đà Phật, ta phát khởi lòng tin, bao nhiêu chướng nạn mê lầm đều tiêu tan để đạt đến mục đích tối thượng là con đường giải thoát. Ngài Thân Loan tin rằng, con người có thể sanh về cõi Tịnh Độ chắc chắn, nếu muốn báo ân Phật chỉ còn một cách hữu hiệu là niệm danh hiệu Phật cầu cho nhân loại hòa bình, cho những lời Phật dạy được truyền bá rộng rãi. Muốn được như vậy, cần đòi hỏi ở sự nỗ lực nơi mỗi chúng ta nhiều hơn.


Phật Pháp Căn Bản Trung Cấp